Tại sao chúng ta phải khổ học nhiều toán đến thế? – Phòng Giáo Dục và Đào Tạo Ngọc Hồi
THỰC TẾ HỌC TOÁN VÀ SỬ DỤNG TOÁN TRONG CÔNG TÁC CỦA TÔI
Tôi chỉ dám nói về một vấn đề rất nhỏ, từ thực tế bản thân tôi trong học các môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh v.v…) và sử dụng chúng sau học tập, đặc biệt là môn Toán và sử dụng Toán. Theo tôi những nội dung khoa học và công nghệ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhồi nhét học sinh quá nặng nề, quá sâu và quá cao siêu, quá nhiều. Thậm chí ngay đến cả tiếng Anh nữa cho dù đất nước chúng ta hiện đang hội nhập mạnh mẽ cũng là quá nhiều. Nói nôm na là quá thừa. Chúng ta cũng đã dậy các cháu quá nhiều về lịch sử, về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa xã hội cao siêu, ca ngợi Đảng, ca ngợi quân đội, ca ngợi các lãnh đạo, minh quân của đất nước v.v..
Ảnh minh họa.
Rất nhiều thứ sau này trong cuộc đời công tác người ta sẽ không gặp, không cần, không dùng đến, không giúp ích cho người học trong tìm kiếm công ăn việc làm, trong đời sống sinh hoạt, trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe, trong giải quyết rất nhiều vướng mắc nẩy sinh hàng ngày. Đặc biệt là môn toán, môn khoa học hoàng gia và quí tộc. Vì nó quá khó. Đối với vô vàn học sinh (các cháu thiên về phát triển bán cầu não phải) nó là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Hổng kiến thức toán cấp 1, sẽ tích tụ hổng ở cấp 2 nhiều hơn và đến cấp 3 là thấy choáng, thấy sợ. Ngồi nghe giảng mà như vịt nghe sấm. Kết quả thi tốt nghiệp THPT nếu nghiêm túc thực sự sẽ là vô số điểm dưới 3.
Tôi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Hóa Lý tại nước Cộng hòa Séc đầu năm 1977. Tháng 7/1977 tôi được điều động về công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự nhận quân hàm trung úy. Những năm đó Viện Kỹ thuật quân sự bề thế (về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực) hơn hẳn Viện Khoa học Việt Nam, thời ấy viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là Viện trưởng (ngày nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Hai viện khoa học và công nghệ trụ cột của đất nước nhìn đối diện với nhau qua đường Hoàng Quốc Việt. Sau hơn 10 năm công tác, nghiên cứu khoa học tại Viện Kỹ thuật quân sự tôi được xuất ngũ, chuyển sang Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tháng 1/1998 tôi chuyển công tác về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là chuyên viên chính, theo dõi mảng Môi trường và Khoa học Công nghệ. Tháng 8/2006 tôi được đề bạt chức Phó Chánh văn phòng Phát triển bền vững quốc gia. Tháng 4/2009 tôi được nghỉ hưu sớm (1 năm 1 tháng) theo đơn nguyện vọng cá nhân của tôi.
Như vậy, thực sự quãng đời 32 năm công tác như trên và từ khi về hưu cho đến nay tôi chỉ dùng đến BỐN PHÉP TÍNH LÀ CỘNG, TRỪ, NHÂN VÀ CHIA, TÍNH PHẦN TRĂM. Có thể nói đến 95% kiến thức Toán mà tôi phải học từ cấp 2 cho đến hết đại học, nhiều lắm, rất nhiều là không được sử dụng trong thực tế công tác và cuộc sống sinh hoạt. Tôi khẳng định rằng các môn học đạo hàm, tích phân, vi phân, lượng giác, hình học phẳng và hình học không gian, xác suất, thống kê, ma trận v.v.. không giúp ích gì nhiều trong công tác, sức khỏe, ốm đau bệnh tật, hạnh phúc và buồn vui thường nhật của tôi.
