Tài liệu ôn thi CPA môn luật: Tổng hợp các dạng bài tập hay gặp

Trong quá trình ôn thi CPA, phần lớn sĩ tử đều đưa ra nhận định rằng ôn thi CPA môn Luật là có đề cương rõ ràng nhất, khi tập hợp của 7 sắc luật riêng rẽ. Vậy nên trong bài viết này, TACA sẽ sẽ tổng kết lại những kiến thức trọng tâm và các dạng bài tập hay gặp của môn này qua thống kế đề thi các năm như sau, cụ thể mời bạn đọc tiếp bài viết.

Trọng tâm kiến thức

– Pháp luật doanh nghiệp: chương II, chương III, chương IV (Giải thể và Phá sản)

– Pháp luật về hợp đồng trong kinh doanh thương mại: mục 4, mục 5 chương II (điều kiện hợp đồng có hiệu lực/ vô hiệu; và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng).

– Pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại: mục 3, mục 4 (giải quyết tranh chấp bằng trọng tài/ tòa án)

– Pháp luật về phá sản (điều kiện phá sản/ người có quyền nộp đơn đề nghị phá sản/ thẩm quyền giải quyết phá sản/ trình tự thủ tục thực hiện)

– Pháp luật lao động (vi phạm kỷ luật/ chấm dứt hợp đồng/ chế độ nghỉ lễ).

Các bạn xem thêm về tài liệu ôn thi CPA để củng cố thêm kiến thức & tăng sự tự tin cho bản thân trước khi bước vào kỳ thi đầy thử thách này.

Các dạng bài tập thường gặp

  • Dạng 1: Dạng bài tập về phá sản 

Dạng bài tập Luật phá sản đã từng xuất hiện liên tục trong các năm thi từ 2012 cho đến 2015. Tuy nhiên, giai đoạn năm 2016 – 2018 thì tạm ngừng ra đề về dạng bài này. Nên rất có khả năng, dạng bài này sẽ xuất hiện trong đề thi CPA môn luật năm 2020. Các tình huống thường gặp trong bài tập luật phá sản như sau:

Quy trình thực hiện phá sản doanh nghiệp bao gồm các giai đoạn:

  • Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

  • Thụ lý hồ sơ;

  • Họp Hội nghị chủ nợ;

  • Thanh lý tài sản

Thông thường đề bài sẽ đưa ra tình huống về một doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán và hỏi xoay quanh 4 giai đoạn này. Cụ thể:

  • Yêu cầu xác định khi nào một công ty lâm vào tình trạng phá sản

  • Yêu cầu xác định chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp

  • Yêu cầu xác định Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản? Có quyền ra quyết định mở thủ tục phá sản?

  • Yêu cầu xác định thứ tự phân chia giá trị tài sản còn lại

  • Yêu cầu xem xét tính hợp pháp của giao dịch thanh toán nợ sau khi tòa án quyết định mở thủ tục phá sản

  • Yêu cầu xem xét tính hợp pháp của hành vi thanh toán trước nợ trước khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

  • Chỉ ra các biện pháp khẩn cấp, tạm thời/ kê biên, niêm phong tài sản có thể áp dụng.

Lưu ý rằng: cần tuân theo 3 bước sau khi giải quyết các tình huống trong bài tập luật phá sản

  1. Đưa ra các giả sử cần thiết nếu bạn thấy đề bài k cho thông tin

  2. Xác định và nêu ra cơ sở pháp lý cần áp dụng

  3. Đưa ra kết luận

Vậy nên, một câu trả lời hoàn hảo sẽ thỏa mãn công thức sau: Giả sử (nếu có) + Cơ sở pháp lý + Kết luận.

Xem thêm bài tập môn Luật chủ đề Luật phá sản có lời giải (điều hướng)

  • Dạng 2: Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại 

Trong quá trình học cpa môn luật mình thấy có 3 dạng bài kinh điển đó là góp vốn, thành lập doanh nghiệp, phá sản và giải quyết tranh chấp. Trong đó, đề bài thường sẽ đưa ra tình huống phát sinh tranh chấp và hỏi về 2 vấn đề:

  • Thẩm quyền giải quyết của Tòa án hoặc Trọng tài thương mại. Ví dụ: Bên nào được quyền giải quyết vụ án? Trong điều kiện nào?

  • Giá trị pháp lý của điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án/ Trọng tài. Ví dụ: Ý nghĩa pháp lý? Khi nào thì thỏa thuận bị coi là vô hiệu?

