Tác động của tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo đến việc xây dựng niềm tin xã hội (Qua nghiên cứu trường hợp Công giáo và Phật giáo)

1.       Vai trò của tôn giáo trong đời sống cá nhân

Niềm tin tôn giáo góp phần định vị ý thức cá nhân trong những khuôn khổ nhất định, bao gồm cả lối sống và niềm tin trong cuộc sống. Creel(1) và Dow(2) khi nghiên cứu ảnh hưởng của tôn giáo đến lối sống con người đã chỉ ra rằng, tôn giáo có thể bảo vệ và thúc đẩy một lối sống lành mạnh thông qua việc kiểm soát hành vi lành mạnh của cá nhân, tôn giáo cũng góp phần hỗ trợ xã hội và trạng thái tâm lý cá nhân. Theo Doetzel(3), bản thân tiếng Latinh – “religio” có nghĩa là cái gắn kết chúng ta với nhau như những người cùng một nhóm hay cộng đồng. Do vậy, tôn giáo là một chủ đề hàng ngày của các cá nhân.( )Đó là niềm tin vào Đấng thiêng liêng và các hoạt động liên quan đến nó. Tôn giáo là một hệ thống liên quan đến một hoặc nhiều vị thần, kết hợp với các nghi thức, nghi lễ, hướng dẫn đạo đức và triết lý cuộc sống(4). Tôn giáo mang lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của những người tin theo nó, giúp họ đánh giá quá khứ, hiểu hiện tại và tạo hy vọng cho tương lai, cũng như đem lại sự ổn định tâm lý.

Nói chung, tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ của mỗi người với người khác và gia đình. Những người trong cùng một tôn giáo luôn có cùng sự cảm nhận xã hội và qua cách tạo dựng nên cộng đồng tôn giáo đó, họ có một mạng lưới mối quan hệ xã hội có thể giúp đỡ và bảo vệ mình bất cứ khi nào cần thiết. Mạng lưới xã hội của các tôn giáo cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các hành vi có ảnh hưởng đến chất lượng của các mối quan hệ xã hội. Theo Browm(5), tôn giáo cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong cách tương tác và giao tiếp với nhau của các cặp vợ chồng.

Xem xét mối quan hệ giữa tôn giáo và các quan hệ xã hội, nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa tôn giáo và hành vi ủng hộ xã hội, chẳng hạn như các nghiên cứu tâm lý của động lực tình nguyện viên (Hoge(6), Smidt(7), Lim(8)). Theo đó, những người đi lễ nhà thờ thường xuyên thường có nhiều khả năng làm công việc tình nguyện hơn, vì họ luôn chịu ảnh hưởng về phương diện tình yêu được đề cập đến trong các giáo lý tôn giáo. Với họ, niềm tin tôn giáo là cái giúp cho họ biết cảm thông với người khác hơn và do vậy, họ cũng có ý thức về việc tình nguyện chăm sóc người khác. Tôn giáo dạy cho chúng ta phải biết giúp đỡ, chia sẻ với tất cả mọi người không phân biệt màu da hay địa vị xã hội. Tôn giáo là động lực quan trọng để kết nối các cá nhân của một cộng đồng tôn giáo vào việc giúp đỡ người khác hoặc trong, hoặc ngoài cộng đồng đó. Các tín đồ tôn giáo còn nhận thấy rằng, trong cuộc sống không nên làm hại bản thân, không gây hại cho người khác và xa hơn nữa, làm những điều đó là tốt cho chính mình, cho người khác. Họ tin tưởng rằng, tôn giáo đang giúp họ trên con đường thực hiện những điều đó.(8)Mục đích của tôn giáo là để mang lại những điều tốt đẹp và ngăn chặn tội ác. Nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo và hoạt động tình nguyện chỉ ra rằng, việc thực hành tôn giáo cũng làm cho sức khỏe tinh thần tốt hơn, bao gồm cả việc ít bị trầm cảm và lòng tự trọng được nâng cao. Niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo là một trong những lực lượng xã hội mạnh mẽ góp phần tạo dựng một xã hội lành mạnh.

