TÌM HIỂU MỘT SỐ NÉT KHÁC NHAU GIỮA PHẬT GIÁO NAM TÔNG (PHÁI TIỂU THỪA) VỚI BẮC TÔNG (PHÁI ĐẠI THỪA) VÀ MỘT SỐ TÔNG PHÁI LỚN CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

       Phật giáo là một tôn giáo có nhiều tông phái. Sự phân chia thành các tông phái trong Phật giáo không phải do mâu thuẫn về tổ chức hay tranh giành về quyền lợi, địa vị trong tăng chúng mà do sự khác nhau ít nhiều về kinh điển, giáo thuyết. Biết được căn cơ của chúng sinh, đầu tiên Phật Thích Ca thuyết giảng những điều đơn giản để thuận lợi cho việc tiếp cận, giáo hóa; về sau các bài thuyết giảng được nâng cao hơn. Tuy nhiên, giai đoạn mới ra đời, Phật giáo còn có sự hiểu khác nhau về giáo pháp. Mặt khác, sau này trong quá trình phát triển của Phật giáo, nhất là Phật giáo Bắc tông đã chủ trương tùy duyên của chúng sinh mà hành hóa nên càng có cơ sở để hình thành các pháp môn tu hành. Lúc đầu Phật giáo có 02 hệ phái lớn (còn gọi là hai dòng) Phật giáo Nam tông (phái Tiểu thừa) và Phật giáo Bắc tong (phái Đại thừa). Từ hai hệ phái này, Phật giáo lại phân chia thành nhiều tông phái, sơn môn khác nhau.

       Như đã nêu trên, ngay từ thời kỳ tập kết kinh điển (được thực hiện vào mùa Hạ sau khi tổ chức lễ hỏa tang cho Phật Thích ca Mâu ni), trong Phật giáo đã manh nha hình thành 02 phái lớn là Thượng Tọa Trưởng Lão bộ và Đại chúng bộ. Tại Đại hội tập kết kinh điển lần thứ II (thế kỷ IV TCN), phái  Thượng Tọa Trưởng Lão bộ chủ trương bảo thủ Kinh – Luật – Luận trong hành đạo, song phái Đại chúng bộ lại chủ trương canh tân trong việc sử dụng Kinh – Luật – Luận để hành đạo cho phù hợp với điều kiện, trình độ của chúng sinh.

       Đến Đại hội tập kết kinh điển lần thứ IV, chính thức hình thành hai phái nhưng chưa có danh xưng Đại thừa và Tiểu thừa. Sau khi phái Đại chúng bộ phát triển hưng thịnh thì Phật giáo mới dùng tên gọi Tiểu thừa (nguyên gốc là phái Thượng Tọa Trưởng Lão bộ) và Đại thừa (nguyên gốc là phái Đại chúng bộ). Theo nghĩa bóng Tiểu thừa là cỗ xe nhỏ, chở được ít người còn Đại thừa là cỗ xe to, chở được nhiều người.

       Phái Đại thừa đa số truyền đến các nước phía Bắc nên gọi là Phật giáo Bắc tông; Phật giáo Tiểu thừa chủ yếu truyền đến phía Nam nên gọi là Phật giáo Nam tông (có trường hợp còn gọi Phật giáo Tiểu thừa là Phật giáo nguyên thủy).

    Qua sử sách, nghiên cứu và qua cách thức hành đạo cho thấy giữa Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Bắc Tông có các điểm khác nhau chủ yếu như sau:

     Thứ nhất: Về giáo thuyết.

     Phật giáo Nam Tông khác Phật giáo Bắc tông chủ yếu ở thuyết Hữu và Vô (hay còn gọi có và không). Phật giáo Nam tông chủ trương: hữu luận hay chấp hữu, vạn pháp vô thường, tức là luôn chuyển động, biến đổi nhưng vẫn có (hữu) một cách tương đối  mà không thể nói là vô (không). Song về việc này, Phật giáo Bắc tông lại chủ trương không luận hay chấp không, cho rằng vạn pháp tuy có (hữu) nhưng thực ra lại là không (vô) vì vạn pháp chỉ là hư giả, không có thực tướng.

