TỔ CHỨC, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VÀ NỘI DUNG QUẢN LÝ CƠ BẢN CÁC DỊCH VỤ CSSK CỦA Y TẾ ĐỊA PHƯƠNG

TỔ CHỨC, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ VÀ NỘI DUNG QUẢN LÝ CƠ BẢN CÁC DỊCH VỤ CSSK CỦA Y TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Tổ chức mạng lưới y tế địa phương

Tổ chức mạng lưới y tế địa phương cho đến nay bao gồm: 64 Sở y tế tỉnh, thành phố, 622 Trung tâm y tế (Hiện nay là Phòng y tế) huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 10.257 Trạm y tế xã phường, thị trấn.  

Sở Y tế

Vị trí, chức năng của Sở Y tế

Sở Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, gồm: y tế dự phòng, KCB, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế, về các dịch vụ công thuộc ngành Y tế; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật.

Sở Y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

Nhiệm vụ, quyền hạn Sở Y tế

Trình UBND cấp tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phân cấp của Bộ Y tế.

Trình UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển ngành của Bộ Y tế.

Trình UBND cấp tỉnh quy hoạch mạng lưới KCB, mạng lưới y tế dự phòng để Chủ tịch UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển ngành Y tế.

Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án y tế đã được phê duyệt; công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Về y tế dự phòng:

Trình UBND cấp tỉnh quy chế, giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để thực hiện công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Quyết định những biện pháp để điều tra, phát hiện và xử lý dịch, thực hiện báo cáo dịch theo quy định. Trường hợp phải huy động các nguồn lực để dập tắt dịch vượt quá thẩm quyền phải trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, tai nạn thương tích và thiên tai thảm họa ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân xảy ra trên địa bàn tỉnh

Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động về sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, sức khỏe lao động, vệ sinh nguồn nước ăn uống, quản lý bệnh nghề nghiệp và dinh dưỡng cộng đồng trên địa bàn tỉnh

Làm thường trực về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS của Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh.

Về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng:

Trình UBND cấp tỉnh quy hoạch mạng lưới KCB, phục hồi chức năng, giám định trên địa bàn tỉnh để Chủ tịch UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền.

Quy định các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật về khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, giám định, chỉnh hình, thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện dịch vụ KHHGĐ trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế theo phân tuyến kỹ thuật.

Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

Về y dược học cổ truyền:

Trình UBND cấp tỉnh chương trình, kế hoạch phát triển y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.

Quyết định theo thẩm quyền biện pháp kế thừa, phát huy, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, KCB, phục hồi chức năng, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc y dược học cổ truyền tại địa phương.  

Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân; chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

Chịu trách nhiệm, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn về y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.

Về thuốc và mỹ phẩm:

Tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn về thuốc, vaccin, sinh phẩm y tế và mỹ phẩm lưu hành trên địa bàn tỉnh.

Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề; chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược, vaccin, sinh phẩm y tế tư nhân; giấy phép lưu hành, giới thiệu thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

Về an toàn vệ sinh thực phẩm:

Trình UBND cấp tỉnh chương trình hành động, quyết định các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện.

Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Xác nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm; cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở, doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực phẩm đóng trên địa bàn theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

Về trang thiết bị và công trình y tế:

Trình UBND cấp tỉnh kế hoạch đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và công trình y tế thuộc nguồn ngân sách Nhà nước theo tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.

Hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình, quy chế chuyên môn về trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật.

Về đào tạo cán bộ y tế:

Trình UBND cấp tỉnh kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực y tế và đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo và sử dụng nhân lực y tế của địa phương.

Quản lý các trường đào tạo CBYT theo sự phân công của UBND cấp tỉnh; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về chương trình đào tạo CBYT theo quy định của pháp luật.

Trình UBND cấp tỉnh ban hành chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tại địa phương để UBND trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Trình UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, sát nhập, giải thể, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở tài chính hướng dẫn, kiểm tra các bệnh viện trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế theo quy định của pháp luật.

Chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc lĩnh vực quản lý của Sở.

Giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước đối với các Hội và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở địa phương theo quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ tư liệu về lĩnh vực quản lý của Sở.

Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh.

Trình UBND cấp tỉnh chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, xã hội hóa hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng y tế huyện để trình UBND cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng y tế.

Tranh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật.

Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định với UBND cấp tỉnh và Bộ Y tế.

Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở theo quy định của pháp luật.

Quản lý tài chính, tài sản được giao và thực hiện ngân sách được phân bổ theo phân cấp của UBND cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND cấp tỉnh giao.

Tổ chức và biên chế

Lãnh đạo Sở

Sở Y tế có Giám đốc và 2-3 Phó giám đốc. Với Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh không quá 4 Phó giám đốc.

Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở; báo cáo công tác trước UBND cấp tỉnh, Bộ Y tế và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khi được yêu cầu.

Các Phó giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc và Phó giám đốc theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định và theo quy định của pháp luật về công tác cán bộ, công chức.

Việc khen thưởng, kỷ luật do Giám đốc và Phó giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Tổ chức của Sở Y tế gồm

Văn phòng.

Thanh tra.

Các phòng chuyên môn nghiệp vụ:

Việc thành lập các phòng chuyên môn nghiệp vụ dựa trên nguyên tắc bảo đảm bao quát đầy đủ các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Sở Y tế; Chức năng, nhiệm vụ của từng phòng phải rõ ràng không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Phòng và tổ chức khác thuộc Sở Y tế; phù hợp với đặc điểm và khối lượng công việc thực tế ở địa phương, bảo đảm đơn giản về thủ tục hành chính và thuận lợi trong việc giải quyết các đề nghị của tổ chức và công dân.

Số phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế không quá 8 phòng đối với Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và không quá 6 phòng đối với các tỉnh còn lại. Số lượng, tên gọi các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở do Giám đốc Sở Y tế phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.

Giám đốc Sở Y tế quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở và quy định trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Sở theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị sự nghiệp:

Về khám chữa bệnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh; các Bệnh viện chuyên khoa; các Bệnh viện đa khoa khu vực và các Bệnh viện đa khoa huyện (kể cả các Phòng khám đa khoa khu vực) 

Về y tế dự phòng, bao gồm các Trung tâm: Y tế dự phòng, Phòng chống HIV/AIDS; chăm sóc sức khỏe sinh sản; Nội tiết; Phòng chống bệnh xã hội (gồm các bệnh lao, phong, da liễu, tâm thần, mắt) ở các tỉnh không có các Bệnh viện chuyên khoa tương ứng; Phòng chống Sốt rét ở những tỉnh được phân loại có sốt rét trọng điểm; Kiểm dịch y tế quốc tế ở những tỉnh có cửa khẩu quốc tế; Sức khỏe lao động và môi trường ở những tỉnh có nhiều khu công nghiệp; Trung tâm y tế dự phòng huyện thực hiện công tác chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành.

Trung tâm truyền thông – Giáo dục sức khoẻ.

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

Trung tâm Giám định pháp y, Giám định pháp y tâm thần, Giám định Y khoa.

Trường Trung học hoặc Cao đẳng Y tế. 

Giám đốc Sở Y tế quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ của các đơn vị sự nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Biên chế:

Biên chế của Văn phòng, Thanh tra, các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ là biên chế hành chính do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.

Biên chế của các đơn vị sự nghiệp y tế là biên chế sự nghiệp; việc quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp y tế thực hiện theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Sở Y tế bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của Sở phải phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức Nhà nước theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Phòng Y tế

Chức năng

Phòng y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là UBND cấp huyện) có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện, gồm: y tế dự phòng, KCB, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp của UBND cấp tỉnh và ủy quyền của Sở Y tế.

Phòng y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế.

Nhiệm vụ và quyền hạn

Phòng Y tế thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn huyện theo hướng dẫn của UBND cấp tỉnh. 

Tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường; quản lý các trạm y tế xã, phường, thị trấn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự ủy quyền của Sở Y tế.

