Tác động của phương tiện truyền thông xã hội đối với các cuộc cách mạng màu trên thế giới
Thứ năm, 08 Tháng 12 2022 09:15
1605 Lượt xem
(LLCT) – Phương tiện truyền thông xã hội trên nền tảng internet hiện nay, như Instagram, Facebook, Youtube, Twitter, Wikileaks… là một bộ phận không thể thiếu của xã hội hiện đại. Công chúng tiếp cận với phương tiện truyền thông xã hội để được hỗ trợ và giải trí; trao đổi, tiếp nhận và truyền tin tức. Tuy nhiên, trước sự lan tỏa chóng mặt của tin tức qua các ứng dụng đó, các thế lực chính trị đã lợi dụng các phương tiện truyền thông như một công cụ để thực hiện ý đồ của mình. Bài viết làm rõ vai trò, tác động của phương tiện truyền thông xã hội đối với các cuộc cách mạng màu trên thế giới.
Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc Cách mạng Maidan (tại Ucraina) năm 2014 – Ảnh: IT
1. Định nghĩa và tính năng của các phương tiện truyền thông xã hội
Phương tiện truyền thông xã hội là mạng thông tin và công nghệ thông tin mới, trong đó, người dùng tạo ra, sử dụng và tương tác nội dung. Đây là nơi các mối quan hệ giữa các cá nhân được tạo ra và duy trì. Năm 2011, Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã định nghĩa phương tiện truyền thông xã hội: Là khả năng thúc đẩy mối quan hệ giữa con người với nhau thông qua công nghệ, cho phép tương tác xã hội tốt hơn, nhanh hơn và liên tục hơn giữa những người dùng các website(1).
Phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể được định nghĩa là một hình thức truyền thông dựa trên internet. Các nền tảng truyền thông xã hội cho phép người dùng trò chuyện, chia sẻ thông tin và tạo nội dung web. Có nhiều hình thức truyền thông xã hội bao gồm: blog, wiki, trang chia sẻ ảnh, trang chia sẻ video, podcast, widget, thế giới ảo…(2).
Như vậy, phương tiện truyền thông xã hội được hiểu là một hình thức truyền thông thông qua internet và các nền tảng, thiết bị truy cập internet; mà qua đó, các cộng đồng người sử dụng được hình thành để tạo dựng, chia sẻ và tương tác nội dung lẫn nhau. Do sự đa dạng của các dịch vụ truyền thông xã hội hiện nay, nên rất khó đưa ra định nghĩa một cách chính xác.
Về cơ bản, truyền thông xã hội có một số tính năng phổ biến chung như: Thứ nhất, phương tiện truyền thông xã hội là các ứng dụng dựa trên nền tảng Internet Web 2.0. Thứ hai, người dùng được quyền tạo hồ sơ và xác nhận danh tính riêng trên trang web hoặc ứng dụng truyền thông xã hội; đồng thời có thể tự xây dựng nội dung trên các phương tiện truyền thông xã hội như: bài đăng văn bản, hình ảnh hoặc video kỹ thuật số và dữ liệu được tạo ra thông qua các tương tác trực tuyến. Thứ ba, phương tiện truyền thông xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển của các mạng xã hội trực tuyến bằng cách kết nối tài khoản người dùng với tài khoản của các cá nhân khác hoặc nhóm khác, tạo nên một cộng đồng, nhóm với tính năng tương tác lẫn nhau.
2. Về cách mạng màu
“Cách mạng màu” còn có nhiều tên gọi khác nhau như cách mạng nhung, cách mạng đường phố, cách mạng cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ… xuất hiện lần đầu tiên với cách mạng vàng ở Philíppin năm 1983, cách mạng nhung ở Tiệp Khắc năm 1989, cách mạng đường phố ở Nam Tư năm 2000, cách mạng cam ở Ucraina năm 2004 và 2014, cách mạng hoa nhài ở Tuynidy năm 2010, cách mạng màu ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi (còn gọi là Mùa xuân Ảrập, gồm: Libi, Syria, Algieri, Yêmen, Maroc, Jordan, Arậpxêút, Oman, Iraq)…
Truyền thông xã hội đã trở thành công cụ giúp sức cho các phong trào xã hội, thúc đẩy các cuộc nổi dậy ấy đạt đến cao trào, ồ ạt chưa từng có, trong khi giới lãnh đạo chính phủ lại chậm chạp đối phó, thậm chí mất kiểm soát dẫn đến mất chính quyền.
