TÌNH HÌNH LÀM VIỆC VÀ ĐỜI SỐNG CỦA CNLĐ TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ TỈNH
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 4 khu công nghiệp đang hoạt động là khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa và Khu kinh tế Nhơn Hội với 127 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 15.473 LĐ. Các khu công nghiệp tạo ra một lượng công ăn việc làm lớn góp phần giải quyết có hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo, giảm nạn thất nghiệp góp phần đào tạo đội ngũ công nhân mới, có trình độ kỹ thuật, kỷ luật cao.
Hầu hết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, Khu kinh tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất kinh doanh tập trung vào ngành chế biến gỗ và đá xuất khẩu. Do đặc thù của ngành chế biến gỗ xuất khẩu là sản xuất theo mùa vụ nên việc làm của công nhân lao động không ổn định. Mặt khác, phần lớn công nhân cũng ít gắn bó với doanh nghiệp, thường xuyên chuyển chỗ làm việc từ công ty này sang công ty khác, khi thấy mức lương cao hơn, điều này dẫn đến tình trạng thiếu lao động ở những doanh nghiệp nhỏ, làm ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Thu nhập và điều kiện làm việc của công nhân lao động còn nhiều khó khăn, nhìn chung tiền lương bình quân của công nhân tại các doanh nghiệp khu công nghiệp Bình Định có tăng so với năm trước đây, tuy nhiên so với cường độ lao động cùng với sự tăng nhanh của giá cả dịch vụ trên thị trường nên đời sống của công nhân lao động, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó tại các doanh nghiệp đang diễn ra tình trạng chênh lệch rất lớn giữa thu nhập của cán bộ quản lý với thu nhập của công nhân trực tiếp sản xuất.
Về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của công nhân tại các doanh nghiệp cũng chưa được tốt như nhiều DN không có bố trí phòng nghỉ trưa cho công nhân, một ít doanh nghiệp có phòng nghỉ trưa nhưng chưa thật sự sạch sẽ, có nơi CNLĐ nghỉ trưa trên vỉa hè các phòng làm việc của DN, hay ngay trong nhà xưởng nơi làm việc. Nhiều doanh nghiệp vẫn không chú trọng đến xây dựng phòng tắm, phòng vệ sinh và chỗ thay quần áo cho nữ công nhân… Môi trường làm việc trong các doanh nghiệp trong những năm gần đây cũng đã được cải thiện xong vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, đa số công nhân phải làm việc trong tình trạng ô nhiễm môi trường như nóng, bụi, tiếng ồn, độ rung vượt chuẩn cho phép vẫn còn diễn ra rất phổ biến
Công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp phần lớn là lao động từ các huyện lân cận, hầu hết các doanh nghiệp đều có xe đưa đón công nhân. Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Tân Phước đã thuê nhà ở của dân để cho công nhân lao động ở, Công ty TNHH Bình Phú hỗ trợ tiền thuê nhà 80.000đ/tháng/người và trợ cấp tiền xăng cho công nhân đi lại 100.000đ/tháng/người, nhưng số doanh nghiệp thực hiện các hỗ trợ này rất ít. Mặt khác việc thực hiện chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, chế độ chính sách cho người lao động theo quy định của Nhà nước chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, các vấn đề tiền lương, nhà ở, đào tạo nâng cao tay nghề kỹ thuật, việc tổ chức điều kiện làm việc, sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, TDTT cho công nhân lao động chưa được chú trọng.
