Tài liệu tham khảo là gì? Cách trích dẫn tài liệu tham khảo?

Tài liệu tham khảo là mục mà gần như bài luận văn, tác phẩm nghiên cứu nào cũng cần đến để bài viết sát với thực tế. Tuy nhiên có nhiều người không biết hoặc trích dẫn chưa chính xác.

    1. Tài liệu tham khảo là gì?

    Trong quá trình nghiên cứu khoa học, viết luận án, bài báo hay một quyển sách, các tác giả thường tham khảo và sử dụng các tài liệu để trích dẫn vào công trình nghiên cứu, các tài liệu được tác giả trích dẫn gọi là tài liệu tham khảo (TLTK).

    Khi trích dẫn một tài liệu, một ý kiến, một kết quả của một tác giả khác cần phải ghi rõ ý kiến này của ai, trích dẫn từ đâu trong phần TLTK. TLTK được trình bày ở phần cuối một luận án, một nghiên cứu khoa học, một bài báo, một quyển sách,…

    TLTK ngoài ý nghĩa là nơi ghi lại những trích dẫn còn có một ý nghĩa khác; người đọc có thể từ TLTK mà tìm ra các tài liệu gốc. Do đó TLTK phải bao gồm tất cả các tác giả với công trình có liên quan đã được trích dẫn trong luận văn; các chi tiết phải được ghi đầy đủ, rõ ràng và chính xác để độc giả quan tâm có thể tìm được tài liệu đó.

    Cũng có khái niệm cho răng: “Tài liệu tham khảo là đề cập đến danh mục hệ thống các tác phẩm của một tác giả hoặc lĩnh vực kiến ​​thức cụ thể”.

    2. Trích dẫn tài liệu tham khảo là gì?

    Theo Trung tâm thông tin phát triển Việt Nam, 2011 “Trích dẫn tài liệu là phương pháp được chuẩn hóa trong việc ghi nhận những nguồn tin và ý tưởng mà người viết đã sử dụng trong bài viết của mình trong đó người đọc có thể xác định rõ từng tài liệu được trích dẫn, tham khảo.”

    Hay nói cách khác trích dẫn tài liệu tham khảo là hành động đề cập đến một cái gì đó bằng văn bản hoặc lời nói để sao lưu một nguồn thông tin. Nguồn trích dẫn phải được ghi nhận ngay khi thông tin được sử dụng. Nguồn trích dẫn có thể được đặt ở đầu, giữa hoặc cuối một câu, cuối một đoạn văn hay cuối một trích dẫn trực tiếp

    3. Trích dẫn tài liệu tham khảo có ý nghĩa gì?

    Trích dẫn tài liệu là một trong những việc rất quan trọng trong các bài viết khoa học, báo cáo nghiên cứu, luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ. Việc làm này thể hiện được sự nghiên cứu, tham khảo sâu rộng các kết quả nghiên cứu của những người khác, thừa nhận sở hữu trí tuệ của những người đó.

    Trích dẫn tham khảo còn làm tăng giá trị của bài viết nhờ có đối chiếu, tham khảo, so sánh với các nguồn tài liệu từ bên ngoài, thể hiện rõ nguồn gốc các thông tin thu thập được. Giúp phát triển năng lực nghiên cứu nhờ quá trình tìm kiếm và chọn lọc những thông tin có chất lượng, giúp làm tăng khả năng tự học, tự tìm kiếm thông tin và khai thác thông tin; bồi dưỡng ý thức đạo đức nghề nghiệp. Những trích dẫn trong bài cũng là những bằng chứng, cơ sở cho những tranh luận của học viên trong bài viết của mình; minh chứng cho những kết quả, ý tưởng đạt được của mình là mới hoặc hay hơn,… so với những kết quả, ý tưởng của các tài liệu được công bố trước đây.

    Ngoài ra, việc trích dẫn TLTK trong khoa học chứng tỏ người viết am hiểu kiến thức trong chuyên ngành, và dẫn người đọc đến nguồn tài liệu liên quan. Trích dẫn TLTK còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu khác nguồn gốc của phương pháp sử dụng trong nghiên cứu. Nếu lĩnh vực nghiên cứu còn trong vòng tranh luận thì phần TLTK cần phản ảnh được điều đó.