“Cách mạng màu” hay “cách mạng sắc màu” là những phong trào phản đối quy mô lớn bằng biện pháp phi bạo lực nhằm thay đổi chế độ đang tồn tại thông qua các cuộc bầu cử(3).
Thuật ngữ “cách mạng màu” đã được các học giả trên thế giới sử dụng để mô tả quá trình chuyển đổi chế độ ở các nước trong một khuôn khổ tương đối hòa bình(4).
Theo quan điểm của Mỹ và phương Tây, cách mạng màu là để “thúc đẩy dân chủ”, để thực hiện “dân chủ hóa thế giới”; nhưng về mặt bản chất, đây là một biện pháp chiến lược phản dân chủ, áp đặt các “mô hình dân chủ Mỹ” vào chính quyền các quốc gia, mục tiêu thực sự là để phục vụ tham vọng bá quyền của Mỹ.
Thực tế cho thấy, Mỹ và phương Tây luôn lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” hòng lật đổ chính quyền các quốc gia, can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia đó bằng các hình thức xúi giục biểu tình, gây bạo loạn nếu phe đối lập bất lợi trong quá trình bầu cử. Về vấn đề này, có một câu chuyện thú vị rằng: Ngày 13 – 8 – 2019, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đăng một dòng tweet trên Twitter: “Cầu mong tất cả chúng ta đoàn kết với người dân Hồng Kông khi họ lên tiếng cho dân chủ, không bị đàn áp, và một thế giới mà họ khao khát được nhìn thấy”. Tuy nhiên, một cư dân mạng đã trả lời rằng: “Không, làm ơn. Lần trước các bạn đoàn kết với những người khác: Libya, Syria, Iraq, Yemen… tất cả đều bị thiêu rụi”(5).
Cách mạng màu không phải là “một màn trình diễn ngẫu hứng” do một cá nhân dàn dựng, mà là một hành động chính trị có chủ đích. Đó là hành động có sự phối hợp của những người lập kế hoạch, những kẻ xúi giục, những kẻ gây rối, và đôi khi là cả những kẻ khủng bố bạo lực.
Sau nhiều thập niên tiến hành các cuộc cách mạng màu trên khắp thế giới, Mỹ đã phát triển một hệ thống hoạt động thuần thục và vô cùng tinh vi. Đầu tiên, Mỹ và phương Tây tìm một mục tiêu mà họ “không thích”, sau đó họ tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý. Thông thường, họ tìm và tổ chức một nhóm các nhà hoạt động chính trị và cung cấp cho họ thông tin và hỗ trợ tài chính để củng cố tình cảm chống đối chính quyền của họ. Sau đó, các nhà hoạch định chương trình này giúp vận động quần chúng dưới nhiều hình thức từ trực tiếp tới thông qua các kênh truyền thông, khởi xướng các cuộc biểu tình chính trị, bao gồm cả việc buộc các tổ chức phi chính phủ và giới truyền thông can thiệp hoặc tham gia vào phong trào biểu tình. Do đó, một chuỗi các cuộc biểu tình xảy ra, các thế lực đứng đằng sau chỉ cần kích động, tăng cường độ và mở rộng đội ngũ để chờ đợi sự sụp đổ của chính phủ.
Như vậy, cách mạng màu mặc dù luôn nêu cao tinh thần “dân chủ”, “tự do”, nhưng thực chất lại biến đất nước trở nên rối ren, tạo đường cho bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước. Không thể phủ nhận những tiến bộ, thành tựu đạt được trong nền dân chủ ở Mỹ và phương Tây, nhưng có một điều chắc chắn rằng, trong tiến trình phát triển tiếp theo của nhân loại, đây chưa phải là sự phát triển cuối cùng.