Các bạn lưu ý chúng ta cần tuân theo 3 bước sau khi giải quyết các tình huống trong bài tập giải quyết tranh chấp thương mại như sau:

  1. Đưa ra các giả sử cần thiết nếu bạn thấy đề bài không cho thông tin

  2. Xác định và nêu ra cơ sở pháp lý cần áp dụng

  3. Đưa ra kết luận

Khi trích dẫn cơ sở pháp lý chỉ cần ghi Căn cứ điều nào, Luật nào là đã đạt điểm, không cần phải nêu cụ thể toàn bộ nội dung điều luật đó tránh trường hợp bị sai sót, gây mất điểm.

Mặc dù để thuộc được từng câu từng chữ trong bộ luật sau đó trích dẫn là điều rất khó nhưng chúng ta cũng nên ghi nhớ các căn cứ luật dưới đây để củng cố thêm tính chắc chắn cho câu trả lời của mình trong bài thi.

  • Thẩm quyền giải quyết của Trọng tài (Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010)

  • Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010)

  • Tòa án phải từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài (Điều 6 Luật trọng tài thương mại 2010)

  • Xác định Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài (Điều 7 Luật trọng tài thương mại 2010)

  • Hình thức thỏa thuận trọng tài (Điều 16 Luật trọng tài thương mại 2010)

  • Thỏa thuận trọng tài vô hiệu (Điều 18 Luật trọng tài thương mại 2010)

  • Xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được (Điều 43 Luật trọng tài thương mại 2010)

  • Những tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Điều 30 Luật tố tụng dân sự 2015)

  • Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện/ cấp tỉnh/ theo lãnh thổ (Điều 35 – Điều 37 – Điều 39 Luật tố tụng dân sự 2015)

 

  • Dạng 3: Hợp đồng trong kinh doanh thương mại

Dạng bài tập về Hợp đồng thương mại xuất hiện khá thường xuyên trong Đề thi CPA môn Luật các năm nên chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng dạng bài này.

Thông thường, bài tập về Hợp đồng thương mại sẽ đưa ra các tình huống sau:

  • Một hợp đồng thương mại được ký kết bởi thành viên (chủ tịch/ giám đốc/ người đại diện theo pháp luật) thì có hiệu lực pháp luật không?

  • Một công ty có được đơn phương hủy hợp đồng thương mại đã ký kết không?

  • Một công ty có được yêu cầu bồi thường thiệt hại không? Một công ty viện sự kiện bất khả kháng để không phải bồi thường thiệt hại có phù hợp không?

  • Thủ tục giao kết hợp đồng thương mại để hợp đồng không bị vô hiệu hóa

  • Tính hợp pháp/ bất hợp pháp của các thỏa thuận trong hợp đồng thương mại

  • Khi nào được áp dụng chế tài phạt hợp đồng? Chế tài buộc thực hiện hợp đồng thương mại

Thủ tục 3 bước xử lý dạng bài tập về Hợp đồng thương mại:

  1. Đưa ra các giả sử cần thiết nếu bạn thấy đề bài không cho thông tin

  2. Xác định và nêu ra cơ sở pháp lý cần áp dụng

  3. Đưa ra kết luận

Dạng bài tập về Hợp đồng thương mại sẽ cần sử dụng đến Bộ luật Dân sự 2015 và Luật thương mại. Tuy nhiên, phạm vi của 2 luật này quá rộng để học nên hãy ôn theo đề cương. Sẽ có một số căn cứ luật các bạn cần phải ghi nhớ để đưa ra trong câu trả lời như dưới đây.

Bộ luật dân sự 2015

– Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

– Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu (từ 123 – 133)

– Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

– Điều 292. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

– Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng

Luật thương mại 2015:

– Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

– Điều 296. Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng

– Điều 300. Phạt vi phạm

– Điều 301. Mức phạt vi phạm

– Điều 302. Bồi thường thiệt hại

– Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

– Điều 304. Nghĩa vụ chứng minh tổn thất

– Điều 307. Quan hệ giữa chế tài phạm vi và chế tài bồi thường thiệt hại

– Điều 308. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng

– Điều 310. Đình chỉ thực hiện hợp đồng

– Điều 312. Hủy bỏ hợp đồng

– Điều 314. Hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng

  • Dạng 4: Luật lao động

Dạng bài tập về lao động mới xuất hiện trong Đề thi CPA môn Luật năm 2015 nhưng từ đó đến nay thì năm nào cũng có bởi tính thiết thực của nó trong đời sống hàng ngày. Các tình huống thường gặp của bài tập về Luật lao động thường xoay quanh quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.

  • Hợp đồng lao động/ Thỏa thuận làm việc/ Thử việc có hợp pháp không?

  • Quyết định cho thôi việc/ Quyết định sa thải/ Tạm đình chỉ công việc có đúng quy định của pháp luật không?

