TỨ DIỆU ĐẾ VÀ BÁT CHÁNH ĐẠO – Cách nhận biết KHỔ và con đường Giải Thoát sáng suốt của Đạo Phật
Nội Dung Chính
Xin chào mọi người, đã rất lâu rồi mình không viết bài trên Spiderum, mình đang gặp khá nhiều áp lực về mặt công việc trong thời gian qua và mình muốn dành 1 chút thời gian rảnh như ngày hôm nay để quay lại việc viết lách với 1 chủ đề liên quan đến Tôn Giáo, cụ thể là đạo Phật. Mình không theo đạo Phật nhưng lại rất thích nghiên cứu những giáo pháp mà Đức Phật đã để lại cho chúng sanh. Giáo lý của Ngài dù đã trải qua hơn 2000 năm vẫn không hề thay đổi trước sự dời chuyển của vạn vật, quả thật vĩ đại và có tính thực tiễn. Mình xin phép được chia sẻ những gì mình đã học được, phần nào cũng muốn giúp đỡ những bạn đang lâm vào những hoàn cảnh bế tắc hoặc cũng ham hiểu về tôn giáo này.
Nhắc đến đạo Phật, ta không thể không nhắc đến Tứ Diệu Đế và Bát Chánh đạo. Sở dĩ hai giáo pháp này chính là nền tảng lớn nhất và là giáo lý quan trọng nhất trong đạo Phật. Đạo Phật không đề cập đến bất kì 1 vị thượng đế nào, nó trọng tâm hướng con người ta tới sự giải thoát, chạm đến trạng thái Niết – Bàn (Nirvana)
Đức Phật chuyển pháp luân
Đạo Phật là một tôn giáo đồng thời cũng là một hệ thống triết học bao gồm một loạt các giáo lý, tư tưởng triết học cũng như tư tưởng cùng tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan, giải thích hiện tượng tự nhiên, tâm linh, xã hội, bản chất sự vật và sự việc; các phương pháp thực hành, tu tập dựa trên lời dạy của một nhân vật lịch sử có thật là Siddhārtha Gautama (悉達多瞿曇, सिद्धार्थ गौतम, Tất-đạt-đa Cồ-đàm) và các truyền thống, tín ngưỡng được hình thành trong quá trình truyền bá, phát triển Phật giáo sau thời của Siddhārtha Gautama. Siddhārtha Gautama thường được gọi là Bụt hay Phật hoặc người giác ngộ, người tỉnh thức. Theo kinh điển của Phật giáo, cũng như các tài liệu khoa học khảo cổ chứng minh rằng, Siddhārtha Gautama đã sống và thuyết giảng ở vùng đông bắc bán đảo Ấn Độ xưa (nay thuộc Ấn Độ, Nepal, Bhutan) từ khoảng thế kỉ thứ 6 TCN đến thế kỉ thứ 4 TCN.
TỨ DIỆU ĐẾ – Giáo lý đầu tiên của Tất Đạt Đa
Đức phật độ 5 anh em Kiều Trần Như
Thái tử Tất Đạt Đa đã có cuộc sống dục lạc trong 1/4 cuộc đời mình trước khi Ngài từ bỏ nó và xuất gia. Sử sách Phật Giáo nói rằng vào đêm mùng 8 tháng 2 năm 595 TCN, Ngài nhìn vợ con Ngài lần cuối rồi cưỡi con ngựa Kiền Trắc và bề tôi Sa Nặc theo sau. Sau đó Ngài cắt tóc rồi bỏ úy phục, yêu cầu Sa Nặc về báo cho Phụ Hoàng. Sử sách nói rằng đấy là cuộc ra đi vĩ đại, đánh dấu 1 sự khởi đầu của 1 vĩ nhân, người được nhân gian ta tôn thờ kính trọng.