Chưa kể, nền “dân chủ” ở Mỹ và phương Tây vẫn còn những bất ổn, bất bình đẳng, mâu thuẫn chưa thể giải quyết. Diễn biến các cuộc cách mạng sắc màu thông thường nổi bật nhất là những cuộc vận động dân sự ồ ạt chống lại chế độ trong nước, sự trợ giúp của phương Tây đối với các cuộc nổi dậy và vai trò quan trọng của internet và phương tiện truyền thông xã hội.
Cách mạng màu không phải là “một màn trình diễn ngẫu hứng” do một cá nhân dàn dựng, mà là một hành động chính trị có chủ đích. Đó là hành động có sự phối hợp của những người lập kế hoạch, những kẻ xúi giục, những kẻ gây rối, và đôi khi là cả những kẻ khủng bố bạo lực.
3. Phương tiện truyền thông xã hội – tác nhân gây nên các cuộc cách mạng màu
Phương tiện truyền thông xã hội là một tác nhân không thể thiếu dẫn tới việc kích động các cuộc cách mạng màu ở nhiều quốc gia và khu vực, như Nam Tư, Ai Cập, Libya, Syria, …
Mỹ và phương Tây đã lợi dụng sự gia tăng sức ảnh hưởng và việc mở rộng sử dụng internet và phát sóng các phương tiện truyền thông nước ngoài ở nước sở tại để thực hiện chiến lược này. Vai trò của phương tiện truyền thông xã hội thúc đẩy cách mạng màu thông thường được thể hiện trên một số phương diện sau:
Một là, phương tiện truyền thông xã hội góp phần huy động người dân tham gia vào các sự kiện “cách mạng online” trên internet. Không giống như mô hình thứ bậc của nền chính trị được thể chế hóa và kiểm soát bởi luật pháp, các phương tiện truyền thông xã hội lớn như Facebook, Twitter với đặc tính mở, được hỗ trợ bởi các công nghệ truyền thông mới đã vận hành “một thế giới thu nhỏ” dựa trên sự tham gia trực tiếp của mọi công dân. Người tham gia không chỉ cung cấp thông tin mà còn có thể xây dựng các mối quan hệ và sự đoàn kết. Xét trên phương diện chính trị, phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò như một “không gian tự do” quan trọng để nhiều người có thể bày tỏ sự quan tâm đối với hiện trạng chính trị đương thời.Trên thực tế, việc các blogger sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số mới để tổ chức các cuộc biểu tình và công kích nhà lãnh đạo, công kích chính phủ đã cho thấy, một bộ phận khá lớn thanh niên đang ngày càng thích sử dụng blog và mạng xã hội để chính trị hóa các vấn đề trong cuộc sống.
Năm 2010, khi những cuộc cách mạng màu mang tên “Mùa xuân Ả Rập” diễn ra, một trong những điều đầu tiên được chú ý đó là vai trò rõ nét của mạng xã hội. Trong đó, một số mạng xã hội như Facebook và Twitter đã được sử dụng rộng rãi để tổ chức các cuộc biểu tình, truyền bá thông tin và liên lạc với các thế lực chống phá bên ngoài. Nhiều người còn gọi chuỗi cuộc nổi dậy chính trị này là “cách mạng Twitter” hay “cách mạng Facebook”.Tại Tunisia, thông qua trang mạng xã hội Wikileaks, báo cáo của một số nhà ngoại giao Mỹ đã cố ý tiết lộ về cuộc sống xa hoa của Tổng thống Abidin Benali khiến người dân Tunisia vô cùng phẫn nộ. Thêm vào đó, hình ảnh chàng thanh niên Mohamed Bouazizi tự thiêu đã lan truyền chóng mặt trên các kênh truyền thông xã hội khiến cho tình hình càng trở nên rối ren và nhanh chóng leo thang thành một cuộc nổi dậy toàn diện chống lại sự tàn bạo nhiều năm dưới thời Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali. Các video biểu tình được đăng lên Facebook và sau đó nhanh chóng được lan truyền, hashtag sidibouzid xuất hiện trên Twitter với hơn 13.000 tweet được liên kết với hashtag.