Trong khi đó người lao động làm việc thường xuyên phải tăng ca, nên không có thời gian để thư giãn, giải trí qua các phương tiện nghe, nhìn, đọc sách báo… Với mức thu nhập hiện nay rất thấp, trong khi đó lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, tiền lương hàng tháng chỉ dành cho chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm chiếm gần hết tổng thu nhập, còn số ít lại dành cho chi trả tiền thuê nhà ở, đi lại, may mặc, phương tiện sinh hoạt cá nhân, nên đời sống người lao động vô cùng khó khăn, vì vậy đa phần người lao động thiếu điều kiện để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hoá tinh thần như vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu …
Nhiều doanh nghiệp không những không quan tâm đến đời sống công nhân để chăm lo góp phần giải quyết khó khăn cho CNLĐ, mà trái lại còn vi phạm Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các chế độ quyền lợi hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật, có một số doanh nghiệp còn nhiều sai phạm trong ký kết hợp đồng lao động như: ký kết không đúng loại hợp đồng theo qui định. Công nhân được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế so với tổng số lao động trong DN hiện nay còn rất thấp, chỉ mới đạt 18%-20%, nhiều DN chỉ đóng cho cán bộ gián tiếp hoặc cán bộ khung của DN, chưa thực sự quan tâm đến công nhân trực tiếp sản xuất nên khi người lao động ốm đau phải tự bỏ tiền ra chạy chữa.
Hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động, chỉ có một số ít DN bố trí sân bóng chuyền, sân cầu lông cho CNLĐ; Việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động ít được chú trọng, các nội dung như cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân chưa được đầu tư nhiều. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của công nhân lao động chưa có gì nhiều, điều kiện bố trí thời gian để công nhân tham gia tham gia vui chơi, giải trí còn rất hạn chế, chỉ có một số ít doanh nghiệp tổ chức Hội thao nội bộ, tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ vào các ngày kỷ niệm thành lập DN, ngày lễ, cuối năm… nhưng rất hạn hữu. Các Chủ DN chưa dành thời gian để tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp như phổ biến, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, giáo dục truyền thống, tổ chức giao lưu văn hoá, nâng cao trí lực, thể lực chưa được chú trọng, chỉ có một số doanh nghiệp có tổ chức cho công nhân đi thăm quan du lịch, nhưng chỉ dành cho cán bộ gián tiếp SX và một số rất ít CNLĐ. Thực trạng trên cho thấy, đời sống vật chất của CNLĐ trong các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; sức khỏe của nhiều CNLĐ bị giảm sút. Hiện nay cơ sở hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa chưa hình thành trong các KCN, KKT như chưa có trạm xá, nhà trẻ, khu sinh hoạt văn hóa, thể thao… Do đó, chưa có điều kiện chăm lo đời sống vật chất và cải thiện đời sống tinh thần cho CNLĐ.
Trong những năm qua Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Bình Định, cũng thường xuyên phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, Sở thể dục thể thao, Liên đoàn lao động tỉnh Bình Định tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, hội thao truyền thống. Công đoàn Khu kinh tế tỉnh cũng đã tổ chức hội thao nữ CNLĐ, giao lưu bóng đá mini nam, các hội thi cắm hoa, phụ nữ khéo tay, tổ chức tuyên truyền về Luật lao động, sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, tình yêu-hôn nhân-gia đình …. đã thu hút đông đảo đoàn viên, công nhân lao động tham gia.
Để việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động được tốt hơn, Nhà nước cần khuyến khích, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động; để động viên khích lệ và nhân rộng những mô hình này; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, phải có biện pháp chế tài xử phạt kịp thời các doanh nghiệp vi phạm, trốn đóng, nợ bảo hiểm, vi phạm quyền lợi của người lao động như về việc làm, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội…
Các cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa quan tâm giải quyết 6 vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề nhà ở, thu nhập, việc làm, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa, đời sống tinh thần cho người lao động ở các KCN, KKT tỉnh, Chú trọng những nơi đông công nhân lao động; Nhà nước sớm thực hiện chính sách nhà ở và chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở theo hướng Nhà nước và doanh nghiệp cùng góp vốn để xây dựng nhà bán trả góp cho công nhân lao động hoặc cho công nhân lao động thuê nhằm tạo điều kiện giải quyết nơi ăn chốn ở ổn định cho CNLĐ, để người lao động được yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với Doanh nghiệp.
Bích Ngọc