Tại sao Học viện Y dược cổ truyền không đầu tư để BV Tuệ Tĩnh phát triển?

Trần Tuấn – Hữu Chánh

  –  

Chủ nhật, 16/01/2022 09:02 (GMT+7)

Lấy ví dụ về các bệnh viện trực thuộc các trường đại học đang rất phát triển như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Y Dược TP.HCM, một cựu lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng, Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam cần đầu tư cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh phát triển. “Cũng như khi con cái chưa trưởng thành thì bố mẹ cần quan tâm, đầu tư cho con” – vị này nói.

Tại sao Học viện Y dược cổ truyền không đầu tư để BV Tuệ Tĩnh phát triển?
Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị trực thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Ảnh: Sỹ Công

Chỉ là giải pháp tình thế

Như Lao Động đã đưa tin trước đó, chiều 13.1, sau 2 ngày hàng chục y, bác sĩ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh “xuống đường” đòi lương, lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam triệu tập một cuộc họp bất thường để đối thoại với người lao động về kế hoạch trả lương.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, trước mắt, học viện sẽ chi quỹ phát triển của trường tạm ứng cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh để trả 50% lương tháng 12.2021 và tháng 1.2022 cho cán bộ y, bác sĩ.

Đối với 50% lương từ tháng 5.2021 đến tháng 11.2021, giám đốc Học viện Nguyễn Quốc Huy cho biết, đơn vị đang xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế và có phương án là vay quỹ của Bộ Y tế.

Không đồng tình với phương án này, các y, bác sĩ, cán bộ bệnh viện rời cuộc họp, tiếp tục đi ra phía cổng của bệnh viện căng các băng rôn với nội dung “Đề nghị trả lương cho chúng tôi… Hãy cứu lấy Blouse trắng”.

Sáng 16.1, trao đổi thêm với phóng viên Báo Lao Động, bà Lê Thanh Bình – kế toán viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh – cho hay, việc dùng quỹ phát triển của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh vay để để trả lương cho cán bộ, y bác sĩ đã được đề xuất từ lâu nhưng không được đồng ý. Chỉ đến khi xảy ra việc y, bác sĩ “xuống đường”, lãnh đạo học viện mới chính thức có thông báo về việc này.

Y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh: Chúng tôi cần giải pháp lâu dài để chấm dứt tình trạng nợ lương. Video quay chiều 13.1, sau cuộc họp bất thường giữa lãnh đạo Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam và các y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương.

“Các hướng xử lý mà lãnh đạo học viện đưa ra vào chiều 13.1 chỉ là giải pháp tình thế, xoa dịu trong bối cảnh dư luận đang quan tâm. Để giải quyết xử lý dứt điểm vụ việc, bệnh viện phải trả lại toàn bộ số lương đã nợ người lao động và có phương hướng, kế hoạch hoạt động để đảm bảo không nợ lương 160 cán bộ, y bác sĩ trong thời gian tới” – bà Bình nói.

Bà Lê Thanh Bình cho biết thêm: Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Viện Nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Trung tâm Đào tạo và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu xã hội đều là 3 đơn vị trực thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nhưng trong 3 đơn vị này, chỉ có Bệnh viện Tuệ Tĩnh hoạt động theo cơ chế tự chủ.

“Dù đều được ký hợp đồng như các cán bộ, nhân viên ở các khối khác bởi giám đốc học viện, tuy nhiên, các khối khác thuộc học viện vẫn được đảm bảo lương thưởng, các khoản phúc lợi đầy đủ. Còn 160 cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị tách hẳn khỏi khối học viện, rơi vào tình trạng nợ lương kéo dài, và đến thời điểm này, chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi hoàn toàn chính ngay trong ngôi nhà học viện của mình” – bà Bình nói.

Học viện cần đầu tư cho bệnh viện để phát triển lâu dài

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một cựu lãnh đạo của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, với cơ sở vật chất như Bệnh viện Tuệ Tĩnh đang có là toà nhà 10 tầng, mặt đường lớn thì “để không cho thuê cũng có tiền”. Vì vậy, việc bệnh viện không có tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên là rất đau xót, thể hiện năng lực lãnh đạo của học viện và bệnh viện.

Lấy ví dụ về các bệnh viện trực thuộc các trường đại học về y tế đang rất phát triển như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (thuộc Đại học Y Hà Nội), Bệnh viện Y dược TP.HCM (Đại học Y dược TP.HCM), vị cựu lãnh đạo này nói rằng: Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cần có sự đầu tư hơn nữa cho bệnh viện.

  Bệnh viện Tuệ Tĩnh có cơ sở vật chất khang trang là toà nhà 10 tầng, mặt đường lớn của Thủ đô. Ảnh: Sỹ Công

“Nếu một năm, chênh lệch thu chi của học viện là 40 tỉ đồng, thì chỉ cần đầu tư cho bệnh viện 10 tỉ đồng. Coi như là khoản đầu tư ban đầu để bệnh viện phát triển, sau đó khi bệnh viện có nền tảng phát triển rồi sẽ đem lại nguồn thu cho học viện. Cũng như khi con cái chưa trưởng thành thì bố mẹ cần quan tâm, đầu tư cho con để phát triển” – cựu lãnh đạo của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề tại sao Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam không đầu tư để đơn vị trực thuộc là Bệnh viện Tuệ Tĩnh phát triển, phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ ông Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam – nhưng chưa nhận được phản hồi.