Tầm quan trọng và vai trò của pháp chế doanh nghiệp trong cơ chế thị trường

Sự cần thiết của pháp chế doanh nghiệp càng được khẳng định hơn bao giờ hết trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay. Nhằm đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình, các doanh nghiệp không thể không tìm tới các chuyên viên pháp chế. Vậy pháp chế doanh nghiệp có vai trò như thế nào? Cùng Học viện CEO Hà Nội tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Pháp chế doanh nghiệp là gì?

Pháp chế doanh nghiệp là người có chức năng xây dựng các Quy chế quản lý nội bộ trong Doanh nghiệp, bao gồm việc trực tiếp soạn thảo xây dựng các văn bản; quy chế nội bộ; tham gia đóng góp ý kiến, thẩm định ở góc độ pháp lý các văn bản này trong trường hợp Chủ sở hữu công ty, Lãnh đạo công ty đã xây dựng dự thảo và giao Bộ phận pháp chế đóng góp ý kiến.

Đồng thời, pháp chế doanh nghiệp là người đứng ra đại diện cho công ty, thay mặt công ty giải quyết các vấn đề về mặt pháp luật, pháp lý của công ty.

Thông thường, người làm lĩnh vực pháp chế doanh nghiệp thường là các luật gia, chuyên gia pháp lý, và đặc biệt là đội ngũ luật sư chuyên sâu trong các mảng luật doanh nghiệp và đầu tư, lao động, tài chính ngân hàng, bảo hiểm…

Sự cần thiết của pháp chế doanh nghiệp

Bộ phận pháp chế sẽ giúp cho lãnh đạo công ty và doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ như:

– Pháp chế doanh nghiệp tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng, bổ sung điều lệ doanh nghiệp, xây dựng và ban hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật.

– Pháp chế là bộ phận dẫn dắt doanh nghiệp trong hành lang pháp lý an toàn. 

– Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

– Đại diện pháp lý cho doanh nghiệp: 

+ Tổ chức pháp chế thay mặt cho chủ doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và NLĐ; 

+ Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện pháp lý theo ủy quyền của doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động.

– Quản trị rủi ro cho doanh nghiệp: trong đó dự báo, đánh giá và kiểm soát rủi ro là quan trọng, đặc biệt là khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế bởi lợi nhuận và cơ hội càng lớn thì rủi ro càng lớn.

Vai trò của pháp chế doanh nghiệp trong cơ chế thị trường

Hiện nay, chúng ta đang mở cửa hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương và các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó chú trọng đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, các hoạt động giao lưu và kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp không còn chỉ dừng lại ở trong nội bộ địa phương, trong nước mà đã mở rộng ra trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Theo đó, các rủi ro pháp lý nhất là pháp luật và thông lệ quốc tế luôn tiềm ẩn, do đó cần phải có giải pháp phòng ngừa, hạn chế các thiệt hại xảy ra trong giao kết, tranh chấp các giao dịch dân sự, kinh tế và các giao dịch khác.

Để phòng, chống những rủi ro pháp lý và giúp lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những quy định của pháp luật để vận dụng những chính sách đó vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài việc hỗ trợ, tư vấn.

Pháp chế là một công cụ trong hoạt động bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Bộ phận pháp chế là một bộ phận có chức năng đảm bảo về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, giúp cho người quản lý và doanh nghiệp hoạt động trong hành lang pháp lý an toàn. Hoạt động của doanh nghiệp nói chung gắn liền với thị trường và chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh, vì vậy, vai trò của pháp chế doanh nghiệp trong cơ chế thị trường ngày càng hết sức quan trọng.