Kiến thức Toán tiểu học là hữu ích, vì tôi thường xuyên gặp hàng ngày và sử dụng. Ví dụ tôi đã sử dụng chúng để tính toán trong đời thường và để học với các con cháu. Tuy nhiên, hiện chương trình Toán tiểu học đưa vào nhiều bài toán khó, nâng cao đã làm tôi hoa mắt và cắn bút. Các cháu học sinh giỏi, đỉnh về Toán phải biết bài mẫu rồi mới có thể giải được các bài tương tự. Nếu nó là bài toán nẩy sinh từ đời sống thực tiễn, đưa vào trường học để dậy cho học sinh biết thì rất quí. Đáng tiếc là dạng bài toán “hóc” đó lại không thể gặp trong đời sống thực tiễn. Vậy lao tâm, khổ tứ học nó để làm gì? Tôi vào các hiệu sách giáo khoa thấy tràn lan, quá nhiều các đầu sách nâng cao, chuyên luyện “đấu sĩ” mà thấy choáng. Sao nhiều thế? Khoa học hoàng gia, dành cho các quí tộc sao lại phổ biến đại trà thế này? Bắt triệu triệu học sinh phải chết đuối trong một đại dương Toán học mênh mông. Từ “quí tộc” để tôi chỉ các cháu học sinh có năng khiếu, chuyên biệt về Toán.
Đến nay, những kiến thức Toán mà tôi đã học nhiều năm tháng, đã từ lâu biến mất khỏi đầu óc của tôi. Quá trình học phổ thông, tôi thuộc diện không đến nỗi dốt về Toán. Có nghĩa là thích thì không thích, nhưng sợ thì không sợ. Nói chung phần lớn những gì học mà không sử dụng chúng sẽ nhanh chóng biến mất khỏi đầu óc con người, ngoại trừ số ít những thiên tài đặc biệt. Nhiều lúc tôi nghĩ một lượng khổng lồ thời gian và công sức bỏ ra để học Toán nay quên hết. Tiếc quá! tiếc quá! Vì vậy đôi lúc tôi lẩn thẩn định kiếm sách Toán để tự học lại. Tuy nhiên một thực tế của 32 năm công tác chỉ sử dụng bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia và tính phần trăm đã chặn ngay cái ý định đó của tôi. Thêm vào đó, ở cái tuổi nghỉ hưu, học xong mà KHÔNG SỬ DỤNG sẽ còn chóng quên hơn nữa, không nhớ được đâu. Đừng tiếp tục lãng phí thời gian! Hãy học tập chủ nghĩa thực dụng của người Mỹ. Cái gì cần cho cuộc sống hãy học, không cần thì thôi. Không nên học những nội dung chỉ để ngắm, để nhìn, để thờ cúng.
Tôi cũng đoán là hầu hết các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên BCH Trung ương, các đại biểu Quốc hội, các Thứ, Bộ trưởng và hầu hết các công chức Nhà nước từ Trung ương xuống đến địa phương; ngay đến cả những công chức của Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng chỉ sử dụng bốn phép tính CỘNG, TRỪ, NHÂN, CHIA VÀ TÍNH PHẦN TRĂM (%) hàng ngày mà thôi. Họ chắc chắn cũng sẽ cắn bút trước những bài toán khó, bài toán mẹo lớp 4, lớp 5 và cũng quên hết đạo hàm, vi phân, tích phân, lượng giác v.v.. trả lại hết cho các thày cô dạy Toán. Tiếc quá! Tiếc quá! Vì bao nhiêu công sức và tiền bạc đã bỏ ra.
TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI KHỔ HỌC NHIỀU TOÁN ĐẾN THẾ?