Biên chế

Căn cứ đặc điểm, tình hình phát triển sự nghiệp chăm sóc và BVSK nhân dân ở địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định biên chế để đáp ứng nhiệm quản lý Nhà nước về chăm sóc và BVSK nhân dân trong tổng biên chế hành chính được UBND cấp tỉnh giao cho huyện.

Trạm y tế x∙, phường, thị trấn (gọi chung là Trạm y tế x∙)

Định nghĩa

Trạm y tế  là đơn vị kỹ thuật y tế đầu tiên tiếp xúc với nhân dân, nằm trong hệ thống y tế Nhà nước, có nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện dịch sớm và phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và đỡ đẻ thông thường, cung ứng thuốc thiết yếu, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, tăng cường sức khỏe.

Trạm y tế xã chịu sự quản lý Nhà nước của Phòng Y tế huyện, quận và chịu sự quản lý, chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã trong việc xây dựng kế hoạch phát triển y tế trên địa bàn. Về chuyên môn nghiệp vụ: Trạm y tế xã chịu sự chỉ đạo của Trung tâm y tế dự phòng huyện về công tác vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch và các chương trình y tế quốc gia; chịu sự chỉ đạo của bệnh viện đa khoa về công tác khám chữa bệnh. Trạm Y tế xã còn quan hệ, phối hợp với các Ban, Ngành, Đoàn thể trong xã tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhiệm vụ của trạm y tế xã

Nhiệm vụ 1: Lập kế hoạch các mặt hoạt động và lựa chọn những chương trình ưu tiên về chuyên môn y tế trình UBND xã, phường, thị trấn duyệt, báo cáo Phòng y tế huyện, quận, thị xã, và tổ chức triển khai thực hiện sau khi kế hoạch đã được phê duyệt.

Nhiệm vụ 2: Phát hiện, báo cáo kịp thời các bệnh dịch lên tuyến trên và giúp chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp về công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, giữ vệ sinh những nơi công cộng và đường làng, xã; tuyên truyền ý thức bảo vệ sức khỏe cho mọi đối tượng tại cộng đồng.

Nhiệm vụ 3: Tuyên truyền vận động, triển khai thực hiện các biện pháp chuyên môn về bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm việc quản lý thai, khám thai và đỡ đẻ thường cho sản phụ.

Nhiệm vụ 4: Tổ chức sơ cứu ban đầu, khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân tại trạm y tế và mở rộng dần việc quản lý sức khỏe tại hộ gia đình.

Nhiệm vụ 5: Tổ chức khám sức khỏe và quản lý sức khỏe cho các đối tượng trong khu vực mình phụ trách, tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Nhiệm vụ 6: Xây dựng vốn tủ thuốc, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và hợp lý, có kế hoạch quản lý các nguồn thuốc. Xây dựng, phát triển thuốc nam, kết hợp ứng dụng y học dân tộc trong phòng và chữa bệnh.

Nhiệm vụ 7: Quản lý các chỉ số sức khỏe và tổng hợp báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác lên tuyến trên theo quy định thuộc đơn vị mình phụ trách.

Nhiệm vụ 8: Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn kỹ thuật cho cán Bộ Y tế thôn, làng, ấp, bản và nhân viên y tế cộng đồng.

Nhiệm vụ 9: Tham mưu cho chính quyền xã, phường, thị trấn và Trưởng phòng y tế huyện chỉ đạo thực hiện các nội dung CSSKBĐ và tổ chức thực hiện những nội dung chuyên môn thuộc các chương trình trọng điểm về y tế tại địa phương.

Nhiệm vụ 10: Phát hiện, báo cáo UBND xã và cơ quan quản lý y tế cấp trên các hành vi hoạt động y tế phạm pháp trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Nhiệm vụ 11: Kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng, các ngành trong xã, để tuyên truyền và cùng tổ chức thực hiện các nội dung công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tổ chức trạm y tế

Căn cứ vào nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng và địa bàn cụm dân cư, địa giới hành chính và khả năng ngân sách để thành lập một trạm y tế.