Nhìn từ góc độ xã hội học, niềm tin là một phương tiện để xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội. Niềm tin là một biến số quan trọng ảnh hưởng đến mối quan hệ của con người ở các cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng, cụ thể là quan hệ với nhà nước, chính phủ, quan hệ với các nhóm khác nhau trong xã hội, quan hệ với người trong gia đình. Fukuyama(9) và Leigh(10) khi nghiên cứu vấn đề niềm tin đối với những người cùng dân tộc đã nhận thấy rằng, những người cùng dân tộc có điều kiện thuận lợi để trao đổi và tin tưởng lẫn nhau hơn những người khác dân tộc. Bởi những người cùng cộng đồng thường có sở thích tương đồng và thường tỏ ra ác cảm với những người không cùng sở thích. Theo đó, có thể nói, sự không đồng nhất là cái cản trở việc tạo dựng niềm tin xã hội và do vậy, gây khó khăn trong việc thực thi các chế tài xã hội.

Nguồn: Internet

Cộng đồng tôn giáo là cộng đồng cùng chia sẻ niềm tin tôn giáo, hệ giá trị và chuẩn mực tôn giáo. Niềm tin tôn giáo được hình thành và củng cố qua việc tham gia vào các hoạt động tôn giáo của tín đồ. Tôn giáo không chỉ là sự xác nhận một hệ thống niềm tin, mà còn là cách thức sống của tín đồ. Tín đồ thuộc về mỗi tôn giáo sống như thế nào là một vấn đề quan trọng. Tôn giáo ảnh hưởng đến hoạt động cá nhân và góp phần định hình lối sống cá nhân trong từng lĩnh vực, từ nhỏ đến lớn trong cuộc sống hàng ngày.(9)

Sự chia sẻ trong cộng đồng tôn giáo và ngoài xã hội là một trong những nhân tố tạo dựng sự gắn kết trong mối quan hệ xã hội và qua đó, xây dựng niềm tin xã hội. Niềm tin xã hội được tạo dựng thông qua sự tương tác và gia tăng hiểu biết lẫn nhau của các nhóm thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Qua hoạt động từ thiện, người cho và người nhận cùng có sự gia tăng hiểu biết về thực trạng xã hội và về các nhóm người trong xã hội. Từ góc độ cá nhân, bản thân người làm từ thiện và người nhận từ thiện đều có thêm sự cảm thông, chia sẻ với nhau, từ đó họ gắn kết với nhau hơn, tạo dựng thêm niềm tin cá nhân. Hoạt động từ thiện cũng là hoạt động để kết nối những người có cùng tấm lòng sẻ chia cùng người khác. Nhờ đó, hoạt động này trở thành sự kết nối của những người có cùng suy nghĩ, cùng lý tưởng sống. Nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ tôn giáo cũng là một cách thức mà con người tìm đến tôn giáo vào những lúc khó khăn trong cuộc sống. Tôn giáo dạy chúng ta cách thức ứng xử với những khó khăn trong cuộc sống. Điều này được thể hiện trong những lời dạy về tính kiên nhẫn, sự nhẫn nhịn. Cuộc sống đầy những khó khăn, khổ đau trong cuộc sống là muôn hình vạn trạng. Trước thực tế đó, thay vì phàn nàn, chúng ta cần phải biết chấp nhận để rồi vượt qua nó. Tôn giáo cũng dạy tín đồ phải biết giữ lời hứa với người khác. Tôn trọng chữ tín là cơ sở nền tảng để tạo dựng niềm tin. Không nói dối là một trong ngũ giới mà tín đồ Phật giáo phải tuân thủ. Tín đồ nào thực hiện được lời dạy này trong cuộc sống cá nhân và xã hội sẽ có được sự tôn trọng và niềm tin của người khác.

Thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam cũng cho thấy, tôn giáo hiện đang chi phối mạnh mẽ đời sống cá nhân của một bộ phận quần chúng nhân dân. Sự chi phối này không chỉ thể hiện rõ nét trong hệ thống tôn giáo chính thống, mà ngay cả trong hệ thống tín ngưỡng truyền thống, như việc thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. ý thức “con người có tổ, có tông” được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù họ sống trên Tổ quốc mình hay nơi xứ người. Cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc, nó là sự bồi lắng, kết tụ những giá trị đạo đức quý báu của người Việt Nam.