Tôi không biết vì sao cả. Tôi cố tìm đọc những lý do, căn cứ nào buộc học sinh phải học một khối lượng khổng lồ các môn toán khác nhau, nhưng khó tìm thấy những lời giải. Ví dụ, căn cứ để học sinh phải học môn lượng giác hay tích phân vì những lý do thuyết phục 1, 2, 3 v.v.. Không hề có, không thể tìm ra. Có người cho rằng đã là học sinh thì cứ phải học, BIẾT ĐÂU sau này cần khi đó xoay sở không kịp. Lý do biết đâu rất vô định, hư vô, không cụ thể lại trở thành yếu tố quyết định áp đặt bắt triệu triệu học sinh phải lao tâm khổ tứ. Cho dù học xong, sau 1 năm không sử dụng, như các cụ vẫn thường nói “Vào tai này, ra tai kia”, kiến thức biến mất. Nếu bạn đã quên khá nhiều, nay muốn ôn lại, bạn vẫn phải ôn lại môn đó từ đầu. Bạn không thể chỉ đọc khúc giữa hay khúc cuối được vì kiến thức môn học được trình bầy tuần tự theo các nấc thang phát triển. Lý do BIẾT ĐÂU sau này trong cuộc sống sẽ cần đã trở THÀNH CĂN CỨ KHOA HỌC bắt học sinh phải học, theo tôi là không thuyết phục. Ngoài ra, khá phổ biến là sau học một, hai năm không dùng là quên luôn, trở về gần 0. Theo tôi khi nào trong cuộc sống ta gặp vấn đề Toán nào đó, tốt nhất là mang bài toán đó đến với các nhà Toán học, nhờ họ giúp là chắc ăn, chính xác; hơn là đi học để tự mình giải quyết, tự xử lý bài toán ấy.
Khi không nêu ra được lý do, luận cứ cho việc bắt buộc học sinh phải học rất nhiều các môn Toán học, có nghĩa là chúng ta đã máy móc, copy, sao chép từ nội dung, chương trình của nước Liên Xô hay Trung Quốc mà thôi.
Môn Lịch sử cũng vậy. Các cây đa khoa học Lịch sử nói Lịch sử là môn học vô cùng quan trọng!. Bắt buộc phải học!. “Dân ta mà không biết sử ta” là có tội! Không phải là người yêu nước!
Tôi nói thực lòng là tôi rất yếu về Lịch sử. Tôi không nhớ được các sự kiện lịch sử, ngày tháng lịch sử, các vị vua và những chủ trương, chính sách, pháp luật mà họ đã ban hành góp phần chấn hưng đất nước Việt Nam. Giống môn Toán, môn Lịch sử cũng không giúp ích trong công ăn việc làm, sức khỏe, ốm đau bệnh tật, hạnh phúc và buồn vui trong đời thường của tôi. Giá mà môn Lịch sử giúp tôi được tăng lương, có sức khỏe, có niềm vui thì tôi sẽ hăng hái học. Thực tế môn Lịch sử của tôi yếu lắm, kém lắm. Tuy nhiên nếu vì không hiểu biết về Lịch sử mà kết tội tôi là KHÔNG YÊU NƯỚC thì vô cùng oan cho tôi.
NẠN NHỒI NHÉT HỌC THÊM Ở CÁC THÀNH PHỐ
Ngoài nội dung, số giờ học ở trường, ở lớp quá nặng, quá nhiều, quá chuyên sâu, quá cao siêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định, nhiều triệu các cháu học sinh ở các thành phố và các khu đô thị còn phải học thêm ngoài giờ để đảm bảo tăng thu nhập cho các thày cô. 16g30 tan trường, bố mẹ hay ông bà, người thân lại phải đưa các cháu đến nơi học thêm khác. Gia tăng lượt xe máy đi và về, ùn tắc giao thông, hít thở xăng dầu khói bụi. Điều kiện lớp học thêm yếu kém hơn, bé nhỏ hơn, chật chội hơn, ánh sáng kém hơn v.v.. Có cả những lớp tổ chức từ 7g30 – 9 giờ tối. Cả thứ 7 và chủ nhật nữa chứ! Các cháu phải ngồi vào những giờ sức cùng, lực kiệt để thày cô nhồi thêm những kiến thức, vào tai nọ ra tai kia. Dã man quá! Tra tấn các cháu quá! chỉ để đảm bảo tăng thêm thu nhập cho các thày, các cô. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có cấm. Thế nhưng tất tật, 100% các lớp học thêm đều dưới danh nghĩa, nguyện vọng thiết tha của các phụ huynh học sinh, đều có đơn đăng ký học thêm. Tôi hoàn toàn không tin là giáo viên lớp 1 ở các thành phố có thu nhập thấp. Không dễ gì có một suất biên chế giáo viên lớp 1 ở thành phố đâu; hợp đồng không thôi cũng là quí lắm rồi! Năm nào cũng có vài trăm về hưu và vài trăm nhận mới.
