Tại sao người trưởng thành khó tiếp thu một ngôn ngữ mới? – Trung Tâm Phát Triển Giáo Dục Cộng Đồng Nguồn Sáng
BBT: Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng trong quá trình học tập bất kỳ mảng kiến thức nào mới, trẻ em có khả năng nắm bắt và áp dụng kiến thức mới đó với tốc độ nhanh chóng mà ít có người lớn nào so sánh được. Như việc học cách sử dụng Ipad chẳng hạn, nhiều trẻ em chỉ cần tự mình tiếp xúc thiết bị trong một thời gian ngắn nhưng đã có thể sử dụng thành thạo mà không cần cha mẹ hay anh chị hướng dẫn; ngược lại, người lớn cứ mãi loay hoay, đọc hướng dẫn sử dụng khắp mọi nơi, thậm chí có người chỉ dẫn tận tình nhưng vẫn phải mất một khoảng thời gian khá lâu để làm quen với thiết bị và biết cách sử dụng ở mức độ tương đối ổn.
Không chỉ trong lĩnh vực sử dụng công nghệ hiện đại, mà ngay cả trong quá trình học một ngoại ngữ cũng vậy. Trẻ em luôn được coi là đối tượng học tập và tiếp thu có tiềm năng phát triển to lớn hơn người trưởng thành.
Vậy bạn có bao giờ thắc mắc vì sao con người lại khó tiếp thu cái mới, ví dụ như một ngoại ngữ mới hay một mảng kiến thức mới khi họ đến tuổi trưởng thành hay không? Người trưởng thành khác với trẻ nhỏ ở điểm nào trong việc học tập và lĩnh hội một ngôn ngữ mới?
Hãy cùng FLC tìm hiểu sâu hơn và tìm lời giải đáp cho thắc mắc trên qua bài viết dưới đây của tác giả Kelly Dickerson nhé!
Một nghiên cứu cho thấy nhiều người lớn đang phải vật lộn để học một ngôn ngữ thứ hai, nhưng lí do không phải vì họ thiếu nỗ lực – mà vấn đề thực sự là họ đang cố gắng quá mức.
Các nhà khoa học đã từ lâu nghi ngờ rằng chức năng nhận thức vượt trội của người lớn có thể là một nhược điểm trong việc tiếp thu một ngôn ngữ mới, nhưng lại là một lợi thế trong học tập ngoại ngữ ở trẻ em. Trong một nghiên cứu mới đây khi người lớn được yêu cầu cố gắng học một cấu trúc câu chuẩn của một ngôn ngữ mới. Kết quả cho thấy những người được yêu cầu cố gắng học có xu hướng học được ít hơn, khó tiếp thu hơn những người được tự do học hỏi và không bị thúc ép phải cố gắng.
Nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ Amy Finn, công tác tại Viện nghiên cứu não bộ McGovern của MIT, nói với trang Live Science rằng: “Điều đáng ngạc nhiên nhất mà nghiên cứu này cho thấy việc cố gắng có thể ảnh hưởng xấu kết quả học tập”. “Chức năng nhận thức vượt trội là yếu tố tuyệt vời cho hầu hết những việc khác, ngoại trừ việc học ngôn ngữ” (trích trong “10 sự thật đáng ngạc nhiên về não bộ”)
Việc cố gắng sẽ làm quá trình học ngôn ngữ mới của người trưởng thành trở nên khó khăn hơn
Để kiểm tra cách thức những người trưởng thành học ngôn ngữ thứ hai, Finn cùng một nhóm các nhà nghiên cứu đã tuyển 22 người nói tiếng Anh bản ngữ và cho họ nghe một ngôn ngữ “giả” trong vòng 10 phút. Từ vựng của ngôn ngữ “giả” này bao gồm 9 từ có hai âm tiết và 3 nhóm cấu trúc âm thanh, mỗi từ sẽ thuộc một trong ba nhóm đó. Những người tham gia được yêu cầu tô màu các từ để phân biệt chúng theo các nhóm cấu trúc âm thanh trong khi lắng nghe, và vì vậy họ không thể hoàn toàn tập trung sự chú ý vào ngôn ngữ.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã cho những người này một bài kiểm tra để xem họ tiếp thu được bao nhiêu về ngôn ngữ “giả” này. Mỗi người tham gia phải chọn một trong hai từ, hoặc một trong hai câu có khả năng thuộc về ngôn ngữ “giả” mà họ vừa nghe.