Tháng 1-2011, tại Ai Cập, nhiều thanh niên bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter đã bị lừa dối và “tẩy não” bởi những lời hứa về “dân chủ và tự do” của Mỹ và phương Tây. Được “truyền cảm hứng” từ cách mạng ở Tunisia, những người biểu tình ở Ai Cập bắt đầu tổ chức thành các nhóm nhỏ từ ba đến bốn người, đi từng nhà phát tờ rơi kêu gọi mọi người tham dự biểu tình, quay video và đăng thông tin lên trang Facebook và Twitter. Nhiều người đã lên tiếng chống lại chế độ chính trị đương thời trong các video trên YouTube. Dần dần, các cuộc đấu tranh không chỉ còn diễn ra trên internet, nhiều thanh niên sau đó đã bắt đầu tham gia vào các cuộc biểu tình, bạo loạn đường phố. Họ cho rằng đang đấu tranh cho dân chủ đất nước của họ, nhưng thực tế là họ đang bị Mỹ và các lực lượng chính trị thân Mỹ lợi dụng để lật đổ một nhà lãnh đạo quốc gia mà Mỹ và phương Tây cho là không hiệu quả và không có lợi cho Mỹ và phương Tây.
Trong khoảng thời gian từ tháng 01 đến tháng 4 – 2011, tính riêng ở Ai Cập, khoảng 2 triệu người dùng Facebook được đăng ký mới (tỷ lệ tăng trưởng 29%), trong khi khoảng 95% dân số nhận được thông tin về các sự kiện của đất nước thông qua các nguồn phương tiện truyền thông xã hội – trái ngược với 85% từ các phương tiện truyền thông độc lập và tư nhân địa phương và 40% từ các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Ngoài ra, Facebook được sử dụng chủ yếu để nâng cao nhận thức về cuộc nổi dậy đang diễn ra (31%), truyền bá thông tin cho thế giới về nó (24%), tổ chức các nhà hoạt động và hành động (30%), với những người sử dụng nó chỉ vì lý do giải trí hoặc xã hội chiếm dưới 15%(6).
Những gì diễn ra ở Tunisia hay Ai Cập là các cuộc cách mạng có thể bắt đầu ở các bàn phím, nhưng tiếp đó sẽ diễn ra ở nơi công cộng. “Công nghệ cho phép lan truyền những hình ảnh về một sự kiện nào đó một cách nhanh chóng ra toàn thế giới, làm cho mối quan hệ bình thường yếu ớt trở nên bền chặt hơn và quan trọng hơn là cho phép các công dân lấp đầy khoảng trống mà các phương tiện truyền thông chính thống để lại”(7).
Hai là, phương tiện truyền thông xã hội và các công cụ kỹ thuật số khác như điện thoại di động và nhắn tin SMS đóng vai trò bổ sung, hỗ trợ cho các tổ chức hay các hoạt động khác nhằm phục vụ cho âm mưu thực hiện cách mạng màu của Mỹ và phương Tây. Năm 1983, Mỹ thành lập “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ” (Nationnal Endowment for Democracy – NED). Tuy là mộttổ chức phi lợi nhuận, song hoạt động của NED như “cánh tay nối dài của CIA”. Theo đó, NED thực hiện những công việc mà CIA đã bí mật điều tra và tiến hành từ trước, hỗ trợ CIA để thực hiện mưu đồ kích động biểu tình, lật đổ. Để làm được điều này, Mỹ đã sử dụng triệt để các phương tiện truyền thông xã hội để “cấy ghép” các hệ tư tưởng phương Tây vào người dân. Trong lịch sử hoạt động của NED dưới sự chỉ đạo của CIA, tổ chức này đã từng gây ra nhiều biến cố chính trị ở Mỹ Latinh, Liên Xô cũ, các cuộc cách mạng sắc màu, “Cách mạng đường phố” ở Serbia (2000), Grudia (năm 2003), Ucraina (năm 2004 và năm 2014), Kyrgyzstan (năm 2005)… Song song với đó, các tổ chức trong mạng lưới tình báo, gián điệp núp dưới các danh nghĩa khác nhau triển khai các hoạt động thu thập tin tức, tuyên truyền, xuyên tạc chính quyền đương nhiệm trên các trang mạng xã hội nhằm âm mưu lật đổ chính thể này, dựng nên chính thể thân Mỹ và phương Tây.
