Tắm nước cây mùi già ngày Tết có tác dụng gì với sức khỏe?

Tắm nước cây mùi già ngày Tết có tác dụng gì với sức khỏe?

2,000

lượt xem

Những ngày cuối năm, nhiều người vẫn giữ thói quen tắm nước cây mùi già để mong muốn gột rửa những điều còn vướng mắc trong năm cũ, mang theo hương thơm lá mùi già sang năm mới. Nhưng đông y khuyên không phải ai cũng có thể tắm nước lá mùi.

Tắm nước cây mùi già ngày Tết có tác dụng gì với sức khỏe? - Ảnh 1.

Người dân tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thu hoạch cây mùi già để bán dịp cuối năm – Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Cây mùi già (hay còn gọi là ngò rí) còn đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, được y học cổ truyền ghi nhận từ lâu.

Theo ông Trần Văn Bản, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, theo truyền thống, những ngày cuối năm các gia đình sẽ mua cây mùi già để đun nước tắm.

Bên cạnh ý nghĩa về tinh thần với mong muốn gột rửa những điều không may mắn thì trong đông y, cây mùi già còn có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe. Trong đông y có thể sử dụng tất cả các bộ phận để làm thuốc.

“Lý do là bởi lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết. Nước lá mùi có công dụng diệt khuẩn rất tốt, làm sạch da, có mùi thơm dịu.

Đặc biệt, trước kia vào mùa đông – xuân thường xuất hiện bệnh sởi. Do cây mùi có tác dụng diệt khuẩn tốt, dân gian thường sử dụng để phòng bệnh sởi.

Bên cạnh đó, rau mùi có mùi thơm có ích cho những người bị suy nhược thần kinh, đau nhức nửa đầu, căng thẳng, làm dịu cơn đau”, ông Bản cho hay.

Theo đó, cây mùi được chọn để đun nước tắm là loại mùi già, những cây mùi đã trổ hoa, có trái. Sau khi rửa sạch toàn bộ cây mùi, đun nóng tạo nên mùi thơm cay cay, ngan ngát rất đặc trưng.

Ông Bản cũng lưu ý trước khi sử dụng cây mùi tắm cần rửa sạch trước khi đun sôi để tránh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, những người đang mắc các bệnh như viêm da, trầy xước, nhiễm trùng da thì không nên tắm các loại nước lá, trong đó có cây mùi.

Ngoài ra, trước khi tắm nên pha loãng nước lá mùi, nhiệt độ ấm vừa phải. Với những người có da mẫn cảm, dễ kích ứng thì không nên tắm cây mùi.

“Lưu ý, hạn chế dùng rau mùi cho các bệnh nhân bị hen phế quản hoặc viêm phổi mãn tính vì mùi hương của rau mùi có thể gây các phản ứng kích ứng, dị ứng đường thở, có thể nguy hiểm đến tính mạng”, ông Bản khuyến cáo.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/tam-nuoc-cay-mui-gia-ngay-tet-co-tac-dung-gi-voi-suc-khoe-20230118112440671.htm