Cùng với sự hồi sinh của các tôn giáo từ những năm 90 của thế kỷ XX, lối sống tôn giáo đã và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống cá nhân, ở một số chiều cạnh nhất định, và nó còn làm thay đổi lối sống cá nhân. Niềm tin tôn giáo sâu sắc và việc chú trọng tham gia các hành vi tôn giáo của tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam đang làm thay đổi lối sống của một bộ phận tín đồ. Với niềm tin vào sự che chở của thế giới tâm linh, ngày nay, một bộ phận người Việt Nam thường có thói quen đi lễ chùa, nhà thờ trong những ngày lễ tết. Họ cho rằng làm như vậy sẽ nhận được sự phù hộ, che chở của thế giới tâm linh và được sống bình an, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Như vậy, có thể nói, dưới một hình thức nào đó, niềm tin tôn giáo đã được chuyển thành niềm tin xã hội, niềm tin vào một cuộc sống bình an với sự che chở của thần linh.

2.       Cơ chế tác động của tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo đến việc xây dựng niềm tin xã hội

Cơ chế cơ bản mà sinh hoạt tôn giáo tác động tới niềm tin xã hội là cơ chế tôn giáo thực hiện chức năng cố kết xã hội. Tôn giáo có các giá trị, tiêu chuẩn của nó, vì thế những người có cùng một tôn giáo gắn bó với nhau hơn nhờ những giá trị và tiêu chuẩn chung ấy. Từ xã hội nguyên thủy, những thành viên của xã hội đã có chung một vật tổ – biểu hiện hữu hình của sự gắn kết. Tôn giáo, dẫu đó là Phật giáo, Islam giáo, Thiên Chúa giáo hay Do Thái giáo đều cung cấp ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống của tín đồ. Nó mang đến cho họ những giá trị tối hậu và bằng những giá trị đó, cố kết họ với nhau. Trong những thời điểm khủng hoảng hay hỗn loạn, tôn giáo cũng giúp cho con người gắn bó với nhau hơn. Tuy vậy, tôn giáo không phải là định chế xã hội duy nhất có chức năng tích hợp, tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc… cũng là chất keo gắn kết những thành viên của một xã hội. Mặt khác, cũng có khi sự “rối loạn chức năng” xảy ra, đó là lúc tôn giáo góp phần vào sự căng thẳng, thậm chí xung đột giữa các nhóm hoặc giữa các quốc gia với nhau.

Đại diện tiêu biểu trong nghiên cứu chức năng cố kết xã hội của tôn giáo là Durkheim. Quan điểm chung mà lý thuyết Durkheim về tôn giáo dựa vào đã được tác giả nêu rõ trong Sự phân công lao động xã hội. ý tưởng cơ sở là, trong các xã hội hiện đại và công nghiệp, trật tự xã hội dựa vào nguyên lý cố kết. Với Durkheim, xã hội đạt tới sự cân bằng nhờ những quy tắc, chuẩn mực và giá trị có thể chi phối ý thức và cuộc sống lộn xộn của các cá nhân. Mục tiêu ấy dễ dàng đạt tới trong những xã hội mà ở đó, cái Durkheim gọi là sự cố kết cơ giới có hiệu lực: Các cá nhân được đồng hóa thành những đội ngũ xã hội có cấu trúc rõ ràng, có xu hướng đi tới thuần nhất hóa lối ứng xử và buộc mọi người phải tán thành một bảng giá trị giống nhau. Trong những xã hội có sự cố kết hữu cơ – xã hội đã phân hóa về mặt xã hội, sự cố kết xã hội phải được bảo đảm bằng cơ chế phân công lao động xã hội: Mỗi cá nhân đều hiểu mình có một vai trò đặc thù phải thực hiện trong xã hội; cách thức mà họ thực hiện vai trò này phản ánh tập hợp những quy tắc – chuẩn mực – giá trị như một tài sản tập thể. Sự thừa nhận lẫn nhau giữa các cá nhân dựa trên sự tồn tại của một bộ luật chuẩn mực là cơ sở mang bản chất lao động của xã hội đối với cá nhân, ý thức tập thể được đặt lên trên ý thức cá nhân. Theo đó, ý thức quy thuộc vào một cộng đồng, một nhóm xã hội – tôn giáo là cái góp phần củng cố ý thức về sự hội nhập với phần còn lại của xã hội. Khi một xã hội không còn có khả năng thiết lập những phương tiện tượng trưng hay những chuẩn mực để có thể hội nhập các cá nhân vào một tập hợp những giá trị tập thể, để họ nhận thấy có một ý thức tập thể cao hơn những ý thức chủ quan cá nhân, thì các quá trình tách rời nhau dễ xảy ra hơn. Trong bối cảnh đó, tôn giáo được nhìn như một nhân tố thống nhất xã hội.