Năm 2007, Hãng tin Reuters với sự giúp sức của các phương tiện truyền thông xã hội đã nhanh chóng vào cuộc để phát đi những tin tức nóng hổi từ hiện trường các cuộc biểu tình ở thủ đô Tbilisi, Grusia. Những tin tức thu được từ hiện trường đã được lọc kỹ càng dưới góc nhìn và ý đồ lợi ích của Mỹ và phương Tây, đồng thời cũng “gài” vào đó những luận điệu bất lợi cho chính phủ đương nhiệm, sử dụng chiến tranh thông tin và sự lan truyền chóng mặt của các nền tảng truyền thông xã hội để gia tăng áp lực với chính phủ, buộc nhà lãnh đạo Mikhail Saakashvili phải nhượng bộ.
Ba là, Mỹ và phương Tây can thiệp và thao túng nội dung các thông tin được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội để đưa các thông tin sai lệch, bóp méo sự thật, định hướng dư luận theo quan điểm của họ. Đạo đức nhà báo luôn nêu cao tinh thần khách quan, trung thực; nhưng trên thực tế, ống kính máy quay có thể quay toàn cảnh hoặc chỉ hướng vào một hướng mà phóng viên muốn truyền tải, sau đó được chắt lọc các dữ kiện rồi phát tán nhanh chóng bằng các kênh truyền thông xã hội. Sự bùng nổ của việc sử dụng mạng xã hội đã được Mỹ và các quốc gia châu Âu tận dụng để thách thức, đối trọng với kênh thông tin chính thống của đất nước mà họ muốn thay đổi chế độ, cố tình tạo niềm tin cho dân chúng về việc “khách quan” đưa thông tin thực tế rối ren ra ánh sáng.
Tháng 9-2000, cuộc cách mạng nhung ở Serbia đã nổ ra sau cuộc bầu cử tổng thống. Khi đó, phe đối lập được phương Tây ủng hộ đã không công nhận kết quả bầu vòng hai, tổ chức biểu tình, bãi công, hưởng ứng chiến dịch “bất tuân lệnh” trên toàn quốc, thậm chí còn chiếm trụ sở quốc hội, đài phát thanh… Phe đối lập kiên quyết đòi Tổng thống S.Milosevic phải từ chức để trao quyền cho thủ lĩnh đối lập V.Kostunica. Các tổ chức hậu thuẫn phe đối lập này luôn sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền tâm lý chiến, với nội dung bóp méo sự thật, tạo dựng dư luận trong và ngoài nước ủng hộ phe đối lập rồi chọn thời điểm, địa bàn “châm ngòi” lật đổ chính quyền cũ, dựng thủ lĩnh phe đối lập nên nắm quyền điều hành đất nước.
Tháng 10-2004, ở Ucraina, cách mạng cam diễn ra. Khi đó, Mỹ dựng lên một vụ bê bối “gian lận” trong các cuộc bầu cử ở Ucraina và qua các kênh truyền thông xã hội đã kích động thanh niên địa phương xuống đường ủng hộ thủ lĩnh của phe đối lập Viktor Yushchenko, sau đó đã đắc cử.