  • Nghĩa vụ chi trả lương cho thời gian từ lúc đình chỉ đến lúc có quyết định thôi việc

  • Việc điều chuyển công việc của người lao động có phù hợp với quy định của luật không?

  • Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?

  • Người lao động có quyền hưởng trợ cấp thôi việc không?

  • Quyền lợi của người lao động trong thời gian nghỉ phép ốm đau, cưới xin, ma chay…

  • Hình thức xử lý khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động?

Vẫn là 3 bước cơ bản xử lý bài tập về Luật lao động như sau:

  1. Đưa ra các giả sử cần thiết nếu bạn thấy đề bài không cho thông tin

  2. Xác định và nêu ra cơ sở pháp lý cần áp dụng

  3. Đưa ra kết luận

Dạng bài tập về Luật lao động tất nhiên sẽ cần sử dụng đến Bộ luật lao động 2012; hãy ghi nhớ các căn cứ luật sau để thể hiện trong bài giải của bạn.

– Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

– Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

– Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

– Điều 22. Loại hợp đồng lao động

– Điều 23. Nội dung hợp đồng lao động

– Điều 27. Thời gian thử việc

– Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

– Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

– Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

– Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

– Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

– Điều 48. Trợ cấp thôi việc

– Điều 50. Hợp đồng lao động vô hiệu

– Điều 52. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

– Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường

– Điều 106. Làm thêm giờ

– Điều 111. Nghỉ hàng năm

– Điều 115. Nghỉ lễ, tết

– Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

– Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

– Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải

– Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

– Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động

– Điều 129. Tạm đình chỉ công việc

  • Dạng 5: Các tình huống thành lập doanh nghiệp

Dạng bài tập về Luật doanh nghiệp là dạng bài thần thánh mà các bạn cần phải học thật kỹ trong quá trình ôn thi CPA môn Luật vì dạng bài này năm nào cũng có trong đề thi. Về cơ bản, các tình huống thường gặp trong bài tập về luật doanh nghiệp sẽ là:

– Đối tượng nào có quyền được thành lập, quản lý doanh nghiệp?

– Việc góp vốn và định giá tài sản góp vốn vào doanh nghiệp có hợp lệ không?

– Phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Thành viên/ Hội đồng thành viên/ Ban kiểm soát của công ty TNHH, Công ty cổ phần

– Xử lý khi thành viên không góp đủ phần vốn góp/ mua lại phần vốn góp.

Sau khi đọc kỹ tình huống mà đề bài đưa ra, các bạn thực hiện 3 bước giải bài cơ bản:

  1. Đưa ra các giả sử cần thiết nếu bạn thấy đề bài k cho thông tin

  2. Xác định và nêu ra cơ sở pháp lý cần áp dụng

  3. Đưa ra kết luận

Dạng bài tập về Luật doanh nghiệp tất nhiên sẽ cần sử dụng đến Luật doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên phạm vi kiến thức của Luật này cũng cực kỳ rộng nên chúng ta sẽ cần suy luận logic để có thể liên kết từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác.

Các bạn lưu ý học các nội dung chính sau đối với mỗi loại hình doanh nghiệp:

– Quy định về việc góp vốn và định giá tài sản góp vốn

– Quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp

– Thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm của Giám đốc/ Hội đồng thành viên/ Đại hội cổ đông/ Chủ tịch hội đồng thành viên/ Hội đồng quản trị

– Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên/ Đại hội đồng cổ đông

Hệ thống các căn cứ luật dùng để trích dẫn trong bài:

  • Công ty TNHH 2 thành viên trở lên

– Điều 48. Thực hiện góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp

– Điều 52. Mua lại phần vốn góp

– Điều 53. Chuyển nhượng phần vốn góp

– Điều 54. Xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt

– Điều 56. Hội đồng thành viên

– Điều 57. Chủ tịch Hội đồng thành viên

– Điều 58. Triệu tập họp Hội đồng thành viên

– Điều 59. Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên

– Điều 61. Biên bản họp Hội đồng thành viên

– Điều 64. Giám đốc, Tổng giám đốc

– Điều 67. Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận

– Điều 71. Trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên và người quản lý khác.