Việc thành lập, sát nhập, giải thể trạm y tế xã, phường, thị trấn do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định trên cơ sở đề nghị của UBND xã, Phòng Y tế huyện và đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.

Những xã, phường, thị trấn có phòng khám khu vực và bệnh viện huyện thì không cần thành lập trạm y tế, số cán bộ và các nội dung công việc chăm sóc sức khoẻ, tiêm chủng, tuyên truyền giáo dục sức khỏe… do phòng khám hoặc bệnh viện huyện đảm nhiệm

Cán bộ y tế xã

Cán Bộ Y tế xã phải có trình độ theo tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch viên chức ngành y tế của Nhà nước quy định. Cán bộ phụ trách y tế xã phải có kiến thức về y tế cộng đồng và năng lực quản lý để chỉ đạo thống nhất các mặt hoạt động y tế đạt chất lượng và hiệu quả.

Số lượng cán bộ y tế xã được xác định theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, số dân và địa bàn hoạt động của từng khu vực mà bố trí như sau:

Khu vực đồng bằng, trung du

Những xã từ 8000 dân trở xuống được bố trí 3-4 cán bộ y tế gồm:

01-02 bác sỹ hoặc y sỹ đa khoa (1 sâu về y tế cộng đồng làm trưởng trạm và 1 biết về y học dân tộc).

01 y sỹ đa khoa (biết thêm về sản nhi) hoặc nữ hộ sinh trung học, khi chưa có điều kiện thì bố trí nữ hộ sinh sơ học.

01 y tá trung học hoặc sơ học.

Những xã trên 8000 đến 12000 dân bố trí 4 – 5 cán bộ y tế gồm:

01-02 bác sỹ hoặc y sỹ đa khoa (1 sâu về y tế cộng đồng làm trưởng trạm và 1 biết về y học dân tộc).

01 y sỹ đa khoa (biết thêm về sản nhi) hoặc nữ hộ sinh trung học.

01 nữ hộ sinh trung học hoặc sơ học.

01 y tá trung học hoặc sơ học.

Những xã trên 12000 dân được bố trí tối đa 06 cán bộ y tế:

02-03 bác sỹ hoặc y sỹ đa khoa (1 sâu về y tế cộng đồng làm trưởng trạm và 1 biết về y học dân tộc).

01 y sỹ đa khoa (biết thêm về sản nhi) hoặc nữ hộ sinh trung học.

01 nữ hộ sinh trung học hoặc sơ học.

01-02 y tá trung học hoặc sơ học.

Khu vực miền núi, Tây Nguyên, biên giới và hải đảo

Xã dưới 3000 dân được bố trí 4 cán bộ y tế gồm:

01 bác sỹ hoặc y sỹ đa khoa sâu về y tế cộng đồng làm trưởng trạm.

01 y sỹ đa khoa (biết về sản nhi) hoặc nữ hộ sinh trung học hay sơ học.

02 y tá trung học hoặc sơ học biết về nữ hộ sinh.

Xã có 3000 dân trở lên được bố trí 5-6 cán bộ y tế gồm:

01-02 bác sỹ hoặc y sỹ đa khoa (1 sâu về y tế cộng đồng làm trưởng trạm).

01 y sỹ đa khoa (biết về sản nhi) hoặc nữ hộ sinh trung học hay sơ học.

02-03 y tá trung học hoặc sơ học biết về nữ hộ sinh.

ở vùng cao, vùng sâu, miền núi, nơi xa xôi hẻo lánh chỉ cần bố trí 1 hoặc 2 bác sỹ hay y sỹ thường xuyên có mặt tại trạm y tế đề làm nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình công tác y tế trong xã, thực hiện các dịch vụ y tế cho nhân dân tại các bản, buôn, làng gần cơ sở y tế và nhu cầu của nhân dân trong xã; số cán bộ y tế còn lại được phân công về công tác tại các bản, buôn, làng, ấp và định kỳ tổ chức giao ban tại trạm.

