Tá hoả với quy trình khám sức khỏe siêu tốc

Một quy trình khám sức khỏe (KSK) thực hiện qua đủ các khoa gồm nội, ngoại, mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt để cấp giấy chứng nhận sức khỏe theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế chỉ diễn ra chưa đến 10 phút. Chuyện thật như đùa này được phóng viên (PV) Báo Người Lao Động ghi nhận được tại 2 cơ sở khám chữa bệnh công lập nằm giữa trung tâm TP HCM.

Quy trình “hỏi – đáp”

Chiều 14-8, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện (BV) Đa khoa quận 10 và đưa ra yêu cầu KSK để bổ sung hồ sơ xin việc làm. Tại quầy đăng ký, nữ nhân viên đưa ra một tờ giấy nhỏ, yêu cầu điền tên, tuổi, đánh dấu vào nội dung cần khám. Sau khi đánh dấu vào mục “đi học, đi làm”, chúng tôi được yêu cầu nộp lệ phí 80.000 đồng và nhận tờ giấy KSK.

Lộ quy trình cấp giấy khám sức khỏe siêu tốc - Ảnh 1.

Ở Khoa Răng – Hàm – Mặt Bệnh viện Đa khoa quận 4, TP HCM, một nhân viên không phải bác sĩ trực tiếp đứng khám nhưng kết luận do bác sĩ ký tên, đóng dấu Ảnh: Ý LINH

Ở khu vực KSK (lầu 2), hơn 10 người đang thay phiên nhau vào các buồng khám, trong khi nhân viên y tế liên tục thúc giục: “Nhanh lên, không hết giờ!”. Sau khi cân, đo mất tầm 30 giây, chúng tôi được hướng dẫn quay lại lầu 1 để khám chuyên khoa.

Lộ quy trình cấp giấy khám sức khỏe siêu tốc - Ảnh 2.

Phóng viên khám sức khỏe theo kiểu “hỏi – đáp” tại Bệnh viện Đa khoa quận 10 Ảnh: PHƯƠNG TRINH

Theo giấy hướng dẫn của nhân viên tại BV, quy trình KSK lâm sàng cho người có nhu cầu bổ sung hồ sơ đi học, xin việc làm được thực hiện qua 7 phòng: khám mắt (phòng 19), răng – hàm – mặt (phòng 18), tai – mũi – họng (phòng 16), ngoại khoa (phòng 124), đo chiều cao – cân nặng – đo mạch – huyết áp (phòng 1), tâm thần – thần kinh (phòng 4), nội khoa (phòng 5) và nộp kết quả cho phòng tổ chức – hành chính quản trị để kết luận, đóng dấu. Quy định bắt buộc nhiều là vậy nhưng thực tế, trừ thời gian di chuyển từ phòng này sang phòng khác, toàn bộ quy trình khám qua 7 chuyên khoa chưa đến 10 phút.

Phòng đầu tiên là khám ngoại khoa. Khi tôi bước vào, vị bác sĩ (BS) nam đang cắm cúi viết, ngẩng lên hỏi: “Có bị tai nạn hay chấn thương gì không?”. Tôi trả lời “Không”. BS lập tức kết luận ngoại khoa loại I (tức sức khỏe loại I – PV), ký tên, đóng dấu và chào tạm biệt: “Xong rồi đấy!”.

Sang phòng khám mắt, chúng tôi thử… đổi vai cho nhau, tức PV thứ 2 có thị lực tốt hơn cầm tờ giấy của PV thứ nhất nhưng phía BV tuyệt nhiên không nhận ra vì trên giấy KSK không dán ảnh như mẫu và cũng không ai yêu cầu người khám thực hiện công đoạn này. Sau khi được chỉ vào vài dòng trên bảng, PV thứ 2 (đã tráo người – PV) nhận được kết luận thị lực loại II (thị lực 10/10 khi đeo mắt kính).

Tiếp sau đó là phòng khám răng – hàm – mặt. Trong vòng 10 giây, BS đã thực hiện xong công đoạn kiểm tra răng và “phê” vào giấy: “I”. Ở phòng tai – mũi – họng, nữ BS vừa dùng đèn pin rọi vào tai vừa hỏi “Có bị viêm họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, đau tai, ù tai, chảy máu tai… gì không?”. Sau khi tôi trả lời “Không”, từ khi tôi ngồi xuống đến khi đóng dấu xong, mất khoảng 20 giây.

Bước tiếp theo là phòng khám nội khoa. Một nữ BS hỏi câu duy nhất: “Tim, phổi, dạ dày, gan, lách, thận, tay, chân, xương khớp có bị gì không?” và sau khoảng trên dưới 10 giây thao tác đặt ống nghe nhịp tim, BS “phê” kết quả vào 5 dòng: “Tuần hoàn”, “Hô hấp”, “Tiêu hóa”, “Thận – tiết niệu”, “Cơ – xương – khớp”.

Tại phòng khám Tâm thần – thần kinh, nam BS hỏi: “Ngoài mắt cận ra còn có bệnh tật gì không?”, “Tay chân có thương tích gì không?”. Tôi trả lời “Không” và cũng được ghi “I” cho phần sức khỏe tâm thần. Phòng cuối cùng khám tim, phổi, dạ dày là nơi chúng tôi được khám lâu nhất, là công đoạn dùng ống nghe áp vào ngực và lưng tầm 20 giây và được ghi “I” như các phòng trước.