  • Công ty cổ phần

– Điều 112. Thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp

– Điều 114. Quyền của cổ đông phổ thông

– Điều 135. Đại hội đồng cổ đông

– Điều 136. Thẩm quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông

– Điều 139. Mời họp Đại hội đồng cổ đông

– Điều 141. Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông

– Điều 142. Thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông

– Điều 143. Hình thức thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

– Điều 149. Hội đồng quản trị

– Điều 151. Cơ cấu, tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị

– Điều 152. Chủ tịch Hội đồng quản trị

– Điều 153. Cuộc họp Hội đồng quản trị

– Điều 157. Giám đốc, Tổng giám đốc công ty

– Điều 162. Hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận

– Điều 165. Quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát

Hướng dẫn giải bài tập thực hành

Bài 1

Tháng 8/2015, bà Nguyễn Ngọc Lan đứng ra kêu gọi đầu tư thành lập công ty TNHH Phương Dung có trụ sở tại đường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Khi kêu gọi đầu tư, công ty được thành lập bao gồm 4 thành viên: Bà Lan góp 35% vốn điều lệ, bà Phương đóng góp 20% vốn điều lệ, ông Hưng đóng góp 15% vốn điều lệ, Bà Thương đóng góp 30% vốn điều lệ của công ty. Điều lệ của công ty hoàn toàn phù hợp với Luật doanh nghiệp 2015. Sở kế hoạch đầu tư đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD.

Theo thỏa thuận, bà Lan sẽ là chủ tịch hội đồng thành viên, ông Hưng là giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty. Để thay đổi điều lệ của công ty, bà Lan triệu tập hội đồng thành viên vào ngày 10/10/2015 theo đúng trình tự thủ tục. Tuy nhiên phiên họp chỉ có bà Lan và ông Hưng tham dự. Quyết định cũng chỉ được bà Lan và Ông Hưng biểu quyết thông qua.

  1. Quyết định sửa đổi điều lệ của công ty đã hợp lệ hay chưa? Vì sao?

  2. Vì công ty tiếp tục làm ăn không có lãi trong nhiều năm sau đó, không thể thanh toán được các khoản nợ. Các thành viên muốn tuyên bố giải thể công ty, vậy ai là người có thể thay mặt các thành viên thực hiện công việc đó?

  3. Sau khi công ty tuyên bố giải thể được 1 tháng, ông Hưng muốn đứng ra thành lập công ty riêng thì có đc không?

Hướng dẫn làm bài

Quyết định sửa đổi Điều lệ của công ty đã hợp lệ hay chưa? Vì sao?

  • Liên quan đến vấn đề sửa đổi Điều lệ, Điểm K, Khoản 2 Điều 56 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên. 

  • Nghị quyết của Hội đồng thành viên về việc sửa đổi Điều lệ có hiệu lực khi thoả mãn 03 yếu tố:

  • Cuộc họp được triệu tập hợp lệ theo Điều 58 Luật Doanh nghiệp năm 2014

  • Số lượng thành viên tham dự: 

+ Đối với cuộc họp được triệu tập lần thứ nhất, các thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ;

+ Đối với cuộc họp được triệu tập lần thứ hai, các thành viên dự họp sở hữu ít nhất 50% vốn điều lệ (Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2014);

+ Đối với cuộc họp được triệu tập lần thứ ba, không hạn chế tỷ lệ.

+ Tỷ lệ thông qua nghị quyết: Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp khi được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành. 

+ Căn cứ vào tình huống trên, Bà Lan là chủ tịch Hội đồng thành viên đã triệu tập Hội đồng thành viên vào ngày 10/10/2015 theo đúng trình tự thủ tục. Vì vậy, chúng tôi xác định việc triệu tập cuộc họp này được xem là hợp lệ.

+ Tuy nhiên, cuộc họp diễn ra chỉ có sự tham gia của Bà Lan (sở hữu 35% vốn điều lệ) và ông Hưng (sở hữu 15% vốn điều lệ), chiếm 50% vốn điều lệ, do đó, có 02 trường hợp có thể xảy ra:

  • Trường hợp 01: đối với cuộc họp lần thứ nhất, nghị quyết của Hội đồng thành viên không hợp pháp vì tỷ lệ vốn góp đại diện bởi thành viên dự họp chưa đáp ứng đủ tỷ lệ tối thiểu do luật định.

  • Trường hợp 02: đối với cuộc họp lần thứ hai, nghị quyết của Hội đồng thành viên sẽ hợp pháp vì tỷ lệ vốn góp đại diện bởi thành viên dự họp đã đáp ứng đủ tỷ lệ tối thiểu. 

Vì công ty tiếp tục làm ăn không có lãi trong nhiều năm sau đó, không thể thanh toán được các khoản nợ. Các thành viên muốn tuyên bố giải thể công ty, vậy ai là người có thể thay mặt các thành viên thực hiện công việc đó?

  • Theo Điểm m Khoản 2 Điều 56 Luật Doanh nghiệp, Hội đồng thành viên có quyền quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty.

  • Đối với trường hợp Công ty không thể thanh toán nợ nhưng chưa có bất kì chủ nợ hoặc người có lợi ích liên quan yêu cầu Toà án tuyên bố phá sản theo Điều 5 Luật Phá sản năm 2014, Hội đồng thành viên có thể họp và quyết định giải thể Công ty. 

