TS.BS Đinh Vinh Quang – Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115
Chứng kiến những người bệnh đột quỵ còn trẻ rơi vào tàn phế do đến bệnh viện trễ giờ vàng, TS.BS Đinh Vinh Quang vô cùng tiếc nuối. Vị trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 mong sao cộng đồng nhận biết dấu hiệu bệnh này thật tốt, đến bệnh viện kịp thời để không phải chịu những di chứng nặng nề.
1. Phải chi người bệnh đột quỵ được đưa đến bệnh viện sớm
Tháng 9/2022 khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 chuyển từ tầng 3 lên tầng 5 của khu A, để dành thêm không gian cho khoa Bệnh lý mạch máu não, bởi số lượng người bệnh đột quỵ ngày càng nhiều.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân đột quỵ sau khi vào khoa Cấp cứu sẽ được xem xét theo 2 tình huống: nếu cần phải can thiệp thì chuyển đến khoa Bệnh lý mạch máu não, nếu chỉ điều trị nội khoa thì lên khoa Nội thần kinh. Xưa nay 2 chuyên khoa này như thể anh em, vì ngày trước vốn chung một gốc là khoa Nội thần kinh, rồi đơn vị Đột quỵ được tách ra riêng, sau này là khoa Bệnh lý mạch máu não.
Số lượng bệnh nhân gia tăng rất nhanh. Trước đây mỗi năm khoảng 2000 bệnh nhân, đến nay con số này lên đến 10.000-11.000 bệnh nhân, mỗi ngày đón 30-40 bệnh nhân mới nhập viện.
BS Quang còn nhớ năm 2006 trở về trước, điều trị đột quỵ chủ yếu bằng thuốc. Sau này, có thuốc tiêu sợi huyết giúp tái thông mạch máu, lấy huyết khối bằng dụng cụ, đặt stent… hầu như kỹ thuật gì các nước trong khu vực có, Bệnh viện Nhân dân 115 đều cập nhật.
Suốt 25 năm gắn bó, TS.BS Đinh Vinh Quang chứng kiến tất cả đổi thay, từ những tiến bộ trong việc khám và điều trị bệnh lý cho đến thay đổi về quy mô các khoa. Nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn còn đó những điều trăn trở, chẳng hạn, bệnh nhân nhập viện muộn phải gánh chịu di chứng nặng nề.
Càng ngày, độ tuổi xảy ra đột quỵ càng sớm. Một cô vợ mới cưới hơn 3 tháng, đột quỵ liệt nửa người, phải ngồi xe lăn, tiêu tan hạnh phúc gia đình. Những người chồng đang là trụ cột bỗng rơi vào tàn phế, gánh nặng đè xuống, cả nhà bề bộn khó khăn…
Tiếp nhận những trường hợp đó, TS.BS Đinh Vinh Quang tiếc nuối: “Các phương pháp điều trị đột quỵ bây giờ rất tốt, trên 80-90% bệnh nhân được tái thông trong 6 giờ đầu, chỉ để lại di chứng nhẹ nhàng, thậm chí hồi phục hoàn toàn. Thế nhưng vì lý do nào đó, như là mọi người không nhận biết được triệu chứng hoặc sai lầm khi xử trí tại nhà làm chậm trễ thời gian vàng, bệnh nhân phải chịu di chứng nặng nề, thật sự rất đáng tiếc”.
Ngoài ra, BS Quang cho biết cũng có những tình huống khiến mọi người tưởng nhầm đột quỵ: hạ đường huyết, rối loạn điện giải, hạ canxi, hạ kali, ngộ độc… cũng gây yếu tay chân, hôn mê. Hay một số thuốc (thuốc điều trị nội tiết, điều trị bệnh tâm thần) uống vào cũng có thể gây tác dụng phụ hoa mắt chóng mặt, tay chân bủn rủn…
Do đó, người bệnh phải nhanh chóng tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời. Thân nhân không nên giữ bệnh nhân tại nhà rồi áp dụng các phương pháp dân gian như vắt chanh vào miệng, chích máu đầu ngón tay, cạo gió, giác hơi…
2. Những cuộc “trường kỳ kháng chiến” cùng bệnh nội thần kinh mạn tính
Nội thần kinh có rất nhiều mặt bệnh, trong đó không ít bệnh lý có nguyên nhân, cơ chế sinh lý bệnh do di truyền, do biến đổi gen, ví dụ như bệnh lý nơron vận động, hoặc một số bệnh cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác, các phương pháp điều trị vẫn còn hạn chế. Vậy nên, việc điều trị là một cuộc “trường kỳ kháng chiến”, có những bệnh nhân phải theo bác sĩ Nội thần kinh hàng chục năm, từ khi khởi phát bệnh đến khi qua đời.