       Thứ hai về sự giải thoát

      Phật giáo Nam tông quan niệm sinh tử luân hồi và Niết bàn là hai phạm trù khác biệt nhau; có nghĩa chỉ khi nào thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử thì mới chứng ngộ được Niết bàn một cách tuyệt đối.

      Phật giáo Bắc tông khi nói về quan niệm  sinh tử luân hồi và Niết bàn lại cho rằng đây không phải là hai phạm trù khác biệt nhau vì ngay trong quá trình tồn tại, nếu tu dưỡng tốt thì sẽ cảnh giới được Niết bàn vì sinh tử tức Niết bàn, phiền não tức Bồ Đề.

     Cũng về sự giải thoát, Phật giáo Nam tông chủ trương “tự độ, tự giác”, tức là người theo Phật giáo Nam tông tự giác ngộ, tự giải thoát cho bản thân mình mà không giác ngộ, không giải thoát được cho người khác. Song Phật giáo Bắc tông lại chủ trương “tự độ tự tha, tự giác tự tha”, nghĩa là người theo Phật giáo Bắc tông không chỉ giác ngộ, giải thoát cho chính mình mà còn giác ngộ, giải thoát cho chúng sinh. Chính quan điểm này là lý do dẫn đến vì sao gọi phái Tiểu thừa (Nam Tông) là cỗ xe nhỏ chỉ chở được ít người, con đường cứu vớt hẹp còn Đại thừa (Bắc tông) là cỗ xe to chở được nhiều người và con đường cứu vớt rộng.

     Thứ ba: Về mặt văn hóa

     Phật giáo Nam tông từ Ấn độ truyền đến các nước phía Nam. Mặt khác trước khi  Phật giáo Nam tông truyền đến, các nước này đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ và đạo Bà la môn nên Phật giáo Nam tông ở các nước như Srilanca, Myanma, Thái Lan, Campuchia, Lào… có sự tiếp thu của văn hóa Ấn Độ.  Các nước theo Phật giáo Nam tông thường tạo ra được lực lượng tín đồ đông đảo và ổn định nên nhiều nước Phật giáo đã trở thành quốc đạo, đặc biệt có quốc gia Phật giáo Nam tông trở thành gốc của văn hóa. Chính vì điều này, ở các nước theo Phật giáo Nam Tông sẽ ít có sự xâm nhập của các tôn giáo khác.

 

                

Kiến trúc Chùa của Phật giáo Nam tông

          Phật giáo Bắc tông khi truyền đến các nước phía Bắc thường qua con đường từ Trung Quốc sang nên những nước có Phật giáo Bắc Tông như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản.. chịu ảnh hưởng lớn bởi văn hóa Trung Quốc, nhất là Nho giáo và Lão giáo.  Các nước theo Phật giáo Bắc Tông hình thành lực lượng Phật tử thuần thành song lực lượng Phật tử này lại chịu ảnh hưởng của Phật giáo ở nhiều mức độ khác nhau nên rất khó xác định.

                                                      

                                   Kiến trúc Chùa của Phật giáo Bắc tông

 

           Thứ tư: về vấn đề thờ phụng

           Phật giáo Nam Tông thì chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca và các vị A La Hán có mẫu tượng giống người Ấn Độ. Song Phật giáo Bắc Tông, ngoài việc thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn thờ nhiều tượng Phật và Bồ tát khác nữa.

           Sở dĩ có sự thờ phụng khác biệt là do quan niệm về việc thờ phụng Phật của hai hệ phái khác nhau, cụ thể là:

          (1) Theo quan niệm của Phật giáo Nam tông, họ cho rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người bình thường như bao nhiêu con người bình thường khác. Ngài cũng có những nhu cầu cho đời sống: ăn, mặc, ở … và cũng chịu chung một định luật vô thường chi phối, phải trải qua những nỗi thống khổ của kiếp nhơn sinh là sinh, lão, bệnh, tử. Tuy nhiên, Ngài chỉ khác hơn người thường ở chỗ, Ngài đã hoàn toàn giác ngộ, do sau khi xuất gia nỗ lực tu hành mà thành đạt được đạo quả. Ngược lại, chúng sanh vì còn mê, nên tạo nghiệp thọ khổ trong vòng sinh tử luân hồi.