  • Căn cứ dữ liệu từ đề bài, các thành viên đều mong muốn được giải thể công ty, nếu cuộc họp được triệu tập hợp lệ và số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ cũng như có ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, nghị quyết của Hội đồng thành viên về giải thể công ty được xem là hợp lệ.

  • Trên cơ sở quyết định của Hội đồng thành viên, Khoản 7 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định rằng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Như vậy,  người đại diện theo pháp luật – Ông Hưng là người thay mặt các thành viên thực hiện công việc này. căn cứ theo Điểm a Khoản 2 Điều 64 Luật Doanh nghiệp, giám đốc hoặc tổng giám đốc có nghĩa vụ tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên.

Sau khi công ty tuyên bố giải thể được 1 tháng, ông Hưng muốn đứng ra thành lập công ty riêng thì có được không?

Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

  • Có thể thấy rằng, ông Hưng với vai trò là thành viên công ty cũng như là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty tuyên bố giải thể không thuộc các trường hợp bị hạn chế thành lập doanh nghiệp như Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Do đó, việc ông Hưng đứng ra thành lập công ty hoàn toàn hợp lệ. 

 

Bài 2

Công ty trách nhiệm hữu hạn Y có trụ sở tại quận Đống Đa Hà Nội gồm 4 thành viên: A, B, C, D có vốn điều lệ 1 tỷ (A 300 triệu, B 300 triệu, C 300 triệu, D 100 triệu). Theo điều lệ công ty, A là chủ tịch hội đông thành viên, C là giám đốc công ty và là người đại diện theo pháp luật của công ty. Ngày 10/2/2016, A đã đại diện cho công ty ký hợp đồng mua 10 tấn xi măng Bim Sơn của công ty trách nhiệm hữu hạn Z có trụ sở tại huyện Đông Anh mà không có sự ủy quyên của C.

Hỏi rằng:

  1. Hợp đồng do A ký kết có hiệu lực pháp luật hay không? Vì sao?

  2. Nếu 4 thành viên trên mới chỉ góp A 30 triệu, B 30 triệu, C 30 triệu, D 10 triệu và có giấy chứng nhận góp vốn nhưng B không muốn tham gia nữa mà muốn bán lại phần góp vốn 30 triệu cho A với số tiền 20 triệu. Khi công ty nhờ dịch vụ tiến hành làm thủ tục chuyển nhượng vốn góp thì bên dịch vụ không căn cứ trên số tiền góp vốn ban đầu (100 triệu) mà sử dụng số tiền trên vốn điêu lệ (1 tỷ), câu hỏi đặt ra như sau:

  3. Bên dịch vụ làm như vậy có đúng không? Vì sao?

  4. B bán phần vốn góp 30 triệu cho A với giá 20 triệu có hợp pháp không?

Hướng dẫn làm bài

Hợp đồng do A ký kết có hiệu lực pháp luật hay không? Vì sao?

Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Cùng với đó, trong trường hợp đại diện theo pháp luật vắng mặt thì người đó phải uỷ quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. 

Trong phạm vi bài tập tình huống này, A không phải là người đại diện theo pháp luật công ty cũng như không có sự uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật, vì vậy, hợp đồng do A kí kết không có hiệu lực pháp luật. 

Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập thẩm quyền kí kết của người đại diện theo pháp luật và người uỷ quyền chứ không bàn đến trường hợp người đại diện đã công nhận giao dịch hoặc không phản đối trong một thời hạn hợp lý tại Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Dân sự năm 2015.  

Bên dịch vụ làm như vậy có đúng không? Vì sao?

  • Thực tế, B chỉ góp 30 triệu đồng và Công ty chỉ ghi nhận phần vốn thực góp trên giấy chứng nhận góp vốn. Do vậy, vốn góp của B là 30 triệu đồng. 

  • Theo quy định tại Điều 50 và 53 Luật doanh nghiệp 2014, Thành viên chỉ được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp (30 triệu đồng) của mình cho Người khác. Do đó, Bên dịch vụ thực hiện thủ tục chuyển nhượng dựa trên vốn điều lệ 1 tỷ hay 300 triệu phần vốn góp của B là không đúng.  

B bán phần vốn góp 30 triệu cho A với giá 20 triệu có hợp pháp không?

  • Thực tế A và B là thành viên của Công ty do đó việc chuyển nhượng giữa A và B không hạn chế trong trường hợp ưu tiên chào bán cho thành viên theo Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2014. 

  • Việc B chuyển nhượng phần vốn thực góp là 30 triệu là hoàn toàn hợp pháp, được ghi nhận trên giấy chứng nhận góp vốn. 

  • Việc chuyển nhượng vốn góp là giao dịch dân sự, phụ thuộc vào thoả thuận của A và B nên việc B chuyển nhượng cho A với giá 20 triệu là hợp pháp. 

