TP.HCM: Nhiều y, bác sĩ nghỉ việc vì bệnh viện hết tiền chi thu nhập tăng thêm

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, hiện nhiều đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn TP.HCM không có nguồn kinh phí để thực hiện Nghị quyết 03 năm 2018 của HĐND TP.HCM (quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP.HCM quản lý). Điều này làm cho một bộ phận nhân viên y tế công lập không nhận được thu nhập tăng thêm, số y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc tiếp tục gia tăng.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm 2022 đến nay, có 891 viên chức, người lao động nghỉ việc. Đơn cử như Trung tâm y tế Q.10, Bệnh viện Trưng Vương không chi được thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03 (vì nguồn thu không đảm bảo và tồn nguồn cải cách tiền lương phải trích lập theo quy định) nên rất nhiều bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm của bệnh viện đã nghỉ việc.

TP.HCM: Nhiều y, bác sĩ nghỉ việc vì bệnh viện hết tiền chi thu nhập tăng thêm - ảnh 1

Khó khăn về đối tượng thụ hưởng

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế TP.HCM là 42.722 người. Trong đó viên chức là 27.411 người; hợp đồng theo Nghị định số 68 năm 2000 và Nghị định số 161 năm 2018 của Chính phủ là 3.270 người; hợp đồng lao động khác là 12.041 người.

Theo hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 03, chỉ có nhóm công chức, viên chức mới được hưởng thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù (chiếm 64%). Đối với nhóm nhân viên hợp đồng lao động theo Nghị định số 68, Nghị định số 161, do đơn vị xác định thu nhập tăng thêm trên cơ sở nguồn kinh phí tự chủ và qui chế chi tiêu nội bộ (chiếm 8%); nhóm nhân viên hợp đồng lao động khác không thuộc đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm (chiếm 28%).

Do đặc thù ngành y tế TP.HCM nên nhóm đối tượng hợp đồng lao động khác của toàn ngành khá lớn. Bên cạnh đó, hiệu quả công việc, hiệu suất làm việc, năng suất lao động của các nhóm công chức, viên chức, hợp đồng lao động đều tương tự như nhau. Đồng thời, nguồn cải cách tiền lương được tạo ra từ nguồn thu của đơn vị mà nguồn thu được hình thành là do tất cả của các nhóm đối tượng này tạo ra. Vì vậy, đối tượng theo quy định của Nghị quyết 03 chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng của đơn vị y tế công lập TP.HCM.

Khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả thu nhập cho nhân viên y tế

Mặt khác, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM cho biết, một số bệnh viện đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm đặc thù theo Nghị quyết số 03 do quy định “từ nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang”.

Cụ thể, nguồn cải cách tiền lương từ năm 2005 đến năm 2015: Phần chênh lệch giữa tỷ lệ phải trích (35 – 40%) và số thực tế đã trích thì các đơn vị đã sử dụng để chi thu nhập tăng thêm cho người lao động (do các bệnh viện đã được giao tự chủ tài chính theo Nghị định 43). Thế nhưng, theo hướng dẫn khoản tiền này, vẫn phải xác định là nguồn cải cách tiền lương của đơn vị nên ngân sách không cấp bổ sung.

Đối với nguồn cải cách tiền lương từ năm 2016, Bộ Tài chính đã cho phép các bệnh viện được tự quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ nguồn thu của đơn vị. Phần chênh lệch giữa tỷ lệ phải trích (năm 2016 – 2017 là 10%, năm 2018 đến 2021 từ 35% – 40%) và tỷ lệ mà đơn vị được tự quyết định đã được đơn vị sử dụng chi hoạt động chuyên môn, mua sắm, thu nhập tăng thêm và trích lập các quỹ nên thực tế không còn khoản tiền này. Nhưng theo hướng dẫn, phần thiếu hụt này vẫn phải xác định là nguồn cải cách tiền lương của đơn vị, ngân sách không cấp bổ sung.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nguồn thu của các đơn vị đều bị giảm sút và một số đơn vị không cân đối được nguồn tài chính (chênh lệch thu chi dưới 0).

Trước những áp lực công việc sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với áp lực giá cả hàng hóa tăng cao, việc thu nhập thực nhận hàng tháng bị giảm sút đã tác động rất lớn đến đời sống vật chất, qua đó ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và việc thực hiện công việc của viên chức, người lao động.

Như vậy, cho dù TP.HCM có chính sách hỗ trợ đặc thù bằng cách tăng thu nhập cho công chức, viên chức nhằm động viên công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng việc triển khai chính sách này đối với nhân viên y tế chưa thật sự có ý nghĩa, chưa giúp nhân viên y tế công lập an tâm công tác vì nguồn thu nhập tăng thêm vẫn thấp tại một số đơn vị sự nghiệp y tế. Nguyên do, TP.HCM quy định nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 03 được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương của đơn vị truy tính từ những năm 2005 như đã phân tích trên.

Ngành y tế kiến nghị TP.HCM chi hơn 500 tỉ đồng

Ngành y tế TP.HCM đã có kiến nghị UBND TP.HCM, từ năm 2022 trở đi, TP.HCM cấp kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện Nghị quyết 03 khi có hệ số thu nhập tăng thêm của năm dưới 1,2 theo Nghị định 43 của Chính phủ và Nghị quyết 03 với điều kiện bình quân hệ số thu nhập tăng thêm của 3 năm trước liền kề dưới 1,8 (mức cao nhất của lộ trình hệ số theo Nghị quyết 03). Mức hỗ trợ là số được bổ sung dự toán bằng số chênh lệch giữa số phải chỉ tính theo hệ số 1,2 và số đơn vị trích lập sau khi trừ đi số dư Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư thực tế (nếu có) đến hết năm đó. Ước tính số tiền ngân sách phải cấp bổ sung năm 2022 để thực hiện chính sách này là 209 tỉ đồng.

Cho phép mở rộng đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03 bao gồm tất cả viên chức, người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao và theo đề án vị trí việc làm của đơn vị. Ước tính số tiền ngân sách phải cấp bổ sung năm 2022 để thực hiện chính sách này là 305 tỉ đồng.