Trong phần thứ hai của nghiên cứu, 66 người nói tiếng Anh bản ngữ khác cũng đã làm bài kiểm tra tương tự. Nhưng lần này, các nhà nghiên cứu cho biết có 1/3 số người tham gia cố gắng học từ vựng; 1/3 số người tham gia khác cố gắng học các từ loại khác nhau (giống như việc học các từ thuộc danh từ trong một ngôn ngữ mới); và 1/3 còn lại cố gắng học theo mẫu từ vựng, mẫu câu dựa vào các nhóm cấu trúc được chia trước đó (giống như việc học các quy tắc ngữ pháp phức tạp của một ngôn ngữ mới).
Để đảm bảo những người tham gia luôn tập trung sự chú ý, các nhà nghiên cứu thay đổi một chút trong cách kiếm tra bằng việc yêu cầu các đối tượng nhấn nút mỗi khi họ nghĩ rằng họ đã nhận ra một số từ vựng hoặc mẫu ngữ pháp được dùng trong ngôn ngữ “giả”, thay vì phải tô màu như trước.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc tập trung và cố gắng giúp người trưởng thành nắm vững những từ vựng cơ bản, nhưng lại cản trở khả năng học ngữ pháp của họ. Nhóm người tham gia thí nghiệm thứ hai được yêu cầu cố gắng tập trung chú ý, đạt được số từ vựng đúng nhiều hơn khoảng 20% so với nhóm đầu tiên được yêu cầu tô màu trong khi nghe ngôn ngữ. Nhưng nhóm đầu tiên đã làm tốt hơn khoảng 20% trong bài kiểm tra ngữ pháp phức tạp so với nhóm thứ hai.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, điều này không có nghĩa là những người học song ngữ phải thu hẹp mức độ nỗ lực học tập và tiếp thu ngôn ngữ của họ.
Finn nói: “Tôi nghĩ sẽ rất tệ nếu những người trưởng thành sau khi tham gia nghiên cứu và thốt lên rằng, ‘Ồ, tôi nên ngừng cố gắng thôi”. Chúng ta còn lâu lắm mới có thể đưa ra một phác đồ cho học tập”
Hai hệ thống bộ nhớ
Trong khi các nghiên cứu chỉ ra rằng học một ngôn ngữ mới tốt cho não bộ và bảo vệ con người chống lại căn bệnh Alzheimer[1], thì người lớn vẫn cảm thấy khó khăn để trở nên thành thạo một ngôn ngữ thứ hai. Finn nói rằng trẻ em dễ dàng học tập và tiếp thu ngữ pháp hơn vì chúng học theo một cách khác với người lớn.
Con người có hai hệ thống bộ nhớ chính ảnh hưởng đến việc học: Bộ nhớ khai báo, là bộ nhớ bao gồm kiến thức cơ bản về những thứ như sự kiện và từ vựng, trong khi bộ nhớ thủ tục là bộ nhớ mà con người “nhận được miễn phí mà không cần cố gắng”, Finn nói. Đó là bộ nhớ giúp mọi người hình thành thói quen và kỹ năng, giống như kỹ năng đi xe đạp. Kiểu học thông qua bộ nhớ thủ tục này hầu như diễn ra một cách vô thức.
Con người sử dụng hệ thống bộ nhớ thủ tục, vốn phát triển từ rất sớm, để học những thứ phức tạp như quy tắc ngữ pháp. Hệ thống bộ nhớ khai báo, vốn giúp con người học từ vựng, lại cần nhiều thời gian hơn để phát triển. Trẻ em thường có hệ thống bộ nhớ thủ tục không bị phân tâm bởi hệ thống bộ nhớ khai báo, cho nên chúng tiếp thu ngữ pháp nhanh hơn so với người lớn.
Finn nói rằng cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu được cách người trưởng thành học ngôn ngữ. Trong một thí nghiệm ở tương lai, cô dự định sẽ sử dụng một cuộn dây từ tính tạo ra dòng điện có khả năng làm gián đoạn sóng não. Những gián đoạn như vậy có thể khiến vỏ não trước bị vô hiệu trong thời gian ngắn. Vùng não này đóng vai trò quan trọng trong bộ nhớ khai báo, và Finn muốn biết liệu việc kìm nén nó có thể cải thiện được khả năng học ngôn ngữ thứ hai ở người trưởng thành hay không. Finn cũng có kế hoạch sử dụng một ngôn ngữ nhân tạo phức tạp hơn và gán ý nghĩa cho các từ “tự chế” để mô phỏng các ngôn ngữ hiện có một cách chặt chẽ hơn.
*Chú thích:
[1] Alzheimer: Là một trong những căn bệnh về não gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và trí nhớ của người bệnh.
Tác giả: Kelly Dickerson
Nguồn: Why Adults Struggle to Pick up New Languages
Dịch giả: Vũ Phương Quỳnh