Mọi thứ diễn ra nhanh, gọn. Chúng tôi quan sát một số ca khám trước và sau, các BS cũng liên tục thao tác và hỏi những câu tương tự như đã quen tay, quen miệng. Một cô gái khám trước tôi vừa bước ra khỏi buồng khám đã cười tươi rói: “Trời ơi, khám gì mà nhanh quá vậy”. Và bản thân chúng tôi cũng không ngờ để có được kết quả KSK “tốt toàn tập” như thế là quá dễ và quá rẻ.

Phớt lờ quy định

Tình trạng KSK kiểu hỏi – đáp “siêu tốc” cũng được chúng tôi ghi nhận tại BV Đa khoa quận 4.

Đầu giờ chiều 20-8, thời điểm khu vực quầy tiếp nhận của BV Đa khoa quận 4 có rất đông bệnh nhân. Nhiều người cầm tờ giấy KSK tất tả chạy từ phòng này sang phòng kia. “Tôi dắt con đi KSK để thi bằng lái xe, khám thì nhanh mà cứ chạy đi tìm phòng này, phòng kia vất vả quá, chắc phải hết buổi chiều mới xong” – chị Nguyễn Ngọc Tâm Anh (ngụ phường 12, quận 4) than thở. Phần chúng tôi phải mất hơn 15 phút chờ đến lượt đăng ký KSK để đi làm với lệ phí 120.000 đồng. Và thêm 15 phút để nhờ nhân viên y tế hướng dẫn quy trình và tìm phòng khám.

Thế nhưng, trái ngược với thời gian chờ đợi, tìm phòng, quy trình khám diễn ra chóng vánh đến không ngờ. Để tiết kiệm thời gian, trong lúc điền thông tin cá nhân, nhân viên ở quầy hướng dẫn còn tranh thủ hỏi chúng tôi luôn chiều cao, cân nặng để… khỏi phải cân, đo. Cũng không cần đối chiếu ảnh trên giấy KSK với người khám nhưng vẫn đóng dấu giáp lai ảnh.

Ở một số phòng, thậm chí BS còn không khám nhưng vẫn ký tên, đóng dấu vào phần kết luận. Tại phòng khám răng – hàm – mặt, quy trình khám được thực hiện ngay tại bàn “Nhận sổ khám bệnh, KSK” do một nhân viên y tế không mặc trang phục BS (lật úp bảng tên vào trong) trực tiếp thực hiện. Sau khi quan sát răng của PV, người này bước vào buồng điều trị và quay trở ra với tờ giấy KSK ghi kết luận răng loại I có chữ ký, đóng dấu của BS. Toàn bộ quá trình diễn ra chưa đến 1 phút. Còn ở phòng khám ngoại, BS tranh thủ khám tốc hành đến mức không cần hỏi, chỉ nhìn qua người đến khám rồi ký tên, đóng dấu liền vào 2 ô với kết luận ngoại khoa loại I và da liễu loại I.

Qua hết các chuyên khoa lâm sàng, rất nhanh chóng chúng tôi nhận được kết luận sức khỏe loại II (có tật khúc xạ) theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhưng với thời gian và cách thức khám “siêu tốc” này, chúng tôi thật sự ái ngại về tờ giấy KSK được cấp.

Bình luận về cách khám bệnh dễ dãi trên, một BS có tên tuổi trong ngành y cho rằng đấy là việc làm coi thường y đức, coi thường quy định. “Giấy KSK là điều kiện bắt buộc để hoàn thiện hồ sơ xin việc, nhập học, cấp bằng lái xe… nhưng kiểu khám qua quýt, cẩu thả thì không biết sẽ giúp gì được cho người khám lẫn cơ quan tuyển dụng. Tệ hơn, một số ngành nghề, việc làm đặc thù yêu cầu điều kiện sức khỏe phù hợp như tài xế nhưng cứ khám và cấp giấy KSK vô tội vạ thì hậu quả thật khôn lường” – vị BS này nói. 

“Biết vậy mới tới!”

Trong lần đi khám tại BV Đa khoa quận 10, tôi gặp tại quầy đăng ký một nhóm thanh niên nam, nữ 5 người. Một cô gái trong số đó nói to: “Ở đây khám nhanh lắm!” vì lúc đó đã hơn 15 giờ, một số thành viên sợ khám không kịp. Quả thật, đến khoảng 16 giờ, cả nhóm đã khám xong, cô gái lúc nãy vui vẻ nói: “Thấy chưa, tao đã bảo mà!”.

Nhiều người khác khám trước và sau chúng tôi cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt vì không ngờ mình “qua ải” dễ và nhanh đến thế. Một số người khác thì tỏ vẻ bình thường, có người chia sẻ rằng lần xin việc trước cũng từng khám như vậy rồi, cũng nhanh và dễ.

Rao bán tràn lan trên mạng

Giấy KSK giả để lại nhiều hệ lụy về pháp luật. Thế nhưng hiện nay, tình trạng rao bán loại giấy này diễn ra công khai trên các trang mạng xã hội. Giấy KSK A3 (có xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu) được rao bán với giá chỉ 120.000 đồng/bản. Chỉ cần nhấc điện thoại gọi cho người rao bán, chưa đến 1 giờ, những tờ giấy với kết quả “khống” đã đến tận tay người mua. Để không mất nhiều thời gian đến khám tại BV, phòng khám nhiều người vẫn tìm mua loại giấy KSK này mà không lường hết được hệ lụy cho bản thân và những tiêu cực có thể phát sinh cho xã hội.