Tác động đến sự sống của nhân loại – Mối quan hệ giữa con người và môi trường
MT&XH – Sự sống của con người trên trái đất tốt hay không, môi trường chính là yếu tố quan trọng quyết định điều đó. Môi trường gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nó được tạo lập xung quanh con người, chi phối đời sống con người, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của con người. Mối quan hệ giữa con người – môi trường được xem là mối quan hệ biện chứng tự nhiên – xã hội trong sự phát triển bền vững ở nước ta. Đó là phát triển trong mức độ duy trì chất lượng môi trường, giữ cân bằng giữa môi trường và sự phát triển.
Môi trường luôn là vấn đề cấp bách và nóng hổi với toàn nhân loại, nó ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển và tồn tại của con người. Vì nó bao gồm nhiều yếu tố tự nhiên và xã hội vô cùng cần thiết cho sự sinh sống và sản xuất. “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên” (Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam).
Con người sống trong môi trường tự nhiên và luôn tồn tại trong môi trường xã hội. Mọi sự xáo trộn về môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng sống của con người. Để xử lý mối tương tác đó, con người phải vận dụng vốn tri thức và kinh nghiệm của mình để tìm được “giọng điệu chung” với môi trường. Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay đang xuất hiện những vấn đề phức tạp trong việc giải quyết mối quan hệ giữa con người và môi trường. Những cảnh báo khoa học đã giúp chỉ rõ mối liên hệ nhân quả giữa của con người với môi trường sinh thái, giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Từ đó bắt đầu hình thành những tư tưởng cơ bản về phát triển bền vững ở nước ta – một sự phát triển hài hòa cả về kinh tế, xã hội, tài nguyên môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của các thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại hoặc gây trở ngại đến khả năng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế – xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng sống của các thế hệ tương lai.
Các yếu tố như: tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, khí hậu, ánh sáng, cảnh quan… Cơm ăn, nước uống, thuốc chữa bệnh, quần áo mặc đều là sản phẩm từ thiên nhiên thông qua quá trình lao động của chính con người đó chính là những gì tồn tại ở môi trường tự nhiên. Như vậy có thể thấy con người và môi trường tự nhiên có môi quan hệ rất chặt chẽ và có sự liên kết bổ sung cho nhau. Con người lựa chọn, tạo dựng môi trường sống cho mình từ môi trường tự nhiên. Còn môi trường tự nhiên quy định cách thức tồn tại và phát triển của con người.
Có thể thấy con người tác động vào môi trường tự nhiên cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tác động tích cực của con người vào môi trường tự nhiên được thể hiện qua việc tận dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố môi trường nhằm phục vụ cuộc sống của mình. Con người còn biết lựa chọn cho mình không gian sống thích hợp nhất, từ chỗ lệ thuộc bị động đến cải tạo chinh phục tự nhiên. Sự tác động của con người tăng theo sự gia tăng quy mô dân số và theo hình thái kinh tế (Từ nền nông nghiệp săn bắt hái lượm đến nền nông nghiệp truyền thống và nền nông nghiệp công nghiệp hóa). Tuy nhiên, sự tác động tiêu cực của con người vào môi trường tự nhiên khiến cho môi trường tự nhiên bị tàn phá và ô nhiễm, lúc đó con người sẽ luôn phải sống trong cảnh lo âu về thiên tai, dịch bệnh… Do vậy, môi trường tự nhiên phải được bảo vệ một cách tốt nhất, phải tiết kiệm các nguồn tài nguyên, nâng cao tỷ lệ sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả, làm cho hệ sinh thái được tái sinh thường xuyên.