Thái tử Tất Đạt đa cùng 5 anh em Kiều Trần Như tu khổ hạnh cùng nhau. Ông tìm hết vị sư này đến vị sư khác nhằm tìm cách diệt khổ. Và sau 6 năm tu khổ hạnh, ông đã tìm ra con đường tu hành chân chính – con đường trung đạo. Trung đạo là 1 con đường an toàn nhất vì không bắt cái thân mình chịu cảnh đói khát hay hưởng thụ dục lạc của người đời. Siddhārtha quyết định ăn uống bình thường trở lại và đi đến Giác Thành. Siddhārtha thường đến bờ sông Nairanjana (Ni-liên-thiền, hiện nay là sông Phalgu) ngồi thiền định trên bãi cát. Một hôm, có hai cô bé chăn bò tên Nanda và Bala đang dắt bò xuống sông tắm thì thấy Siddhārtha đang ngồi thiền định, họ sanh lòng kính mến liền tự tay vắt lấy sữa bò, nấu chín rồi dâng lên. Siddhārtha ăn xong cảm thấy thân thể khoẻ mạnh. Ðến ngày thứ 49, Siddhārtha ngồi thiền định dưới gốc cây cổ thụ Ni-câu-đà (cách cây Bồ-đề khoảng 150 m về hướng đông), sắp đi khất thực, thì có hai chị em nàng Sujata (Tu-Xà-Đề), con ông trưởng làng Senani, mang bát cháo sữa (kheer) đến cúng vị Thần gốc cây để tạ ơn. Khi thấy Siddhārtha đang tĩnh tọa, hai nàng đặt bát cháo sữa bằng vàng trước mặt, cung kính đảnh lễ rồi ra về. Sau khi ăn xong bát cháo sữa, Siddhārtha thấy cơ thể khỏe mạnh lạ thường nên không đi khất thực mà xuống sông Nairanjana tắm, tâm trạng ông vô cùng phấn chấn, cảm thấy sắp đạt thành tựu viên mãn.
Đêm hôm đó, Siddhārtha bắt đầu thực hành các pháp thiền định. Cuối cùng, ông đạt Diệt-Thọ-Tưởng định (Nirodha-samapatti), tỏa ra uy năng chiếu khắp Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Ma vương Mara (Ba-tuần – vua cõi trời Tha Hóa Tự Tại) không muốn ông đắc đạo, đã quấy nhiễu bằng nhiều phương thức nhưng cuối cùng đều thất bại. Ba cô con gái của ma vương tên là Tanhā (Ái Dục), Aratī (Bất Mãn) và Ragā (Tham Vọng) hóa ra ba nàng tiên tuyệt đẹp để quyến rũ nhưng cũng chịu thất bại.
Đức Phật ngăn chặn được cuộc phá hoại của ma vương
Ngài hướng tâm thanh tịnh về tuệ tri hiểu biết sự chấm dứt các pháp trầm luân. Ngài biết như thật “đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến diệt khổ”. Ngài biết như thật “đây là những ô nhiễm (lậu hoặc), đây là nguyên nhân của các lậu hoặc, đây là sự diệt trừ những lậu hoặc, đây là con đường diệt trừ các lậu hoặc”. Lần lượt ngài nhận thức tiếp : “Đây là phiền não, đây là nguyên nhân của phiền nào, đây là sự chấm dứt phiền não, đây là con đường đưa đến chấm dứt phiền não”.. v.v… và. v.v… Nhận thức như thế, tâm Ngài thoát khỏi dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), thoát khỏi hữu lậu (ô nhiễm của sự luyến ái đời sống) và thoát khỏi vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh). Ngài chứng Lậu Tận Minh khi trời hừng sáng. Bấy giờ Ngài biết mình đã được giải thoát, Ngài nhận thức rằng:
“Tái sanh đã chấm dứt, đời sống Phạm Hạnh đã viên mãn, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa” (Kinh Trung Bộ 1, Đại Kinh Saccaka, số 37, trg 541-543)
Đức Phật đạt giác ngộ
Tất Đạt Đa đã đạt giác ngộ viên mãn qua quá trình tu tập thiền định, chính thức trở thành Phật. Ngài vẫn tiếp tục ngồi hơn 1 tháng dưới gốc Bồ Đề để hưởng thành tựu viên mãn. Ban đầu, Ngài đã không có ý định tuyên truyền giáo pháp của mình vì nó rất cao siêu, khó hiểu đối với trí tuệ không sáng suốt của con người cho đến khi 1 vị Phạm Thiên xuống nhân gian để cầu xin Ngài phổ độ chúng sanh. Vì lòng từ bi của mình, Ngài đã thay đổi quyết định và chọn đi trên con đường cứu độ. Người mà Ngài thuyết pháp giáo lý đầu tiên chính là ae Kiều Trần Như – người đã bỏ Ngài sau khi Phật tìm ra con đường Trung Đạo.
