TƯ DUY PHẢN BIỆN – TRANH LUẬN VĂN MINH

Bài viết giúp mọi người có kỹ năng phản biện nhanh gọn, hiệu quả, văn minh và tăng tính thuyết phục hơn. Đây là bài mà mình dành nhiều thời gian và công sức để viết nhất trong năm 2019. Đây không phải là một bài viết bình thường, nó là một bài chia sẻ rất dài và chi tiết, có ví dụ cụ thể. Đọc bài viết này, là bạn đã tiết kiệm được hàng chục giờ đọc sách, vì mình đã thay bạn đọc rất nhiều cuốn sách rồi cô đọng lại. 

Bài viết rất dài, hãy đọc khi bạn thực sự có thời gian để suy ngẫm. Mọi người có thể Share không cần hỏi.

I. TƯ DUY PHẢN BIỆN LÀ GÌ

Trong cuộc sống, các kỹ năng sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề cụ thể. Cuộc sống càng phát triển, sẽ càng có nhiều vấn đề phải giải quyết, dẫn đến càng ngày càng có nhiều kĩ năng mà bạn phải học. Thường thì người ta chia các kỹ năng ra 2 loại: 

  1. Kỹ năng cứng: là các kĩ năng liên quan tới một chuyên môn cụ thể. Ví dụ:  excel, viết, chụp ảnh, lập kế hoạch mkt, sửa điện, thổi tù và,…
  2. Kỹ năng mềm: là các kĩ năng liên quan đến trí tuệ và cảm xúc, không liên quan đến một ngành cụ thể nào. Ví dụ: giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lí thời gian, kỹ năng tự học,….

Trong số các kỹ năng mềm, theo mình có một loại quan trọng nhất, là kỹ năng giúp bạn phát triển tất cả các kỹ năng khác, đó là TƯ DUY PHẢN BIỆN. Trong Tiếng Anh gọi kỹ năng này là Critical Thinking, từ nay mình sẽ viết tắt là CT. 

Trên thế giới có nhiều cách định nghĩa về CT, nhưng mình có thể tóm gọn đơn giản như sau: CT là một phương pháp nhìn nhận, lập luận và đánh giá vấn đề sao cho logic và khách quan nhất. Các bạn đừng nhầm CT chỉ là tư duy dùng để cãi nhau hoặc phản biện. Bản chất của CT là kĩ năng nhìn nhận đánh giá mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Với CT bạn sẽ có được 3 lợi ích KHỦNG KHIẾP như sau:

  • Nhìn nhận vấn đề nhanh, dễ dàng tìm ra đâu là mấu chốt => xử lý tốt vấn đề
  • Cư xử, nói, viết đúng mực => khả năng thuyết phục cao, nhận được sự tôn trọng
  • Hiểu và chấp nhận sự khác biệt, không phải chịu đựng sự cay cú => Hạnh phúc hơn

Ở một số quốc gia phát triển như Anh, môn này được đưa vào nội dung chính quy của hệ học phổ thông. Ở Việt Nam thì kỹ năng này vẫn còn rất mới, ai muốn tìm hiểu chủ yếu phải tự mày mò trong các cuốn sách hoặc trên google. Chỉ có các bạn học chuyên ngành Triết là nghiên cứu rất kĩ về chủ đề này. 

Gần đây đã có thêm nhiều tín hiệu tích cực hơn, một số chương trình như về tranh biện đã thu được sự quan tâm từ cộng đồng như Trường Teen 2019. Năm ngoái, em gái mình khi đang học năm 1 tại NEU cũng đã tham gia 1 CLB Hùng Biện. Đó là những tín hiệu tốt, để hy vọng người dân có ý thức về CT, nhưng cũng còn rất lâu nữa mới có thể hy vọng phổ cập được kiến thức này cho mọi người. Điều này dẫn đến một thực trạng, đa phần mọi người có khả năng trao đổi-phản biện rất kém.

Có quá nhiều kiểu ngụy biện tràn lan trong các cuộc tranh cãi trên mạng. Những cuộc tranh luận thường không có hồi kết, vì mỗi người cãi về một thứ. Đa phần mọi người cãi nhau theo cảm xúc, theo định kiến, mục đích duy nhất là cãi cho thắng, cãi cho sướng mồm, chứ k phải là cãi cho ra việc, cãi cho đúng thì thôi. Nếu tất cả mọi người nắm được nguyên lý của CT, họ sẽ được kéo chung về một hệ logic. Lúc đó, sự khác biệt về quan điểm sẽ vẫn tồn tại, nhưng sẽ dễ chấp nhận hơn nhiều. Muốn biết là thứ gì tạo ra sự khác biệt thì đọc hết bài này sẽ rõ.

Để tìm hiểu kĩ về CT, cần rất nhiều thời gian, có rất nhiều khái niệm phải tìm hiểu, và đa số nó cũng k dễ hiểu chút nào, triết mà lị. Trong bài viết này, mình sẽ cố gắng đúc kết những gì mình thấy đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, nhưng lại hiệu quả nhất, để có thể thực sự mang lại sự thay đổi tích cực cho người đọc. Những nội dung dưới đây mang nhiều màu sắc cá nhân. Kiến thức thì mình đọc từ rất nhiều tài liệu khác nhau, rồi trình bày dưới góc nhìn của cá nhân. Vậy nên các bạn có thể thấy một số thuật ngữ mình gọi tên không giống với các tài liệu bạn đọc chỗ khác. Thực ra hiện nay mình cũng chưa có những bộ tài liệu chính quy để thống nhất tên gọi chung.

