Tại sao thứ 6 ngày 13 lại khiến nhiều người sợ hãi?

Dù chưa từng có bằng chứng cụ thể nào cho thấy thứ 6 ngày 13 liên quan đến các vụ tai nạn hay thảm họa thiên nhiên trong lịch sử, nhiều người vẫn lo ngại và kiêng dè ngày này.

Theo quan niệm tại nhiều nước phương Tây, thứ 6 ngày 13 gắn với sự xui xẻo, đen đủi.

Dù không có lý giải khoa học nào xác đáng về mức độ may rủi của ngày này, không thiếu người lo lắng và kiêng kỵ nhiều thứ khi thứ 6 ngày 13 xảy đến. Thậm chí, nỗi sợ này còn có tên gọi friggatriskaidekaphobia hoặc paraskevidekatriaphobia (nguồn gốc từ Hy Lạp, phobia nghĩa là nỗi ám ảnh).

Điều rõ ràng là ngày này tạo ra tác động đáng chú ý lên tâm trí con người. Dù những dịp như này đã xảy ra nhiều lần, nỗi bất an về thứ 6 ngày 13 và những lời đồn thổi xung quanh sự xui xẻo nó mang lại vẫn được nhắc đến mỗi khi chúng xuất hiện.

Tại sao thứ 6 ngày 13 lại khiến nhiều người sợ hãi? - Ảnh 1.

“Có kiêng có lành”

Jane Risen, nhà khoa học hành vi tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago (Mỹ), phát hiện rằng những điều mê tín dị đoan có thể ảnh hưởng đến cả những người không tin vào chúng.

“Ngay cả khi không chủ động tin, không thể phủ nhận rằng thứ 6 ngày 13 đã trở thành yếu tố văn hóa nhiều người biết đến. Khi số đông nhắc đến hoặc các sự kiện không hay xảy ra vào ngày này, chúng ta có xu hướng chú ý tới nó nhiều hơn”, Risen phân tích.

“Điều đó tiếp thêm một chút nhạy cảm cho trực giác của bạn, khiến bạn cảm thấy quan niệm này phần nào đúng đắn, dù không có lời lý giải nào chính xác”, cô nói thêm.

Trong nghiên cứu của mình, Risen chỉ ra tâm lý những người dù mê tín hay không, đều tin rằng hệ quả xấu sẽ xảy ra nếu họ cứ quả quyết khẳng định vận xui sẽ không tìm tới mình.

Kiểu suy nghĩ này càng phổ biến hơn khi nhắc đến thứ 6 ngày 13.

Thomas Gilovich, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Cornell ở New York, giải thích: “Một khi những điều đó tồn tại trong nền văn hóa, chúng ta có xu hướng chấp nhận chúng”.

Nghiên cứu của Risen cũng chỉ ra một số cách để đuổi bớt vận xui như gõ vào gỗ hay ném muối được thực hiện bởi cả những người không mê tín. Khi được hỏi, cả 2 nhóm người tin và không tin, đều cho rằng họ sẽ được lợi nếu làm vậy.

Chung quan điểm, Rebecca Borah, giáo sư tại Đại học Cincinnati (bang Ohio, Mỹ), cho hay nhiều người tin rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Tại sao thứ 6 ngày 13 lại khiến nhiều người sợ hãi? - Ảnh 2.

“Điều này giống như khi bạn nắm rõ các quy tắc và tuân thủ chúng, mọi việc sẽ diễn ra dễ dàng hơn nhiều. Ví dụ như vào thứ 6 ngày 13, chúng ta không làm điều gì quá liều lĩnh, hay đơn giản kiểm tra kỹ mọi thứ xung quanh. Điều đó đem lại cảm giác an tâm”.

“Trên thực tế, một số người mê tín đã chọn cách ở nhà để tránh xui xẻo dù sự thật là tai nạn vẫn xảy ra”, Borah nói.

Tai nạn xảy ra đúng vào thứ 6 ngày 13

Ngoài ra, nỗi sợ hãi thứ 6 ngày 13 còn bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo.

Giả thuyết nổi tiếng nhất về thứ 6 ngày 13 là ngày Chúa Jesus bị đóng đinh sau khi dự bữa Tiệc Ly với 12 tông đồ (tổng 13 người dự tiệc) hay ngày vua Pháp ra lệnh bắt giữ hàng trăm hiệp sĩ vào năm 1307.

Mặt khác, 13 vốn được coi là con số đem lại vận hạn trong quan niệm phương Tây. Thomas Fernsler, nhà chính sách tại Trung tâm Tài nguyên Giáo dục Khoa học và Toán học tại Đại học Delaware ở Newark (Mỹ), cho biết số 13 bị ảnh hưởng vì vị trí của nó nằm sau số 12.

“Các nhà số học coi 12 là một con số hoàn chỉnh. Rất nhiều lần số 12 xuất hiện trong các khái niệm văn hóa đại chúng. Có 12 tháng trong một năm, 12 cung hoàng đạo, 12 vị thần trên đỉnh Olympia, 12 kỳ công của Hercules, 12 tông đồ của chúa Jesus. Do đó, mối liên hệ giữa số 13 và vận rủi là bởi nó ‘vượt quá mức hoàn chỉnh một chút’”, ông Fernsler giải thích.

Sự trùng hợp của các tai nạn xảy ra trong ngày này càng khiến nhiều người lo sợ vận rủi nó đem lại.

Ngày 13/10/1972, máy bay chở đội bóng bầu dục Old Christians trên đường từ thủ đô Montevideo (Uruguay) đến thủ đô Santiago (Chile) để thi đấu đã gặp nạn.

Chiếc phi cơ chở 45 người đâm vào dãy Andes. Một số người tử vong ngay lập tức vì bị hút ra từ lỗ thủng trên thân máy bay. Phi cơ gãy cánh, đâm sầm xuống đỉnh núi phủ tuyết. Chỉ có 27 người sống sót sau cú va chạm.

Thứ 6 ngày 13/3/1992, trận động đất nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người, khoảng 50.000 người mất nhà cửa. Đây được coi là thiên tai có thiệt hại nặng nề nhất ở quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua.

Ngày 13/1/2012, vụ đắm tàu Costa Concordia xảy ra tại Italy. Con tàu bị mắc cạn, lật và chìm một phần ngoài khơi Tuscany, khiến hơn 4.000 người trên boong phải di tản và 32 người thiệt mạng.

Để hạn chế vận xui, nhiều người từ chối đi du lịch, mua nhà hay đầu tư vào ngày này. Theo nhà sử học văn hóa dân gian Donald Dossey, những hành động này có thể làm chậm đáng kể hoạt động kinh tế.

Tuy vậy, một nghiên cứu năm 2008 của Trung tâm Thống kê Bảo hiểm Hà Lan cho thấy rằng ít tai nạn giao thông xảy ra vào thứ 6 ngày 13 hơn những ngày thứ 6 khác. Một vài khảo sát cho thấy các báo cáo về hỏa hoạn và trộm cắp cũng giảm xuống vào dịp này.