Tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội: chỉ giữ 100% vốn 17 doanh nghiệp, cắt dần xe ‘biển đỏ’

Tiêu điểm

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020, sau đó là cuộc họp báo thông báo một số nội dung về đề án này.

Chỉ huy một số đơn vị vẫn có tư tưởng trì hoãn

Báo QĐND dẫn lời Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2001 đến nay, Bộ Quốc phòng đã thực hiện 5 đề án sắp xếp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bằng nhiều hình thức sắp xếp, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại các doanh nghiệp quân đội, theo đó từ hơn 300 doanh nghiệp từ trước năm 2000, đến nay còn lại 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý.

Các doanh nghiệp quân đội vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững thương hiệu trên các lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng, như viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ cảng biển, xây dựng, đóng tàu… Năm 2017, dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp quân đội đạt 379.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 46.500 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 43.500 tỷ đồng.

Thượng tướng Trần Đơn khẳng định việc đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước là để doanh nghiệp mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhận thức của một số cấp ủy, người chỉ huy ở một số đơn vị chưa đầy đủ về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp trong tình hình mới. Một số cán bộ chủ trì ở các doanh nghiệp có tư tưởng kéo dài thời gian thoái vốn, cổ phần hóa do lo ngại sau khi chuyển thành công ty cổ phần, thoái hết phần vốn Nhà nước sẽ không còn được tham gia các dự án đầu tư của Bộ Quốc phòng; hoặc chỉ với mục đích cá nhân là chờ đến thời hạn phong quân hàm, nâng lương.

Việc lập đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp chưa lường hết các khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…

Do đó, ngày 18/5/2017, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 425-NQ/QUTW về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ngày 4/10/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020”.

Giữ lại doanh nghiệp thực sự ‘quân đội’, ‘quốc phòng’

Theo đề án được phê duyệt, Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đối với 17 doanh nghiệp, trong đó giữ nguyên 12 doanh nghiệp đang thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đề án hình thành 5 tổng công ty có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng, trên cơ sở cơ cấu lại các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

Đồng thời, thực hiện cổ phần hóa 29 doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là thương mại, xây dựng, dịch vụ; thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 20 công ty cổ phần (thuộc danh mục doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn điều lệ); đồng thời một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ được sáp nhập, hợp nhất.

Bộ Quốc phòng sẽ duy trì tỷ lệ vốn Nhà nước từ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại 12 doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa gồm các tổng công ty: Đông Bắc, Xăng dầu Quân đội, Xây dựng Lũng Lô, Xây dựng Trường Sơn, Thành An, Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng, Xây dựng công trình hàng không (ACC), Tổng công ty 28 và các công ty: X20, Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (Tecapro), In Quân đội 1, In Quân đội 2. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp này theo tiêu chí, phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước hiện hành.

Đối với tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con tổ chức thành hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên; ban tổng giám đốc, tổng giám đốc, kiểm soát viên. Trong đó, chủ tịch hội đồng thành viên cơ cấu là bí thư đảng ủy; thành viên hội đồng thành viên cơ cấu là đảng ủy viên; tổng giám đốc là thành viên hội đồng thành viên, cơ cấu là phó bí thư đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này đều do Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Đối với các công ty độc lập, tổ chức thành chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), kiểm soát viên. Trong đó, chủ tịch công ty cơ cấu là bí thư đảng ủy, tổng giám đốc (giám đốc) cơ cấu là phó bí thư đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này do Thường vụ Đảng ủy trực thuộc Quân ủy Trung ương đề nghị và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Đối với các công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ, tổ chức thành hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát; trong đó: Chủ tịch hội đồng quản trị cơ cấu là bí thư đảng ủy; tổng giám đốc (giám đốc) cơ cấu là phó bí thư đảng ủy, là người đại diện theo pháp luật. Các chức danh này do Bộ Quốc phòng giới thiệu và hội đồng quản trị doanh nghiệp bầu.

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, sáp nhập, hợp nhất để hình thành các tổng công ty, giải thể pháp nhân doanh nghiệp giữ nguyên mô hình tổ chức như hiện tại để thuận lợi triển khai nhiệm vụ sắp xếp, tránh gây xáo trộn về tổ chức, biên chế.

Đáng chú ý là lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng đã công bố một số chính sách mới liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp quân đội, theo đó về đất đai, các doanh nghiệp sử dụng đất quốc phòng cho mục đích kinh tế-quốc phòng cũng sẽ phải thuê đất.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã thu hồi hơn 1.400 biển số xe quân sự của các doanh nghiệp, để tới đây mỗi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cũng chỉ có tối đa 2 xe biển số quân sự. Khi rút hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nào thì cũng đồng thời sẽ thu hồi hết biển số xe quân sự tại doanh nghiệp đó.