TTND.PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung – Chủ tịch Hội Phụ sản TPHCM

TTND.PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung

Tua lại thước phim về năm 2001, PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung kể về thời kỳ được tín nhiệm trở thành giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TPHCM với nhiệm vụ nâng cấp lại “lão bệnh viện” đã hơn 100 tuổi đứng trước nguy cơ đổ sập.

Là phận nữ nhi chân yếu tay mềm, từng tình nguyện rời bỏ cuộc sống “nữ tiểu thơ Sài thành” về Bến Tre sống trong khu tập thể thiếu thốn đủ bề, nay TS.BS Vũ Thị Nhung lại gánh vác trọng trách nặng nề khi kinh nghiệm vận hành cả một bệnh viện vẫn còn ít ỏi. Mà Bệnh viện Hùng Vương lại là đơn vị công lập đầu tiên của TPHCM được xây mới theo chủ trương kích cầu, tức vay vốn để xây.

Nhiệm vụ xây mới bệnh viện đặt ra vô vàn thách thức, TS.BS Vũ Thị Nhung vừa phải đảm bảo công tác quản lý chuyên môn, vừa phải giám sát việc thi công. Để đảm đương trọng trách này, bà phải lao vào học: học quản lý bệnh viện, học đấu thầu, học xây dựng, học kinh tế y tế… chứng chỉ bổ sung cho công việc quản lý xếp thành một xấp dày cộp.

Nhờ quyết định thuê đơn vị giám sát song song với việc đối chiếu nhu cầu từ chuyên môn y khoa, BS Nhung phát hiện bản thiết kế bệnh viện mới có quá nhiều bất cập từ lối đi, bức tường, đến các vấn đề cơ bản khác, như kích thước cửa phòng mổ chỉ đủ lọt chiếc giường mà “quên” chừa độ rộng cho nhân viên y tế đi bên cạnh, cho đến thiếu luồng đi 1 chiều để đảm bảo vô trùng cho phòng mổ.

Bà nhận định: “Nếu chỉ nhìn trên bản thiết kế thì thấy phòng ốc rất đầy đủ. Nhưng quan trọng hơn hết là phải đáp ứng được nhu cầu thực tế. Dù thiết kế này có học hỏi từ nước ngoài đi chăng nữa thì phải nhớ chúng ta đang xây bệnh viện chứ không phải khách sạn”.

Sau khi điểm hết lại, tòa nhà 5 tầng mới xây đứng trước thực trạng “8 không”, thiếu sót từ mạng điện thoại, hệ thống thông gió cho tới máy phát điện dự phòng.

Cùng với việc mạnh mẽ lên tiếng về những sai sót này, tân giám đốc bền bỉ vận động sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các Sở ban ngành tạo điều kiện duyệt tăng kinh phí từ 66 tỷ lên 82 tỷ cho xây dựng và mua sắm thêm các trang thiết bị.

Để hạn chế sai sót phát sinh, tránh việc xây rồi phải phá, BS Nhung đề nghị bên thi công trước khi xây phải xếp một hành gạch để bà xem trước, nếu được thì mới xây lên tiếp.

Khó khăn thêm chồng chất: tòa nhà đang xây mới nên bệnh nhân không có chỗ nằm. “Tưởng đâu biết tin bệnh viện đang xây thì bệnh nhân sẽ qua chỗ khác bớt, ai dè số lượng không hề giảm. Dù chúng tôi đã nói trước với những bệnh viện xung quanh để sản phụ sanh xong sẽ chuyển qua đó, nhưng họ vẫn muốn ở lại Bệnh viện Hùng Vương” – PGS Nhung nhớ lại.

Giải pháp khi ấy là dồn giường bệnh vào hội trường, nhân viên y tế càng thêm vất vả vì chăm sóc bệnh nhân trong không gian chật chội. Với sự chung sức chung lòng của ban giám đốc và toàn thể nhân viên, chuỗi ngày gian khó cũng đi qua, Bệnh viện Hùng Vương ngày ấy đã có đến 800 giường bệnh và nhập được nhiều máy móc kỹ thuật hiện đại.

Không những thế, nhiều bệnh viện bạn cũng đến học hỏi và áp dụng giải pháp mới rất hiệu quả của bệnh viện như thuê công ty làm sạch chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do mà đã qua 18 năm Bệnh viện Hùng Vương vẫn sạch đẹp đến tận ngày nay.

Trước nghịch lý ghép đôi khoa Hiếm muộn cùng với khoa Kế hoạch hóa gia đình với hai mục tiêu trái ngược, TS.BS Vũ Thị Nhung quyết tâm tách rời và thành lập khoa Hiếm muộn tại Bệnh viện Hùng Vương trước nhu cầu chữa hiếm muộn ngày càng cấp bách.