II. QUY TẮC VÀNG CỦA TRANH LUẬN

Việc đầu tiên, nếu bạn muốn thay đổi cách tranh luận của mình sang hướng tích cực hơn, bạn phải KHẮC CỐT GHI TÂM điều sau đây: “Tranh luận không nhằm mục tiêu chiến thắng, tranh luận là để tìm ra bản chất vấn đề“

Đừng cố cãi cho thắng, hãy cãi cho đúng. Cái ham muốn chiến thắng trong một cuộc tranh luận sẽ làm giảm thị lực của bạn. Bạn sẽ không thấy thứ bạn phải thấy, bạn sẽ chỉ thấy cái bạn muốn thấy, bạn sẽ chỉ chăm chăm tìm ra lỗi sai của người khác. Có khi người ta nói 10 ý sai 1 ý, bạn lại vin vào 1 ý sai để phủ nhận toàn bộ ý tưởng và quan điểm của người ta. Tôi đã tham gia quá nhiều cuộc tranh luận như vậy rồi. Đừng ngụy biện, hãy biết nhận sai và tiếp thu, điều đó không làm bạn trông yếu đuối hay kém cỏi, ngược lại nó sẽ làm bạn vô cùng TỰ TRỌNG trong mắt người khác. 

“Cái kết của một cuộc tranh luận, thường không phải là TRẮNG hoặc ĐEN rõ ràng. Cái kết của cuộc tranh luận là một bức tranh đầy đủ về các mặt của một vấn đề”

Giống như khi ta bàn câu chuyện nên đi học đại học hay đi làm sớm. Sẽ không có một kết quả nào hoàn toàn vượt trội. Kết quả của một cuộc tranh luận về chủ đề này sẽ là một bản phân tích mổ xẻ tất cả các khía cạnh, bao gồm: Cơ hội và Rủi ro, Được và Mất. Khi đã có đầy đủ góc nhìn như vậy, sự lựa chọn là thuộc về cá nhân từng người. Cho nên, khi tham gia các cuộc tranh luận như vậy, mục tiêu là mổ xẻ vấn đề càng sâu càng tốt, càng có nhiều dữ kiện, càng dễ dàng cho sự lựa chọn.

Riêng việc bạn hiểu được điều này, bạn đã hạnh phúc hơn nhiều rồi đó.

Còn tất nhiên, với việc am hiểu các quy tắc tranh luận, một người thông minh có thể dùng nó để trao đổi cho đúng, hoặc cũng có thể dùng nó để trên cơ những người không giỏi ăn nói. Cùng là con dao, dùng để nấu ăn hay giết người là lựa chọn của mỗi người mà.

III. QUY TRÌNH LẬP LUẬN CƠ BẢN

Muốn phản biện/tranh luận tốt, chúng ta phải hiểu rõ một quy trình lập luận để đưa ra quan điểm sẽ như thế nào. Khi hiểu được quy trình và các yếu tố cấu thành, bạn sẽ có khả năng chỉ ra chính xác một quan điểm sai là sai do đâu. Khi đã biết chính xác chỗ sai trong lập luận, việc phản biện là rất dễ dàng. 

Quy trình cơ bản khi chúng ta đưa ra một quan điểm sẽ như sau: 

“Dữ kiện + Góc Nhìn + Logic + Cảm Nhận = Luận Điểm”

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu bản chất của từng khái niệm nhé.

1. DỮ KIỆN

DỮ KIỆN đầu vào hay còn gọi là những TIỀN ĐỀ, là những thứ được dùng làm nền tảng cho phép lập luận. Giống như để giải một bài toán, chúng ta phải có dữ kiện cho trước bởi đề bài. Một bài toán sai hoặc thiếu dữ kiện, dù bạn có phương pháp giải tốt đến mấy thì vẫn không thể tìm ra đáp án chính xác nhất. 

Có 3 loại DỮ KIỆN như sau: THÔNG TIN – TIÊN ĐỀ – GIẢ ĐỊNH

THÔNG TIN: Là những tri thức, là những sự thật, là những điều đã xảy ra. Thông tin chúng ta thu thập được thông qua các nguồn như: tự chứng kiến, nghe kể, đọc sách, xem tivi,…. Khi đưa ra một thông tin, trong nhiều trường hợp chúng ta phải có bằng chứng để xác thực thông tin đó.