Ông đã gặp 5 anh em tại vườn Nai Benares, tại đây ông đã mở đầu bài thuyết pháp cho 5 đồng tu như sau :
Này các tỳ khưu, đây là hai cực đoan mà bậc xuất gia không nên thực hành: Đây là sự say đắm về dục lạc trong các dục, kém cỏi, thô thiển, tầm thường, không cao thượng, không đem lại lợi ích, và đây là sự gắn bó với việc hành hạ bản thân, đau khổ, không cao thượng, không đem lại lợi ích. Này các tỳ khưu, sau khi không tiếp cận cả hai cực đoan ấy, lối thực hành trung hòa đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn. Này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa ấy đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn là thế nào? Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần tức là sự hiểu biết chân chánh, suy nghĩ chân chánh, nói lời chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nuôi mạng chân chánh, tinh tấn chân chánh, ghi nhớ chân chánh, định tâm chân chánh...
”
Nhắc đến Tứ Diệu Đế, ta cần hiểu định nghĩa của nó là gì ? Đế là những sự thật không thể thay đổi. Tứ là 4. Dịch cả câu : 4 sự thật không thể thay đổi.
Sự thật đầu tiên :
KHỔ ĐẾ.
Nỗi khổ. Nhắc đến nỗi khổ, người ta luôn trốn tránh. Việc 1 con người không dám nhìn vào sự thật là 1 con người thiếu sáng suốt và thiếu sự dũng cảm. Khổ là sự không thỏa mãn, là khiến người ta lo lắng và muốn né tránh. Nỗi khổ luôn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, từng giây đến từng phút từng giờ. Người ta khổ không chỉ vì nghèo hay giàu, con người ta vốn sinh ra đã khổ. Ta có 4 nỗi khổ chính sau :
Sinh- lão- bệnh- tử
Sinh : Người ta trong bụng mẹ, không thoáng mát, chật hẹp hay bị người khác chọc ghẹo
Lão : Con người ai cũng phải già đi, phụ nữ đến tuổi này thường lo lắng về nhan sắc, cố bám lấy cái thân vô thường.
Bệnh : Ai cũng ít nhất 1 lần bị bệnh trong đời
Tử : Ai rồi cũng về với cát bụi
Đức Phật cũng đã khái quát thêm bốn nỗi khổ về tâm gồm: khổ vì mong cầu mà không có được, khổ vì yêu thích mà phải xa lìa, khổ vì không ưa mà phải gặp gỡ, chung sống, khổ vì năm ấm hưng thịnh (năm ấm chỉ năm món ngăn che chướng ngại: sắc, thụ, tưởng hành, thức, sẽ được trình bày chi tiết hơn ở phần sau). Vì năm ấm hưng thịnh nên những nhu cầu dục lạc, các xúc tình tiêu cực nhân sự hưng thịnh của năm ấm mà càng phát khởi mạnh mẽ khiến chúng ta nhận về càng nhiều khổ đau.
Sự thật thứ hai :
TẬP ĐẾ
Nguyên nhân của khổ đau cũng chính nằm ở Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và cũng chính do Thân của ta. Cái thân này dễ bị dục lạc hữu hình cám dỗ, sa vào tà kiến, chấp ngã nên khó mà tu thành quả. Cái thân này cũng là tạo nghiệp, ta tạo nghiệp rồi lại phải luân hồi để trả nghiệp. Người ta sinh ra rồi chết đi, bỏ hết thân này đến thân khác. Tạo phước rồi hưởng phước, không lo tạo thêm nhiều phước hơn nữa, thậm chí có người tạo nghiệp xấu thì bị sanh vào ngạ quỷ, súc sanh. Cứ theo nhân quả mà đầu thai vào từng cõi trong tam giới.
