Tài sản của doanh nghiệp là gì? Quy định pháp luật mới nhất

TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP LÀ GÌ?

Trong quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp, tài sản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc sử dụng tài sản một cách hiệu quả sẽ giúp cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiến hành bình thường với hiệu quả kinh tế cao nhất. Vì vậy, việc hiểu chi tiết tài sản doanh nghiệp là gì và các loại tài sản của doanh nghiệp đang sở hữu sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể tạo ra tối đa lợi nhuận từ việc đầu tư vào tài sản. Để hiểu rõ hơn về khái niệm tài sản của doanh nghiệp, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Bộ luật dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tài sản của doanh nghiệp là gì?

Tài sản trên thực tế tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Tài sản thường được hiểu là những đối tượng mang lợi ích nào đó với con người và có thể định giá được bằng tiền. Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Từ định nghĩa trên, ta có thể hiểu tài sản của doanh nghiệp là những tiền, vật, giấy tờ có giá và các quyền tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hay là các tài sản mà doanh nghiệp đang được quản lý, sử dụng. Mặt khác, tài sản doanh nghiệp là tất cả các nguồn lực do doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát, cầm giữ và mang lại được lợi ích kinh tế trong tương lai từ những tài sản đó. Tài sản của doanh nghiệp phải đảm bảo hai tiêu chí, đó là thuộc sở hữu của doanh nghiệp và sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp thì một trong những loại tài sản hình thành nên khối tài sản của doanh nghiệp đó chính là tài sản góp vốn của các thành viên. Theo đó, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ (gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ),.. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

Tài sản của pháp nhân là tài sản riêng của pháp nhân thuộc sở hữu của pháp nhân hoặc được giao cho pháp nhân quản lý. Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của thành viên pháp nhân, với tài sản của cơ quan cấp trên của pháp nhân và của các tổ chức khác. Tài sản của pháp nhân do pháp nhân chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trong phạm vi nhiệm vụ và mục đích phù hợp với từng loại pháp nhân.

2. Phân loại tài sản trong doanh nghiệp

Hiện nay, có rất nhiều cách để phân loại sản, có thể phân loại dựa trên nguồn gốc hình thành tài sản, hình thái biểu hiện của tài sản, thời gian sử dụng tài sản, tính chất và đặc điểm của tài sản. Nhưng chủ yếu thì tài sản sẽ được chia thành hai loại là tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.

Tài sản ngắn hạn là những tài sản có giá trị thấp, thời gian sử dụng ngắn trong vòng 12 tháng hoặc 1 chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp và thường xuyên thay đổi hình thái giá trị trong quá trình sử dụng. Trong doanh nghiệp tài sản ngắn hạn bao gồm tiền và những khoản tương đương tiền (giá trị các loại chứng khoán có thời gian đáo hạn trong vòng 3 tháng, vàng, bạc, đá qu‎‎‎ý, kim khí); các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn; hàng tồn kho hay một số tài sản ngắn hạn khác như các khoản kí quỹ, kí cược ngắn hạn, các khoản ứng trước, các khoản chi phí trả trước ngắn hạn.

Tài sản dài hạn là những tài sản của đơn vị có thời gian sử dụng, luân chuyển và thu hồi dài (hơn 12 tháng hoặc trong nhiều chu kỳ kinh doanh) và ít khi thay đổi hình thái giá trị trong quá trình kinh doanh. Tài sản dài hạn bao gồm Tài sản cố định như nhà cửa, vật kiến trúc; máy móc thiết bị; phương tiện vận tải truyền dẫn; thiết bị chuyên dùng cho quản lý; cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm hay quyền sử dụng đất, bản quyền, bằng phát minh sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, phần mềm máy tính, giấy phép khai thác và chuyển nhượng, thương hiệu doanh nghiệp; các khoản đầu tư tài chính dài hạn; bất động sản đầu tư bao gồm nhà, đất đầu tư vì mục đích kiếm lời hay một số tài sản dài hạn khác như: chi phí trả trước dài hạn, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang và ký cược, ký quỹ dài hạn.

3. Ý nghĩa của tài sản trong doanh nghiệp

Tài sản là yếu tố đại diện cho nguồn lực kinh tế cho một doanh nghiệp hoặc đại diện cho quyền sở hữu và kiểm soát mà các cá nhân hoặc doanh nghiệp khác không có. Các quyền này được thực hiện trên cơ sở pháp luật, có nghĩa là các nguồn lực kinh tế có thể được sử dụng theo quyết định của doanh nghiệp và chủ sở hữu sẽ được phép ngăn cản hoặc hạn chế các đối tượng bên ngoài sử dụng chúng.

Đối với một tài sản hiện có, doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu kể từ ngày lập báo cáo tài chính. Tài sản đóng vai trò quan trọng vì có khả năng mang lại lợi ích kinh tế bằng cách tạo ra dòng tiền vào hoặc giảm dòng tiền ra. Tài sản của doanh nghiệp có thể dùng để bán hoặc trao đổi lấy tài sản khác hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả; phân phối cho các chủ sở hữu doanh nghiệp hay được sử dụng một cách đơn lẻ hoặc kết hợp với các tài sản khác trong sản xuất sản phẩm để bán hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành, quản lý của doanh nghiệp, tài sản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy việc hiểu biết sâu sắc, chi tiết tài sản doanh nghiệp là gì và các loại tài sản của doanh nghiệp đang sở hữu sẽ giúp cho doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan để vận hành hiệu quả, tạo ra tối đa lợi nhuận từ việc đầu tư vào tài sản. Đặc biệt việc thiết lập chế độ quản lý tài sản của doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích như:

Thứ nhất, Đảm bảo được khả năng tự chủ, linh hoạt về tài chính cho doanh nghiệp, góp phần giảm rủi ro trong kinh doanh. Tài sản được sử dụng có hiệu quả tức là doanh nghiệp sẽ không phải đi vay nhiều, khả năng thanh toán ở mức có thể chủ động được, không bị động khi các tình huống bất ngờ xảy ra.

Thứ hai, Tiết kiệm được các nguồn lực, tăng hiệu quả kinh tế. Rõ ràng, sử dụng tài sản hiệu quả thì nguồn lực doanh nghiệp cần bỏ ra đầu tư vào sản xuất là ít hơn để tạo ra cùng một đồng lợi nhuận. Hiệu quả kinh tế của hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng cao, tạo tiền đề cho một hình ảnh tốt đẹp trong mắt khách hàng cũng như trong mắt các nhà cung cấp, nhà tài trợ, mặt khác còn góp phần bảo toàn và phát triển vốn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản đồng nghĩa với việc tốc độ quay vòng vốn được tăng cao, doanh nghiệp sẽ tận dụng được thêm nhiều cơ hội trong kinh doanh; giúp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Như vậy, Luật Phamlaw đã cung cấp cho Quý khách hàng đầy đủ các thông tin về tài sản của doanh nghiệp là gì và những vấn đề liên quan tới tài sản của doanh nghiệp để giúp Quý khách hàng hiểu rõ hơn. Trong quá trình tìm hiểu, nếu như Quý khách hàng có bất cứ điều gì thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ và giải đáp.

xem thêm:

5.0