NHIỀU THỨ CẦN HÀNG NGÀY NHƯNG CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC HỌC
Bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng, do vậy dạy mọi người phải thường xuyên sát trùng, diệt khuẩn. Các cây đa Hóa học Việt Nam nhìn đâu cũng thấy độc tố. Ra biển khơi mênh mông vẫn qui kết các độc tố phenol và xianua có trong nước thải của công ty Formosa Hà Tĩnh làm cá chết bất đắc kỳ tử sau một giây khi tấm chăn di động hút – nhả các độc tố lướt qua cá. Đã khoảng 500 năm rồi, từ khi loài người biết sản xuất ra các độc tố hóa học, chưa ở đâu trên Thế giới giải thích nguyên nhân cá chết nổi trắng mênh mông ngoài biển sau một đêm ngủ dậy là do các độc tố hóa học. 100% đều được giải thích là do cạn kiệt ô xy hòa tan trong nước biển. Các nhà Toán học nhìn Toán như muỗi “Đó là những vấn đề cơ bản và đơn giản. Cần phải biết! phải học!”. Từ xây dựng nội dung, chương trình đến viết SGK, thẩm định và phê duyệt, tất tật đều do các nhà Toán học làm hết. Đó là lý do “KHOA HỌC” bắt triệu triệu học sinh phải học, đủ các thể loại toán??.
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta lại luôn gặp và xử lý những việc tưởng đơn giản, theo bản năng của tự nhiên, khỏi cần phải suy nghĩ, như đói thì cần ăn, khát thì cần uống, cần đi vệ sinh thì xin mời, trời cho mình giới tính gì, biết vậy, cần gì phải học. v.v… Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ăn, biết uống, biết sinh hoạt, hiểu về giới tính, biết tạo ra một môi trường sống hữu ích, hợp lý và hiệu quả cho bản thân. Nên người Việt Nam theo kết quả thống kê có số ngày, giờ ốm đau, khám chữa bệnh thuộc hàng cao trên Thế giới.
Những thứ mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày, như đất, nước, không khí, cây cối và con vật có những thuộc tính, đặc điểm mà ta không biết, hiểu sai. Vì ta không được học. Tôi tin là có rất nhiều các cây đa khoa học sẽ trả lời sai câu hỏi sau đây “Theo bạn nên đánh răng khi nào là tốt?”. Đó là một trong nhiều câu hỏi của các bài kiểm tra mà tôi phải làm khi tôi được tham dự một khóa học 9 tháng về Môi trường tại Hà Lan. Tất nhiên là tôi đã trả lời sai câu này. Tôi đã trả lời theo cách mà tôi làm theo bản năng hàng ngày. Đó là đánh răng vào buổi sáng, sau ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Chính vì vậy mà răng tôi mới mau hỏng, bị đau, bị xâu, cả viêm lợi nữa và phải đến bác sĩ thường xuyên. Trong phòng thí nghiệm Môi trường, giáo viên lấy tay khoanh xung quanh người tôi và hỏi “Không khí đang quện xung quanh người anh gồm có những gì?”. Tôi trả lời “ni tơ, ô xy, argon, hydro”. Giáo viên lại hỏi tiếp “Thế 1m3 không khí xung quanh anh chúng nặng bao nhiêu?”