TIÊN ĐỀ: Là những điều mặc nhiên được chấp nhận, không thể chứng minh hoặc không cần chứng minh. Ví dụ:

  • Trong toán học có Tiên Đề Ơ Cờ Lít, mặc định đúng, miễn chứng minh. 
  • Rơi từ nhà tầng 20 xuống đất sẽ chết: điều này nếu nói ra sẽ mặc định là đúng, k ai bắt bạn chứng minh điều đó cả.
  • Phản bội là không tốt
  • Lá ngón là thuốc độc

GIẢ ĐỊNH: là những khả năng chúng ta không biết chắc. Ta dùng những giả định để thu hẹp số lượng khả năng lại. Giúp lập luận của chúng ta vững chắc hơn

Ví dụ:

Trong cuộc họp phòng Marketing, mọi người đang bàn về lý do tại sao hiệu quả doanh số từ quảng cáo tuần vừa rồi sụt giảm. Một thành viên nêu quan điểm như sau: 

Đợt này là tháng 12, vào dịp cuối năm rồi, các doanh nghiệp thường đều tăng ngân sách. Theo thông tin bạn ấy được biết, bên đối thủ A cũng đã tăng 1,5 ngân sách và gia tăng các chương trình khuyến mãi. Với sức ép từ thị trường như vậy, doanh số chúng ta tụt giảm vì khách hàng chuyển qua mua của đối thủ.

Tạm thời ta chưa bàn đến phần kết luận vội.  Chúng ta hãy xem trong quan điểm nêu trên có những dữ kiện gì nhé.

  • Đợt này là cuối năm -> Thông tin
  • Các doanh nghiệp khác đều tăng ngân sách cuối năm -> Tiên đề?
  • Đối thủ A đã tăng 1,5 ngân sách + gia tăng chương trình khuyến mãi -> Thông tin

Có 2 kiểu sai lầm khi đưa ra hệ thống các Tiền Đề cho một quan điểm:

  • Một là sai về thông tin: phần này chủ yếu là do chúng ta không kiếm chứng nguồn tin, dẫn đến thông tin sai lệch. Ví dụ ở trên, việc đối thủ A tăng 1,5 ngân sách chưa chắc đã là một thông tin đúng. Thông tin này do chúng ta nghe/hóng ở đâu đó, hoàn toàn có thể là thông tin sai. Có trường hợp thông tin sai không ảnh hưởng nhiều đến kết luận, như ở ví dụ trên chẳng hạn. Nhưng có nhiều trường hợp, một thông tin sai làm thay đổi hoàn toàn kết luận. Để tránh lỗi này, hãy phân biệt giữa thông tin đã kiếm chứng và thông tin chưa kiểm chứng. Đừng mặc định 1 thông tin là chắc chắn, khi ta mới chỉ nghe qua một ai đó nói, đây là một sai lầm rất nguy hiểm, nhưng lại rất phổ biến. 

Theo tâm lý học, con người rất muốn tin vào những gì họ đã tin đầu tiên. Nếu tin đầu tiên tôi nghe về một người là tốt, sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn để tôi tin họ là xấu. Thậm chí nhiều người còn sẵn sàng bảo vệ niềm tin của mình chẳng vì một lí do cụ thể nào cả, chỉ đơn giản là vì họ đã lỡ tin, và không ai muốn mình tin sai cả. Các bạn hãy phân biệt xem, bạn đang bảo vệ một thông tin vì đó là điều bạn thực sự tin tưởng, hay vì bạn không muốn mình sai.

  • Hai là nhầm lẫn giữa TIÊN ĐỀ và GIẢ ĐỊNH: Các doanh nghiệp thường đều tăng ngân sách cuối năm. Theo như cách bạn kia nói, thì đây là Tiên Đề, bạn ấy đã mặc định điều đó là đúng. Nhưng sự thực chưa chắc là như vậy. Trong cuộc sống, có rất nhiều đều được cả xã hội công nhận, có rất nhiều đều đã đúng trong hàng trăm năm. Nhưng không có nghĩa là điều đó mặc định luôn đúng. Nếu trình bày đúng thì phải như sau: “Trong trường hợp các doanh nghiệp khác đều tăng ngân sách, thì nguyên nhân sẽ là thế này”. Tức là chúng ta nhìn nhận đúng bản chất, đó chỉ là một giả định.

Như các bạn thấy, với một Thông Tin chưa chắc đã chính xác, với một Tiên Đề chưa chắc đã là Tiên Đề, kết luận của bạn ấy đã bỏ qua rất nhiều khả năng khác như: nhu cầu của thị trường giảm, quảng cáo của chúng ta kém hiệu quả, sản phẩm của chúng ta không tốt, kênh phân phối có vấn đề……

Nếu như mình là người nêu quan điểm trên, mình sẽ thêm vào một câu như sau: Đây có thể là một trong các khả năng, hoặc nguyên nhân này là có cơ sở để chúng ta lưu tâm. Khi phản biện một quan điểm dạng này, các bạn hãy tập trung vào việc yêu cầu xác thực THÔNG TIN và TIÊN ĐỀ.

2. GÓC NHÌN

Góc nhìn chính là hệ quy chiếu. Góc nhìn là cách bạn đặt một vấn đề vào một ngữ cảnh cụ thể. Cùng một vấn đề, nhưng góc nhìn khác nhau sẽ dẫn đến đánh giá khác nhau. Cùng là một con số, nhìn từ phí trên thì là 9, nhìn từ phía dưới sẽ là 6.