    4. Cách trích dẫn danh mục tài liệu tham khảo chuẩn:

    4.1. Cần lựa chọn các hình thức trích dẫn tài liệu tham khảo:

    Để trích dẫn tài liệu tham khảo đúng chuẩn, bạn cần lựa chọn một trong các hình thức dưới đây:

    • Trích dẫn trực tiếp: Đây là hình thức trích dẫn nguyên văn một phần câu, một câu, một đoạn văn, hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ, quy trình… của bản gốc vào bài viết. Hình thức này cần trích dẫn nguyên văn phải bảo đảm đúng chính xác câu, chữ và ý nghĩa. “Phần trích dẫn nên được đặt trong ngoặc kép”, [số TLTK] đặt trong ngoặc vuông. Không nên dùng quá nhiều cách trích dẫn này vì bài viết sẽ nặng nề và rập khuôn.

    Ví dụ:

    A: Tác giả A viết như sau “Tình hình phân bố bệnh sởi là 10-20%”.

    Thì bạn nên trích dẫn lại như sau: “Tình hình phân bố bệnh sởi là 10-20% [A]”, hoặc “Theo tác giả A, tình hình phân bố bệnh sởi là 10-20% [A]”

    • Trích dẫn gián tiếp: Đây là sử dụng ý tưởng, kết quả, hoặc ý của một vấn đề để diễn tả lại theo văn phong của mình nhưng phải đảm bảo đúng nội dung và nghĩa của bản gốc.  Cách trích dẫn được khuyến khích sử dụng trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khi trích dẫn theo cách này cần cẩn trọng và chính xác để tránh diễn dịch sai, đảm bảo trung thành với nội dung của bài gốc.

    Ví dụ:

    A: Tác giả A viết như sau “Tình hình phân bố bệnh sởi là 10-20%”.

    Thì bạn trích dẫn lại như sau: “Tỷ lệ phân bố bệnh sởi trung bình khoảng 15% [A]”, có thể tỷ lệ trung bình không phải là (10+20)/2, nhưng đây chỉ là ví dụ, bạn có thể trích dẫn gián tiếp như vậy.

    • Trích dẫn thứ cấp là khi người viết muốn trích dẫn một thông tin qua trích dẫn trong một tài liệu của tác giả khác

    Ví dụ:

    A: Tài liệu gốc của ông Nguyễn Văn A viết như sau: Tỷ lệ nam/nữ là 2.

    B: Tài liệu của ông Nguyễn Văn B viết như sau: Tỷ lệ nam/nữ là 2 [B].

    Khi bạn không tìm được tài liệu A của ông Nguyễn Văn A, thì bạn viết như sau: “Theo tác giả Nguyễn Văn A, tỷ lệ giới tính nam/nữ là 2 [B]” hoặc “Trong tài liệu của ông Nguyễn Văn B có đề cập đến tỷ lệ nam/nữ là 2 trong nghiên cứu của ông Nguyễn Văn A [B]

    4.2. Cách trích dẫn tài liệu tham khảo:

    – Danh mục tài liệu tham khảo được sắp xếp theo trình tự sử dụng (trích dẫn) trong luận văn, luận án, bài viết…không phân biệt tiếng Việt, Anh, Pháp…Tài liệu tham khảo được trích dẫn theo số (đã được xác định trong danh mục tài liệu tham khảo), không theo tên tác giả và năm. Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải giữ nguyên văn, không phiên âm, không dịch. Những tài liệu viết bằng tiếng nước ngoài ít người Việt biết thì có thể ghi thêm phần tiếng Việt đi kèm theo mỗi tài liệu. Không nên dùng luận văn, luận án, Website và hạn chế dùng sách giáo khoa làm tài liệu tham khảo.

    – Tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí, tập san được trình bày như­ sau:

    Họ và tên tác giả được viết đầy đủ đối với tên người Việt Nam; Họ (viết đầy đủ), tên gọi và tên đệm (viết tắt) đối với tên người nước ngoài. Nếu bài báo có nhiều tác giả, cần ghi tên 3 tác giả đầu và cộng sự (et al-tiếng Anh), năm xuất bản (trong ngoặc đơn). Tên bài báo. Tên tạp chí, tập san (ghi nghiêng), tập (số, không có dấu ngăn cách, đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn), các số trang (gạch nối giữa hai số, dấu chấm kết thúc).