Bài 3

Tuấn, Thành, Hưng, Hoàng quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào tháng 7/2018. Trong bản cam kết góp vốn: Tuấn góp 200 triệu bằng tiền mặt; Thành góp vốn bằng ngôi nhà của mình và được các thành viên thỏa thuận định giá là 1 tỷ, mặc dù hiện tại có giá khoảng 500 triệu (vì theo quy hoạch đến cuối 2015 sẽ có 1 con đường lớn mở trước nhà), Hưng góp 400 triệu bằng tiền mặt, nhưng lúc đầu chỉ góp 300 triệu, phần còn lại sẽ góp khi nào công ty cần. Hoàng góp bằng Giấy xác nhận nợ của Công ty Trần Anh với số nợ 500 triệu, với thời hạn là ngày 31/12/2018, được các thành viên định giá là 400 triệu. Đến 31/12/2018, công ty Trần Anh chỉ trả được 300 triệu, phần còn lại không đòi được. Mặc dù cuối năm 2018, con đường đã làm xong, nhưng do thị trường bất động sản đóng băng nên giá ngôi nhà của Thành không có gì biến động. Cuối 2015, công ty chưa lần nào yêu cầu Hưng góp phần vốn còn thiếu. Tháng 3 năm 2016, công ty lãi ròng 400 triệu đồng. Hội đồng thành viên họp để chia lợi nhuận, các thành viền không thống nhất được với nhau, họ cho rằng việc chia phải tính theo số vốn thực tế đã góp, nên xảy ra tranh chấp giữa các thành viên. 

Hỏi rằng:

  1. Việc góp vốn bằng giấy xác nhận nợ có hợp pháp hay không? Vì sao?

  2. Việc định giá tài sản cao hơn thực tế tại thời điểm góp vốn có hợp pháp không? Những vấn đề đặt ra là gì?

  3. Nếu công ty trách nhiệm hữu hạn A chuyển sang công ty cổ phần P và Tuấn tham gia góp vốn vào một công ty cổ phần với tỉ lệ vốn góp là 15%, trên vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ. Hỏi sau l năm hoạt, công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên, ví dụ: sang năm 2017 vốn điều lệ công ty là 50 tỷ, thì số tiền vốn góp ban đầu 15% của Tuấn sẽ được tính dựa trên 15% của 5 tỷ hay là 15% của 50 tỷ.

  4. Tháng 11/2016, Hoàng làm giám đốc – công ty cổ phần P, công ty P có kí hợp đồng (Hoàng là người kí) với công ty Q và công ty Q yêu cầu chung tiền với công ty Q là 1 tỉ thì công ty Q sẽ giao việc cho công ty P làm, sau khi làm thì công ty P trả được 500 triệu còn nợ 500 triệu. Hiện tại công ty P đã được bán lại cho công ty M và Hoàng vẫn còn cổ phần trong đó nhưng không còn là giám đốc. Công ty Q kiện Hoàng (cá nhân) ra toà vì số nợ 500 triệu trên. Hỏi:

    1. Công ty Q kiện Hoàng ra tòa có đúng không?

    2. Nghĩa vụ thanh toán khoản nợ 500 triệu của công ty Q thuộc về công ty P hay công ty M?

Hướng dẫn làm bài

  1. Có hợp pháp vì:

Căn cứ vào Điều 35 luật doanh nghiệp 2014 thì Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. 

Căn cứ vào Điều 450 Bộ luật dân sự 2015 thì Giấy xác nhận nợ được coi là một loại tài sản (quyền tài sản) có thể định giá được bằng đồng Việt Nam và được quyền chuyển giao sang cho bên nhận góp vốn.

2.

  • Căn cứ vào khoản 5 điều 17 Luật doanh nghiệp 2014 thì việc cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị là một trong những hành vi nghiêm cấm trong luật doanh nghiệp. Do vậy nếu như các thành viên hoặc tổ chức thẩm định giá cố tình định giá cao hơn giá trị thực của tài sản góp vốn thì việc định giá này không hợp pháp.

  • Căn cứ vào điều 37 luật doanh nghiệp 2014 thì Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Trong trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá trị tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực thì tổ chức thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về việc định giá này, trong trường hợp các thành viên cố tình định giá cao hơn giá trị thực của tải sản góp vốn thì các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm về giá trị chênh đó.

  • Căn cứ vào điều 450 Bộ luật dân sự 2015 thì Khi công ty không đòi được nợ thì người góp vốn và các thành viên liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá (cùng liên đới góp thêm)

3.