Mỗi khi một cuộc cách mạng màu “hạ màn” thì ở đó dân chủ, nhân quyền lại càng trở nên sa sút, tham nhũng ngày càng lan tràn, trái ngược với viễn cảnh được tô hồng bởi Mỹ và phương Tây. Quyền lực lại được sử dụng làm công cụ chủ yếu giúp một số phe phái chính trị thanh toán, triệt hạ lẫn nhau…
Gần đây, truyền thông xã hội còn là tác nhân gây ra một số cuộc xung đột khác trên thế giới, như ở Mianma, Hồng Kông…
Năm 2019, Gambia – quốc gia ở Tây Phi với đa số dân theo đạo Hồi, dưới sự ủng hộ của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia, đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở La Hay (Hà Lan), cáo buộc Mianma tội diệt chủng, giết người hàng loạt và hãm hiếp, liên quan đến người Hồi giáo thuộc nhóm dân tộc thiểu số Rohingya sống ở bang Rakhine, phía Bắc Mianma. Ở Mianma, Facebook là nguồn thông tin và phương tiện liên lạc gần như là duy nhất của nhiều người và rất phổ biến trong xã hội. Các nhà sư Phật giáo cực đoan và những người có ảnh hưởng khác đã sử dụng tài khoản Facebook của họ để truyền bá lời nói dối và kích động bạo lực. Quân đội Mianma cũng đã thực hiện một chiến dịch thông tin có chủ đích, có hệ thống bằng cách sử dụng các tài khoản ẩn danh những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng khác để tuyên truyền, định hướng dư luận. Facebook đã biết về tình trạng này từ năm 2013, nhưng các biện pháp mà họ thực hiện dường như là chưa đủ. Sự việc trở nên cao trào vào tháng 12-2021, khi người tị nạn Rohingya, Mianma nộp đơn kiện Facebook để đòi bồi thường 150 tỷ USD vì cho rằng mạng xã hội và công ty quản lý mạng xã hội này đã không có hành động xử lý những phát biểu thù hận chống người Rohingya, gây ra bạo lực và chia cắt ở Mianma.
Vào năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu rằng: các cuộc biểu tình ở Hồng Kông mang “đặc điểm của cuộc cách mạng màu”. “Chúng ta nên đề phòng các nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm kích động các cuộc cách mạng màu, cùng nhau phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác dưới bất kỳ lý do gì và nắm giữ tương lai của chúng ta vững chắc trong tay của chúng ta”. Nga và Trung Quốc từ lâu đã chỉ trích các cuộc cách mạng màu do Mỹ và các đồng minh phương Tây dàn dựng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội vì đã gây bất ổn, lật đổ các chế độ nhằm tăng cường lợi ích địa chính trị của riêng họ.
Nhìn lại các cuộc cách mạng màu (ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh) hay các cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng của cách mạng màu (bạo loạn “Áo gile vàng” năm 2018-1019 tại Pháp; biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông năm 2019 – 2020) được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng, kích động; tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ. Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường biểu tình, bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những “đám đông” kích động, đó là: châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài(8).
4. Tăng cường quản lý mạng xã hội, phòng ngừa tác động tiêu cực từ cách mạng màu
Ở Việt Nam hiện nay, một số đối tượng phản động trong và ngoài nước âm mưu truyền bá “cách mạng trắng” nhằm chống phá chế độ Nhà nước ta. Chúng xuyên tạc, bóp méo lịch sử khi cho rằng cần phải “xét lại chiến thắng”; đánh tráo khái niệm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược thành “cuộc nội chiến Nam Bắc”, “miền Bắc xâm lược miền Nam” cho đến “quốc gia miền Bắc xâm lược quốc gia miền Nam”. Chúng lợi dụng chiêu bài “hòa giải, hòa hợp dân tộc” để đề nghị trong nước không kỷ niệm ngày 30-4, đồng thời truyền bá tư tưởng rằng chủ nghĩa Mác – Lênin ngày nay hoàn toàn lỗi thời mà Đảng ta phải đổi mới chính trị, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, từ bỏ con đường đi lên CNXH.