TS.BS Đinh Vinh Quang còn nhớ những trường hợp dù không phải cấp tính nhưng việc điều trị cũng không kém phần gay go: “Nhiều bệnh nhân động kinh còn trẻ tuổi, không phải lúc nào kiểm soát cơn cũng dễ dàng. Có thanh niên mới ngoài 20 tuổi, sau khi dùng 1 loại thuốc đến liều dùng tối đa vẫn chưa kiểm soát được cơn. Lúc đó bắt buộc kết hợp 2 thuốc, rồi 3 thuốc, thậm chí 4 thuốc chống động kinh mới kiểm soát được.
Liều lượng thuốc nhiều càng phải theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ. Khi kiểm soát được cơn rồi, bệnh nhân không lên cơn nữa thì chúng tôi giảm liều từ từ. Thấy được mình hết bệnh, tinh thần họ rất vui, bác sĩ cũng phấn khởi”.
Trước đây các bệnh lý động kinh, bệnh lý mạch máu não, hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guillain-Barre), nhược cơ có ít lựa chọn về thuốc hay kỹ thuật điều trị, còn bây giờ phương tiện điều trị đã phát triển nhiều.
Động kinh trước đây chỉ có điều trị bằng thuốc, bây giờ có thêm phẫu thuật, tia xạ giúp bệnh nhân kiểm soát cơn động kinh tốt hơn. Có những trường hợp sau khi uống thuốc 2-3 năm, giảm liều thuốc mà cơn động kinh không tái phát thì có thể ngưng hẳn thuốc, sau 10 năm vẫn không lên cơn thì được xem là chữa khỏi hoàn toàn. Hoặc người bệnh vẫn sử dụng biện pháp điều trị nhưng trong 5 năm không xảy ra cơn nào nữa thì cũng coi là bệnh động kinh đã điều trị khỏi, có thể ngưng thuốc hoàn toàn.
Bên cạnh đó, có những trường hợp “tưởng bệnh mà không phải bệnh”, thường là các chị em phụ nữ có rối loạn lo âu, suy nghĩ, rối loạn dạng cơ thể. Họ nghĩ rằng mình bị tê yếu tay chân, thậm chí lơ mơ, hôn mê… Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ có các nghiệm pháp để nhận biết đây là bệnh nhân “giả đò” không tiếp xúc hay hôn mê thật sự. Nếu là hôn mê thì sẽ được xử trí cấp cứu, còn do nguyên nhân tâm lý thì được dùng các biện pháp tâm lý là chủ yếu, việc dùng thuốc chỉ hỗ trợ thêm.
Trưởng khoa Nội thần kinh cho biết: “Ví dụ người bệnh nghĩ rằng mình bị bệnh rất nặng, không thể cử động được, tưởng mình “sắp chết đến nơi rồi”… khi ấy chính những động tác khám bệnh của bác sĩ, động tác chăm sóc của điều dưỡng, cho dùng thuốc bổ thôi cũng có tác dụng làm ổn định tâm lý. Người bệnh nhanh chóng thấy khỏe lại, tay chân cử động được, tiếp xúc tốt.
Tỷ lệ này không ít, đặc biệt ở phái nữ, thường gặp từ 20-30 tuổi. Nếu chúng tôi thấy cô gái này hoàn toàn lệ thuộc vào người thân, chẳng hạn như ông xã thì bác sĩ sẽ tư vấn cho anh ấy làm sao giúp cô vợ giải tỏa tâm lý thì triệu chứng sẽ hết. Đây chính là điều trị không dùng thuốc”.
Nhìn chung, bệnh nhân nhược cơ, noron vận động, viêm đa rễ dây thần kinh mạn tính, bệnh tai biến mạch máu não cần được tiếp tục điều trị ngừa tái phát… là những người bệnh sẽ tái khám lâu dài với khoa Nội thần kinh.
