Tại sao ứng viên xin việc đầu bếp bị thất bại khi phỏng vấn?
Bạn là ứng viên tìm việc đầu bếp có kỹ năng và kinh nghiệm? Bạn tự tin về tay nghề và những gì mình đang sở hữu? Thế nhưng, việc liên tục bị “out” khiến bạn thắc mắc “tại sao mình bị thất bại khi phỏng vấn?” – Nguyên do ở đây là gì? Để giải đáp thắc mắc này, Hoteljob.vn mời bạn tham khảo qua bài viết dưới đây.
Bạn có biết tại sao ứng viên tìm việc đầu bếp bị thất bại khi phỏng vấn?
Bếp là một trong những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao và được tuyển dụng thường xuyên trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Việc một ứng viên có tay nghề, kinh nghiệm đứng bếp, kỹ năng làm việc nhóm… chắc chắn sẽ là những điểm cộng không hề nhỏ quyết định sự lựa chọn của nhà tuyển dụng (NTD). Tuy nhiên, tồn tại một số tiêu chí tuyển dụng khác, cũng quan trọng không kém, khiến ứng viên dù giỏi cũng chưa chắc có buổi phỏng vấn tìm việc thành công.
Tại sao ứng viên xin việc đầu bếp bị thất bại khi phỏng vấn?
– Quá ảo tưởng về năng lực của bản thân
Không ít những bạn trẻ mới chỉ học xong 1, 2 khóa đào tạo nghiệp vụ bếp ngắn hạn đã muốn làm việc trong các khách sạn 4-5 sao – hay mới chỉ phụ nấu những món ăn đơn giản, sơ chế nguyên liệu chế biến một vài tháng đã muốn nghỉ việc để ứng tuyển vị trí bếp chính ở nhà hàng khác quy mô hơn… Nếu bạn giỏi và thuyết phục được NTD cho bạn cơ hội thể hiện thì không có gì để nói. Nhưng, không phải ai học nghề bếp cũng giỏi ngay từ những ngày đầu tiên.
Tự tin vào khả năng của bản thân là tốt. Tuy nhiên, tự tin đến mức tự kiêu, tự mãn và tự cho rằng mình tài giỏi, có thể đáp ứng mọi yêu cầu về món ăn từ thực khách, dù khó tính đến đâu thì cần nên xem lại. Bạn phải hiểu được rằng, có thể mình giỏi thật nhưng sẽ có người khác giỏi hơn. NTD là một trong những người như thế. Họ có đủ sự hiểu biết và trình độ để được ngồi vào vị trí phỏng vấn bạn và tuyển chọn người phù hợp nhất. Do đó, dù bạn là ứng viên thực sự có năng lực, nhưng chính thái độ quá “ảo tưởng” làm đánh mất cơ hội phỏng vấn thành công của chính bạn.
Quá ảo tưởng về năng lực của bản thân khiến ứng viên đánh mất cơ hội được tuyển dụng
– Yếu ngoại ngữ
Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh là một trong những yếu tố khá quan trọng hỗ trợ vô cùng tốt cho công việc của nhân viên ngành dịch vụ Khách sạn – Nhà hàng & Du lịch, bao gồm cả nghề Bếp. Việc làm việc trong các khách sạn, nhà hàng quy mô và chuẩn quốc tế yêu cầu bạn phải có khả năng giao tiếp tiếng Anh tối thiểu ở mức cơ bản để có thể nghe-hiểu và tiếp nhận nhiệm vụ công việc từ Bếp trưởng là người ngoại quốc – giao tiếp, trao đổi công việc với đồng nghiệp – trò chuyện, giải đáp thắc mắc hay phàn nàn từ thực khách (nếu có)… Đặc biệt, rất nhiều tài liệu chuyên ngành nước ngoài, chương trình ẩm thực, hướng dẫn nấu ăn mà không phải tất cả đều được dịch sang tiếng Việt để bạn tham khảo và học hỏi thêm. Sở hữu khả năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ thành thạo không chỉ giúp bạn ghi điểm với NTD trong buổi phỏng vấn, mà còn mang đến nhiều cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng đứng bếp và thăng tiến nhanh trong sự nghiệp.
