TỔNG QUAN NGÀNH KINH DOANH QUỐC TẾ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngoại thương và giao dịch quốc tế ngày càng được mở rộng dẫn đến Kinh doanh quốc tế trở thành một xu hướng mới của thời đại mới. Có thể nói, đây đang là ngành học “hot” được quan tâm nhất bởi những người trẻ năng động hiện nay. Hãy cùng đi tìm hiểu những vấn đề chung nhất của ngành này để dễ dàng quyết định trước khi đặt bút điền nguyện vọng của mình ở bài viết dưới đây.

Kinh doanh quốc tế là gì?

Kinh doanh quốc tế là toàn bộ các hoạt động giao dịch, bao gồm cả chính phủ và tư nhân giữa quốc gia này và quốc gia khác nhằm thỏa mãn nhu cầu kinh doanh của cá nhân hay tổ chức.

Thuộc nhóm ngành kinh doanh, Kinh doanh quốc tế tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động kinh doanh trong môi trường quốc tế như: xuất nhập khẩu, logistics, vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế, đầu tư quốc tế, chuỗi cung ứng quốc tế…

Cùng với đó là nghiên cứu để hiểu những tác động của các hoạt động kinh doanh lên thị trường trong nước, nước ngoài, quốc gia, chính phủ, công ty và cá nhân. Điều này giúp các doanh nghiệp thành công nhận ra sự đa dạng của thị trường thế giới và có những chiến lược kịp thời để đối phó với những rủi ro khi kinh doanh trong một thị trường thay đổi liên tục như hiện nay.

Theo khảo sát mới nhất của McKinsey, các giám đốc điều hành hàng đầu tin rằng, trước sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới, Kinh doanh quốc tế hiện đại sẽ là ngành nghề quan trọng góp một phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kinh doanh quốc tế học những gì?

Học ngành Kinh doanh quốc tế, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về kinh doanh, thương mại quốc tế, luật quốc tế và môi trường kinh doanh quốc tế, quản trị nguồn nhân lực quốc tế, hoạt động hậu cần kinh doanh quốc tế, xuất – nhập khẩu, nghiên cứu thị trường, xây dựng chương trình truyền thông và hệ thống phân phối quốc tế, kỹ năng giao tiếp và đàm phán quốc tế.

Bên cạnh đó là các nghiệp vụ về thanh toán quốc tế, bảo hiểm ngoại thương, cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài, đặc điểm phát triển kinh tế thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa cũng như những vấn đề về hội nhập kinh tế…

Tại Khoa Quốc tế – ĐHQGHN, sinh viên theo học ngành này sẽ được nghiên cứu chuyên sâu ở 1 trong 3 mảng lĩnh vực: kế toán doanh nghiệptài chính và marketing sau khi đã hoàn thành các học phần của khối kiến thức ngành. Sinh viên không những được tiếp cận các môn học bổ ích và thú vị như: Kinh doanh quốc tế, Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương, Đầu tư quốc tế, Tài chính quốc tế, Rủi ro và bảo hiểm trong kinh doanh quốc tế… mà còn được học hỏi thêm về văn hóa kinh doanh cũng như các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Cơ hội việc làm ngành Kinh doanh quốc tế: ra trường làm gì, ở đâu?

Báo cáo chuyên sâu Whitepaper của Robert Walters – dựa trên khảo sát 5.000 chuyên gia nhân sự, đội ngũ quản lý và ứng viên ở các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý cấp cao chỉ ra rằng có 75% doanh nghiệp Châu Á có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài của họ. Vì vậy, có thể khẳng định sinh viên học Kinh doanh quốc tế khi ra trường sẽ dễ xin việc nếu có vốn tiếng Anh nền tảng tốt.

Cơ hội việc làm  cho sinh viên ngành kinh doanh quốc tế là rất lớn khi bạn có thể đảm nhận được rất nhiều công việc đa dạng. Trong đó, các công việc như: chuyên gia phân tích quản lý, nhà phân tích chính sách, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, quản lý marketing là những công việc có triển vọng đến năm 2026 (theo cục thống kê lao động Hoa Kỳ). Ngoài ra, chuyên viên hoạch định chiến lược kinh doanh, nhân viên xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, chuyên gia tư vấn đầu tư quốc tế, nhà quản trị kinh doanh quốc tế, chuyên gia xúc tiến thương mại…cũng là những vị trí lý tưởng cho những bạn học Kinh doanh quốc tế.