Song, hành trình này cũng trải qua không ít gian nan bởi sau một thời gian dài hoạt động, các phương pháp chữa trị tại bệnh viện vẫn chưa mang lại kết quả khả quan, mặc dù Bệnh viện Hùng Vương có những bác sĩ được cử đi học về vấn đề này từ rất sớm. Vượt lên những ý kiến bàn lui, Giám đốc Vũ Thị Nhung kiên quyết phải làm cho tới.

Khi nhận ra mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ thiếu trang thiết bị, máy móc hiện đại, cũng như y bác sĩ có chuyên môn, ban giám đốc đã mạnh dạn đầu tư, đồng thời cử bác sĩ đi học tập thêm ở trong và ngoài nước.

Sau 3 năm chuẩn bị tách riêng, khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Hùng Vương chính thức thành lập từ tháng 5/2004, khi ấy các trung tâm hỗ trợ sinh sản chưa phát triển rầm rộ như hiện nay. Sự xuất hiện của IVF Hùng Vương đã thắp lên ngọn lửa hi vọng tưởng đã vụt tắt của nhiều cặp vợ chồng mong con.

Ngày 31/5/2004 – 2 bé gái song song của chị Lâm Thị Thu Trinh chào đời từ ca thụ tinh trong ống nghiệm đã tạo nên “dấu son” đầu tiên đánh dấu thành công của Bệnh viện Hùng Vương trong điều trị hiếm muộn.

Bước khởi đầu này đã tạo bệ phóng cho khoa Hiếm muộn của bệnh viện ngày càng phát triển, tỷ lệ thành công cũng tăng lên đáng kể. Trải qua 18 năm, khoa đã chào đón hơn 2.000 trẻ khỏe mạnh ra đời.

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung cười: “Thời gian đầu tôi còn đếm bao nhiêu ca thành công, về sau này nhiều quá không đếm nữa. Chuyện gì cũng vậy, khởi đầu đều có khó khăn nhưng quan trọng là phải nhìn được mình cần làm những gì để công việc đi lên. Các giám đốc kế nhiệm tôi sau này cũng có năng lực rất tốt, giúp bệnh viện ngày càng vững mạnh”.

45 năm trong ngành Sản phụ khoa, số ca bệnh qua tay không thể nào đếm xuể nhưng ấn tượng nhất trong tâm trí nữ bác sĩ ngoài 70 tuổi là những trường hợp sản phụ nguy kịch, khả năng tử vong mười phần chắc chín nhưng đã vượt cạn thành công.

Trong đó, “1 bệnh cảnh trong 2 hoàn cảnh” là 2 ca bệnh khó quên nhất với PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung.

Chuyện kể rằng, tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), một thai phụ mang song thai trong tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, phải giành giật từng hơi thở với “tử thần” vì sản giật.

Tuy nhiên, sau giải phóng, điều kiện để điều trị cho bệnh nhân tại một bệnh viện tuyến tỉnh vô cùng khó khăn, tất cả đều là con số 0 tròn trĩnh: Không thuốc, không có gây tê tuỷ sống hay gây tê ngoài màng cứng, không có máy monitor, không có máy siêu âm, nhân viên y tế thì thiếu hụt. Thậm chí, bác sĩ chỉ sờ bằng tay và nghe bằng tai để khám cho thai phụ. Đứa trẻ trong bụng là một bí mật, có khiếm khuyết, bệnh lý gì hay toàn vẹn hình hài thì chỉ có sinh ra mới biết được.

Tình hình cấp bách, BS Vũ Thị Nhung nhanh chóng đưa ra quyết định mổ, trước đó, thai phụ phải nói lời trăng trối với gia đình vì can thiệp y khoa chỉ có thể “cứu đến đâu, hay đến đó”.

BS Nhung nhanh chóng tiến hành gây tê tại chỗ rồi phẫu thuật ngay để hạn chế cơn đau ít nhất có thể cho mẹ bầu. Sản phụ phải ngồi trong suốt quá trình mổ và “đã không còn thở ra hơi nữa”.

“Khi mổ, dù thai phụ bị phù phổi cấp nhưng do bị băng huyết nên đỡ lắm vì nó sẽ giúp giảm gánh nặng lên trên tim, phổi cho người mẹ.

2 đứa trẻ chào đời với cân nặng chỉ khoảng hơn 1kg, lại bị suy hô hấp do morphin được truyền từ mẹ vào trong quá trình mổ. Ngày đó, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cũng chẳng có khoa Nhi sơ sinh, bác sĩ chỉ biết hồi sức được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ấy vậy mà cuối cùng 3 mẹ con đều được an toàn” – niềm vui ánh lên trong mắt nữ bác sĩ khi bà kể lại.

TTND.PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung

Một thập kỷ sau, tại Bệnh viện Hùng Vương, PGS Nhung không khỏi bất ngờ khi gặp một trường hợp y hệt ngày ấy, thai phụ cũng mang song thai, lên cơn phù phổi và sản giật.