Liên quan đến cả nhân duyên
Người mang nhân duyên dù tốt hay xấu phụ thuộc vào chính chúng ta nhưng dù thế nào đi nữa cũng đều bị rằng buộc, khó ra khỏi vòng sanh tử. Cái rằng buộc này chính là hiện tượng tâm lý và vật lý tạo thành 1 vòng qua lại, chúng là nguyên nhân của cái này và là kết quả của một yếu tố khác, tạo thành một vòng liên tục với mười hai yếu tố không có điểm kết thúc cũng như bắt đầu. Đây chính là nguyên lý căn bản của sinh tử luân hồi, tức khổ đau. Trong tình yêu, duyên hợp hay đẹp đến mấy rồi cũng tàn. 1 con người sẽ không cảm nhận được sự thảnh thơi khi duyên vẫn còn vấn vương. Con người ta luôn phải dựa vào những điều kiện như danh vọng, những lời khen ngợi, tiền bạc để tồn tại và phục vụ cái thân luôn luôn biến chuyển này. Đôi khi vì nhân duyên tốt mà ít người nhìn ra được hạt giống của khổ đau, sống hưởng lợi không thể chuyển khổ đau lên ý thức, vì thế họ không biết cách chăm sóc nỗi khổ và thấy được chân phúc. Người có nhân duyên không đủ mạnh trong mối quan hệ luyến ái thì luôn cảm thấy cô đơn, mối quan hệ nam nữ thường sẽ không lâu dài.
Tâm bám chấp là gốc rễ phát khởi lòng tham, tính vị kỷ cũng như tâm sân hận, tật đố và các phiền não nhiễm ô khác. Cho rằng “tôi” là tâm điểm, chúng ta luôn tham lam muốn vun vén chạy theo những nhu cầu bất tận của bản thân. Lòng tham khiến ta tìm mọi cách thỏa mãn tham vọng cá nhân, kể cả làm những việc bất chính hay chà đạp, gây đau khổ cho người khác. Vì tham mà gia đình ly tán, anh em bất hòa, bạn bè xung đột. Tội ác và bạo lực xảy ra khắp nơi cũng đều bắt nguồn từ tham vọng ích kỷ của con người. Tâm tham lam càng mạnh mẽ thì sân hận càng có nhiều điều kiện để phát khởi, do ham muốn không được thỏa mãn. Vì bám chấp vào “cái tôi” cố hữu, chúng ta luôn tự đồng hóa với những cảm xúc của chính mình và trở thành nô lệ cho những cơn bão cảm xúc triền miên như tham luyến, sân hận, đố kỵ, kiêu mạn. Cuộc sống của chúng ta vì vậy mà đau khổ trầm luân không lối thoát.
sự thật thứ ba
Diệt đế
Tứ Diệu Đế không chỉ nói đến những nỗi khổ mà Ngài còn bày cho chúng sinh cách diệt trừ khổ đau.
Giác ngộ chính là chìa khóa phá bỏ tư tưởng chấp ngã, đạp tan sanh tử luân hồi, một trạng thái mà theo cách nhà tu hành là không có một trí tuệ phàm phu hay ngôn từ nào có thể diễn tả nổi.
Trải qua các tầng lớp tu tập, có người đã đạt được quả A La Hán sau khi nghe 1 vị Phật thuyết pháp, có người thành Phật sau hơn 3 đại vô lượng kiếp, đạt thành tựu viên mãn. Những người này đều có khả năng thuyết pháp cho chúng sanh.
sự thật thứ tư
BÁT CHÁNH ĐẠO HAY CÒN GỌI lÀ ĐẠO ĐẾ
Còn gọi là Bát Thánh đạo, Bát chi Thánh đạo, Bát Thánh đạo phần, Bát trực hành, Bát đạo hành, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, Bát lộ.