Ví dụ có một tranh cãi giữa người lao động và doanh nghiệp. Người lao động thì tố cáo công ty quỵt lương. Công ty thì chỉ ra những lỗi mà nhân viên phạm phải, DN làm đúng tất cả theo như các văn bản đã kí và quy định của pháp luật, họ không thể trả lương cho một nhân sự như vậy được. Để đánh giá và nhìn nhận đầy đủ về vấn đề này, chúng ta phải đặt bản thân dưới rất nhiều góc độ khác nhau:

  • Góc độ công ty – Quản trị nhân sự/giữ gìn kỉ luật nội bộ.
  • Góc độ công ty – giữ gìn hình ảnh bên ngoài
  • Góc độ công ty – tuân thủ đúng quy định pháp luật hay chưa
  • Góc độ công ty – ứng xử có tình người hay không
  • Góc độ người lao động – văn hóa ứng xử
  • Góc độ người lao động – tuân thủ/am hiểu luật pháp

Mới kể sơ sơ đã thấy là sẽ có gần chục góc nhìn khác nhau để khai thác chung 1 vấn đề ở trên. Ở mỗi khía cạnh, cán cân đúng-sai phải-trái sẽ có thể nghiêng về một phía khác nhau. Mình sẽ chia luôn cho các bạn một số bộ góc nhìn phổ biến, các bạn có thể áp dụng luôn vào cuộc sống hàng ngày. Có 4 bộ góc nhìn cơ bản như sau:

  • Góc nhìn Lý và Tình hay Đạo Đức và Pháp luật: Đây là 2 hệ quy chiếu cơ bản, là nền tảng của mọi xã hội. Khi đánh giá một vấn đề, hãy mở đầu bằng câu nói “xét về lý” hoặc “Xét về tình”. Có những chuyện vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, nhưng không vi phạm quy định pháp luật (ví dụ như phản bội người yêu). Có những chuyện vi phạm pháp luật nhưng về đạo đức lại không phải quá là đáng bàn (Ví dụ như đi đường không đội mũ bảo hiểm). Như Ưng Hoàng Phúc đã từng hỏi: Làm sao để tốt cho cả hai. Có những trường hợp Lý và Tình không thể dung hòa, chúng ta phân tích sự việc theo 2 hướng khác nhau, còn đánh giá cuối cùng sẽ là tùy thuộc mỗi cá nhân.
  • Góc nhìn của các đối tượng liên quan: như là doanh nghiệp-khách hàng, thủ phạm-nạn nhân, nhà nước-công dân, ngoại giao-nội bộ,….

Hôm vừa rồi có một cuộc tranh luận khá buồn cười. Cuộc tranh luận đó đã thể hiện những nhiều lỗi trong tranh luận của mọi người. Trong sự vụ lùm xùm của một khách hàng với một thương hiệu, một người anh của mình có viết bài để chia sẻ quan điểm. Người anh ấy đã nói rất rõ, bài viết đặt dưới góc độ DOANH NGHIỆP, góc độ của người làm truyền thông. Dưới góc độ đó, chúng ta sẽ chỉ bàn xem khi sự việc xảy ra, DN nên ứng xử thế nào cho tốt nhất. Hoặc bàn xem làm thế nào để DN không mắc lỗi đó nữa.

Nhưng kết quả là mình vẫn đọc cả chục cmt theo kiểu “cố gắng chứng minh người sai là khách hàng”. Rõ ràng đó không phải là cái bài viết muốn đề cập. Vì vậy, những cuộc tranh luận đó sẽ là vô nghĩa

  • Góc nhìn theo các mục tiêu khác nhau: khi đánh giá một hoạt động, bạn có thể đánh giá nó theo các mục tiêu khác nhau. Cùng một hoạt động, có thể đạt được mục tiêu này, nhưng thất bại ở mục tiêu khác. Ví dụ đối với một chiến dịch mkt thì có mục tiêu thương hiệu-bán hàng-phân phối, đối với một hoạt động chính trị thì có mục tiêu kinh tế-an ninh-ngoại giao. Thật nực cười khi chúng ta đánh giá một chiến dịch mà không đặt nó trong một mục tiêu cụ thể. Ta đâu biết mục đích của hoạt động đó là gì, sao có thể dễ dàng nói nó thành công hay thất bại.
  • Góc nhìn theo Lý thuyết – Thực tế: có những điều đúng trong lý thuyết, nhưng sai trong thực tế. Trong thực tế, chúng ta thường phải chấp nhận nhiều biến số khó lường, phát sinh bất cứ lúc nào. 

Khi bắt đầu một quan điểm, bắt đầu một cuộc tranh luận, hãy tạo thói quen mở đầu bằng cụm từ “xét về mặt…..”. Thói quen nhỏ đó sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn nhiều. 

3. LOGIC

Để định nghĩa từ này thì khó ơi là khó. Logic là một từ mà ai cũng hiểu, nhưng khi bảo cắt nghĩa thì k biết phải cắt ra làm sao, mà cũng không dịch ra Tiếng Việt được nữa. Hiểu nôm na thì Logic là cách suy luận sao cho chính xác và khách quan nhất. 

Làm thế nào để lập luận logic? Để nói theo chiều xuôi này rất khó và dài. Đọc các tài liệu về lập luận logic bạn sẽ phát rồ mà chả hiểu gì mấy. Nên thay vì trình bày xuôi, mình sẽ trình bày ngược. Thay vì nói nên làm thế nào, mình sẽ nói không nên làm thế nào. 