. Tôi quơ tay xung quanh mình thoải mái và trả lời “Nhẹ lắm, không đáng kể, gần như bằng không”. Giáo viên chỉ mỉm cười, không nói gì. Anh ta cầm trên tay một đĩa thủy tinh tròn, nhỏ, có nắp đậy trong suốt, nói với tôi “Trong này có một dịch đặc dưỡng chất màu kem sữa, đã tiệt trùng, tiệt khuẩn. Anh hãy cầm lấy đĩa, mở nắp ra và đóng lại ngay. Sau đó mang đến góc phòng thí nghiệm, để vào trong tủ bảo ôn 35oC”. Hai ngày hôm sau tôi đến phòng thí nghiệm, mở tủ bảo ôn lấy đĩa ra, thấy có nhiều mảng mầu khác nhau phát triển, gần như kín bề mặt dưỡng chất. Tôi mang đến hỏi anh giáo “Cái gì thế này?”. Anh trả lời đó là một thí nghiệm chứng minh rằng xung quanh ta, bất cứ lúc nào luôn đầy những vi khuẩn khác nhau. Những mầu sắc đó là những quần thể vi sinh vật được phát triển từ những cá thể lấy trong không khí hôm qua. Và 1m3 không khí xung quanh ta nặng gần đến 1,3kg đấy, không nhẹ đâu! Trong đó còn có cả nhiều bụi, các chất ô nhiễm khác nữa. 45 tuổi đầu, tiến sĩ rồi mà rất nhiều thứ diễn ra hàng ngày xung quanh tôi mà tôi không biết, không hiểu. Vì tôi đã được học nhiều thứ quá cao siêu, toàn trên Trời về Thượng đế, về Ngọc Hoàng, về những lý tưởng nọ, lý tưởng kia.
Từ khi chúng ta rút quân khỏi Căm Pu Chia, lệnh phong tỏa, cấm vận được dỡ bỏ. Chính phủ các nước phát triển, các tổ chức quốc tế đa phương (WB, IMF, ADB v.v..), song phương (DANIDA, SIDA, GIZ, JICA, USAID v.v.. ), các tổ chức của LHQ (UNDP, UNIDO, UNICEF, UNEP v.v..) đổ xô vào giúp đỡ Việt Nam. Nhiều tỷ USD vốn ODA vay lãi suất rất thấp, ưu đãi chảy vào Việt Nam. Nhiều trăm triệu USD ODA không hoàn lại (còn gọi là ODA grant, hay dự án TA, Technical Assistance, Hỗ trợ kỹ thuật) tặng Chính phủ Việt Nam. Phần lớn vốn ODA không hoàn lại tập trung cho tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, hiểu biết về vấn đề vệ sinh môi trường, sức khỏe, giới tính, rác thải, nước thải, bảo vệ sông ngòi, ao hồ v.v.. Theo họ những thứ này là rất thiết thực, hữu ích hàng ngày đối với người dân. Cá nhân tôi thấy xấu hổ, khi mà những thứ hữu ích hàng cho cuộc sống, thường xuyên tiếp xúc và đơn giản như vậy chúng ta cũng không được học trong nhà trường, để tự mình tổ chức, làm cho mình, không phải nhờ đến người nước ngoài giúp đỡ. Trong khi chúng ta toàn học những thứ cao siêu, ở đâu đó, không có trong cuộc sống.
Ngay đến sản xuất con ốc vít, một linh kiện phổ biến khắp nơi, sử dụng hàng ngày, cũng bị người Nhật chê. Các nhà khoa học Việt Nam không thể làm ra con ốc vít đạt chuẩn quốc tế, buộc họ phải nhập khẩu ốc vít vào Việt Nam để lắp ráp ô tô. Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất các loại ốc vít chúng ta đều nhập khẩu. Chúng ta toàn học những thứ cao siêu trên Trời. Học chủ nghĩa anh hùng cách mạng, học tinh thần yêu nước. Nhưng chúng ta không thể sản xuất ra máy móc, thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng thường nhật, hàng ngày.
