TOP 20 Đặc sản miền Trung nổi tiếng gần xa | Khám phá ẩm thực #3
TOP 20 Đặc sản miền Trung nổi tiếng | Khám phá ẩm thực #3
21/08/2019
Mỗi một vùng miền, địa phương đều có cho mình những sản vật, đặc sản mang màu sắc và hương vị rất riêng, góp phần tô điểm thêm cho sự đa dạng, phong phú của văn hóa ẩm thực vùng miền. Và trong số thứ 3 của Khám phá ẩm thực, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu TOP 20 đặc sản miền Trung ngon nổi tiếng. Đây là những món ăn rất được lòng du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp ghé thăm miền Trung.
TOP 20 Đặc sản miền Trung nổi tiếng
I. Món ăn đặc sản miền Trung
Nội Dung Chính
1. Bún bò Huế
Nếu Hà Nội nổi tiếng với bát bún thang, bún mọc nóng hổi, ấm lòng thì miền đất Huế mộng mơ lại lừng danh với bát bún bò độc đáo, lạ miệng. Một tô bún bò Huế là sự kết hợp hài hòa của nước dùng thanh ngọt, cùng đầy đủ các loại rau, củ đầy dinh dưỡng. Bún bò Huế có hương vị rất riêng, không thể “lẫn” với những loại bún khác bởi vị ngon đặc trưng của mắm ruốc, hương sả, khhi thưởng thức sẽ có vị ngọt dịu dàng, mùi thơm dễ chịu chứ không nồng, không tanh. Cái vị đậm đà, quyến rũ ấy khiến bún bò Huế trở thành món ăn đặc sản miền Trung không thể bỏ qua.
>>> Nếu các bạn quan tâm đúng bún bò Huế có thể tham khảo bài viết: “Cách nấu Bún bò Huế tại nhà” của chúng tôi.
2. Mì Quảng
Một món ăn không quá xa lạ với nhiều người, nhưng nếu muốn ăn một tô Mì Quảng ngon đúng vị, bạn sẽ không thể tìm thấy tại bất cứ đâu trừ Quảng Nam – Đà Nẵng. Đây là món ăn được ví như cái “hồn” của ẩm thực Quảng Nam và sẽ không khó để tìm thấy địa điểm ăn mì Quảng vì đâu đâu ở nơi này từ trong ngõ ngách cho tới chợ búa, làng mạc, đến khu phố nhộn nhịp, người ta có thể dễ dàng thưởng thức được tô mì thơm ngon với tôm, thịt heo tươi thái lát hay thịt gà xé miếng nhỏ, vị beo béo của dầu, hương thơm của đậu phộng, nước lèo sánh, ngọt đủ thấm và không thể thiếu bánh đa vừng giòn ngậy ăn kèm với các loại rau sống như xà lách, diếp cá, húng, rau mùi, bắp chuối,… Những nguyên liệu đó như hòa quyện với nhau, hài hòa làm tăng thêm hương vị, tôn lên nét đặc trưng của một tô mì Quảng trứ danh.
Vậy nên dù bận gì thì đã đến với Quảng Nam – Đà Nẵng là phải thưởng thức bằng được món ăn tinh túy này nhé!
>>> Xem chi tiết cách làm mì quảng tôm thịt qua bài viết: Cách nấu mì quảng ngon đúng vị”.
3. Bánh căn
Đây là một loại bánh rất nổi tiếng của các tỉnh ven biển miền Trung, có hình dáng gần giống với bánh khọt của người miền Nam. Nhưng phần nhân của bánh căn phong phú và đa dạng hơn rất nhiều, có nhiều loại như: thịt, trứng, nấm, mực, tôm… Ăn kèm là rau sống các loại cùng nước chắm như: mắm nêm, nước mắm chua ngọt,…
4. Bánh xèo
Khác với bánh xèo miền Nam khá to, bánh xèo của người miền Trung có kích thước khoảng bằng bàn tay người lớn, ít nhân, thường chỉ là một con tôm nhỏ, hoặc vài ba lát thịt, mực.. thêm một ít giá tươi. Bánh hấp dẫn người ăn bởi hương vị thơm ngon, vị đậm đà của chén nước chấm ăn kèm với rau sống.