Ở phần IV, mình sẽ giới thiệu những lỗi Ngụy Biện. Đó là những lỗi lập luận logic mà mọi người tưởng chừng như đúng. Chúng ta hạn chế những lỗi logic đó là được.

4. CẢM NHẬN

Cảm nhận là những đánh giá không xuất phát từ logic, nó không mang màu sắc khách quan, nó mang đậm tính chủ quan của từng người. 

Một bức tranh đẹp, một bài hát hay, một món ăn ngon,… Tất cả những đánh giá đó đều mang tính chủ quan thuần túy. Những đánh giá này được đưa ra dựa hoàn toàn vào phong cách, thói quen, gu thẩm mỹ và môi trường sống của từng người, chứ không liên quan đến logic. Đối với những đánh giá mang tính chất cảm nhận cá nhân như thế này, tốt nhất là không nên phản biện và tranh luận. Vì vốn dĩ, nó đâu có gì để tranh luận. Cái bạn nên làm, là chia sẻ cảm nhận của cá nhân, và tôn trọng cảm nhận của người khác. Bạn thấy đẹp, không có nghĩa người khác phải thấy đẹp. Bạn thấy món ăn không ngon, không có nghĩa là người khác không có quyền thích thú.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng, bạn phải phân biệt được đâu là cảm nhận cá nhân, đâu là đánh giá logic. Bạn không thể nói: tôi cảm nhận chiến dịch này có hiệu quả, tôi cảm nhận nhân viên A làm việc tốt,…. Những đánh giá đó, phải dựa vào phân tích, có số liệu, dẫn chứng, đi kèm với suy luận logic mới ra được vấn đề.

Để phân biệt được 2 hệ thống đánh giá đó, có một bí quyết cho bạn đây. Với những tính từ mà cảm nhận bởi các giác quan trên cơ thể, đó là cảm nhận cá nhân. Ví dụ:

Thị giác: đẹp, xấu, trông sang chảnh…

Thính giác: hay, không hay, êm tai, du dương, bốc, đã tai,…

Xúc giác: sờ sướng tay, cầm không đã,….

Khứu giác: thơm dễ chịu, thơm nam tính, thúi nữ tính,…

Vị giác: ngon thanh thanh, nhạt nhẽo, mặn,…..

Ngoài ra, những tính từ mà không cảm nhận được bằng giác quan, thì phải đánh giá dựa trên lập luận.

Những cảm nhận cá nhân, bạn không nên dùng nó làm dữ kiện để đưa ra một quan điểm lớn hơn. Ví dụ một quan điểm được đưa ra bởi một nhân viên quảng cáo:

“Ngày hôm qua quảng cáo kém hiệu quả, tôi thấy banner đã đẹp rồi, content cũng hay rồi, đội sale vẫn làm như mọi khi, vì vậy quảng cáo kém hiệu quả đơn thuần là do cạnh tranh từ thị trường quá gắt.”

Chắc các bạn cũng đã nhận ra, banner đẹp và content hay, đó là những cảm nhận thuần túy của 1 cá nhân, không thể sử dụng làm dữ kiện để phân tích vấn đề hiệu quả quảng cáo. Nếu lập luận như vậy, người nhân viên đó đã bỏ qua một trường hợp rất lớn là nội dung quảng cáo không hợp với thị hiếu số đông. Doanh nghiệp thấy hay, không có nghĩa là khách hàng thấy hay. 

5. LUẬN ĐIỂM

Thông thường, khi đánh giá một luận điểm, nó sẽ có 3 dạng như sau: 

  • Đầy đủ cơ sở: Có đủ tiền đề/dữ kiện cho phép lập luận. Quan điểm chắc chắn.
  • Có cơ sở/thiếu cơ sở: 2 khái niệm này theo cách hiểu của mình thì nó như nhau. Ám chỉ một khả năng có thể xảy ra, dù xác suất rất thấp. Nhưng cũng không chắc chắn xảy ra, xù xác suất rất cao. Không thể chắc chắn loại trừ hoặc xác nhận khả năng này. Cần thêm một hoặc nhiều thông tin để xác nhận. Buồn cười nhất là khi một ông nói “Có cơ sở để nói rằng….”. Rồi một ông cãi “Quan điểm đó thiếu cơ sở…..”, khác quái gì nhau đâu. Chẳng qua, dù đều không chắc chắn lắm về vấn đề, nhưng một ông thiên về hướng khẳng định, một ông thiên về hướng phủ định. Đằng nào cũng chỉ là dự đoán, có quái gì mà ngồi cãi nhau. Đây cũng là lỗi phổ biến của các cuộc tranh luận trên môi trường mạng.
  • Không có cơ sở: Không có khả năng xảy ra hoặc không có một dữ kiện nào để chứng minh điều đó. 

Khi trình bày một quan điểm, hãy nhớ một chân lý “CÓ SAO NÓI VẬY”. Cái gì mình có đầy đủ dữ kiện, lập luận chắc chắn thì hãy nói chắc chắn. 