           Cũng theo phái Nam Tông thì ngoài Đức Phật Thích Ca ra, không có một vị Phật nào khác. Do đó, họ chỉ tôn thờ một hình tượng Phật Thích Ca và tạc hình tượng giống như người Ấn Độ, bởi lẽ, Phật là người Ấn Độ đi tu thành Phật.

          (2) Ngược lại, Phật giáo Bắc Tông có quan niệm khác. Theo Bắc Tông, thì Đức Phật Thích Ca khác hơn người thường. Vì muốn độ chúng sanh, nhất là loài người, nên Đức Phật mới thị hiện ở nơi loài người để tiện bề giáo hóa. Khi thân Phật thị hiện ở Ấn Độ chỉ là một giai đoạn tạm thời trong muôn triệu giai đoạn, một hóa thân trong muôn triệu hóa thân của Ngài. 

          Còn khi nói về các vị Bồ tát, Phật giáo Bắc tông cho rằng các vị Bồ tát cũng là người trợ lực cùng với chư Phật để độ sanh, mỗi vị đều có những công hạnh đặc biệt. Vì vậy, nên các chùa của Phật giáo Bắc tông đều tôn thờ nhiều vị Phật và nhiều vị Bồ tát. Các chùa của Phật giáo Bắc tông khi tạc, tô vẽ hay đúc hình tượng Phật Thích Ca đều có những nét giống người bản địa  vì như thế mới thực sự là Phật giáo của địa phương, mới thực sự thân thiết gần gũi, dễ cảm hóa.

         Thứ năm: Về cách thức tu hành

        Phật giáo Nam tông nhấn mạnh việc tự giải phóng thông qua nỗ lực của cá nhân. Phương tiện chính để đạt được giác ngộ là thông qua Thiền và coi trọng tầm quan trọng của tu viện; hầu hết nhà sư của Phật giáo Nam tông thường giành hết thời gian cho tu viện. Sắc phục thường là màu vàng và đi khất thực để sinh sống.  Song với Phật giáo Bắc tông thì phải tự do lao động để sinh sống và sắc phục thường mặc là áo màu nâu, khi hành lễ mới mặc đạo phục màu vàng.

        Mặc dù giữa Phật giáo Nam tông và Bắc tông có nhiều điểm khác biệt song cũng có điểm giống nhau căn bản như: điểm giống nhau dễ nhận thấy nhất giữa hai hệ phái này là cùng bắt nguồn từ đức Phật, và cùng tôn kính đức Phật Thích Ca. Giáo pháp cơ bản hai phái này đều dung đó là: Tứ diệu đế (1), Thập nhị nhân duyên (2) (Mười hai nhân duyên), Bát chánh đạo (3), Nhân quả (4), Nghiệp (5)…

                                 

                                      Đạo phục của Phật giáo Nam tông                  

 

                                                                                                                         Đạo phục của Phật giáo Bắc tông

        Ngoài ra, qua thời gian, Phật giáo Nam tông và Bắc tông cũng đã hình thành nhiều tông phái khác nhau như: Phật giáo Nam tông có tông phái Câu xá tông, Thành thực tông, Luật tông… và Phật giáo Bắc tông có các tông phái như Pháp tướng tông, Tam luận tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Chân ngôn tông (hay còn gọi là Mật tông), tịnh độ tông, Thiền tông…Ở đây sẽ làm rõ một số tông phái lớn có liên quan đến Phật giáo Việt Nam, cụ thể:

         Về tông phái Chân ngôn tông (hay còn gọi là Mật tông)

        Chân ngôn tông do một nhà sư Ấn Độ khai lập trong hoàn cảnh Phật giáo Ấn Độ đang suy vi, đạo Bà La môn phục hồi mạnh mẽ. Theo lịch sử nhà Phật, thì Chân ngôn tông có từ khoảng 800 năm sau khi Phật Thích Ca nhập diệt. Có 08 vị sư tổ của phái này xếp theo thứ tự là Đại Nhật Như Lai, Kim Cương Tát Đỏa, Bồ tát Long mãnh, Long Trí…

       Chân ngôn tông được hình thành từ Phật giáo Đại thừa kết hợp với yếu tố bùa chú, pháp thuật thần linh của Ấn độ giáo. Về phương diện tư tưởng và lý luận, Chân ngôn tông lấy Phật giáo Đại thừa làm nền tảng nhưng cách thức hành đạo mang màu sắc Ấn độ giáo, có tính chất huyền bí, nghi lễ rườm rà, phức tạp.