Khu vực thành phố, thị xã, thị trấn

Các phường, thị trấn và những xã có phòng khám khu vực đóng, số lượng cán bộ được bố trí 02 – 03 người.

Những nơi có bác sỹ thì bố trị vào vị trí chủ chốt, nơi chưa có thì phải xây dựng kế hoạch đào tạo bác sỹ đa khoa có kiến thức y tế cộng đồng để đưa về xã công tác.

Y tế thôn, bản

Y tế thôn bản không có tổ chức, chỉ có nhân lực bán chuyên trách, có tên là nhân viên y tế thôn bản. Nhân viên y tế thôn bản do nhân dân chọn cử, được ngành y tế đào tạo và cấp chứng chỉ để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn. Nhân viên y tế thôn bản có các nhiệm vụ: 

Truyền thông, giáo dục sức khoẻ, hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh phòng dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình, sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường, thực hiện các chương trình y tế trong thôn bản.

Nhân viên y tế thôn bản chịu sự quản lý và chỉ đạo của Trạm y tế xã và chịu sự quản lý của Trưởng thôn, Trưởng bản.

Y tế ngành

Tổ chức

Y tế ngành (thường theo các bộ), ví dụ y tế ngành năng lượng, ngành giao thông vận tải, ngành bưu điện… Tổ chức y tế ngành hết sức năng động tuỳ thuộc khả năng của ngành và tuỳ thuộc tính chất các bệnh nghề nghiệp của mỗi ngành. Những ngành có quy mô lớn như ngành Giao thông vận tải thì có tổ chức Sở Y tế, còn các ngành có quy mô nhỏ như công nghiệp, năng lượng… thì có tổ chức Trung tâm y tế. Các đơn vị trong ngành có tổ chức y tế như Trung tâm y tế, Trạm y tế cơ quan, công, nông trường, xí nghiệp; y tế phân xưởng. Ngoài ra có hai y tế ngành rất đặc biệt mà không có điều kiện đề cập ở đây: Y tế Quân đội và y tế ngành Công an.

Nhiệm vụ y tế công nghiệp

Phòng chống các bệnh tật nói chung, đặc biệt các bệnh nghề nghiệp cho công nhân viên chức.

Giảm các yếu tố tác hại nghề nghiệp tới sức khỏe. Đảm bảo an toàn sản xuất, đề phòng tai nạn lao động.

Thực hiện giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch, vệ sinh môi trường (nước, không khí, đất, thực phẩm… ).

Y tế doanh nghiệp

Thông tư liên tịch 14/ 1998/ TTLT, 31-10-1998 của Bộ Y tế, các doanh nghiệp phải tổ chức bộ phận y tế hay bố trí cán bộ làm công tác y tế doanh nghiệp, đảm bảo thường trực theo ca sản xuất, sơ cứu và cấp cứu có hiệu quả. Đây là tổ chức y tế sát người lao động nhất (bảng 2.1).

Bảng 2.1. Biên chế y tế doanh nghiệp theo số lao động

Số lao động

Doanh nghiệp 

ít  yếu tố  độc hại

Doanh nghiệp   nhiều yếu tố độc hại

<150

0

1 y tá

150-300

1 y tá

1 y sỹ

301-500

1 y sỹ , 1 y tá

1 bác sỹ, 1 y tá

501-1000

1 bác sỹ , 1 y sỹ

1 bác sỹ, mỗi ca 1 y tá

>1000

Trạm y tế

Trạm y tế

Nhiệm vụ y tế doanh nghiệp:

Huấn luyện cho người lao động cách sơ cứu cấp cứu.  

Tổ chức thường trực theo ca sản xuất để cấp cứu kịp thời tai nạn lao động.

Theo dõi sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe định kì và bệnh nghề nghiệp.

Kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, phòng chống bệnh dịch. Phối hợp với bảo hiểm lao động kiểm tra, đánh giá, giám sát các yếu tố có hạị tới sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh lao động.

Quản lý hồ sơ vệ sinh lao động, môi trường lao động.

Tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động.

Thực hiện các thủ tục giám định thương tật.

Đăng ký với cơ quan y tế địa phương để nhận sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ.

Tổ chức quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp.

Một số nội dung quản lý chính của y tế địa phương

Quản lý y tế dự phòng

Công tác dự phòng bệnh là nhằm ngăn ngừa không để bệnh xảy ra hay làm giảm hoặc loại bỏ nguy cơ gây bệnh, ngoài ra còn nhằm tạo ra sức khỏe ở mức độ cao. 

Hiện nay quản lý công tác y tế dự phòng tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: 

Truyền thông giáo dục sức khoẻ và tư vấn sức khỏe.

Lối sống ảnh hưởng đến sức khỏe (hút thuốc lá, nghiện rượu, ma tuý). 

Phòng bệnh và 28 bệnh dịch lây và bệnh dịch quan trọng.

Phòng chống các bệnh xã hội. 

Tình hình ô nhiễm môi trường, tình hình cung cấp nước sạch và tình hình ba công trình vệ sinh

Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong khi quản lý các nội dung trên, hàng năm phải tiến hành phân tích tình hình, xác định nhu cầu, các vấn đề tồn tại và nguyên nhân để chọn các vấn đề ưu tiên lập kế hoạch can thiệp. Đồng thời phải thường xuyên tiến hành giám sát, đánh giá để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động y tế dự phòng.

Quản lý khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng

Quản lý khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng cần tập trung vào việc xác định nhu cầu KCB và phục hồi chức năng. Nhu cầu KCB, phục hồi chức năng được thể hiện qua tình hình mắc bệnh, tử vong và tình hình tàn tật, tàn phế. Khi xác định nhu cầu KCB, phục hồi chức năng cần tập trung vào các nội dung: 

Tình hình mắc, chết của 28 bệnh dịch lây và bệnh quan trọng.

Tình hình mắc, chết 10 bệnh cao nhất.

Cơ cấu bệnh tật và tử vong theo 21 nhóm bệnh theo phân loại quốc tế bệnh tật lần thứ X ( ICD- X).

Tình hình tử vong trẻ em  dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi.

Tình hình tử vong chu sinh.

Tình hình tử vong mẹ

Hy vọng sống (Tuổi thọ) trung bình của dân cư.    

Nhu cầu KCB còn được thể hiện qua tình hình cung cấp dịch vụ KCB ở các tuyến, bao gồm:

Tình hình khám bệnh, chữa bệnh nội trú, điều trị ngoại trú và khám chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế.

Tình hình nguồn lực và sử dụng nguồn lực khám chữa bệnh (nhân lực, kinh phí, giường bệnh, trang thiết bị theo quy định của BYT v.v… ).

Tình hình phẫu thuật, thủ thuật. 

Quản lý khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng còn tập trung vào việc phân tích xác định các vấn đề tồn tại và các vấn đề ưu tiên để lập kế hoạch giải quyết. Thông qua việc phân tích so sánh nhu cầu và tình hình công tác khám chữa bệnh giữa các năm và giữa các địa phương khác nhau trong tỉnh, huyện, xã để phát hiện các vấn đề tồn tại, xác định các vấn đề ưu tiên của địa phương. Từ đó tiến hành lập kế hoạch can thiệp, giám sát và đánh giá.   

Quản lý nhân lực, tài chính và trang thiết bị y tế

(Xem bài quản lý nhân lực và bài quản lý tài chính, trang thiết bị y tế).

Quản lý thuốc phòng chữa bệnh cho người

Quản lý thuốc phòng chữa bệnh cho người tại các địa phương là đảm bảo cung cấp đủ thuốc thiết yếu có chất lượng và đảm bảo an toàn, hợp lý trong sử dụng thuốc. Trong quản lý thuốc phòng chữa bệnh cho người cần chú y tới tình trạng người ốm tự mua thuốc về chữa rất cao ( khoảng 30-70% số trường hợp ốm). Trong khi tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh đã không còn là vấn đề lớn nữa, quản lý thuốc trên thị trường cần chú ý tới các hậu quả của lạm dụng thuốc và sử dụng thuốc không an toàn.