TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ HUẤN LUYỆN CHĂN NUÔI BÌNH THẮNG/ Binh Thang Animal Husbandry Research and Training Center – Mỗi Tuần Một Gương Mặt – Trang Trại – Thong tin chan nuoi

1. Lịch sử hình thành
Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Bình Thắng, trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Nghiệp Miền Nam, được thành lập từ năm 1985.

2. Hệ thống chuồng trại, con giống phục vụ nghiên cứu khoa học

 

Trung tâm nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi Bình Thắng gồm 2 trại: Trại Bình Thắng và trại Bình Minh đang nuôi giữ đàn heo, gà giống gốc Quốc gia:

 

–     Trại Bình Thắng đặt tại xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, Bình Dương với tổng diện tích đất gần 6,5 hecta, quy mô chăn nuôi 200 heo nái và 10.000 gà giống. Hệ thống chuồng trại được thiết kế chủ yếu phục vụ các nghiên cứu thực nghiệm và các mô hình chuồng trại phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện.

–     Trại Bình Minh đã được xây tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất gần 7 hecta, quy mô chăn nuôi 300 heo nái. Hệ thống chuồng trại được thiết kế chủ yếu cho các nghiên cứu thí nghiệm kiểm tra năng suất cá thể đàn giống với số lượng lớn. 

 

Đặc biệt, Trung tâm đã được Bộ NN&PTNT đầu tư trang bị hệ thống các trạm kiểm tra năng suất cá thể tự động rất hiện đại (FIRE gồm 12 trạm – 15 con/trạm). Với việc gắn chíp điện tử cho từng con, hệ thống này sẽ nhận biết tất cả các lần heo vào ăn và tính toán khối lượng thức ăn cho từng con, hàng ngày, thuận lợi cho việc kiểm tra năng suất cá thể, thu thập số liệu chính xác, đầy đủ để đánh giá chọn giống cũng như các thí nghiệm về dinh dưỡng thức ăn.

 

Các giống heo cao sản hiện có tại Trung tâm bao gồm: Yorkshire, Landrace, Duroc và Pietrain đã được nhập khẩu từ một số Quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Úc.

 

3.    Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học

 

–     Đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ đại học trở lên bao gồm 1 Phó giáo sư ; 1 Tiến sĩ, 4 Thạc sĩ và 7 Kỹ sư/Bác sĩ TY.

–     Hiện tại có 3 thạc sĩ đang nghiên cứu đề tài luận án tiến sĩ và 1 kỹ sư đang theo học chương trình thạc sĩ.

–     Ban giám đốc gồm: Giám đốc trung tâm: PGS. TS. Lã Văn Kính; phó giám đốc trung tâm: ThS. Lê Phạm Đại, ThS. Phạm Tất Thắng, TS. Nguyễn Hữu Tỉnh

 

4.    Hoạt động chính của trung tâm

 

a.    Hoạt động nghiên cứu khoa học

Mỗi năm, hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực về di truyền giống, dinh dưỡng thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi được triển khai thực hiện tại Trung tâm. Sau đây là một số thành tựu nghiên cứu nổi bật:

 

–     Đã ứng dụng thành công kỹ thuật đánh giá di truyền tiên tiến của thế giới (BLUP – Best Linear Unbiased Prediction) trong công tác giống heo và đã đẩy nhanh tiến bộ di truyền trên các chỉ tiêu năng suất sinh sản, sinh trưởng và dày mỡ lưng của đàn heo giống gốc.

–     Chọn tạo thành công dòng nái tổng hợp cao sản (lai giữa Yorkshire và Landrace) đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới.

–     Chọn tạo thành công dòng đực cuối cùng năng suất, chất lượng thịt cao (lai giữa Pietrain và Duroc) đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới.

–     Giống gà BT2 đã được Bộ NN&PTNT công nhận bộ giống quốc gia.

–     Hợp tác quốc tế giữa Việt Nam – Úc (ACIAR) trong đề tài nghiên cứu về giống và dinh dưỡng chăn nuôi heo giai đoạn 1996 – 2001.

–     Nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng cho từng loại heo, gà. Phương pháp sử dụng thức ăn, nuôi dưỡng gia súc.

–     Kỹ thuật chăn nuôi heo, gà an toàn dịch bệnh.

 

b.    Hoạt động huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật

–     Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật đã được thiết kế theo mô hình đào tạo thực hành của trường Barneveld College – Hà Lan.

–     Hàng năm có từ 5 – 10 khóa huấn luyện, đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi heo, gà, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo được tổ chức tại Trung tâm kéo dài từ 1 – 2 tuần/khóa cho trên 100 cán bộ kỹ thuật cơ sở của các địa phương.

–     Hàng năm, Trung tâm còn tổ chức 5 – 10 lớp tập huấn kỹ thuật tại các địa phương cho người chăn nuôi heo và gà với số lượng tham dự từ 300 – 500 người.

–     Ngoài ra, các khóa huấn luyện, hội thảo khoa học theo đơn đặt hàng của các cơ sở, trường đại học, công ty nước ngoài cũng được tổ chức từ 2 – 3 khóa/năm.

–     Thường xuyên có 2 – 3 sinh viên và học viên cao học từ các trường đại học Nông nghiệp triển khai đề tài nghiên cứu tốt nghiệp tại Trung tâm.

–     Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Trung tâm khuyến nông Quốc gia triển khai các mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi heo nái cao sản đảm bảo vệ sinh môi trường và chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học tại các địa phương.

–     Hàng năm Trung tâm sản xuất và chuyển giao con giống heo, gà cao sản với số lượng trên 2.000 heo giống hậu bị ông bà, bố mẹ (cả đực và cái) và gần 200.000 gà con giống BT2, Tàu vàng cho sản xuất của 31 tỉnh thành trong cả nước.

 

c.    Hoạt động nuôi giữ đàn giống gốc Quốc gia

–     Trung tâm đã được Bộ NN&PTNT giao nuôi giữ đàn heo giống gốc (Cụ kỵ) với tổng số 400 heo nái gồm 4 giống thuần: Yorkshire, Landrace, Duroc và Pietrain.

–     Nhiệm vụ hàng năm của Trung tâm là không ngừng chọn lọc nâng cao năng suất, chất lượng đàn heo giống gốc, sản xuất và cung cấp trên 1.500 heo nái hậu bị cấp giống ông bà và 500 heo đực giống đã qua kiểm tra năng suất cá thể cho các cơ sở giống heo trong cả nước.

 

5.    Một số thành tích đạt được trong chăn nuôi heo

 

–     Hiện nay, Trung tâm đang được các cơ sở giống và người chăn nuôi đánh giá là một trong các cơ sở giống heo cung cấp con giống hậu bị ông bà, bố mẹ có chất lượng hàng đầu ở khu vực Nam Bộ và trên cả nước. 

–     Từ năm 2010, Trung tâm đã bắt đầu được triển khai hệ thống các trại liên kết sản xuất heo giống hậu bị ông bà, bố mẹ nhằm chuyển giao nhanh các nguồn gen chất lượng cao cùng các quy trình công nghệ sản xuất heo giống hậu bị cho các trại chăn nuôi heo giống ở khu vực Đông Nam Bộ.

–     Đã thiết lập được đàn giống và bắt đầu đi vào sản xuất, cung cấp một số giống heo bản địa Việt Nam như heo Sóc Tây Nguyên và heo Cỏ Bình Thuận.

 

6.    Những chương trình, dự án sắp tới

 

–     Trung tâm tiếp tục mở rộng hệ thống các trại liên kết sản xuất heo giống hậu bị ông bà, bố mẹ cho các trại chăn nuôi heo giống ở các tỉnh Nam Bộ.

–     Tiếp tục nghiên cứu bảo tồn và phát triển các giống heo bản địa Việt Nam.

–     Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ di truyền tiên tiến của thế giới để xây dựng chương trình đánh giá di truyền tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng đàn heo giống gốc.

–     Chọn tạo một số dòng heo có chất lượng thịt cao (tỷ lệ mỡ giắt cao) cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

–     Chọn tạo một số dòng heo đực cuối cùng năng suất, chất lượng thịt cao cung cấp cho hệ thống sản xuất heo thịt thương phẩm.

–     Mở rộng cơ sở nghiên cứu giống heo và tăng quy mô đàn giống thuần từ 500 nái lên 1.500 nái.