    – Tài liệu tham khảo là một chương (một phần) trong cuốn sách ghi như sau:

    Họ và tên tác giả của chương (phần) sách hoặc cơ quan ban hành; năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn). Tên chương (hoặc phần), Tên sách (ghi nghiêng, dấu phẩy cuối tên), lần xuất bản (chỉ ghi mục này với lần xuất bản thứ hai trở đi), nhà xuất bản (dấu phẩy cuối tên nhà xuất bản); nơi xuất bản (ghi tên thành phố, không phải ghi tên quốc gia), tập, trang.. Nếu sách có hai tác giả thì sử dụng chữ và (hoặc chữ and) để nối tên hai tác giả. Nếu sách có 3 tác giả trở lên thì ghi tên tác giả thứ nhất và cụm từ cộng sự (hoặc et al.).

    Bottom of Form

    – Tài liệu tham khảo là sách ghi như sau:

    Tên tác giả hoặc cơ quan ban hành; năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn). Tên sách (ghi nghiêng, dấu phẩy cuối), lần xuất bản (chỉ ghi mục này với lần xuất bản thứ hai trở đi), nhà xuất bản (dấu phẩy cuối tên nhà xuất bản); nơi xuất bản (ghi tên thành phố, không phải ghi tên quốc gia, đặt dấu chấm kết thúc). Nếu sách có hai tác giả thì sử dụng chữ và (hoặc chữ and) để nối tên hai tác giả. Nếu sách có 3 tác giả trở lên thì ghi tên tác giả thứ nhất và cụm từ cộng sự (hoặc et al.).

    – Tài liệu tham khảo là luận án, luận văn, khóa luận ghi như sau:

    Tên tác giả, năm bảo vệ (đặt trong ngoặc đơn). Tên đề tài luận án, luận văn (ghi nghiêng, dấu phẩy cuối tên luận án/luận văn), bậc học, tên chính thức của cơ sở đào tạo.

    – Tài liệu tham khảo là bài báo đăng trong các kỷ yếu của hội nghị, hội thảo, diễn đàn… ghi như sau:

    Tên tác giả (năm). Tên bài báo. Tên kỷ yếu/tên hội nghị/diễn đàn (ghi nghiêng), địa điểm, thời gian tổ chức, cơ quan tổ chức, số thứ tự trang của bài báo trong kỷ yếu.

    Tài liệu tham khảo là các giáo trình, bài giảng hay tài liệu lưu hành nội bộ: Cần cung cấp thông tin cơ bản về tên tác giả, năm xuất bản, tên giáo trình, bài giảng, nhà xuất bản (nếu có), đơn vị chủ quản.

    Tài liệu tham khảo trích dẫn từ nguồn internet, báo mạng (hết sức hạn chế loại trích dẫn này), nếu thật cần thiết thì ghi trích dẫn như sau:

    Tên tác giả (nếu có), năm (nếu có). Tên tài liệu tham khảo là gì, <đường dẫn để tiếp cận tài liệu đó>, thời gian trích dẫn.

    5. Một số điều cần lưu ý khi trích dẫn tài liệu tham khảo:

    Chỉ trích dẫn tài liệu tham khảo trong các phần phương pháp nghiên cứu, bàn luận hoặc phần tổng quan. Đối với các phần kết luận, nêu ra kết quả nghiên cứu, tuyệt đối không sử dụng.

    Việc trích dẫn tài liệu tham khảo cần được đồng nhất trong toàn bộ bài viết. Bên cạnh đó, bạn không được phép ghi hay chú thích thêm những điều không cần thiết như: địa vị xã hội, học vị của tác giả. Về phần thông tin trích dẫn phải có trong danh mục tài liệu tham khảo và ngược lại. Ngoài ra, hãy viết đúng và thường xuyên kiểm tra chính tả. Điều đó thể hiện sự chỉnh chu của bạn giữa các phần và tác phẩm luận văn sẽ không bị mất điểm.