       Đến thế kỷ VIII, Chân ngôn tông chuyển sang Tây tạng và bắt đầu dung nạp các yếu tố tín ngưỡng bản địa nhất là tín ngưỡng sùng bái thần linh, ma quỷ và tin vào sự bói toán. Chân ngôn tông đề cao người xuất gia tu hành thậm chí coi họ là hóa thân của Phật. Sau đo Chân ngôn tông tiếp tục được truyền bá đến Mông cổ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…

       Ở Việt Nam, Chân ngôn tông truyền vào từ sớm. Tuy không tồn tại với tư cách một tông phái riêng nhưng Chân ngôn tông có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Việt Nam nhất là vào thời nhà Lý với các nhân vật tu hành nổi tiếng như Vạn Hạnh Thiền sư, Từ Đạo Hạnh, Khổng Minh Không…

       Về tông phái Tịnh độ tông

       Lịch sử về Tịnh độ tông ít được sử sách của Phật giáo ghi chép, chỉ biết rằng Tịnh độ tông do nhà sư Tuệ Viễn sáng lập tại chùa Đồng Lâm (Giang Tây, Trung Quốc) khoảng cuối thế kỷ IV TCN.

      Tịnh độ tông dựa vào 03 bộ kinh Vô lượng thọ, Quán vô lượng thọ và A Di đà. Nếu các tông phái khác của Phật giáo quan niệm phải tu tập từng bước để đến với sự giác ngộ thì Tịnh độ tông lại chủ trương thờ tam bảo, niệm Phật và dựa vào phật lực để giải thoát là chủ yếu.

      Theo Tịnh độ tông, có nhiều cách để niệm Phật. Tu niệm là niệm trước ban thờ Phật có chuông, mõ, đèn nhang; Mật niệm tức là niệm thầm theo từng thời gian không cần có bàn thờ Phật; Chuyên niệm là khi đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng phải niệm Phật. Khi niệm Phật dù bằng cách nào cũng phải giữ cho tâm yên tĩnh, không vọng động, phải hướng thiện và hướng thượng, luôn nhớ đến công đức cũng như lời răn của Phật và nhất là phải có niềm tin vào sự giác ngộ. Tịnh độ tông là một tông phái Phật giáo mang tính phổ quát, đễ dàng tu hành cho mọi đối tượng nên thu hút đông đảo tín đồ tham gia.

      Về tông phái Thiền tông

       Thiền tông là một tông phái Phật giáo hình thành ở Trung Quốc vào khoảng đầu thế kỷ VI –SCN nhưng lại do một nhà sư người Ấn Độ tên Bồ Đề Đạt Ma làm sơ tổ.

      Bồ Đề Đạt Ma cho rằng giáo thuyết của Phật giáo quá trừu tượng, quá nhiều kinh sách, văn tự nên khó khăn cho việc tu học. Vì vậy để tạo điều kiện cho người có trình độ văn hóa thấp, người bình dân dễ dàng tiếp thu giáo giáo lý nhà Phật, ông chủ trương tu Thiền (nghĩa là im lặng mà suy nghĩ) và ông xem tu thiền là cách tốt nhất để thấy được tâm, tính, giác ngộ vì Phật tại tâm tại tính.

      Theo Thiền tông có hai cách tu: tu Tiệm ngộ nghĩa là phải tu hành lần lượt vượt qua 52 bậc mới đạt quả vị Phật và tu Đốn ngộ nghĩa là giác ngộ nhanh với điều kiện người tu phải làm cho trí tuệ bừng sáng. Thực ra theo các Thiền sư thì tu Tiệm ngộ và tu Đốn ngộ có mối quan hệ với nhau, là hai quá trình nối tiếp nhau của người tu thiền vì Tiệm là nhân của Đốn và Đốn là quả của tiệm.

    Qua tìm hiểu cho thấy mặc dù Phật giáo là tôn giáo có nhiều tông phái, song các Tông  phái đều thợ phượng đấng tối cao là Đức phật và hiện nay Phật giáo cũng là một tôn giáo lớn của thế giới với quá trình hình thành và phát triển lâu đời.