5. Lẩu thả Phan Thiết
Lẩu thả (hay còn gọi là lẩu hải sản của vùng biển Mũi Né, Phan Thiết, Việt Nam) là món ăn mà qua đó thực khách có thể khám phá và thưởng thức hương vị của chúng để có thể hiểu được ý nghĩa của Ẩm thực Việt Nam.
Món ăn là sự kết hợp hài hòa của các thành phần nguyên liệu bao gồm các yếu tố tự nhiên : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mang lại sức khỏe và năng lượng cần thiết cho con người. Sự tinh tế của món ăn còn thể hiện qua cách trình bày khi tất cả các nguyên liệu được sắp xếp trên những bẹ bắp chuối quay tròn quanh mẹt cá mai tươi và nồi lẩu nghi ngút khói, rực rỡ như 1 bông hoa khoe sắc trên bàn tiệc.
6. Cao lầu
Ẩm thực Hội An luôn là một điều gì đó vô cùng cuốn hút khách du lịch. Và nhắc đến ẩm thực phố Hội thì chúng ta phải nhắc đến món Cao lầu trứ danh. Cao lầu được xem là niềm tự hào của ẩm thực nơi đây, món ăn này đặc biệt từ tên gọi cho đến cách thức chế biến. Để có được sợi mì dai giòn cần phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ lúc ngâm gạo thơm trong nước tro,rồi lọc cho kỹ, xay gạo ra, bòng, rã cho ra nước, rồi lại nhồi, hấp nhiều lần nữa và cuối cùng đem phơi khô. Những sợi mì tươi, điểm xuyết vài sợi mì khô chiên giòn, vài miếng thịt lợn thái lát mỏng, chan lên chút nước dùng ngon ngọt, đậm đà, ăn kèm với rau đắng, cải con hay húng lủi thì cứ gọi là ngon hết nấc. Sau khi thăm thú chán chê Hội An xinh đẹp, dừng chân tại một quán ven đường, gọi cho mình bát Cao lầu và thưởng thức hương vị đặc biệt của nó là một lựa chọn tuyệt vời cho chuyến đi của bạn đấy.
7. Bánh canh cá lóc
Bánh canh có phần khiêm tốn hơn về mức độ phổ biến, song vẫn là một trong những món ăn chiếm được nhiều cảm tình của người bản địa lẫn khách du lịch. Nổi tiếng nhất vẫn và Bánh canh cá lóc tại Quảng Trị và Huế. Món bánh canh cá lóc có thành phần khá đơn giản, bao gồm sợi bánh canh làm từ bột gạo và thịt cá lóc đồng. Khâu làm bánh canh, nguyên liệu chính của món ăn luôn là khâu quan trọng hàng đầu. Bột gạo được chọn để làm bánh phải đảm bảo được độ dai dẻo và vị ngọt tự nhiên khi nấu lên.
Bánh canh cá lóc thường dùng như một món giữa buổi hoặc ăn khuya, và được bày bán từ khoảng xế chiều. Ăn thử một tô bánh sẽ cảm nhận được vị thơm dẻo của những sợi bánh canh trắng muốt, sự thơm giòn của từng miếng cá lóc cùng với nước lèo ngọt lừ. Tất cả hòa chung với nhau để tạo nên sự hấp dẫn của món ăn quê đầy bổ dưỡng mà vẫn giữ được nét “hương đồng gió nội.
8. Cơm, Bún hến
Tô Cơm, Bún hến thơm nồng, nóng hổi, vừa có vị ngòn ngọt, bùi bùi của hến cùng phần nước luộc tinh chất không tanh. Có thể nói cơm và bún hến là món ăn cay nhất trong ẩm thực Huế, vừa ăn vừa xuýt xoa, ăn đến đâu mồ hôi chảy ra đến đấy, nhưng đối với người Huế, phải như vậy mới đã, mới thấm được hết cái hương vị thơm ngon của món ăn. Các bạn cũng có thể thưởng thức cơm và bún hến tại Hội An với hương vị ngon không kém.