Lúc này, bà cũng nhanh chóng đưa ra quyết định mổ ngay cho thai phụ. Hình ảnh mẹ bầu phải ngồi đẻ mổ hệt như thai phụ tại Bến Tre khiến ký ức ùa về.

Điều khác biệt ở trường hợp lần này là thai phụ đã được thụ hưởng sự phát triển của khoa học, được gây tê tủy sống nên không đau đớn như trước, tất cả nhân lực đều dồn về hồi sức cho người mẹ và 2 đứa trẻ.

Niềm vui sau những lần thót tim cứu sống thai phụ, được thốt lên câu “mẹ tròn con vuông” với gia đình chính là niềm hạnh phúc to lớn, tiếp sức cho BS Vũ Thị Nhung tiếp tục hăng say với niềm đam mê của mình. Mới 5 giờ sáng, những người thăm nuôi vẫn thấy cây đại thụ của ngành Sản phụ khoa thoăn thoắt đi kiểm tra các buồng bệnh, thăm hỏi từng sản phụ.

“Thật ra, ngành sản không phải là ngành mà tôi thích!” – Chủ tịch hội Phụ sản TPHCM chia sẻ. Trước năm 1974, lớp tốt nghiệp nội trú bà đang theo học có quy định xếp hạng ngành học yêu thích từ cao xuống thấp, tức là “sợ” ngành nào thì học trước, “mê” ngành nào thì học sau như cách để “trả nợ môn”.

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung cho biết ngày ấy bà chỉ thích khoa Nhi và cực kỳ sợ khoa Sản. Ấy vậy mà, vào giai đoạn sau giải phóng năm 1975, cơ chế “ai ở đâu ở yên đó” đã giữ chân nữ bác sĩ tiếp tục học chuyên ngành Sản phụ khoa. “Đó cũng chính là lý do mà khóa tôi hồi đó nổi tiếng học lâu nhất, tận 9 năm!” – bà cười.

Sở dĩ “bà mụ” dẫu mát tay vẫn sợ ngành Sản là vì trong tay bác sĩ không chỉ có một mạng sống và có thể đến 2, 3, thậm chí 5 sinh mệnh (nếu sản phụ sinh đôi, sinh ba, sinh tư…).

Chính vì thế, trách nhiệm của bác sĩ sản phụ khoa thật nặng nề bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đó có thể là những đứa con thơ mất mẹ hay người chồng góa vợ… PGS Nhung cũng cho rằng “không có ngành nào dây mơ rễ má như ngành này”, chỉ một sơ sẩy trên sản phụ có thể để lại hệ lụy cho cả một gia đình.

Mà những sơ sẩy ấy lại xảy đến không hề báo trước. Nếu những khoa khác, bệnh nhân có thể biết bệnh và lường trước được hậu quả thì khoa Sản lại luôn trong tâm thế đối mặt với những trường hợp tai biến bất ngờ khiến bác sĩ trở tay không kịp.

Một trong những biến chứng kinh hoàng khiến bác sĩ sản khoa nào cũng quan ngại nhất chính là thuyên tắc ối, tức tình trạng nước ối vỡ đột ngột làm xâm nhập vào tế bào thai nhi, tóc và các mảnh tổ chức thai khác đi vào tuần hoàn của người mẹ và gây ra phản ứng giống dị ứng (nước ối chảy vào tĩnh mạch, vào tim, phổi, lên não, gây suy hô hấp cấp… khiến bệnh nhân bị đột ngột tím tái, trụy tim mạch, rối loạn đông máu).

“Thử hỏi, sản phụ đẩy vào phòng sinh đang khoẻ mạnh mà sau sinh thì mình báo chết thì ai mà chịu nổi?” – PGS Nhung chia sẻ.

“Vì vậy, đối với ngành Sản phụ khoa, bác sĩ cần phải có tâm, có tầm, nếu không sẽ đưa ra những quyết định nguy hiểm đến tính mạng con người trong chớp mắt.” – bà nhận định.

Cũng chính nhờ nỗi sợ ấy, dù ở tuổi được coi là thất thập cổ lai hi, người ta vẫn thấy hình ảnh vị nữ bác sĩ sản khoa dạn dày kinh nghiệm vẫn không cho phép mình thảnh thơi, luôn học tập để cập nhật kiến thức mới cho bản thân và truyền dạy cho học trò. Với bà, nếu chỉ bằng lòng với kiến thức mình đã có thì ắt sẽ lạc hậu bởi khoa học vẫn đang tiến bộ từng giờ, từng phút.

Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm, PGS.TS Vũ Thị Nhung cho biết dù Sản phụ khoa không phải là sự lựa chọn ban đầu nhưng “duyên lành” đã khiến bà gắn bó lâu dài: “Tôi cảm thấy tự hào với những gì mình đã làm được trong cả quãng đường sự nghiệp”.

TTND.PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung

TTND.PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung

Bài: Anh Thi – Hồng Nhung – AlobacsiGioi.vn

Thiết kế: Anh Thi