Cử nhân kinh doanh quốc tế sẽ làm việc tại: các tập đoàn đa quốc gia, văn phòng đại diện, ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu, chính phủ và các tổ chức công cộng, các tổ chức phi chính phủ quốc tế – các tổ chức từ thiện viện trợ và các nhóm vận động môi trường… và trong bất kỳ liên doanh kinh doanh nào hoặc bắt đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Với môi trường học tập tại Khoa Quốc tế – đơn vị đã hợp tác với gần 40 đối tác trong và ngoài nước, sinh viên dễ dàng được tiếp xúc với nhà tuyển dụng, các công ty, tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực này. Hơn thế nữa là cơ hội thực tập, trải nghiệm giúp sinh viên dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

Mức lương ngành kinh doanh quốc tế

“Học Kinh doanh quốc tế sau khi ra trường sẽ có mức lương bao nhiêu?” là câu hỏi rất nhiều bạn học sinh quan tâm. Trả lời cho câu hỏi này có thể khẳng định rằng các cử nhân ngành này có lợi thế rất lớn vì Kinh doanh quốc tế được xem là một trong những ngành nghề đem lại nguồn thu nhập đáng mơ ước nhất hiện nay. Theo U.S. Bureau of Labor Statistics Occupational Outlook Handbook, một quản lý tài chính quốc tế có lương khoảng 127,990 đô la/năm, một chuyên viên phân tích tài chính lương là 85,660 đô la/năm. Thêm vào đó, lương của một giám đốc tiếp thị quốc tế là 134,290 đô la/năm, chuyên viên kinh doanh là 102,490 đô la/năm. Quản lý nguồn nhân lực hưởng mức thu nhập 110,120 đô la/năm và người điều hành là 104,700 đô la/năm…

Nên học kinh doanh quốc tế ở đâu?

Tại Việt Nam có nhiều trường đào tạo ngành kinh doanh quốc tế, tuy nhiên học trường nào tốt còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ chất lượng đào tạo tới dịch vụ sinh viên. Trong đó Khoa Quốc tế – ĐHQGHN là lựa chọn phù hợp cho những bạn có mơ ước được học tập trong một môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh với mức học phí hợp lý. Với chương trình đào tạo chuẩn quốc tế của các trường đại học danh tiếng nước ngoài, môi trường học tập năng động cùng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, có chuyên môn trong nghề (30% là giảng viên nước ngoài), Khoa luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học cho sinh viên theo học tại đây.

Ngoài ra, sinh viên Khoa Quốc tế cũng được trang bị những kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp cùng những kỹ năng sống bổ ích thông qua các hoạt động ngoại khóa, workshop, hội thảo được tổ chức nhằm phát triển toàn diện cả về kiến thức cũng như kỹ năng mềm.

Trong năm 2019, Chương trình Cử nhân Kinh doanh quốc tế (IB) của Khoa Quốc tế  được kiểm định chất lượng chương trình với 15 tiêu chí đạt mức “vượt mong đợi” trên tổng số 47/50 tiêu chí đạt chuẩn cùng sự đánh giá cao từ Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TPHCM (CEA).

>>> Xem thêm tại ĐÂY.

Điều kiện xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế tại Khoa Quốc tế – ĐHQGHN

Năm 2020, Khoa Quốc tế tuyển sinh 260 chỉ tiêu ngành Kinh doanh quốc tế với các phương thức xét tuyển đa dạng. Trong đó, xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia vẫn chiếm phần lớn chỉ tiêu.

Được biết mã ngành Kinh doanh quốc tế tại Khoa Quốc tế – ĐHQGHN là QHQ01, các khối xét tuyển bao gồm A00, A01, D01 và D96 (điểm môn chính – Toán/Anh nhân đôi, điểm thi môn tiếng Anh tất cả các Khối phải >= 4). Thí sinh đăng ký nguyện vọng thi khối nào sẽ lấy điểm thi trong tổ hợp môn khối đó để xét tuyển có đỗ vào trường hay không. Vì vậy, các bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng tổ hợp môn thi của mình để đăng ký cho chính xác, tránh những những rủi ro không đáng có. Năm 2019, điểm chuẩn ngành Kinh doanh quốc tế là 20,5 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2018.

Ngoài kết quả thi THPT quốc gia, năm 2020, ĐHQGHN dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng các phương thức xét tuyển khác như: xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng điểm thi A-Level, SATkết hợp điểm quy đổi điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL) với điểm 2 môn thi THPT quốc gia.

>>> Xem chi tiết phương án xét tuyển Khoa Quốc tế – ĐHQGHN tại ĐÂY

Ngành kinh doanh quốc tế được đánh giá mà một ngành học vô cùng năng động và không thể thiếu ở bất cứ quốc gia nào. Đây là một ngành học vô cùng hấp dẫn với các em học sinh đang muốn tìm một ngành nghề để theo học. Bài viết đã cung cấp những thông tin tổng quan nhất về ngành này để các bạn hiểu rõ hơn những tiềm năng của ngành và có lựa chọn tốt nhất cho mình về ngành học cũng như trường đại học trong tương lai.

Các thí sinh quan tâm chương trình cần nhận thông tin tư vấn có thể liên hệ các số điện thoại: 024 3555 3555 | 0983 372 988 | 0379 884 488 | 0989 106 633 hoặc trực tiếp inbox Fanpage Khoa Quốc tế hoặc qua Website: https://student.isvnu.vn hoặc email: [email protected]

Các thí sinh cũng có thể nhận thông tin tư vấn trực tiếp tại các văn phòng tuyển sinh:

Địa chỉ 1: Nhà G8, 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội

Địa chỉ 2: Phòng 306, Nhà C, Làng Sinh viên HACINCO, 79 Nguỵ Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội