“TỨ DIỆU ĐẾ ” NHÌN THẤU SỰ THẬT VỀ KHỔ

2021-08-12 11:11:53.0

“TỨ DIỆU ĐẾ ” NHÌN THẤU SỰ THẬT VỀ KHỔ

Tứ Diệu Đế sẽ bắt đầu với Khổ đế – Sự thật về khổ, dựa theo bài chia sẻ này để chúng ta nhận ra những bất toạn nguyện, cái khổ của Thân, cái khổ của Tâm trong chính chúng ta như thế nào. Mỗi ngày một chút, trở về với chính mình, quan sát mình nhiều hơn, tìm ra sự thật hạnh phúc ở bên trong mình như lời Phật dạy.

Tứ Diệu Đế bắt đầu bằng sự thật về khổ đau. Năm anh em ông Kiều Trần Như là năm vị đạo sư đầu tiên đã cùng tu khổ hạnh với Đức Phật trong suốt 5 năm và một năm đi tìm Đạo. Họ cũng là 5 người đầu tiên được nghe Đức Phật thuyết bài Pháp Tứ Diệu Đế ngay sau khi Ngài thành Đạo.

Tứ Diệu Đế được Đức Phật giảng lần đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như ngay sau khi Ngài thành Đạo (ảnh Internet)

Khi thực hành lối tu khổ hạnh, Đức Phật nhận thấy rằng sự hành xác không đem đến Giác Ngộ. Ngược lại, cách sống hưởng lạc như Đức Phật đã từng sống khi là Thái tử trong cung điện, cũng không mang lại hạnh phúc. Đức Phật nhận ra rằng chỉ có con đường duy nhất – Con đường Trung Đạo mới là con đường dẫn đến giải thoát. Các vị đạo sư kia cũng từng tu hành xác như thế. Họ hiểu về những đau khổ của thân như thế nào. Đức Phật không cần phải nhấn mạnh về điều đó họ cũng dễ dàng nhận ra.

TỨ DIỆU ĐẾ LÀ 4 CHÂN LÝ NHIỆM MÀU

Khổ đế là chân lý về sự khổ.

Tập đế là nguyên nhân của đau khổ.

Diệt đế là nói về sự khổ bị tiêu diệt và được giải thoát.

Đạo đế là nói về phương pháp diệt trừ nguyên nhân sự khổ.

Thực hành Tứ Diệu Đế vào đời sống để nhìn thấu sự thật về khổ

Nhưng đối với chúng ta ở đời thì không dễ. Dầu khi ngồi Thiền ta có kinh nghiệm về những đau đớn, khó chịu ở thân, nhưng sau khi xả Thiền, đau đớn cũng không còn nữa. Như thế đó chỉ là những đau đớn tạm thời, ta có thể chịu đựng được và rèn luyện thành quen.

Điều chúng ta có thể không biết là thân không chỉ có những đau đớn, mà chính thân là một cái khổ. Nói cách khác là có thân là có khổ. Phải lo cho thân là khổ. Ở đây không chỉ nói về cái khổ khi ta phải hứng chịu một tai họa nào đó. Tai họa là một chuyện, sự thật khổ đau là một chuyện khác nữa. Đức Phật nói: Sanh khổ, Tử khổ, Hoại diệt khổ, Không được cái mình muốn cũng khổ.

Đây là những nỗi khổ lớn của tất cả chúng sanh, chịu bao nhiêu khổ nữa bên cạnh sinh, già, bệnh, chết. Rõ ràng là lúc vui vẻ an ổn, ta không biết đến cái khổ trong ta. Ta có thể thương hại ai đó, vui mừng vì mình không ở trong cùng cảnh khổ, quên rằng cái khổ luôn có mặt trong ta. Ngay chính trong lúc vui, ta cũng khổ vì không thể kéo dài niềm vui. Dục lạc biến mất khi ta muốn duy trì nó mãi. Mỗi khi ta muốn bám víu vào chúng, chúng lại qua đi và ta lại phải bỏ công đi tìm. 

Ngay chính thân ta cũng không thể duy trì được sự sống nếu như nó không được chăm sóc, tắm rửa, vận động và chữa trị. Đủ loại chữa trị: kính, răng, máy trợ thính, thuốc bổ, thuốc ho, dầu gội… Bao nhiêu tiền phải đổ ra để giữ thân thể tiếp tục hoạt động, chứ chưa nói đến việc làm cho nó tốt hơn. Ta không thể làm cho nó trẻ ra, dầu có bao nhiêu người đã cố gắng làm việc đó. Bao công sức, năng lực, tiền tài đã đổ ra chỉ để giữ cho thân thể hoạt động. Nếu không thân thể sẽ hoại diệt. Ta sẽ không thể sử dụng được nó nữa. Việc nó không nghe lời ta van cầu được trẻ mãi, có sức khỏe, đẹp đẽ, sống lâu, mà nó chỉ làm trái ngược, cũng có thể coi là một cái khổ.

Cái khổ nhất của thân là nó luôn đòi hỏi nọ kia, mà đôi khi ta phải bỏ hết cả đời chỉ mong thỏa mãn nó. Tất cả tiền của người ta tạo ra, công sức phải tổn hao chỉ để giữ cho thân được an tồn sung sướng. Ta phải làm việc cực nhọc để có ăn, có nhà cửa, quần áo, thuốc men. Nếu không có thân ta đâu phải vất vả như thế. Vậy mà nhiều người còn bỏ ra bao nhiêu thì giờ, tiền bạc để làm cho thân thoải mái, sung sướng hơn thế nữa. Đó có lẽ là nỗi khổ nhất – phải hoang phí cuộc đời cho những mục tiêu như thế.

Nhưng không chỉ có thân là khổ. Tâm cũng thế. Tâm đâu có nghe theo ta. Nó chỉ làm theo ý nghĩ, thay vì ở yên theo ý ta. Nó luôn nghĩ về những điều làm ta thêm đau khổ. Nếu đó không gọi là đau khổ, thì gì mới là đau khổ? Nó còn u mê nữa và đó cũng là một cái khổ.

Tâm nhảy từ việc này qua việc khác. Chính quá trình tư duy cũng là một cái khổ, ngay cả những tư tưởng khôn ngoan, khéo léo cũng có mầm bất tịnh trong đó. Khi còn phải suy tư về bất cứ điều gì thì không thể thực sự có an tĩnh.

Cả thân và tâm đều là khổ. Đức Phật nói chỉ có một lý do, một nguyên nhân chính khiến ta đau khổ đó là ái dục, lòng ham muốn. Có ba loại ái dục chính mà những ham muốn khác đều từ đó mà ra. Đó là ham sống, ham muốn được thỏa mãn dục lạc và ham muốn bỏ thân này. Vì ba điều ham muốn đó, ta trầm luân trong khổ đau bởi chúng ở ngoài tầm tay ta. Không thể đạt được, không thể làm ta thoả mãn. Chúng ta ở trong một cuộc chiến không có hy vọng thắng, và đó là cái khổ.

Ta chiến đấu để được trường tồn, nhưng không có ai còn hiện hữu khi cuộc sống của người ấy đã chấm dứt. Muốn được có dục lạc, ta cũng phải tranh đấu vật vã không kém, nhưng điều đó cũng vô vọng vì dục lạc thế gian chỉ tạm thời, chúng không thể kéo dài. Điều ham muốn thứ ba, muốn bỏ thân này, là cái đối nghịch với lòng ham muốn được sống. Lòng ham muốn này phát sinh khi trong mắt ta cuộc đời trở nên quá đen tối. Nhưng điều này cũng không thể thực hiện vì trừ đấng Giác Ngộ, không ai có thể hiện hữu mà không có thân.

Hai sự thật đầu tiên trong Tứ diệu đế là Khổ đế và Tập đế cho thấy ta đang sống một cuộc đời thiếu ý nghĩa. Không cần biết tư tưởng ta tốt đẹp thế nào, chúng đều sẽ bị hoại diệt. Nếu ta thấy rõ ràng rằng lòng ham muốn của ta không thể được thỏa mãn, thì ta phải tìm phương cách để thoát ra những cảnh khổ mà ai cũng phải chịu. Không ngoại trừ một ai. Hiểu như thế, ta sẽ thấy thương cảm mọi người, dầu họ là người xấu xa, đáng ghét hay ngu si. Không có kẽ hở nào nhưng có con đường để thoát ra.