Nhưng trên đời này vốn dĩ không nhiều thứ có thể chắc chắn. Nên hãy chịu khó dùng những từ ngữ thể hiện đúng bản chất vấn đề. Ví dụ như: có khả năng, khả năng cao, có thể,…

IV. NGỤY BIỆN

Ngụy biện là một hành vi cố tình hoặc vô ý, trong đó người phản biện sử dụng những lỗi logic trong lập luận, hoặc đánh lạc hướng cuộc tranh luận để chấm dứt hoặc đạt được mục tiêu tranh luận. Ngụy biện khiến cho cuộc tranh luận không có hồi kết, hoặc kết thúc rất nhanh trong mơ hồ mà không giải quyết được vấn đề.  Cùng là một công cụ, có người tìm hiểu để tránh, có người tìm hiểu để dùng, điều đó tùy thuộc sở thích của bạn.

Dưới đây tôi xin giới thiệu 1 số dạng ngụy biện phổ biến. Có đến hàng chục lỗi ngụy biện, tuy nhiên tôi chỉ chọn những lỗi mà người Việt hay mắc phải, và những lỗi mà chúng ta thường không nhận ra. Còn những lỗi theo kiểu dễ nhận biết, hoặc biết sai mà vẫn cố tình dùng để cãi cùn, tôi xin phép không nêu ra. Các bạn có thể tìm hiểu trên Internet để thấy được bức tranh đầy đủ hơn về ngụy biện.

Giờ thì tìm hiểu về “CÃI LÁO” nào :))

1. Ngụy biện cá trích đỏ

Người nói lảng tránh, dùng một câu chuyện khác để đánh lạc hướng, không tập trung vào trọng tâm cuộc tranh luận.

Đây là một phép ngụy biện nổi tiếng với cái tên khá thú vị. Cá trích là một dụng cụ để huấn luyện chó săn ở nước Anh trước đây. Cá trích khi hun khói sẽ có màu hơi đỏ và rất thơm, đám chó săn vô cùng thích mùi này. Trong bài huấn luyện, chó săn sẽ phải theo đuổi 1 mục tiêu nào đó. Người ta sẽ dùng cá trích đỏ để đánh lạc hướng, nếu chó săn chạy theo mùi của cá trích thì bài tập sẽ thất bại. Cái này thì có quá nhiều ví dụ, kể không xiết. Kiểu như khi đang bàn về chơi game giải trí, một ông lại lôi vấn đề phát triển dân tộc ra bàn vậy.

2. Ngụy biện công kích cá nhân

Lấy đặc điểm cá nhân của một người để phán xét quan điểm/lập luận của họ

Đây là một lỗi ngụy biện vô cùng phổ biến, tràn lan trên mạng internet. Đa phần người Việt chúng ta chấp nhận phương pháp tranh luận này, vì nó rất là sướng mồm :)) Nhưng hãy nhớ, đặc điểm cá nhân của một người, có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của thông tin, chứ không ảnh hưởng đến bản thân phương pháp lập luận của họ. Một số ví dụ về lỗi ngụy biện này:

  • Viết còn sai chính tả, nói tiếng Việt còn chưa chuẩn còn bày đặt triết lí
  • Mày cũng hơn gì nó đâu mà nói
  • Mày không phải phụ nữ, sao hiểu được mà phán xét (trong trường hợp này, người nói có thể sai vì thiếu dữ kiện cần thiết, còn bản thân suy luận logic không phân biệt giới tính)

3. Ngụy biện mọi người cũng vậy

Không phải vì mọi người đều làm một việc thì việc đó mặc nhiên là đúng. Không phải vì hàng trăm năm nay điều đó đúng, thì bây giờ mặc nhiên là đúng.

Những câu nói kiểu như “ai chả thế” “nước nào chả thế” không thể thay đổi một việc từ sai thành đúng. Nhiều người làm sai, không có nghĩa mình làm theo là đúng.

4. Ngụy biện thống kê

Khi đưa ra một thống kê để làm căn cứ tranh luận, bạn phải nêu ra bối cảnh, điều kiện và công thức của thống kê xem có phù hợp với tình huống tranh luận.

Ví dụ: 80% trẻ con nói rằng thích đến trường => cần có thông tin đầy đủ: chọn mẫu nghiên cứu như nào, lấy ý kiến vào mùa nào trong năm, lứa tuổi chính xác như nào, trẻ con khu vực nào,…

5. Ngụy biện không thể chứng minh

Bạn không thể chứng minh được một điều, không có nghĩa là chiều ngược lại mặc nhiên đúng.

Bạn không chứng minh được một người là xấu, không có nghĩa là họ tốt.

Bạn không chứng minh được một điều là đúng, không có nghĩa là nó sai.

6. Ngụy biện rẽ đôi

Người nói cố tình chia các khả năng thành 2 loại đối lập, buộc người nghe phải chọn chỉ 1 trong 2 loại đó, đưa họ vào thế khó và phải chọn theo hướng mà người nói muốn. Nhưng thực tế là còn những khả năng khác nằm giữa hoặc nằm ngoài 2 khả năng đó.

Ví dụ:

Cuộc sống chỉ có 2 loại, người cai trị và kẻ bị trị, giờ mày muốn thế nào

Bây giờ, một là em chọn sự nghiệp, 2 là em chọn gia đình….