Bún hến – Món ăn vô cùng hấp dẫn
9. Cơm gà Tam kỳ – Quảng Nam
Ngoài món mì Quảng trứ danh thì Quảng Nam còn được biết đến với món cơm gà Tam Kỳ nổi tiếng không kém, đây cũng là một trong các món ăn đặc sản miền Trung không thể không thử. Là cơm gà thì tất nhiên nguyên liệu chính phải là gà rồi nhưng phải là gà ta. Giống gà ở nơi miền cát nóng này phải vất vả bới sục tìm thức ăn nên thịt chắc, da mỏng. Con gà sau khi chế biến có da vàng ươm, từng thớ thịt săn lại, thơm nức. Cơm cũng được nấu bằng chính nước luộc gà, vì thế khi chín hạt cơm ngả màu vàng óng, có độ bóng mượt rất hấp dẫn.
Những gia vị làm nên hương vị đặc biệt cho món cơm gà Tam Kỳ là tỏi, ớt, gừng rồi hành tím, rau răm… Ở nơi mảnh đất quanh năm gió Lào cát trắng, gừng như thơm hơn, ớt như cay hơn, rau thì đậm sắc… Và dường như chính sự kết hợp của các hương liệu đó đã tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt, riêng có của món cơm gà Tam Kỳ.
10. Bánh canh hẹ Phú Yên
Bánh canh hẹ là món ăn đặc sản của Phú Yên, tuy đơn giản nhưng món ăn này lại rất được lòng người dân và du khách. Nghe cái tên là biết món ăn sẽ nổi bật bởi màu xanh mát của hẹ, ngoài ra chắc chắn có những sợi bánh nhỏ có độ dai mềm dẻo nhất định, những miếng chả cá được hấp chín và chiên vàng thơm ngon, đặc biệt là nước lèo được nấu từ cá tươi, có vị ngọt đậm đà tự nhiên chứ không béo và dễ ngán như nấu từ xương heo đâu. Ghé đến xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” thì hãy thưởng thức một tô bánh canh hẹ để không bị nuối tiếc nha!
11. Các món bánh Huế
Đến với cố đô Huế, bạn không thể bỏ qua những món bánh nổi tiếng ở đây. Có thể kể ra tên một vài loại bánh quen thuộc như: bánh bèo chén, bánh ram ít, bánh phu thê, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo, bánh ướt, bánh ép…
Bánh bột lọc – Một trong những món bánh nổi tiếng nhất xứ Huế
12. Gỏi cá Nam Ô – Đà Nẵng
Có lẽ bạn cũng sẽ thắc mắc rằng vì sao gỏi cá này lại nổi tiếng tại Nam Ô mà không được đánh giá cao ở những nơi khác. Có một lý do đơn giản mà khi giải thích ra thì bất cứ ai cũng gật gù đồng ý. Bởi tính chất của món gỏi cá Nam Ô là dùng nguyên liệu cá tươi sống hoàn toàn, trong khi làng chài Nam Ô lại là nơi đánh bắt được rất nhiều loài cá dùng cho món gỏi này. Do đó, món gỏi cá được ăn tại Nam Ô sẽ tươi ngon và ngọt vị hơn.
Loại cá dùng để chế biến món gỏi cá Nam Ô thông thường sẽ là cá trích. Cá được đánh bắt về thì người ta sẽ đánh vẩy cá, cắt bỏ đầu, bỏ ruột, rửa sạch, rút bỏ xương và thái lát. Một bí quyết độc đáo để khử bớt mùi tanh của cá là khi rửa cá, người ta sẽ cho thêm một ít muối và giấm vào để rửa cùng.