Bát chánh đạo là con đường tám nhánh để giải thoát khỏi Khổ (sa. duḥkha). “Bát Thánh đạo là giáo lý căn bản của Ðạo đế (trong Tứ đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ðây là con đường độc nhất đi vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc, đạt được quả vị Alahán.
Hình ảnh khác
Một trong những hình vẽ biểu tượng của Phật giáo: 1 bánh xe và 8 nan hoa, tượng trưng cho tám con đường trong bát chính đạo
Hành giả có thể đi vào giải thoát bằng ngõ Thất giác chi, Tứ niệm xứ… nhưng tất cả những ngõ đường ấy đều được bao hàm trong Bát chánh đạo. Nếu tâm của hành giả thực hành các pháp môn ngoại đạo, ở ngoài sự vận dụng tám chi phần Bát chánh đạo, thì quyết định hành giả không thể chứng đắc các quả vị của Sa-môn,không thể đi vào giải thoát toàn vẹn. Hành giả cần thực hành đúng Bát chánh đạo như lời dạy của Thế Tôn ở Sư Tử Hống Tiểu Kinh (Trung Bộ Kinh I)”[2].
Từ Bát chánh đạo xuất hiện phổ biến hơn Bát chính đạo. “Chính” hay “chánh” chỉ là cách phiên âm khác nhau của cùng một từ “正” mà thôi.
1. Chánh Kiến (Sammādiṭṭhi):
Kiến là hiểu biết, trí tuệ. Vì vậy Chánh Kiến là quan điểm tu hành chân chính. Để có quan điểm tu hành chân chính, hành giả phải có kiến thức về đời sống và Đạo Phật. Bao gồm rất nhiều những kiến thức, đạo lý mọi mặt trong đời sống, trong sự tu hành, trong quá trình giáo hóa của các vị Bồ Tát.
Những nền tảng cơ bản nhất của chánh kiến căn cứ vào lời dạy của Đức Phật: Luật nhân Quả, Tứ diệu đế(Tứ thánh đế), Vô Ngã, Bát chánh đạo, Mười hai nhân duyên, Tứ chánh cần, Ngũ căn ngũ lực, Tứ niệm xứ, Thiền định, Tứ vô lượng tâm, Không chấp công,…
Giáo lý căn bản, là nền tảng cho quá trình tu hành là Luật Nhân Quả.
Mục tiêu của sự tu hành là hướng về Vô Ngã.
2. Chánh Tư Duy (Sammāsaṅkappa):
Là tư duy, suy nghĩ chân chính. Để thực hành Chánh tư duy, cần thực hành những yếu tố:
Đối với những suy nghĩ bất thiện, phải quyết chí diệt trừ, biết hối hận ăn năn, biết cẩn thận lần khác.
Đối với những suy nghĩ thiện, phải chủ động suy nghĩ, chủ động tác ý để phát triển.
– Tư duy mong muốn thoát ra khỏi ái dục, biết noi gương những bậc Thánh thanh tịnh.
– Tư duy không làm khổ mình khổ người, không làm hại mình hại người [5]
– Tư duy thương yêu tới tất cả chúng sanh, không còn tham – sân – si.
– Tâm tôn kính Tam Bảo.
…
Ngoài ra, tùy vào hoàn cảnh cuộc sống, hành giả còn có những tác ý cụ thể, đối chiếu với đạo lý để lựa chọn những tác ý phù hợp.
3. Chánh Ngữ (Sammāvācā):
Ngữ là lời nói. Như vậy Chánh Ngữ là lời nói chân chính. Cần thực hành những yếu tố:
– Không nói dối, mà nói lời chân thật.
– Không nói lời chia rẽ, mà nói lời hoà hợp,giúp đoàn kết mọi người.
– Không nói lời thô tục, mà nói lời nhã nhặn, làm người với người đều cảm thấy an lạc.
– Không nói lời vô ích (gây tốn thời gian của người khác), mà nói lời hữu ích.
…
Mội số những nội dung hành giả tu hành cần ưu tiên sử dụng trong đời sống để tạo phước:
– Hay nói về nhân quả, về nhiều kiếp luân hồi, cho người biết tin sâu, mà làm lành lánh dữ.
– Thường ngợi ca Phật Pháp, kiên nhẫn độ từng người, về với bóng từ bi, để rời xa đau khổ.
…
4. Chánh Nghiệp (Sammākammanta):
Nghiệp là hành vi, hành động. Như vậy Chánh Nghiệp chân chính là hành vi, hành động chân chính. Bao gồm:
– Tuân theo ngũ giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện).
– Làm những việc lợi ích, vị tha dựa trên sự yêu thương dành cho chúng sinh để tạo nên những nghiệp tốt, tạo ra công đức lành.
– Không làm những việc gây đau khổ cho chúng sinh, nghiêm khắc ngăn kẻ xấu làm sai.
– Hành động tôn kính, lễ (lạy) Tam Bảo, sám hối những lỗi lầm của bản thân, phát nguyện sửa lỗi và thực hiện những điều công đức và đạo đức.
5. Chánh Mạng (Sammā-ājīva):
Mạng là sự sống, đời sống. Như vậy Chánh Mạng có nghĩa là có đời sống chân chánh:
– Sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng không bóc lột, xâm hại đến lợi ích chung của người khác.
– Dựa trên Luật Nhân Quả, nhờ công đức tạo ra từ Chánh Nghiệp mà sẽ được nghề nghiệp tốt.
– Nghề nghiệp tốt phải gồm đù 2 yếu tố: tạo phước từng ngày và có thời gian tu tập.
6. Chánh Tinh Tấn (Sammāvāyāma): Tinh tấn chân chính là:
– Tinh-tấn ngăn ác pháp chưa sinh, không phát sinh.
– Tinh-tấn diệt ác pháp đã phát sinh.
– Tinh-tấn làm cho thiện pháp chưa sinh, được phát sinh.
– Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.
7. Chánh Niệm (Sammāsati): là niệm chân-chính có 4 pháp là pháp-hành tứ-niệm-xứ:
– Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng của chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác.
– Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác.
– Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác.
– Pháp niệm-xứ: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác.
8. Chánh Định (Sammāsamādhi): Định chân-chính là định-tâm trong các bậc thiền siêu-tam-giới có Niết-bàn là đối-tượng.
Bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh chỉ đồng sinh trong 8 hoặc 40 tâm siêu-tam-giới có Niết-bàn là đối-tượng mà thôi, bởi vì trong bát-chánh-đạo có ba chánh: chánh- ngữ, chánh-nghiệp và chánh-mạng là ba chế-ngự tâm-sở thuộc loại niyata-ekatocetasika: ba tâm-sở cố định chỉ đồng sinh trong 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm có Niết- bàn là đối-tượng mà thôi.
Tuy nhiên, bát-chánh-đạo có 8 chánh đó là 8 tâm-sở:
– Chánh-kiến đó là trí-tuệ tâm-sở.
– Chánh-tư-duy đó là hướng-tâm tâm-sở.
– Chánh-ngữ đó là chánh-ngữ tâm-sở.
– Chánh-nghiệp đó là chánh-nghiệp tâm-sở.
– Chánh-mạng đó là chánh-mạng tâm-sở.
– Chánh-tinh-tấn đó là tinh-tấn tâm-sở.
– Chánh-niệm đó là niệm tâm-sở.
– Chánh-định đó là nhất-tâm tâm-sở.
Phương pháp cốt yếu của con đường đạo là phát triển trí tuệ. Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần phải liên tục trưởng dưỡng việc lắng nghe, suy ngẫm, và thiền định. Cả ba phẩm chất này cần phải phát triển đồng đều và thường xuyên thì mới đem lại sự chứng ngộ, làm hiển lộ trí tuệ căn bản và tiêu trừ vô minh.
Vậy đó là tất cả những gì mình biết về Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế. Hi vọng qua bài viết này mọi người sẽ hiểu hơn về đạo Phật và nhớ áp dụng những giáo lí này vào đời sống. Để kết thúc mình xin trích 1 câu nói nổi tiếng của Einstein :
Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description).
PEACE