Tại nhà, bệnh nhân vẫn duy trì sinh hoạt khá tốt, chẳng hạn bệnh nhược cơ thì người bệnh vẫn làm được công việc nhẹ nhàng, chỉ trừ những việc phải dùng sức nhiều. Viêm đa rễ dây thần kinh mạn tính thường chỉ để lại tê yếu nhẹ nên bệnh nhân vẫn trở lại công việc bình thường được.
3. “Nếu cho đi nhiều thì nhận được càng nhiều hơn”
Trong suy nghĩ của nhiều người, những cơn đau đầu, chóng mặt không phải chuyện gì to tát, ai rồi cũng gặp, gặp rồi cũng qua. Thế nhưng có những cơn đau đầu, chóng mặt hạ gục cả tuổi tráng niên, đang khỏe “phây phây” chuyển sang sắc diện đờ đẫn, bước chân líu ríu… Với những bệnh để lại di chứng, gia đình có bệnh nhân trẻ tuổi thì mất đi một người lao động, bệnh nhân cao tuổi không còn cống hiến nữa thì cũng lệ thuộc người chăm sóc.
Điều đó, gia đình BS Đinh Vinh Quang đã trải qua. Thời niên thiếu, trong nhà BS Quang có ông nội, bà nội bị bệnh lý thần kinh, chịu di chứng nằm một chỗ, sinh hoạt lệ thuộc vào người nhà, còn phải nhờ nhân viên y tế tới nhà chăm sóc. BS Quang kể: “Lúc đó trong nhà tôi chưa có ai theo ngành y. Cũng từ đó, tôi ước mong sau này sẽ trở thành bác sĩ Nội thần kinh”.
Ngành y lúc đó là niềm mơ ước của hầu hết học sinh cấp 3, thi vào rất khó và những người muốn theo ngành y phải xác định đây là một nghề gắn bó suốt cuộc đời mình, không dễ dàng chuyển đổi công việc như ngành nghề khác.
Năm 1991, với điểm số lúc học phổ thông toàn khá, giỏi, cậu học sinh Đinh Vinh Quang mạnh dạn thi vào trường y. Tờ giấy báo trúng tuyển trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh gửi đến khi ấy là niềm vui và tự hào của cả nhà. Trải qua bao nhiêu vất vả, gia đình đã có người con ăn học thành tài. Từ đó, BS Quang thẳng tiến trên con đường thực hiện ước mơ thuở bé.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, BS Quang về Bệnh viện Nhân dân 115 làm việc, học lên cao học, rồi lại ra Bắc vào Nam để học nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ năm 2014. Đề tài đánh giá diễn tiến và sự hồi phục của bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não của BS Quang được sự hướng dẫn của GS.TS.BS Nguyễn Văn Chương, Bệnh viện Quân y 103 là vấn đề hết sức thiết thực vì Bệnh viện Nhân dân 115 là trung tâm đột quỵ lớn nhất miền Nam.
Đến nay, gia đình BS Quang lại có thêm 2 mầm xanh của ngành Nội thần kinh, con gái và con trai của BS Quang đang là sinh viên Y2, Y3 cũng dự tính nối bước theo cha. Mặc dù đại dịch COVID-19 bộc lộ nhiều khó khăn của ngành y, những tin tức không hay về ngành có thể khiến người khác nản lòng nhưng vẫn không làm 2 bạn trẻ nao núng. Có lẽ một phần cũng nhờ sự kiên định của người cha.
BS Quang quan niệm: “Không chỉ riêng ngành y mà ngành nào cũng có mặt trái, nhiệm vụ của mỗi người trong ngành là làm tốt việc của mình, tránh gây ra tai tiếng cho ngành.
Bên cạnh đó, việc báo đài đăng tin cũng cần lựa chọn thông tin xác thực bởi tin y tế liên quan mật thiết đến sức khỏe con người. Nếu chỉ đưa tin các sự việc hay hiện tượng chưa được kiểm chứng, có thể sẽ lan truyền thông tin sai.
Với chúng tôi, dù có những tin tức trái chiều về ngành thì vẫn còn đó tấm gương của các thầy, của đàn anh đàn chị, họ luôn tận tụy với người bệnh và cống hiến nhiều thành tựu cho cộng đồng y khoa trong nước và thế giới”.
Vị bác sĩ Nội thần kinh tin rằng, dù ngành y có những cơn chóng mặt cũng khó làm tê yếu tinh thần của những người theo nghề. Ông nhận thấy: “Nếu cho đi nhiều thì nhận được càng nhiều hơn”, vì vậy cứ làm việc hết mình, mỗi người sẽ nhận lại những thành quả xứng đáng. Quá trình chăm sóc bệnh nhân, tiếp xúc với người nhà, làm việc cùng đồng nghiệp trong 25 năm qua đã chứng thực điều đó.