Gỏi cá Nam Ô có 2 loại là gỏi cá khô và gỏi cá ướt, tuy cùng một nguyên liệu nhưng cách chế biến 2 loại gỏi cá này tương đối khác nhau. Đối với gỏi cá khô thì sau khi sơ chế xong và đợi cho cá ráo nước sẽ được trộn với thính, vừng rang, lạc rang, bánh tráng nướng giã nhỏ cùng nhiều gia vị đặc trưng khác. Còn đối với gỏi cá ướt thì sau khi đã được làm sạch, cá trích sẽ mang ướp với gừng, riềng, tỏi và ớt băm nhuyễn rồi ngâm trong nước dùng pha với nước mắm.
>>> Có thể bạn quan tâm
– TOP những đặc sản khô Đà Nẵng mà bạn không thể bỏ qua
II. Đặc sản miền Trung làm quà
1. Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ
Bánh khô mè có từ lâu và đã trở thành đặc sản bánh kẹo Đà Nẵng nổi tiếng, nhưng bánh khô mè sản xuất tại quận Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả.
Khẩu vị của Bánh khô mè được xếp vào loại xuất sắc khi nó giúp “đánh thức” được cả ngũ quan của thực khách: Thứ nhất, mắt nhìn thấy nhiều màu: trắng ngà của mè rang, vàng mơ của những tơ đường thắng. Thứ hai, mũi ngửi được nhiều mùi: mè rang, hương quế Trà My, mùi thơm dịu của gừng. Lưỡi nếm lắm vị: ngọt của đường, bùi của bột nếp và béo của mè rang, cay thơm của gừng và quế. Miệng nhai thấy: mềm, cứng, xốp, giòn. Tai nghe âm vỡ rào rạo của bánh.
Ngoài ra, Bánh khô mè còn vinh hạnh trở thành “Di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam” vào năm 2015.
>>> Các bạn có thể tìm hiểu thêm về bánh khô mè qua bài viết: TOP 5 sự thật về bánh khô mè
2. Kẹo Cu đơ
Kẹo cu đơ chính là một trong những đặc sản nổi tiếng của người dân Hà Tĩnh. Kẹo Cu Đơ được làm chủ yếu từ đậu phộng (lạc) và mật mía. Mật mía và lạc nhân (đậu phộng hạt) được bỏ vào chảo, đun sôi với lửa nhỏ. Trong quá trình đun phải dùng đũa quấy đều để mật không bị cháy. Có thể trộn thêm một số phụ gia như gừng, mạch nha để kẹo ăn được giòn hơn, thơm hơn. Hỗn hợp được nấu đến lúc đạt được độ sệt nhất định người làm kẹo sẽ dùng những miếng bánh đa nướng (bánh tráng) cắt sẵn theo hình tròn, đổ hỗn hợp kẹo lên và ốp hai mẩu bánh tráng lại với nhau.
Vị ngọt của mật mía nguyên chất, vị cay cay của gừng, vị thơm của lạc kết hợp với hương thơm giòn của bánh tráng vừng tạo nên món đặc sản này. Chẳng thế mà ai đi du lịch vùng đất này cũng mang về vài bịch cu đơ để làm quà.
Đặc biệt, kẹo sẽ ngon hơn nếu bạn thưởng thức cùng một bát chè xanh nóng hổi, đảm bảo sự ngọt ngào của kẹo hòa quyện cùng vị đậm đà của trà xanh sẽ làm bạn không thể nào quên được.
3. Trà Cung đình Huế
Có lẽ khi giới thiệu về đặc sản miền Trung nào thể hiện sự tinh hoa nhất nơi đây thì chỉ có thể là trà cung đình Huế. Trà cung đình Huế mang đậm, gợi nhớ một nét gì đó rất xa xưa, chắc là do ngày xưa vua chúa hay dùng trà cung đình vào nhiều thời gian khác nhau trong ngày, mà vì là loại trà chỉ vua chúa được thưởng thức nên được bào chết rất kỹ lưỡng tỉ mỉ từ rất nhiều loại thảo dược quý. Thưởng thức một tách trà cung đình ấm nóng sẽ giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, mát gan, giúp ăn ngon ngủ tốt hơn, cảm thấy bớt mệt mỏi hơn. Mua vài hộp trà thì người nhận quà hẳn phải hạnh phúc và sung sướng với món quà quý như thế đó.