Bây giờ, một là anh chọn thương hiệu, 2 là anh chọn doanh số……

7. Ngụy biện nhân quả

Điều A và B xảy ra cùng một lúc, không có nghĩa A chính là nguyên nhân gây ra B. Không có nghĩa muốn đạt được B bắt buộc phải có A

Ví dụ:

Đợt trước em ăn chuối thấy có giảm cân => không chắc nguyên nhân đã do chuối

Hôm qua em quên mang vòng tâm linh nên bị ngã xe => không chắc nguyên nhân đã do cái vòng

Nước Mĩ thành công và ở đó họ cho dùng súng => không chắc súng là nguyên nhân khiến nước Mỹ thành công

8. Ngụy biện so sánh không tương quan

Người nói lựa chọn 2 sự vật/hiện tượng khác xa nhau về bản chất, nhưng lại lấy đặc điểm của sự vật này để gán ghép cho sự vật kia

Đây vừa là một lỗi ngụy biện, vừa là một cách đặt vấn đề thú vị. Trên mạng có một hệ thống các fanpage, rồi thì các nhà triết lý thường xuyên áp dụng phương pháp này. Điển hình là việc lấy các đặc điểm của thiên nhiên/động vật, rồi rút ra các bài học làm người, bài học kinh doanh, quản trị, yêu đương,…..

Chắc các anh chị em đã quen thuộc với những bài học đến từ loài sói, rồi đại bàng, rồi thậm chí cả loài ếch loài kiến. Có một vụ khá thú vị là bài học về con đại bàng. Khi đến năm 40 tuổi, nó sẽ chịu bao đau đớn để tự nhổ hết lông, tự đập gẫy mỏ, rồi sau đó tái sinh và sống đến 70 tuổi. Hàng trăm tờ báo và fanpage đã chia sẻ bài học cuộc sống rút ra từ câu chuyện này. Sau đó người ta chứng minh câu chuyện là fake :)) Dù sao thì mấy bài học đó cũng không sai lắm.

Nguyên tắc của hình thức này, là bài học phải có trước, người nói lấy hình ảnh thiên nhiên để minh họa và gợi mở thì rất ok. Mình ủng hộ cách viết và nói sử dụng phương pháp này, vì nó rất tạo cảm hứng. Tuy nhiên, nếu bạn cố tình dùng nó để chứng minh cho lập luận của mình, thì đó là sai vô cùng

9. Ngụy biện một bằng chứng:

Người nói sử dụng 1 hoặc một vài bằng chứng lẻ tẻ để chứng minh cho một quan điểm KHÔNG TUYỆT ĐỐI.

Ví dụ: Khi nói tiêm Vacxin là tốt cho trẻ nhỏ.

Nhiều người phản biện rằng: Hôm qua gần nhà tôi có 1 bé chết vì tiêm vắc xin, sao lại dám nói vacxin là tốt.

Đây là một lỗi phản biện cũng rất phổ biến. Trừ khi người nói đưa ra 1 quan điểm dạng tuyệt đối (ví dụ: Vacxin an toàn tuyệt đối), bạn chỉ cần 1 ví dụ cũng có thể chứng minh họ sai. Còn trong trường hợp này, tốt là tốt cho cộng đồng, phải dựa trên số liệu thống kê. Mặc dù vẫn có tỉ lệ rủi ro khi dùng, tuy nhiên việc dùng vacxin đồng bộ vẫn tốt hơn nhiều nếu không ai dùng.

10. Ngụy biện uy tín cá nhân

Lấy quan điểm/câu nói của người nổi tiếng/vĩ nhân/người thành công để chứng minh cho một quan điểm.

Hãy nhớ, câu nói của người thành công không phải chân lý. Trừ khi câu nói đó đã được đúc kết/chứng minh bằng các bằng chứng/lập luận khoa học đầy đủ. Trong trường hợp này, câu nói đó sẽ không phải là một câu nói, mà là một dữ kiện. Còn lại không phải vì họ giỏi thì nói gì cũng đúng. Dùng quan điểm của họ để bảo vệ cho phương pháp lập luận của bạn là vô căn cứ. Các bạn dùng câu nói của họ để gợi mở, tạo cảm hứng thì được, còn dùng để chứng minh một điều gì đó thì gần như vô giá trị.

Ranh giới giữa phản biện và ngụy biện đôi khi rất mong manh. Chúng ta k thể sửa hết trong 1 vài ngày, bản thân mình cũng k tránh khỏi hết các lỗi ngụy biện trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng dù gì, biết sai và cố sửa thì vẫn hơn là không chấp nhận rằng mình đã sai.

 V. NHỮNG TIP CỤ THỂ ĐỂ TRANH LUẬN THUYẾT PHỤC

Mình xin tổng hợp lại một số lưu ý cụ thể, áp dụng vào tranh luận hàng ngày.

1. Đã tranh luận thì phải có hệ thống luận điểm

Hãy trình bày một quan điểm theo hệ thống như sau: Quan điểm – Luận Điểm – Luận Cứ.

Trong đó, Quan điểm là những sự lựa chọn, luận điểm là những lý do lớn, luận cứ là những thứ bạn dùng để chứng minh tính đúng đắn của luận điểm.

Ví dụ: Quan điểm của tôi là “Nên học đại học”. Tôi có quan điểm đó vì 3 luận điểm như sau:

Luận điểm 1: Kiến thức trong trường rất hữu ích. Bằng chứng là…..

Luận điểm 2: Đây là cơ hội để phát triển bản thân. Bằng chứng là….