– Hút thuốc lá
Nghe có vẻ không mấy liên quan vì chỉ cần trong lúc chế biến món ăn, bạn không hút thuốc là được. Hơn nữa, vì áp lực công việc hay sở thích, thói quen, không ít đầu bếp vẫn chọn cách thư giãn và giải tỏa căng thẳng thông qua khói thuốc. Thế nhưng, có những hệ lụy đằng sau việc hút quá nhiều thuốc lá, thậm chí nghiện hút gây ảnh hưởng đáng kể đến công việc của một đầu bếp chuyên nghiệp. Người đầu bếp hút thuốc càng nhiều và liên tục sẽ khiến họ dần mất đi khả năng vị giác; về lâu dài, thậm chí, dù nêm nếm bao nhiêu lần thì họ cũng sẽ không thể cảm nhận được hương vị chuẩn cần đạt của món ăn. Đó là lý do mà hầu hết các NTD thường không thích tuyển những người có thói quen hút thuốc lá vào làm việc cho nhà hàng, khách sạn mình. Mặt khác, việc hơi thở hay trang phục trên người bạn còn vương mùi thuốc hay hàm răng ố vàng cũng sẽ khiến bạn bị mất thiện cảm, tạo ấn tượng ban đầu vô cùng xấu với NTD và tất nhiên, một điểm trừ không nhỏ sẽ nằm trong hồ sơ của bạn.
Hút thuốc lá quá nhiều và liên tục sẽ khiến đầu bếp bị mất dần đi khả năng vị giác
– Khiến nhà tuyển dụng không thích
Đôi khi, lý do duy nhất khiến bạn bị loại sau buổi phỏng vấn chỉ đơn giản vì NTD không thích bạn. Nghe có vẻ hư cấu nhỉ? Nhưng tồn tại không ít NTD chọn nhân sự theo cảm tính. Một số người thậm chí không quan tâm bạn giỏi, tài năng và nhiều kinh nghiệm đến đâu nhưng qua cách ứng xử, giao tiếp, trả lời phỏng vấn – qua ngoại hình, cách ăn mặc, đi đứng… cho họ đánh giá rằng bạn có hay không sự phù hợp với môi trường làm việc của nhà hàng, khách sạn họ. Do đó, để không bị “out” vô duyên, hãy thể hiện cho NTD thấy bạn là người chịu khó học hỏi, có đam mê, yêu nghề, giàu ý chí cầu tiến và luôn mong muốn được cống hiến cho sự phát triển chung của tập thể.
Những câu hỏi phỏng vấn đầu bếp thường gặp nhất
Sau khi tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao ứng viên xin việc đầu bếp bị thất bại khi phỏng vấn?”, Hoteljob.vn xin chia sẻ thêm đến bạn những câu hỏi phỏng vấn đầu bếp thường gặp nhất để bạn tham khảo và có sự chuẩn bị tốt nhất có thể cho buổi phỏng vấn tiếp theo của mình, đảm bảo khả năng thành công ở mức cao nhất.
Tham khảo chi tiết câu hỏi và cách trả lời: Tại đây!
Nhà tuyển dụng cần gì ở ứng viên xin việc đầu bếp?
Khi thực hiện kế hoạch tuyển dụng đầu bếp, mọi NTD đều mong muốn tìm được những ứng viên xuất sắc hoặc cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn cần có của một Đầu bếp. Chẳng hạn:
- Giỏi nấu nướng, có kỹ năng sơ chế – chế biến – trang trí món ăn; có sức sáng tạo để tạo ra những món ăn hấp dẫn phục vụ thực khách
- Biết cầu toàn, chăm chỉ, đam mê và nhiệt huyết với nghề – yêu nghề, không ngại khó khăn, thử thách và áp lực trong nghề.
- Có tinh thần đoàn kết, biết hợp tác để làm việc nhóm, biết gạt bỏ cái tôi cá nhân vì lợi ích chung – luôn có thái độ tôn trọng cấp trên, niềm nở, thân thiện với đồng nghiệp và khách hàng
- Không ngừng học hỏi, tìm tòi để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, phục vụ tốt hơn cho yêu cầu công việc.
- …
Để được tuyển dụng, ứng viên xin việc đầu bếp không chỉ giỏi nấu nướng mà còn phải có những kỹ năng mềm phù hợp
Những thông tin chia sẻ trên đây của Hoteljob.vn hy vọng sẽ giúp những ai đã, đang và sẽ theo đuổi nghề Bếp có sự chuẩn bị tốt nhất, khắc phục khuyết điểm hiện có, hoàn thiện ưu điểm để tăng khả năng ghi điểm và thuyết phục NTD; chấm dứt chuỗi ngày phỏng vấn thất bại.
Hoteljob.vn chúc bạn tìm việc thành công!
Ms. Smile