Tại sao phim “Người phán xử” gây sốt trở lại?
Sau 4 năm phát sóng, bộ phim “Người phán xử” bất ngờ bị “lật lại” về nội dung phim được nhận định là có nhiều tình tiết bạo lực, cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật khi các vấn đề tội phạm được quyết định từ chiếc “ghế nóng” của ông trùm phán xử.
Những tranh luận trái chiều
Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến về dự thảo về “Luật Điện ảnh” (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới nêu ý kiến về Điều 11 của dự thảo quy định nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.
Theo Thiếu tướng Lê Tấn Tới, hiện một số bộ phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, lối sống ích kỷ. Ông ví dụ về việc phạm tội nhưng không bị xử lý, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
Cùng với đó, Thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật.
Nêu ví dụ thực tiễn có nhắc tới phim “Người phán xử” được nhận định đã tác động hình thành các băng nhóm tội phạm xã hội đen ngày một gia tăng hiện nay.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim các vấn đề lại đưa cho ông trùm phán xử, thậm chí phán xử cả lực lượng công an”.
Ngay sau khi bộ phim “Người phán xử” được nhắc tên như một ví dụ điển hình đã nảy sinh nhiều tranh luận trái chiều từ phía dư luận. Giới làm phim, hoạt động nghệ thuật thêm một nữa băn khoăn về quan điểm kiểm duyệt với bộ phim truyền hình, điện ảnh có đề tài bạo lực, tình dục vốn gắn mác nhạy cảm.
NSND Trung Anh (đảm nhận vai Lương Bổng trong phim “Người phán xử”) nêu ý kiến thẳng thắn, nếu nhận định phim “Người phán xử” sau khi phát sóng thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm tăng lên hiện nay là thiếu căn cứ, phiến diện.
NSND Trung Anh với tạo hình nhân vật Lương Bổng trong “Người phán xử”
Nội dung bộ phim không chỉ phản ánh góc khuất của xã hội đen mà người bình thường khó tưởng tượng, phim còn ca ngợi tình thân của gia đình. Ví dụ câu nói của người phán xử Phan Quân (cố NSND Hoàng Dũng đóng) trong phim luôn được khán giả nhắc đến: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Tất cả những cái khác, có hay không, không quan trọng”.
Khác với mô típ loạt phim Cảnh sát hình sự trước đây, “Người phán xử” không đứng bên chiến tuyến của những người bảo vệ pháp luật mà là lại tập trung vào phe tội phạm. Đó là định hướng của phim nhằm giúp khán giả nhận ra cái xấu, cái ác và tránh được những sai lầm.
Hơn nữa, “Người phán xử” là bộ phim được Việt hóa theo bộ phim “Ha-Borer” của Israel sản xuất. Phim đã cắt rất nhiều tình tiết bạo lực, tình dục, tội phạm so với kịch bản gốc để phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Cái kết của bộ phim đã xuất hiện lực lượng công an và “ông trùm người phán xử” phải chịu bản án theo đúng quy định của pháp luật cho những hành vi sai phạm.
Ngay sau khi phát sóng, phim nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía khán giả và trở thành “bom tấn” truyền hình 2017 với giải thưởng “Phim truyền hình ấn tượng VTV Awards 2017”.
“Người phán xử” từng nhận giải thưởng “Phim truyền hình ấn tượng VTV Awards 2017”
Đến nay, bộ phim được đánh giá là “bom tấn” thể loại tâm lý tội phạm với những hình ảnh đạt chuẩn về kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, thời điểm là Giám đốc VFC cũng từng khẳng định rằng, bộ phim “Người phán xử” có thể mở ra hướng xuất khẩu phim Việt sang các nước trong khu vực.
Xét trên yếu tố giải trí, phim “Người phán xử” đã thành công trong khi dàn dựng kịch bản Việt hóa, cách kể chuyện phim mới, kịch tính, diễn xuất chắc tay của dàn diễn viên gạo cội.
Thế nhưng, nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng, những hệ lụy từ bộ phim được chiếu vào khung giờ vàng ảnh hưởng xấu tới trẻ em, khi trẻ tung hô và bắt chước cách thể hiện của diễn viên đảm nhận vai xã hội đen trong phim, đặc biệt là nhân vật Lương Bổng.
Hơn nữa, phim có yếu tố bạo lực, xã hội đen cần kiểm duyệt phim chặt chẽ, nhất là khi chiếu ở khung giờ vàng cho tất cả các đối tượng ở mọi độ tuổi xem phim.
Do đó, những nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới trong cuộc họp về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm mang tính định hướng trong khâu kiểm duyệt phim truyện hiện nay.
“Nóng” đề tài kiểm duyệt phim
Căn cứ Luật Điện ảnh, khâu kiểm duyệt và hậu kiểm trong thể loại điện ảnh đánh giá gắt gao, nghiêm ngặt, phim có quy định dán nhãn độ tuổi thì thể loại phim truyền hình, phim chiếu mạng hoàn toàn trái ngược.
Việc dán nhãn độ tuổi phim trên kênh truyền hình vẫn đang “bỏ ngỏ”. Thực trạng hiện nay, phim phát sóng trên truyền hình chỉ thông qua khâu kiểm duyệt về nội dung và hình ảnh từ phía nhà Đài, vì thế khó tránh khỏi những “hạt sạn” chủ quan trong khâu kiểm duyệt phim.
Theo đạo diễn Ngọc Tuấn, việc kiểm duyệt phim hiện nay chia ra thành 2 mảng. Nếu là phim điện ảnh chiếu rạp thì Cục Điện ảnh phụ trách, khi có phim mới chuẩn bị phát hành, các nhà đầu tư sẽ gửi phim đến Hội đồng duyệt phim của Cục để các nhà chuyên môn thẩm định xem phim có đủ điều kiện để chiếu hay không. Nếu là phim truyền hình thì các Giám đốc Đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của phim.
Gần nhất, bộ phim “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” (đạo diễn Phan Đăng Di) được phát sóng kênh HBO đã phải hủy lịch chiếu cụ thể. Lý do hoãn chiếu là phải cắt một số cảnh nóng được cho là chưa phù hợp với kênh phát sóng rộng rãi trên truyền hình.
Trở lại câu chuyện kiểm duyệt phim, đạo diễn Phan Đăng Di cho hay, đã đến lúc chúng ta cần một cơ chế đối thoại rõ ràng, giữa Cục Điện ảnh và người làm phim. Thời điểm này chúng ta phải tiến tới công nhận quyền sáng tạo và tự do biểu đạt, trừ trường hợp đó là những phim nguy hiểm.
Đó là tiếng nói của những nhà làm phim trẻ, tuy nhiên, để điện ảnh Việt phát triển và vươn xa quốc tế, rất cần thiết có sự đối thoại cởi mở giữa đơn vị quản lý và nhà làm phim.
Điều quan trọng, Luật Điện ảnh sửa đổi cũng cần cụ thể hơn, thậm chí đến chi tiết, cảnh, tình huống của phim để việc vận dụng luật tốt hơn, tránh gây tranh cãi không đáng có.