Có một thứ rất nên học vì rất quan trọng và rất hữu ích cho gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đó là học cách SỐNG THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG, SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG (Sustainable Production, Sustainable Consumption). Tại sao? Vì 1km2 lãnh thổ sinh thái của Việt Nam hiện đang phải gồng mình gánh nuôi hơn 300 người, trong khi của Trung Quốc chỉ gánh nuôi có 150 người thôi. Lãnh thổ sinh thái nước ta đã kiệt quệ lắm rồi, mới sau chỉ có 30 năm phát triển. Rất nhiều sông, ngòi, hồ ao, kênh rạch đã chết. Ô nhiễm không khí đô thị đã đứng đầu Thế giới. Đất đai đã thoái hóa, nếu không có phân hóa học thì không có quả để mà ăn. Ung thư đang đến với mọi gia đình rồi. Nhiều địa phương đã không còn đất để mai táng người thân và chôn lấp rác thải. Chúng ta không có tiền để mua thêm tài nguyên, lãnh thổ ở các nước khác như Trung Quốc. Dân tộc Việt Nam sẽ còn tồn tại trên mảnh đất hình chữ S này nhiều ngàn đời nữa. DUY NHẤT mỗi cách học sống thân thiện môi trường, học sản xuất và tiêu dùng bền vững mới giúp được người Việt Nam trụ được lâu dài mà thôi. Toán, Lý, Hóa, Lịch sử, tiếng Anh giỏi đến mấy cũng không giải quyết được đâu.
Từ tuổi bắt đầu đi học lớp 1 đến gần Đất xa Trời mỗi một cá thể thường xuyên, hàng ngày giao tiếp với nhiều cá thể khác nhau trong xã hội, sẽ thường xuyên nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều tình huống, vậy ta phải ứng xử như thế nào cho chuẩn và hiệu quả. Bạn bè, đang ngồi uống bia và chém gió với nhau, thế mà chỉ vì khác ý, đã xô đổ bàn ghế, có nhiều vụ còn đâm chém nhau. Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Xin thưa toàn vì những khác biệt rất nhỏ nhặt hàng ngày. Có vô vàn những “xung đột” nhỏ ấy đang diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta.
Chúng ta cần được học cách xử lý các “xung đột” thường xuyên, nảy sinh từ những việc vô cùng nhỏ nhặt hàng ngày, giúp cho trong từng gia đình, tế bào của xã hội, trong cộng đồng thường xuyên có tiếng cười và niềm vui. Điều này hữu ích, thiết thực hơn nhiều học về đạo hàm, tích phân, vi phân, lượng giác, chủ nghĩa anh hùng cách mạng v.v..
TÔI KHÔNG CHÊ MÔN HỌC NÀO CẢ, KHÔNG PHẢN ĐỐI MÔN HỌC NÀO CẢ. Tôi chỉ muốn THPT cắt giảm rất nhiều nội dung các môn Toán học để chuyển sang học các nội dung khác thiết thực hơn cho hàng ngày. Toán học chỉ nên dạy những khái niệm cơ bản nhất, thiết thực nhất. Ngay ở đại học chuyên ngành, ví dụ đại học Hóa, cũng không nên bắt các sinh viên phải học nhiều môn Toán. Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, cung cấp thông tin xã hội cần gì, thị trường cần gì để sinh viên tự lựa chọn môn học phù hợp, đáp ứng với khả năng của cá nhân với nhu cầu của xã hội và thị trường lao động.
TÍNH HIỆU QUẢ CỦA NỀN GIÁO DỤC CHÍNH LÀ Ở CHỖ NGƯỜI HỌC SAU ĐÓ PHÁT HUY, SỬ DỤNG ĐƯỢC KIẾN THỨC ĐÃ HỌC, HỮU ÍCH CHO BẢN THÂN TRONG CUỘC SỐNG, VỚI NHỮNG THỜI GIAN, CÔNG SỨC, TIỀN BẠC ĐẦU TƯ BAN ĐẦU VỪA PHẢI.
Trân trọng cám ơn bạn đọc.
Nguyễn Đức Thắng, Hà Nội, ngày 20/9/2020.