Sinh hoạt tôn giáo hình thành hệ thống mạng lưới xã hội, nói cách khác, hình thành vốn xã hội của tôn giáo. Đây cũng chính là một cơ chế để thông qua đó, tôn giáo tác động đến niềm tin xã hội. Bên cạnh đó, tôn giáo còn tác động tới việc xây dựng niềm tin xã hội thông qua những giá trị của tôn giáo, mà cụ thể là giá trị đạo đức. Đạo đức tôn giáo được truyền tải qua các hình thức sinh hoạt tôn giáo khác nhau; góp phần định hình con người tôn giáo và lối sống tôn giáo. Những giá trị tốt đẹp của đạo đức tôn giáo là một trong những nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến niềm tin cá nhân và niềm tin xã hội, hướng con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân. Điểm mạnh trong truyền thụ đạo đức tôn giáo là, ngoài những điều phù hợp với tình cảm đạo đức của nhân dân, nó còn được thực hiện thông qua tình cảm tín ngưỡng, niềm tin vào giáo lý. Do vậy, tình cảm đạo đức tôn giáo được tín đồ tiếp thu, tạo thành đức tin thiêng liêng bên trong và chi phối hành vi ứng xử của họ trong các quan hệ cộng đồng. Cũng do vậy, hoạt động hướng thiện của con người được tôn giáo hóa sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, nhiệt thành hơn.

Nguồn: Internet

3.       Thực trạng tác động của sinh hoạt tôn giáo và lối sống tôn giáo đến việc xây dựng niềm tin xã hội hiện nay

Khảo sát tín đồ của hai tôn giáo là Phật giáo và Công giáo tại Hà Nội và Ninh Bình đã cho chúng tôi thấy rõ tác động của tôn giáo đến niềm tin xã hội thông qua sinh hoạt tôn giáo và lối sống tôn giáo. Thực trạng tác động này được đánh giá từ hai góc độ: Tác động đến niềm tin tôn giáo và niềm tin xã hội của cá nhân.

Thứ nhất, sinh hoạt tôn giáo trước hết góp phần củng cố niềm tin tôn giáo cho bản thân tín đồ tôn giáo. ở một khía cạnh nhất định, đây cũng là một loại hình của niềm tin xã hội từ cả góc độ cá nhân và xã hội. Bởi lẽ, tôn giáo được nhìn nhận như một thiết chế xã hội và do vậy, cá nhân tôn giáo thuộc về một thiết chế xã hội đặc thù. Niềm tin vào thiết chế xã hội đó cũng cần phải được xem như một loại đặc thù của niềm tin xã hội. Tín đồ tôn giáo Việt Nam được đánh giá là có niềm tin tôn giáo sâu sắc, thể hiện qua việc họ tham dự thường xuyên vào các hành vi tôn giáo. Chỉ báo niềm tin sâu sắc của tín đồ tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện qua khảo sát về niềm tin vào những tín điều cơ bản của tôn giáo. Hầu hết các tín đồ tôn giáo đều tin vào những tín điều cơ bản của giáo lý tôn giáo của mình.

Thứ hai, sinh hoạt tôn giáo góp phần xây dựng niềm tin cá nhân với cá nhân cho các tín đồ tôn giáo. Khảo sát niềm tin xã hội ở chiều cạnh niềm tin cá nhân với cá nhân, chúng tôi thấy, người trong gia đình là nhóm người đạt được mức độ tin tưởng cao nhất, thứ hai là chức sắc tôn giáo. Bạn bè thân cũng là nhóm đối tượng có được lòng tin, song mức độ tin tưởng không cao như hai nhóm gia đình và chức sắc tôn giáo. Nhóm đối tượng nhận được niềm tin cao là nhóm người cùng tôn giáo. Nhóm đối tượng nhận được sự tin tưởng thấp nhất là nhóm người mới quen biết và người lạ; trong đó, mức độ tin tưởng vào người lạ thấp hơn. Nhóm đối tượng theo tôn giáo nhưng không cùng tôn giáo và không theo tôn giáo cũng là những nhóm đối tượng nhận được mức độ tin tưởng thấp; trong đó, nhóm không theo tôn giáo nhận được niềm tin thấp hơn.