Tư tưởng “cách mạng trắng” trong những năm qua đã len lỏi, “mưa dầm thấm lâu”, từng bước tiêm nhiễm trong một số trí thức, cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, phát ngôn xuyên tạc gây thù địch, chia rẽ trên các trang mạng xã hội Youtube, Twitter, Facebook…
Bài học từ các cuộc cách mạng màu trên thế giới cho thấy, chúng ta không thể chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng truyền thông xã hội nhằm tác động đến ổn định chính trị, xã hội từ nhiều hướng, nhiều cách thức khác nhau. Để làm được điều đó, cần quan tâm những vấn đề như sau:
Một là, “không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet theo kịp sự phát triển của công nghệ internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ”(9). Cùng với đó, cần khẩn trương thể chế hóa, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội… thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Những chỉ đạo từ Trung ương, triển khai từ địa phương cũng cần nhanh chóng, kịp thời, đi trước một bước, không để các thế lực thù địch chiếm lĩnh trước trên nền tảng truyền thông xã hội; đồng thời kiên quyết đấu tranh đến cùng, xử lý nghiêm minh những trường hợp lợi dụng truyền thông xã hội để âm mưu bạo động, lật đổ chế độ.
Hai là, phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng dư luận của báo chí trong triển khai thông tin đến người dân. Trước hết, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo chí một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm; tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao sức “đề kháng”, có thái độ ứng xử văn minh trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng như có năng lực về việc đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội.
Ba là, thúc đẩy các giải pháp công nghệ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại của kỷ nguyên số hóa để bắt kịp với sự phát triển của internet, mạng xã hội. Từ đó, phát hiện kịp thời nguồn thông tin sai trái, phản động len lỏi hàng ngày, hàng giờ ở các tài khoản truyền thông xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin trong báo chí – truyền thông nhằm phân tích, đánh giá dư luận xã hội, thái độ của công chúng trước những thông tin chính thức để tăng cường và những thông tin xấu, độc để ngăn chặn.
Hơn bao giờ hết, mỗi công dân Việt Nam yêu nước cần tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì con đường đi lên CNXH, đem lại cuộc sống ấm no, dân chủ, phồn vinh và hạnh phúc cho nhân dân. Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới, môi trường hòa bình, an toàn và ổn định luôn là tiền đề để phát triển bền vững. Để đạt mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh, cần kiên quyết làm thất bại những âm mưu gây cách mạng màu, giữ vững ổn định chính trị để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
_________________
Ngày nhận bài: 7-10-2022; Ngày bình duyệt: 10-10-2022; Ngày duyệt đăng:7-12-2022.
(1) C.E Uzochukwu, T.M. Oguegbe & U.P. Ekwugha, Perpectives in the Social Sciences (2016),Published by: School of General Studies, Nnamdi Azikiwe University, page 3,4.
(2) https://www.usf.edu/ucm/marketing/intro-social-media.aspx
(3) (Baev, P.K. 2011. A Matrix for Post-Soviet “Color Revolutions”: Exorcising the Devil from the Details. International Area Studies Review. No 14 (2), p.3-22.
(4) Beacháin, D. Ó., & Polese, A. (2010). The Colour Revolutions in the former Soviet Republics: Successes and Failures (pp. 1-2). New York: Routledge.
(5) https://twitter.com/hillaryclinton/status/1161277912848510976
(6) Christos A. Frangonikolopoulos,Ioannis Chapsos, Explaining the Role and the Impact of the Social Media in the Arab Spring(2012), GMJ: Mediterranean Edition
(7) Dhillon, Aamna, “Social Media & Revolution: The Importance of the Internet in Tunisia’s Uprising” (2014). Independent Study Project (ISP) Collection. 1938.
(8) Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tâm Thông tin khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng: Hiểm họa từ mặt trái của internet, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2016, tr.50.
(9) Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X ngày 25-12-2013 về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet”.
ThS ĐỖ THỊ THANH HÀ
Học viện Báo chí và Tuyên truyền