4. Chả bò
Đà Nẵng ngoài nổi tiếng với những bãi biển đẹp còn rất nổi tiếng với món đặc sản chả bò siêu ngon. Có lẽ khắp vùng miền trên đất nước ta đều có món này nhưng chả bò Đà Nẵng thì không thể lẫn vào đâu được, bởi được làm từ 100% thịt bò tươi ngon, không sử dụng phèn sa, chất bảo quản như một số nơi. Bạn cứ thử cắt khoanh chả bò của Đà Nẵng mà xem, một mùi thơm đặc trưng của thịt bò nơi đây sẽ hấp dẫn bạn ngay đó, chả có màu hồng, vị ngọt nhưng mà cũng khá giòn, dai và đậm đà.
>>> Tham khảo những món quà Đà Nẵng ý nghĩa dành tặng người thân, gia đình qua bài viết: TOP 7 đặc sản Đà Nẵng làm quà – Quà Đà Nẵng
5. Quế Trà Bồng
Món quà được ví như đặc sản của thiên nhiên Quảng Ngãi, quế Trà Bồng rất đa dạng về các loại như vỏ quế ăn thường, bột quế, tinh dầu quế,… Là một trong 4 vị thuốc quý cùng với sâm, nhung, phụ, quế là một dược liệu thiên nhiên quan trọng, chữa được nhiều bệnh hoặc chế biến ra các món ăn có lợi cho sức khỏe. Mua vài gói quế Trà Bồng làm quà thì người được tặng sẽ cảm thấy trân trọng món quà quý từ thiên nhiên này đấy.
6. Mứt rong sụn Phan Rang
Mứt rong sụn Phan Rang không chỉ là một loại một loại bánh kẹo đơn thuần, mà nó còn rất tốt cho sức khỏe bởi được làm từ rong sụn thiên nhiên và chứa nhiều khoáng chất, i-ốt, yếu tố vi lượng, vitamin, axit amin… Chắc chắc bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi lần đầu tiên thưởng thức món mứt này chính nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa độ giòn, dai và cực kì mềm khi nhai.
Đừng quên mua mứt rong sụn làm quà khi bạn ghé thăm mảnh đất Phan Rang đầy đáng yêu này nhé !
7. Bánh ít lá gai
Từ chiếc lá ít đặc trưng của vùng đất, người dân Bình Định đã sáng tạo một loại bánh có một không hai – bánh ít lá gai.
Bánh ít lá gai ngon đến độ ai ăn cũng khen, ăn rồi nhất định phải mua một ít về làm quà. Bởi cái hương vị bùi béo ngay từ đầu lưỡi, thơm ngọt ngay từ lớp vỏ mềm mịn. Ngoài nguyên liệu làm bánh quen thuộc như bột gạo nếp, dừa đậu xanh đối với bánh ngọt, tôm thịt với bánh mặn thì còn có thêm nước cốt lá ít đặc biệt (lá có hình trái tim với răng cưa ở viền lá). Loại nước này giúp bánh có màu đen trong đẹp mắt, mùi thơm mát và cũng là nguyên nhân hình thành tên gọi bánh ít lá gai.
Một mẹo nhỏ là nếu bạn muốn ăn bánh ít lá gai ngon đúng vị thì bạn phải tìm về với xứ Tuy Phước, Bình Định. Nơi đây nổi tiếng trứ danh với món bánh ngon tuyệt này.
Trên đây là TOP 20 Đặc sản miền Trung nổi tiếng nhất mà chúng tôi ghi nhận được. Còn bạn, bạn cảm thấy như thế nào về danh sách này và TOP 20 trong bạn bao gồm những món đặc sản nào. Hãy chia sẻ ngay với chúng tôi và đừng quên mua những món đặc sản này khi có dịp ghé thăm mảnh đất miền Trung thân thiện.