Theo Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Công ty cổ phần sẽ phát hành cổ phần mới để tăng vốn điều lệ và Công ty có thể phát hành cổ phần thông qua các hình thức như:

a) Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;

b) Chào bán ra công chúng;

c) Chào bán cổ phần riêng lẻ.

Do vậy, khi vốn điều lệ tăng, số tiền góp vốn ban đầu 15% của Tuấn (tương ứng 5 tỷ) so với vốn điều lệ mới là 50 tỷ thì chỉ là 1,5%. 

Trong trường hợp Hoàng là giám đốc và đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần P. Do vậy, hợp đồng giữa công ty P với công ty Q do Hoàng k là có hiệu lực pháp luật trên cơ sở chủ thể ký kết thì công ty Q không được quyền kiện Hoàng ra tòa án.

Trong trường hợp Hoàng không phải Người đại diện theo pháp luật và việc Hoàng đại diện công ty P ký hợp đồng không có thư ủy quyền của Người đại diện theo pháp luật thì việc ký hợp đồng của Hoàng là không hợp pháp. Nhưng theo dữ liệu của bài không thấy người đại diện theo pháp luật của công ty P phản đối và đồng thời công ty P đã thanh toán 1 phần số tiền phải trả nên Hợp đồng giữa công ty P và công ty Q vẫn hợp pháp. Do vậy công ty P mới là chủ thể của hợp đồng và là một bên trong tranh chấp chứ không phải Hoàng nên công ty Q không thể kiện Hoàng ra tòa.

b.

Công ty P đã được bán lại cho công ty M và Hoàng vẫn còn cổ phần trong đó, do vậy việc bán lại công ty P ở đây được hiểu là các cổ đông của công ty P đã chuyển nhượng cổ phần của họ cho công ty M và lúc này công ty M trở thành cổ đông của công ty P.

Theo điểm c khoản 1 điều 110 luật doanh nghiệp 2014 thì cổ đông chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn đã góp vào doanh nghiệp và căn cứ vào điều 115 luật doanh nghiệp thì việc trả nợ thay cho công ty P không phải trách nhiệm của cổ đông, trách nhiệm của công ty M.

Bài 4

Ông Lê Văn N là thành viên góp 30 tỷ chiếm 30% vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn X. Sau 1 năm ông Lê Văn N chuyển toàn bộ phần vốn góp này cho Bà Phạm Thị H, để thanh toán nợ giữa ông Lê Văn N và bà Phạm Thị H. Sau đó, bà Phạm Thị H yêu cầu được, hưởng quyền thành viên như ông Lê Văn N. Tuy nhiên, Hội đồng Thành viên của công ty X không đồng ý

Yêu cầu: Quyết định hội đồng Thành viên của công ty X không đồng ý bà Phạm Thị H được hưởng quyền thành viên sau khi nhận chuyển nhượng vốn góp của ông Lê Văn N có đúng quy định không? Tại sao?

Hướng dẫn làm bài

Căn cứ vào khoản 6 đều 54 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai hình thức sau đây:

  1. Trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;

  2. Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 53 của Luật này.

Do vậy, trong trường hợp này bà Hà nhận phần vốn góp của ông N trên cơ sở thanh toán nợ của ông N cho bà H mà chưa được Hội đồng thành viên chấp thuận nên quyết định của Hội đồng thành viên của công ty X không đồng ý bà H được hưởng quyền thành viên sau khi nhận chuyển nhượng vốn góp của ông N là đúng quy định.

Bài 5

Công ty TNHH Hồng Huệ thành lập ngày 1/3/2018 có trụ sở tại Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, vốn điều lệ của Công ty do 4 thành viên đóng góp theo tỷ lệ, Hồng góp 25% vốn điều lệ, Huệ góp 30% vốn điều lệ, Cúc góp 20% vốn điều lệ (cam kết sẽ góp đủ trong tháng 4/2018), Lan góp 25% vốn điều lệ. Công ty đã được Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều lệ Công ty phù hợp với quy định của pháp luật).

Bốn thành viên thống nhất Huệ là Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Hồng Huệ. Sau thời gian hoạt động, Huệ muốn thay đổi một số nội dung trong Điều lệ Công ty nên đã triệu tập họp Hội đồng thành viên đúng trình tự, thủ tục (triệu tập lần 1) nhưng tại phiên họp chỉ có Huệ và Lan tham dự, nghị quyết sửa Điều lệ Công ty chỉ được Huệ và Lan biểu quyết thông qua.

  1. Cuộc họp Hội đồng thành viên có hợp lệ không? Nghị quyết sửa đổi Điều lệ của Công ty TNHH Hồng Huệ có đúng quy định pháp luật không? Vì sao?

  2. Giả sử đến ngày 1/6/2018, Cúc chưa góp đù số tiền mặt bằng 20% vốn điều lệ thì phải giải quyết như thế nào? Lan muốn mua lại phần vốn góp của Cúc có được không?