Con đường thoát ra là cần hướng vào bên trong chúng ta. Nếu suy ngẫm, ta sẽ thấy ta không thể tìm được gì ở bên ngoài ta. Số đông đi tìm giải pháp ở bên ngoài, qua những điều kiện tốt hơn, người tốt hơn, ít việc hơn, ít khổ hơn. Nếu ta có thể nhìn thấy được những điều ấy vô vọng làm sao, ta sẽ không còn đi tìm kiếm ở bên ngoài nữa. Thay vào đó, ta sẽ quay nhìn vào bên trong, để dần dần đi đến sự thật thứ ba là Diệt đế – Sự chấm dứt khổ đau và Đạo đế là con đường Bát Chánh Đạo, con đường tu tập để giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ.

Đức Phật không thực sự giải thích Giải thoát là gì. Nhưng Đức Phật đã nói những gì không phải là Giải thoát. Đức Phật biết rằng có giải thích cũng vô ích vì khi người ta chưa kinh qua Giải thoát, người ta không thể hiểu được điều đó. Nhưng có thể nói được thế nào là không phải Giải thoát, như thế ít nhất con người cũng không tìm kiếm ở một nơi khác.

Ví dụ một câu chuyện sau đây sẽ minh họa cho ý niệm về giải thoát nêu trên;

Xưa có một con cá và một con rùa kết bạn với nhau. Chúng đã sống trong cùng một ao hồ một thời gian dài. Một ngày kia, rùa quyết định đi thăm quang cảnh quanh hồ. Rùa đã nhìn được bao nhiêu cảnh đẹp, cảnh lạ để về kể cho bạn mình là cá nghe. Cá rất hứng thú và hỏi rùa về quang cảnh trên mặt đất thế nào. Rùa trả lời rằng rất đẹp. Cá muốn biết là mọi thứ trên mặt đất có trong suốt, mát, bóng bẩy, mịn màng, trơn láng, dễ tuột, ướt át không? Nó thật sự đẹp như thế nào? Khi rùa trả lời rằng trên mặt đất không có những gì giống như thế cả, cá liền nói: “Vậy thì mặt đất có gì tốt đẹp đâu?”

Thực hành mỗi ngày (ảnh minh họa intrernet)

Kinh nghiệm của sự tu tập cũng vậy. Nếu không ứng dụng chánh pháp, không thực hành quan sát thân, tâm, quán chiếu tham, sân, si hàng ngày chúng ta sẽ mãi dính mắc với những định kiến, chấp thủ trong tư duy của mình mà khó nhìn rõ sự thật về khổ.

Tứ Diệu Đế sẽ bắt đầu với Khổ đế – Sự thật về khổ, dựa theo bài chia sẻ này để chúng ta nhận ra những bất toạn nguyện, cái khổ của Thân, cái khổ của Tâm trong chính chúng ta như thế nào. Mỗi ngày một chút, trở về với chính mình, quan sát mình nhiều hơn, tìm ra sự thật hạnh phúc ở bên trong mình như lời Phật dạy.

Biên soạn theo nguồn phatgiao.org.vn

Tin cùng danh mục

PHẬN LÀM CON NÊN LÀM GÌ ĐỂ TĂNG PHÚC THỌ CHO CHA MẸ?

Mùa Vu Lan và mùa đạo hiếu, là mùa chúng ta nhớ ơn ông bà, tri ân cha ……

Xem tiếp


MÙA LỄ VU LAN: “LÀM TRÒN TRỊA ĐẠO HIẾU, CHÚNG TA SẼ CÓ SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG”

Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu để tưởng nhớ về ân đức đã sinh thành dưỡng ……

Xem tiếp


MÙA LỄ VU LAN: TÌM HIỂU NGHI LỄ “BÔNG HỒNG CÀI ÁO”

Trong lễ Vu Lan, nghi lễ “Bông hồng cài áo” dần trở thành một nét văn ……

Xem tiếp


“CỨ ĐI ĐI, ĐI SẼ ĐẾN BẾN BỜ TRÍ TUỆ VÀ GIÁC NGỘ”

Việc tìm đến đời sống tâm linh, để học hỏi, rèn luyện và nương tựa cũn……

Xem tiếp


PHÓNG SINH NHƯ NÀO CHO ĐÚNG

Bàn về nghi thức cúng lễ trong đó có một nghi thức rất quan trọng là n……

Xem tiếp