Khi vướng vào rủi ro pháp lý dù ít hay nhiều cũng gây cho doanh nghiệp nhiều thiệt hại và bất lợi: thiệt hại đầu tiên thể hiện ở mặt vật chất đó là tiền bạc; để giải quyết rủi ro đó, doanh nghiệp không có kiến thức pháp luật phải tìm đến những đối tượng có thể giúp họ tìm phương án giải quyết tốt nhất có thể và chi phí về tiền bạc cho việc đó là không phải nhỏ. Bên cạnh đó, thời gian, công sức để giải quyết khiến họ mệt mỏi, không tập trung được công việc… và một tổn thất lớn không tính được bằng tiền đó là uy tín, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Bộ phận pháp chế doanh nghiệp sẽ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ như: Tham gia đàm phán, thương thảo các hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp với các đối tác trong kinh doanh; thẩm định các dự thảo thoả thuận, các hợp đồng hợp tác, các dự án đầu tư để đảm bảo không trái pháp luật, điều lệ hoặc có sơ hở, sai sót về mặt pháp luật có thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp; soạn thảo, thẩm định các dự thảo quy chế, quy định quản lý và các văn bản quan trọng khác của doanh nghiệp theo sự phân công của lãnh đạo; cập nhật thông tin về các văn bản pháp luật mới ban hành, về tình hình thị trường kinh tế thông qua các phương tiện thông tin, các tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan nhà nước, và cung cấp thông tin cho lãnh đạo doanh nghiệp về việc vận dụng pháp luật trong điều hành sản xuất, trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong các hợp đồng thương mại, tài chính, tín dụng, dịch vụ, đào tạo, xây dựng… ; tư vấn giúp lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạt động bằng cách đưa ra các dự báo tác động về tình hình giá cả, thị trường… nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra. Trong trường hợp xấu nhất, khi có các tranh chấp xảy ra, bộ phận pháp chế sẽ tham mưu giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất, bảo vệ uy tín doanh nghiệp. Thậm chí họ có thể giúp lãnh đạo doanh nghiệp tham gia tranh tụng, giải quyết các tranh chấp để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp cần thiết phải có một tổ chức pháp chế vừa giúp lãnh đạo những vấn đề thuộc phạm vi pháp luật vừa làm đầu mối quan hệ với các tổ chức tư vấn chuyên môn, tư vấn luật để đảm bảo về mặt pháp lý. Mục tiêu chính của doanh nghiệp khi thành lập ra tổ chức pháp chế là giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn an toàn trong hành lang pháp lý. Các doanh nghiệp khi đã xây dựng được đội ngũ cán bộ pháp chế vững mạnh thì những cuộc đàm phán với đối tác mà đặc biệt là đối tác nước ngoài, vị thế của doanh nghiệp được nâng lên. Điều này thể hiện sự hiểu biết pháp luật và khẳng định “tầm” là một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, minh bạch luôn tuân thủ pháp luật rất đáng tin cậy trong cơ chế thị trường, tạo hình ảnh tốt cho các đối tác khi liên kết hoạt động sản xuất kinh doanh.

5 vấn đề pháp lý cơ bản dành cho chủ doanh nghiệp và giám đốc điều hành CEO 

Nhiều CEO và chủ doanh nghiệp nghỉ rằng chỉ cần bỏ tiền thuê một luật sư để xử lý mọi công việc pháp lý cho doanh nghiệp là bình an vô sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào luật sư cũng ở bên cạnh CEO, chủ doanh nghiệp, luật sư cũng không phải là người ra quyết định thay CEO, chủ doanh nghiệp mà chỉ có thể cố vấn hoặc xử lý những vấn đề pháp lý theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Do vậy, đối với những người start-up (người khởi nghiệp) chưa có điều kiện tài chính tốt, hay những người có ý định thành lập doanh nghiệp và bản thân các CEO và chủ doanh nghiệp cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cơ bản để hạn chế những rủi ro trong kinh doanh và quyết định những vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng để đưa doanh nghiệp cất cánh và phát triển.

Kiến thức pháp lý cơ bản nói riêng và kiến thức pháp luật nói chung là nhiều vô tận, ngay cả những luật sư, chuyên gia pháp luật hàng đầu cũng chưa chắc nắm hết được. Tuy nhiên, đối với một CEO/chủ doanh nghiệp thì có 05 vấn đề pháp lý sau đây theo tôi là cơ bản, quan trọng và cần thiết nhất bao gồm:

– Nắm được văn bản/tài liệu pháp lý quan trọng và không thể thiếu trong doanh nghiệp mình;

– Nắm vững các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp;

– Biết quản lý dòng tiền ra và dòng tiền vào của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

– Nắm được kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng thương mại liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang kinh doanh;

– Nắm và xác định được quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp và lựa chọn mô hình tổ chức doanh nghiệp phù hợp cho doanh nghiệp mình.

Theo dõi website Học viện CEO Hà Nội để cập nhật những kiến thức mới nhất về quản trị doanh nghiệp.

Truy cập kênh Youtube Học viện CEO Hà Nội tại đường link dưới đây:

https://www.youtube.com/channel/UCQ0Dw-SVDX1kCgsjXRd0lvw