Luận điểm 3: Có tầm bằng vẫn hơn. Bằng chứng là

Khi phản biện, cũng phải phản biện theo hệ thống: Phản biện Luận điểm – Luận điểm

Ví dụ: Theo tôi thì “Không nên học đại học”. Vì

Phản biện luận điểm 1: Kiến thức trong trường không hữu ích đến vậy,…..

Phản biện luận điểm 2: Phát triển bản thân trong doanh nghiệp sẽ tốt hơn,…..

Ngoài ra, tôi có thêm 2 luận điểm nữa:

Luận điểm 1’: Chất lượng đào tạo ở Việt Nam chưa tốt. Bằng chứng là…

Luận điểm 2’: Học khóa ngắn hạn sẽ hay hơn. Bằng chứng là…

2. Luôn tranh luận trong cùng một góc nhìn.

Hãy tạo thói quen trao đổi với nhau về góc nhìn trước khi bắt đầu tranh luận. Hãy bắt đầu chia sẻ một quan điểm bằng câu nói “xét về mặt”.

Khi tranh luận, hãy hỏi “anh đang bàn về lý thuyết hay thực tế, anh đang bàn về Lý hay Tình”

3. Phản biện nhanh chóng bằng cách chỉ ra các điểm mấu chốt.

Một quan điểm sai có thể do Thông Tin, Tiên Đề, Cảm nhận, Logic. Hãy nhanh chóng chỉ ra điểm sai của họ, cố gắng thống nhất với nhau từng điểm sai rồi mới tiếp tục, tránh tranh luận lan man. Hãy đặt câu hỏi, đó là cách đơn giản nhất để xoáy sâu vào một điểm.

Thay vì nói “anh sai rồi, phải là thế này mới đúng,…..”. Hãy nói: “anh sai ở 3 điểm như sau”.

Thay vì nói thông tin này sai, hãy nói: Thông tin này đã được kiểm chứng chưa? 

4. Phân biệt các yếu tố tuyệt đối và tương đối

Tránh kiểu một ông nói là “khả năng cao’, một ông vào cãi “chưa chắc”

5. Đừng cãi cho thắng, hãy cãi cho đúng

Tranh luận không phải là để tìm ra ai đúng ai sai. Tranh luận và phản biện là để mọi người cùng nhìn ra đầy đủ bản chất vấn đề. Từ đó chọn ra được quyết định  phù hợp nhất với từng bối cảnh.

6. Hãy biết nhận sai

Điều đó không làm bạn kém cỏi, mà còn làm bạn tự trọng hơn

7. Hãy chấp nhận sự khác biệt

2 người đều có tư duy phản biện, 2 người lượng dữ kiện đầu vào như nhau, 2 người vẫn có thể đưa ra sự lựa chọn khác nhau. Vì Tư Duy Phản Biện không thể loại trừ yếu tố CẢM NHẬN và GÓC NHÌN, mình đã viết rất kĩ ở phần trên. 

8. Hãy luôn lắng nghe

Việc bạn thực sự lắng nghe, sẽ giúp cuộc tranh luận tiến triển tích cực. Nếu bạn chỉ muốn nói mà không muốn nghe, người ta cũng sẽ vậy thôi.

9. Nếu có thể, hãy tán thành trước khi phản biện

Khi bắt đầu phản biện, không nhất thiết phải khởi động với câu nói “anh sai rồi”. Nếu có một chút tinh tế, bạn sẽ khiến người ta lắng nghe bạn kĩ hơn. Hãy bắt đầu với việc phân tích xem NGƯỜI TA ĐÚNG Ở CHỖ NÀO”, rồi sau đó mới bắt đầu phản biện đến cái sai của họ. 
 

10. Dùng những ngôn từ dễ chịu

Thay vì nói “Chỗ này sai bét, chỗ kia không đúng tí nào”  hãy dùng những ngôn từ chạm khẽ tim họ một chút thôi. Ví dụ:

  • Tôi thì hiểu thế này, anh nghe thử nhé
  • Thử bàn theo một hướng khác xem sao nhé

11. Đừng tranh luận khi máu đang dồn hết lên não

Con người không thể loại bỏ yếu tố cảm xúc. Mà khi cảm xúc đang chiếm ưu thế, lý lẽ không có tiếng nói nào đâu.

12. Hạn chế những ngôn từ khiêu khích

Đôi khi một cuộc tranh luận đổ vỡ chỉ vì một vài ngôn từ châm chọc, công kích cá nhân. Hãy hạn chế việc này tối đa

Quào, viết đến đây quá mỏi tay rồi. Ai mà đọc được đến đây thì cũng là siêu nhân rồi. Hy vọng bài viết sẽ cho các bạn những tư duy và cảm xúc tích cực hơn. Rất vui lòng đón nhận những đóng góp hoàn thiện cho bài viết. 

Bài này được viết dựa trên quá trình nghiên cứu, tổng hợp và bản thân mình tự đúc rút. Các khái niệm và thuật ngữ trong bài chỉ mang tính tương đối, có thể khác với các kiến thức chính quy ở đâu đó. Chỉ nên coi bài viết này là kiến thức để áp dụng thực tế, không nên dùng làm tư liệu nghiên cứu học thuật.

-Anh chủ quán-