THÔNG TIN HỘI THẢO QUỐC TẾ: ĐỔI MỚI CĂN BẢN PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Đăng vào 05/09/2021 17:32
TỔNG QUAN NHỮNG ĐỔI MỚI CĂN BẢN PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
TS.GVC Nguyễn Thị Dung
Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế
Bài viết tại Hội thảo quốc tế: “Nghiên cứu pháp luật doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh cải cách hành chính” tổ chức ngày 03/12/2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tóm tắt: Quản lý nhà nước và tự do kinh doanh trong nền kinh tế thị trường luôn cần sự phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong nhiều năm qua, hướng tới mục tiêu này, chủ trương cải cách hành chính được Đảng và Nhà nước Việt Nam đề ra, đặt nền móng cho nhiều đổi mới trong pháp luật kinh doanh nói chung và pháp luật doanh nghiệp nói riêng. Để góp phần làm rõ những đổi mới căn bản pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cải cách hành chính, chuyên đề này giới thiệu tổng quan những nội dung đổi mới chủ yếu, nổi bật về thủ tục gia nhập và rút khỏi thị trường, thủ tục và điều kiện đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Từ khóa: cải cách hành chính, đổi mới pháp luật doanh nghiệp, thủ tục đăng ký
I. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, sự phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế đã và đang trở thành yếu tố thúc đẩy cải cách hành chính và tiếp đó, chủ trương cải cách hành chính đã trở thành yếu tố quan trọng tác động đến quá trình đổi mới pháp luật nói chung và pháp luật về doanh nghiệp nói riêng. Chủ trương cải cách hành chính ở Việt Nam được bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam đã bước vào thời kỳ đổi mới được một thời gian, nền kinh tế đã bắt đầu chuyển động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước và trên thế giới khi đó, Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ. Trong bối cảnh này, “ nhiều nước trên thế giới trong quá trình phát triển của mình cũng tiến hành cải cách hành chính để đổi mới hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm tiếp tục đưa đất nước tiến lên và phát triển một cách bền vững. Những bài học của nhiều nước tiên tiến, theo nhiều con đường khác nhau đã tác động đến Việt Nam làm thay đổi nhận thức của nhiều nhà lãnh đạo đất nước. Nhiều người ở Việt Nam đã dần nhận ra rằng, cải cách hành chính nhà nước là một đòi hỏi có tính quy luật. Việt Nam cũng nằm trong quy luật đó”[1]
Chủ trương cải cách hành chính ở Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể mà các mục tiêu này chi phối và tác động mạnh mẽ đến quá trình đổi mới pháp luật doanh nghiệp. Đó là các mục tiêu nổi bật: Hoàn thiện thể chế và cơ chế thực hiện chính sách về kinh tế, về tổ chức hoạt động của hệ thống hành chính; Xóa bỏ các thủ tục hành chính quan lieu, rườm rà, tạo ra một hệ thống thủ tục đơn giản, công khai, thuận lợi; phân định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn rõ ràng .v..v…
Thể chế hóa chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước, pháp luật doanh nghiệp đã từng bước có những đổi mới quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính ở tất cả các giai đoạn của quá trình gia nhập và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp, của thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư cần tiến hành trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp và của dự án đầu tư. Mục tiêu căn bản của những đổi mới này là tính minh bạch, đơn giản về thủ tục và điều kiện, bãi bỏ, sửa đổi những quy định được coi là rào cản thực hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
II. Những đổi mới căn bản pháp luật doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cải cách hành chính (từ 1986 đến nay)
Những đổi mới căn bản trong pháp luật doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính từ những năm 1990 đến nay tập trung chủ yếu vào việc đơn giản hoá thủ tục gia nhập và rút khỏi thị trường, thủ tục đầu tư kinh doanh… Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cải cách thủ tục thủ tục hành chính trong thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể doanh nghiệp được tiến hành theo hướng đơn giản, minh bạch, là chủ trương luôn được chú trọng để cải thiện tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh và thực sự Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, nổi bật với các nội dung:
1. Xóa bỏ cơ chế xin – cho trong thủ tục thành lập doanh nghiệp
Cơ chế “xin – cho” trong thủ tục thành lập doanh nghiệp được thực hiện từ những năm 1990, theo quy định tại những văn bản pháp luật đầu tiên về doanh nghiệp là Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 và Luật Công ty năm 1990[2]. Đây cũng là giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu đề ra nhiệm vụ “cải cách nhiều mặt”, và nhận định rõ trong nhiều văn kiện chính trị rằng: Nếu không cải cách nền hành chính thì sự tồn vong của chế độ sẽ bị ảnh hưởng là điều chắc chắn”[3].