Như chúng ta đã biết tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi và đầy bức xúc do chính việc sinh hoạt và sản xuất của con người gây ra, nó đang trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của các thế hệ sau này của thế giới. Những năm gần đây, chúng ta luôn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra và do công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Môi trường vẫn từng ngày, từng giờ bị chính các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người làm ô nhiễm nghiêm trọng hơn, sự phát triển bền vững vẫn đứng trước những thử thách lớn lao. Đó cũng chính là những kết quả tất yếu của sự thiếu ý thức tôn trọng tự nhiên và sự lúng túng trong việc tìm ra một lời giải cho bài toán phát triển bền vững. Có điều là, nếu những hành vi của con người phù hợp với quy luật của tự nhiên thì tự nhiên sẽ là người bạn tốt, đầy thiện chí, ngược lại những hành vi trái với quy luật tự nhiên thì sức trả thù của tự nhiên sẽ lớn hơn bất cứ lực lượng xã hội nào. Thực tế đã chứng minh, không khí ô nhiễm có thể giết chết nhiều cơ thể sống trong đó có con người. Ô nhiễm ozone có thể gây bệnh đường hô hấp, bệnh tim mạch, viêm vùng họng, đau ngực, tức thở. Ô nhiễm nước gây ra cái chết cho con người do ăn uống bằng nước bẩn chưa được xử lý. Ô nhiễm tiếng ồn gây điếc, cao huyết áp, bệnh trầm cảm, bệnh mất ngủ và gây nhiều hậu quả khác.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam có khoảng 325 khu công nghiệp được thành lập. Ngoài ra, còn có hàng trăm cụm, điểm công nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 – 20% như Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Đến nay, mới có 60 khu công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung (chiếm 42% số khu công nghiệp đã vận hành) và 20 khu công nghiệp đang xây dựng trạm xử lý nước thải. Bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Có khu vực, hàm lượng nồng độ NH3 trong nước vượt gấp 30 lần tiêu chuẩn cho phép (như sông Thị Tính, Thị Vải); hàm lượng chì trong nước vượt tiêu chuẩn quy định nhiều lần; chất rắn lơ lửng vượt tiêu chuẩn từ 3 – 9 lần. Bình quân mỗi ngày, lưu vực sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 48.000m3 nước thải từ các cơ sở sản xuất này. Có nơi, hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp đã phá vỡ hệ thống thủy lợi, tạo ra những cánh đồng hạn hán, ngập lụt và ô nhiễm nguồn nước tưới, gây trở ngại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng dân cư lân cận với các khu công nghiệp, đang phải đối mặt với thảm họa về môi trường. Họ phải sống chung với khói bụi, uống nước từ nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp. Từ đó, gây bất bình, dẫn đến những phản ứng quyết liệt của người dân, có khi bùng phát thành các xung đột xã hội gay gắt đối những hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Con người có thể gia tăng không gian sống cần thiết cho mình bằng việc khai thác và chuyển đổi chức năng sử dụng của các loại không gian khác như khai hoang, phá rừng, cải tạo các vùng đất và nước mới. Nhưng việc khai thác quá mức không gian và các dạng tài nguyên thiên nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề mà con người phải gánh chịu. Do đó, để vừa được hưởng cuộc sống có chất lượng cao vừa bảo vệ được môi trường sống là cả một vấn đề rất lớn và phức tạp, không chỉ giới hạn trong việc sử dụng những sản phẩm tiêu thụ mà còn liên quan rất nhiều đến cách cư xử của chính con người với thiên nhiên. Điều đó có thể nhận thấy qua việc chặt phá mở rộng diện tích đất rừng canh tác hoặc lấy đất để ở đang diễn ra một cách tự phát, không tuân theo quy định của pháp luật. Diện tích rừng ngày một giảm dần dẫn đến nạn ô nhiễm môi sinh, nạn trái đất ấm dần lên, nạn đói kém, hạn hán, lũ lụt ngày một tăng cả về tầng suất và cường độ, nạn voi bỏ rừng về buôn làng giết hại con người, phá hoại tài sản không phải là chuyện hiếm. Những năm gần đây, chủ trương ngăn đê, đắp đập chủ động nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, làm thủy điện ở một số địa phương nước ta đã gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và ngập lụt cục bộ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe con người và các cơ thể sống khác. Trường hợp ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt ở miền Trung… đã cho thấy rõ điều đó.
Con người tác động vào môi trường theo hướng tích cực và tiêu cực. Trong mối quan hệ tương tác, môi trường tự nhiên làm nền tảng cho cuộc sống của con người. Nếu con người biết giới hạn để vừa sử dụng vừa bảo vệ môi trường tự nhiên thì mối quan hệ ngày càng bền chặt và tồn tại lâu dài. Ngược lại, môi trường tự nhiên sẽ tiếp tục bị tàn phá nếu con người không có biện pháp cụ thể để bảo vệ nó.
Thu Phương