Qua đó, có thể nói, đạo đức tôn giáo là cái có ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin giữa cá nhân và cá nhân. Hệ thống mạng xã hội được thiết lập qua sinh hoạt tôn giáo cũng ảnh hưởng đến vấn đề xây dựng niềm tin xã hội của các tín đồ tôn giáo. Phần lớn tín đồ tôn giáo cho rằng, mối quan hệ xã hội của họ được mở rộng hơn thông qua các hoạt động tôn giáo. Lợi ích lớn nhất của việc gia tăng mối quan hệ này là tạo dựng niềm tin lẫn nhau, ngoài ra còn các lợi ích khác, như mang lại kiến thức văn hóa xã hội, lối sống lành mạnh, thông tin làm ăn kinh tế, cơ hội việc làm,…

4.       Kết luận

Tôn giáo ở Việt Nam hiện vẫn đang trên đà phát triển và ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội. Thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như ở Việt Nam cho thấy, tôn giáo, tín ngưỡng có vai trò tích cực nhất định đối với xã hội thông qua các giá trị văn hóa, đạo đức, góp phần tạo nên sự ổn định xã hội, đoàn kết, khoan dung và phát triển bền vững. Tôn giáo cũng là một lực lượng quan trọng góp phần thúc đẩy, mở rộng và tăng cường sự đồng thuận xã hội, xây dựng và củng cố niềm tin xã hội. Niềm tin tôn giáo cá nhân luôn tác động mạnh mẽ đến sự hình thành lối sống, nhân cách cá nhân của các tín đồ tôn giáo theo chiều hướng chịu sự chi phối của giáo lý tôn giáo, chuẩn mực đạo đức tôn giáo. Về cơ bản, các tôn giáo thường hướng con người đến cái thiện, đến sự hình thành con người chân chính, tạo dựng giá trị niềm tin cho bản thân tín đồ tôn giáo. Để tôn giáo phát huy được thế mạnh của mình trong việc xây dựng niềm tin xã hội, một trong những nhân tố cơ bản là phải thiết lập cơ chế phù hợp cho những giá trị tốt đẹp của đạo đức tôn giáo có điều kiện lan tỏa trong xã hội. 

 

                 

(*) Tiến sĩ, Phó Viện trưởng, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

(1) Creel D. B. Assessing the influence of religion on health behavior, Indiana  University, 2007.

(2) Dow J. W. A. Scientific definition of religion, http://www.anpere.net/2007/2.pdf date 1-12-2013 .

(3) Doetzel N. Relationships between morals, religion and spirituality (Bài viết cho Hội thảo ‘Linking Research to Practice’  tại  University of Calgary, 2001).

(4) Einolf C. J. The link between religion and helping others: The role of values, ideas, and Language, Sociology of religion, 2011, 72(4), pp.435-455.

(5) Brown-Rice K., Burton S. How Religious Beliefs Affect Intimate Relationships and  the  Implication

for Couples Counselling, http://www.counseling.org/ handouts.

(6) Hoge C. W., Gaudio P., Echeverria P., Shlim D., Rabold J., Pandey P. Placebo  controlled trial  co-trimoxazole for cyclospora infections among travellers and foreign residents in Nepal. The Lancet, 345(8951), pp.691-693.

(7) Smidt C. Religion as social capital: producing the common good: Baylor University.

(8) Lim C., & Putnam, R. D. Religion, social networks, and life satisfaction. American.  Sociological Review, 75(6), pp.914-933.

(9) Fukuyama Francis. Social capital, The  Tanner  Lectures on Human Values. Delivered at Brasense College, Oxford, May 12, 14, and 15, 1997.

(10) Leigh Andrew. Trust, inequality, and ethnic heterogeneity. The Economic Record, Vol. 82, No. 258, September, 2006, pp.268-280.