  3. Trường hợp Huệ muốn tăng vốn điều lệ của Công tỵ thì phải thực hiện các thủ tục gì? Huệ có thể dùng xe ô tô Camry 2.0 để góp vốn vào Công ty trong trường hợp nào, Công ty và Huệ phải thực hiện những thủ tục gì?

Hướng dẫn làm bài

  1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 59 luật Doanh nghiệp 2014 thì cuộc họp thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ, trừ trường hợp điều lệ có quy định khác. Theo dữ liệu của bài thì đây là cuộc họp được triệu tập lần 1 với 2 thành viên tham gia sở hữu 55% vốn điều lệ (Huệ góp 30% vốn điều lệ và Lan góp 25% vốn điều lệ). Do vậy cuộc họp hội đồng thành viên này không hợp lệ

  • Trong trường hợp nghị quyết của hội đồng thành viên về sửa đổi điều lệ được diễn ra trong cuộc họp được triệu tập lần 1 với dữ liệu phân tích ở trên thì Nghị quyết này cũng không đúng quy định vì không được triệu tập hợp lệ.

  1. Căn cứ vào khoản 3 điều 48 Luật doanh nghiệp 2014 thì đến ngày 1/6/2018 mà Cúc chưa góp đủ số tiền mặt bằng 20% vốn điều lệ thì: 

a) Trong trường hợp Cúc chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

b) Trong trường hợp Cúc chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết (đã góp một phần) thì có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

  • Đối với phần vốn góp chưa được Cúc góp đủ sẽ được Hội đồng thành viên quyết định theo các phương án như sau:

  • Các thành viên cùng góp bù phần còn thiếu theo tỷ lệ vốn góp của họ trong công ty;

  • Một hoặc một số thành viên góp bù phần còn thiếu đó;

  • Công ty thông báo giảm vốn điểu lệ theo điểm c khoản 3 điều 68 luật doanh nghiệp 2014.

  • Lan có thể mua phần vốn góp của Cúc với những trường hợp sau:

  • Trong trường hợp Cúc chưa góp thì Lan sẽ góp bù trên cơ sở sự đồng ý của Hội đồng thành viên;

  • Trong trường hợp Cúc góp một phần thì đối với phần Lan được quyền mua của Cúc phần vốn đã góp còn phần vốn chưa góp thì Lan chỉ được quyền góp bù, với hai tình huống này đều phải được Hội đồng thành viên chấp thuận.

  1. Trong trường hợp Huệ muốn tăng vốn điều lệ thì Huệ với vai trò là chủ tịch HĐTV sẽ thông báo mời họp Hội đồng thành viên theo đúng thủ tục quy định tại Điều 58, 59 luật Doanh nghiệp 2014.

  • Huệ có thể dùng chiếc ô tô Camry là tài sản góp vốn trong trường hợp:

  • Chiếc ô tô đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Huệ hoặc được chủ sở hữu hợp pháp cho phép Huệ sử dụng chiếc ô tô đó làm tài sản góp vốn;

  • Được Hội đồng thành viên chấp thuận việc Huệ sử dụng chiếc ô tô là tài sản góp vốn để tăng vốn điều lệ công ty;

  • Được Hội đồng thành viên định giá tài sản góp vốn hoặc chấp thuận chứng thư định giá của một tổ chức định giá độc lập về việc định giá chiếc ô tô góp vốn.

  • Công ty và Huệ sẽ phải thực hiện các công việc sau:

  • Triệu tập họp hội đồng thành viên về việc tăng vốn điều lệ và định giá tài sản góp vốn theo đúng quy định của luật doanh nghiệp 2014;

  • Thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ theo quy định của pháp luật;

  • Thực hiện việc chuyển giao tài sản góp vốn là chiếc ô tô sang cho công ty và cấp giấy tờ xe sang cho công ty;

  • Công ty lập sổ thành viên ghi nhận phần vốn góp mới của Huệ tại công ty

Trên đây là  tài liệu ôn thi CPA môn luật bao gồm hệ thống, các dạng bài tập thường gặp trong đề thi CPA chính thức nhiều năm qua, TACA hy vọng những tổng hợp quý báu này sẽ là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho các bạn trong quá trình học cpa và ôn thi để giành lấy cho mình “tấm vé vàng” chứng chỉ hành nghề kiểm toán CPA, nâng cao cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của mình nhé!

>> [Chia sẻ] Tài liệu ôn thi CPA 2020 Bộ Tài Chính mới nhất

>> Sách luyện thi CPA môn Luật bài tập có lời giải

>> Những điều cần phải biết về kỳ thi CPA, APC