Theo các quy đinh của Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) và Luật Công ty (1990), người thành lập doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau khi được cấp giấy phép thành lập, doanh nghiệp sẽ thực hiện đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Với hai thủ tục xin phép cấp phép và đăng ký kinh doanh, thủ tục thành lập doanh nghiệp không chỉ bị kéo dài về thời gian, phức tạp rườm rà về quy trình thực hiện vì diễn ra ở nhiều cơ quan mà còn bị đánh giá là không phù hợp với quyền tự do kinh doanh được ghi nhận tại Điều 57 Hiến pháp 1992 – “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”[4].
Từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp được hủy bỏ. Tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh. Việc bãi bỏ cơ chế “xin – cho” trong thành lập doanh nghiệp không chỉ rút ngắn đáng kể quy trình thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục hành chính mà còn có ý nghĩa là một đổi mới quan trọng, phù hợp với quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp ghi nhận – Tự do kinh doanh đồng nghĩa với việc khi kinh doanh không cần phải xin phép, chỉ cần thực hiện đăng ký hoạt động để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước.
Bãi bỏ cơ chế “xin – cho” trong thủ tục thành lập doanh nghiệp được coi là một điểm nhấn quan trọng ở giai đoạn đầu tiên của quá trình thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam.
2. Chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, giảm thiểu các điều kiện gia nhập thị trường, giảm thiểu các loại giấy tờ trong thủ tục hành chính
Việc giảm thiểu các điều kiện gia nhập thị trường và giảm thiểu các loại giấy tờ trong thủ tục hành chính thành lập doanh nghiệp được đổi mới theo cơ chế chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, theo đó, nhiều điều kiện kinh doanh không còn thuộc diện phải kiểm tra trước khi thành lập doanh nghiệp như điều kiện về vốn, điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân thân người thành lập doanh nghiệp… Việc giảm bớt các nội dung “tiền kiểm” đồng nghĩa với việc bãi bỏ khá nhiều thủ tục xác nhận với nhiều loại giấy tờ cần đáp ứng trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, ví dụ như xác nhận mức vốn, xác nhận về nhân thân người thành lập doanh nghiệp, chứng chỉ hành nghề đối với những trường hợp cần về điều kiện chuyên môn… Với các điều kiện kinh doanh thuộc diện hậu kiểm này, doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng trong quá trình hoạt động, song việc kiểm soát bằng hậu kiểm đã làm đơn giản hóa một cách đáng kể thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp. “Chế độ “hậu kiểm” hình thành do yêu cầu thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong thành lập và đăng ký doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam xác định rõ nguyên tắc tự giác, trung thực trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo nguyên tắc này, người thành lập doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh không có nghĩa vụ kiểm soát, thẩm định các điều kiện thuộc diện hậu kiểm. Tuy nhiên, cùng với những cơ quan có thẩm quyền khác, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về điều kiện thành lập khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Chế độ “hậu kiểm” có ý nghĩa quan trọng trong việc đơn giản hoá thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp, tạo con đường gia nhập thị trường thông thoáng, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh thu hút vốn đầu tư tại Việt Nam”[5].
3. Xóa bỏ mạnh các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết
Trong khi thủ tục đăng ký doanh nghiệp đang ngày càng đơn giản và nhanh gọn, thủ tục gia nhập thị trường và đi vào hoạt động của doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó với những rào cản liên quan đến điều kiện kinh doanh áp dụng với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật Đầu tư (2014) quy định 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện[6] với 5.826 điều kiện kinh doanh[7] đã là một kết quả tích cực sau quá trình sàng lọc, cắt giảm. Năm 2016, Luật số 03/2016/QH14 về sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (2014) đã cắt giảm thêm 24 ngành nghề, còn lại 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sau quá trình ra soát và ban hành mới các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh theo đúng thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh quy định tại Luật Đầu tư (2014), kết quả xác định hiện tại đang có 6.191 điều kiện kinh doanh[8], áp dụng cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây là vẫn còn là con số quá lớn, dẫn đến nhiều cản trở, kém thuận lợi cho doanh nghiệp. Do vậy, năm 2018, Chính phủ ra Nghị quyết số 19–2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó yêu cầu bãi bỏ, đơn giản hoá50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để tiếp tục tháo bỏ các rào cản không cần thiết[9].
Với những ngành nghề kinh doanh có thể tác động đáng kể đến lợi ích công cộng, việc quản lý nhà nước bằng điều kiện kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên, theo “Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp với Ngân hàng Thế Giới (WB) thực hiện, trong số 243 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện hiện hành, có nhiều ngành nghề không có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng, cũng không rõ tính đặc thù so với các ngành nghề khác như kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ lữ hành… Nhiều ngành nghề kinh doanh mà các điều kiện kinh doanh có thể thay thế được bằng biện pháp quản lý khác như quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra, quy định quản lý quá trình kinh doanh, như: sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, kinh doanh dịch vụ đại lý tầu biển, kinh doanh dịch vụ in (trừ in bao bì), sản xuất gạo… Nếu thay thế theo cách quản lý này, sẽ tiếp tục giảm bớt các nhiều điều kiện kinh doanh và sẽ giảm bớt cản trở gia nhập thị trường, góp phần đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp[10].
Việc kiểm soát ngành nghề kinh doanh bằng điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng, sức khoẻ cộng đồng, môi trường… nên phải chứng minh được tính đặc thù của ngành nghề bị kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh so với các ngành nghề còn lại khi đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiếp tục chỉ ra 16 ngành nghề đang bị kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh và 10 ngành nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp[11], có thể bãi bỏ và sửa đổi trong thời gian tới.
4. Giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Những năm 1990, thủ tục thành lập doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian. Điều 10, Điều 11 Luật Công ty năm 1990 quy định: “Uỷ ban nhân dân nhận đơn phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đơn” và “ trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày được giấy phép thành lập, chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế cùng cấp”. Trong hai luật đầu đầu tiên về Doanh nghiệp tư nhân và công ty này cũng không có quy định cơ quan đăng ký kinh doanh phải giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh trong thời gian bao lâu. Quy định thiếu minh bạch này dẫn đến tình trạng không thể xác định được thời gian tối đa sẽ tiến hành xong thủ tục thành lập một doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã vừa bỏ thủ tục xin phép thành lập vừa rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh xuống còn 15 ngày[12]. Luật Doanh nghiêp 2005 quy định thời hạn này còn 10 ngày[13] và Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rút ngắn thời gian cấp GCN đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày[14]. Ngoài ra, để gia nhập thị trường, các quy định tại Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, Luật công ty 1990, Luật doanh nghiệp năm 1999 và Luật Doanh nghiệp năm 2005 còn quy định một số thủ tục khác như đăng ký mã số thuế, đăng ký con dấu… làm kéo dài hơn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết yêu cầu về đăng ký doanh nghiệp luôn là một nhiệm vụ đặt ra để đổi mới thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. “Kể từ năm 2007, khi thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký thuế và các thủ tục liên quan đến con dấu, đến nay, quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh đã từng bước được đơn giản hóa, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi gia nhập và hoạt động trên thị trường. Cụ thể. thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định đã được giảm từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước năm 2005) xuống 22 ngày làm việc (từ khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực), 15 ngày làm việc (kể từ năm 2007), 5 ngày làm việc (kể từ năm 2008 đến năm 2014) và hiện nay chỉ còn tối đa 3 ngày làm việc”[15] (xem sơ đồ minh họa):
Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn
Với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp, số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng đã tăng đột biến. Tuy nhiên, mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng cao, thời gian xử lý trung bình một hồ sơ lại giảm từ 4.24 ngày trong năm 2014 xuống còn 2.3 ngày trong năm 2018. Theo tính toán của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, với những thay đổi mới đây tại Nghị định số 108/2018/NĐ-CP[16], doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 540.000 lượt đi lại và hơn 1 triệu giờ làm việc mỗi năm. Bên cạnh đó, với mục tiêu giảm chi phí khởi sự kinh doanh và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kể từ ngày 20/01/2018, lệ phí đăng ký doanh nghiệp đã được giảm 50% so với quy định trước đây và miễn 100% nếu doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử (theo quy định tại Thông tư số 130/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 215/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp)[17].
5. Quy định cơ chế kiểm soát sự gia tăng các yêu cầu và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật
Nỗ lực giảm thiểu và dần xóa bỏ các “giấy phép con” luôn là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, việc thực hiện nhiệm vụ này của Việt Nam khá vất vả do chu trình xóa bỏ, giảm thiểu rồi lại tiếp tục gia tăng trở lại của các điều kiện kinh doanh. Một trong các nguyên nhân là ở Việt Nam, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh của các ngành nghề đó chủ yếu được ban hành bởi các Bộ quản lý ngành và thiếu một cơ chế kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh này. Đến Luật Đầu tư năm 2014, thực trạng này được xóa bỏ và việc kiểm soát điều kiện kinh doanh đã được quy định khá hợp lý, minh bạch, theo đó:
– Quốc hội là cơ quan quy định Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tức là quy định ngành nghề nào là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (hiện tại Danh mục này được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư do Quốc hội thông qua năm 2014).
– Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể áp dụng đối với mỗi ngành, nghề được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, tức là chỉ có Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới được quy định về các điều kiện đầu tư kinh doanh. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh[18]. Quy định này chấm dứt thời kỳ các Bộ ngành tự quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và rất khó để kiểm soát sự gia tăng liên tục cử các quy định này.
Với sự phân định rõ về thẩm quyền như vậy, từ 2014 đến nay, việc ban hành quy định pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh đang trong xu hướng giảm dần và về cơ bản không tái diễn hiện tượng gia tăng trở lại.
6. Đổi mới thủ tục đầu tư theo hướng đơn giản, minh bạch, không phân biệt đối xử, tạo thuận lợi thu hút đầu tư
Đổi mới thủ tục đầu tư theo hướng đơn giản, minh bạch, không phân biệt đối xử, tạo thuận lợi thu hút đầu tư thể hiện ở các khía cạnh sau đây:
Một là, pháp luật quy định phân cấp mạnh về thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh
Ở đầu thời kỳ đổi mới, các việc liên quan đến cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài hầu hết đều thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Từ Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996, Luật Doanh nghiệp năm 1999, Nhà nước đã thực hiện phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư (giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh. Việc phân cấp này đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi phải tiến hành các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư theo quy định.
Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, thẩm quyền cấp phép, cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp còn chưa thống nhất, nhiều đầu mối, gây khó khăn, phức tạp cả trong thực hiện thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp và quá trình quản lý hoạt động kinh doanh, đăng ký kinh doanh của cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật Doanh ngiệp (2014), các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện đăng ký thành lập tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề đặc thù, theo quy định của pháp luật chuyên ngành, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề này sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành. Ví dụ, các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động … giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trong khi đó các ngân hàng thương mại, công ty tài chính có làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp như các doanh nghiệp khác. Tồn tại này cho thấy chưa có sự thống nhất về đầu mối thực hiện đăng ký và quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tương tự như vậy, hiện nay, hoạt động luật sư, công chứng, giám định, giáo dục và đào tạo… cũng đã được xác định rõ là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên các ngành, nghề này lại không được đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư năm 2006; Luật Công chứng năm 2006. Hậu quả là nhiều tổ chức hành nghề luật sư hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho các doanh nghiệp theo các luật chuyên ngành là cần thiết vì giúp các cơ quan chuyên môn kiểm soát việc đáp ứng cá điều kiện đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp ở những lĩnh vực đặc thù (như hàng không, tín dụng, bảo hiểm …). Luật Đầu tư (2014) và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 cũng quy định những ngành nghề này thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (tại Phụ lục IV). Tuy nhiên, hiện nay, đang có sự không thống nhất về thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong khi thủ tục phổ biến áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là:
(1) Đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh:
(2) Đăng ký/thông báo việc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh hoặc cấp phép hoạt động (áp dụng cho các ngành nghề đó)
thì đối với một số Luật chuyên ngành vẫn giữ quy trình ngược lại, đó là cấp phép trước, đăng ký doanh nghiệp sau. Ví dụ: Điều 24 Luật các tổ chức tín dung năm 2010 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động như sau: “Sau khi được cấp giấy phép, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật”. Đây là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay.
Hai là, Pháp luật về thủ tục đầu tư được hoàn thiện theo hướng ngày càng đảm bảo tính minh bạch, theo đó, Luật đầu tư hiện hành quy định rõ trong luật các danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và đặc biệt, luật quy định rõ thẩm quyền và thủ tục đầu tư, trong đó, lần đầu thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh đối với những dự án lớn, quan trọng, có tác động lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội[19]. Trước đây, nội dung này không được quy định rõ trong Luật đầu tưu 2005, trong khi nhiều dự án đầu tư vẫn cần quyết định chủ trương của Quốc Hội và thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư lại được quy định trong các văn bản dưới luật. Năm 2006, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 66/2006/QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Năm 2010, nghị quyết này được thay thế bằng Nghị quyết số 49/2010/QH12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Khi thẩm quyền này không được quy định trong Luật đầu tư hiện hành, có thể dẫn đến những hiểu biết không đầy đủ về thẩm quyền và thủ tục đầu tư, dẫn đến những khó khan, thiếu sót trong quá trình áp dụng pháp luật. Bất cập này đã được giải quyết khi Luật Đầu tư năm 2014 được ban hành, thay thế cho Luật đầu tư năm 2005.
Ba là, pháp luật được xây dựng theo hướng đảm bảo môi trường đầu tư bình đẳng, không phân biệt đối xử
Giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, Việt Nam áp dụng các chính sách đầu tư và chế độ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau giữa các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, giữa đầu tư của nhà nước và đầu tư của tư nhân. Điều này thể hiện rõ nét cả về hình thức và nội dung các quy định pháp luật, thông qua một cấu trúc pháp luật có Luật Đầu tư nước ngoài áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước áp dụng cho nhà đầu tư trong nước, Luật Doanh nghiệp nhà nước áp dụng cho tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Cấu trúc pháp luật này cho thấy có sự khác biệt nhất định về chính sách, pháp luật và có sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư khác nhau.
Luật Đầu tư năm 2014 được ban hành có phạm vi và đối tượng áp dụng là các các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư nhà nước và nhà đầu tư tư nhân. Tất cả các nhà đầu tư khi tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đều thực hiện chung một luật, chung một khung khổ pháp lý, chung một chế độ khuyến khích, ưu đãi, đảm bảo đầu tư. Một số quy định riêng áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là các quy định liên quan đến thủ tục và cơ bản phù hợp các cam kết quốc tế, ví dụ các quy định liên quan đến kiểm soát tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước trong doanh nghiêp
7. Thủ tục giải thể rút khỏi thị trường
Thủ tục giải thể để rút khỏi thị trường không chỉ được tiến hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà trước đó còn có nhiều thủ tục cần thực hiện tại nhiều cơ quan khác nhau như thủ tục xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, chấm dứt hiệu lực của mã số thuế tại cơ quan thuế, thủ tục chốt sổ bảo hiểm cho người lao động tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện, thủ tục trả con dấu tại cơ quan công an… Về nguyên tắc, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đã hoàn tất các nghĩa vụ thanh toán nợ nên việc thực hiện các thủ tục trên đây là tất yếu để chứng minh việc đã thanh toán hết nợ. Tuy nhiên đã có không ít trường hợp không vượt qua được thủ tục hành chính tại các cơ quan này, dẫn đến việc doanh nghiệp bỏ dở thủ tục giải thể đang tiến hành. Trên thực tế, có những quy đinh mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có ảnh hưởng tích cực đến việc đơn giản hóa thủ tục giải thể, ví dụ như việc quy định doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu và chỉ cần thông báo mẫu dấu tại cơ quan đăng ký kinh doanh[20], bỏ thủ tục xin phép cấp con dấu được tiến hành tại cơ quan công an. Như vậy, những doanh nghiệp thành lập sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực không cần phải thực hiện các thủ tục về quản lý con dấu tại cơ quan công an, kể cả thủ tục trả con dấu tại cơ quan công an khi doanh nghiệp giải thể.
Kết luận: Những năm qua, cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư đã nhận được sự đánh giá tích cực từ nhiều phía. Tại Báo cáo Doing Business – Môi trường kinh doanh năm 2019 do Ngân hàng Thế giới công bố, Chỉ số khởi sự kinh doanh năm 2018 của Việt Nam đạt 84,82/100 điểm, tăng 19 bậc so với năm trước. Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong chỉ số này tại Việt Nam khi việc thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn bằng cách cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký kinh doanh. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018 ghi nhận gia nhập thị trường là lĩnh vực xếp thứ nhất về mức độ hài lòng so với lĩnh vực khác trong vòng 12 năm liên tiếp. Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đánh giá đăng ký kinh doanh là lĩnh vực đứng thứ hai về chi phí tuân thủ thấp nhất trong số 08 lĩnh vực được đánh giá. Ngoài ra, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện trên cơ sở thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đăng ký kinh doanh đã duy trì là một điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Tác giả: TS.GVC Nguyễn Thị Dung
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nxb Sự Thật
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nxb Sự Thật
- GS,TSKH Nguyễn Văn Thâm, Cải cách hành chính ở Việt Nam: Thành tựu và các rào cản hiện nay, hids.hochiminhcity.gov.vn, truy cập 6/11/2019
- TS Nguyễn Thị Dung (chủ biên), Luật Kinh tế chuyên khảo, NXB Lao động, 2017
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Ngân hàng Thế giới, “Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh”
- Sông Hồng, Để Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đi vào cuộc sống, Báo điện tử Nghệ An baonghean.vn truy cập 30/10/2019
- Trường Đại học Luật Hà Nội ( 2019), Luật học Việt Nam – những vấn đề đương đại, nxb Tư Pháp
- TS Trần Thị Hồng Minh, Cải cách đăng ký kinh doanh: Những kết quả sau gần 4 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, https://dangkykinhdoanh.gov.vn truy cập 21.1.2019
- Trần Thị Hồng Minh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, “Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhìn lại 10 năm hình thành và phát triển” https://dangkykinhdoanh.gov.vn, truy cập 5/5/2019
- Hiến pháp năm 1992
- Luật Doanh nghiệp năm 1999
- Luật Đầu tư năm 2014
- Nghị quyết số 19 – 2018/NQ-CP cuả Chính phủ ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo
- Nghị quyết số 49/2010/QH12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
- Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ -CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp
- https//vtv.vn truy cập ngày 30/10/2019