Người bệnh khi gặp được bác sĩ tận tâm, họ cũng đáp lại tận tình. Nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa đi tái khám mang theo những món quà cây nhà lá vườn; ở rẫy, ở ruộng trồng được gì, nuôi được gì là đem tặng món đó.
Còn nhớ, có lần BS Quang điều trị cho bà mẹ một anh ở Tiền Giang, gia đình có trại rắn. Khi sức khỏe của bác gái tốt lên, anh con trai vui mừng xách lên tặng bác sĩ một bao rắn. Tấm lòng của người bệnh không thể từ chối, bác sĩ cũng đem về nhà.
Tối đó, sợ rắn ngộp thở nên BS Quang đâm thủng vài lỗ nhỏ trên bao. Ai dè sáng ra chỉ còn cái bao trống không, những chú rắn đã “đi du lịch” hết: “Lúc đó cũng hoảng vì không biết rắn có chui vào nhà không, có qua hàng xóm không… Mấy ngày sau vẫn thấy yên ắng, không ai kêu la gì mình mới yên tâm”.
Theo BS Quang, đâu đó vẫn có thân nhân người bệnh tiếp xúc với nhân viên y tế chưa có thái độ đúng mực nhưng do họ quá nóng lòng, quá lo lắng mà thôi. Điều mà BS Quang muốn nhắn gửi các thể hệ trẻ là hãy giữ vững quyết tâm theo nghề, trong xã hội có người này người khác, không thể vì một vài hành động chưa đẹp mà nản lòng bỏ cuộc.
Hồng Nhung – AloBacsiGioi.vn
Ảnh: Châu Giang, Thiết kế: Hồng Nhung
TS.BS Đinh Vinh Quang – Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115
Trường Y: Tốt nghiệp trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh năm 1997
Đào tạo nâng cao:
– Bằng Thạc sĩ Nội Thần Kinh tại Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh từ tháng 9/2003 – 6/2006
– Bằng Tiến sĩ tại trường Học viện Quân Y từ tháng 12/2009 – 4/2014
Quá trình công tác:
– Năm 1997 – 2000: Bác sĩ điều trị khoa Hồi Sức Tích Cực – Bệnh viện Nhân Dân 115
– Năm 2000 – 2004: Bác sĩ điều trị khoa Nội Thần kinh – Bệnh viện Nhân dân 115
– Năm 2004 – 03/2013: Bác sĩ điều trị khoa Bệnh lý mạch máu não – Bệnh viện Nhân Dân 115
– Tháng 3/2013 – 8/2015: Bác sĩ Phó khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Nhân Dân 115
– Tháng 9/2015 đến nay: Bác sĩ Trưởng khoa Nội Thần kinh Tổng quát – Bệnh viện Nhân Dân 115
Hội viên các hội chuyên ngành:
– Hội viên Hội Thần kinh Việt Nam
– Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh
– Hội Động kinh Việt Nam
– Hội Chống đau Việt Nam
Khen thưởng:
– Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2015, 2016
Công trình khoa học:
– Đánh giá mức độ phục hồi vận động sau tai biến mạch máu não bằng thang điểm Barthel tại Bệnh viện Nhân Dân 115 (2006)
– Thay đổi lâm sàng và thể tích máu tụ, hình ảnh CT não không và có cản quang của chảy máu não cấp trên lều (2012)
– Đánh giá mối liên quan giữa các yếu tố lâm sàng, cận lâm sàng và thay đổi thể tích máu tụ của chảy máu não cấp trê lều (2013)
– Nghiên cứu diễn biến lâm sàng và hình thái ổ máu tụ ở bệnh nhân chảy máu não nhu mô trên lều trong 72 giờ đầu (2014)
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Phòng mạch Nội thần kinh – TS.BS Đinh Vinh Quang
Địa chỉ: 233A Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TPHCM
Điện thoại: 028. 2245 6955
Đặt khám: Không đặt trước.
Thời gian khám:
- Thứ ba, thứ năm: 18:00 – 20:00
- Thứ bảy: 8:00 – 11:00
- Chủ nhật nghỉ.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, TS.BS Đinh Vinh Quang khám trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu.