THIÊN CHÚA BA NGÔI
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, gọi là Chúa Nhật Ba Ngôi Thiên Chúa, được mừng trọng thể vào Chúa Nhật sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Năm nay lễ rơi vào ngày 12 tháng 6. Chúng ta phải nghĩ đến màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi -Ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần- để hiểu biết thêm về Thiên Chúa Ba ngôi.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật là sâu thẳm, trí loài người không thể hiểu nổi. Chỉ có cảm nghiệm, linh hứng và Niềm Tin do ân sủng Thiên Chúa ban mới biết được. Theo thời gian, nhiều thánh nhân đã nói về sự quan trọng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi -thật Vĩ Đại nhưng Đơn Giản và đầy Quyền Năng- có thể biến đổi tâm hồn người tín hữu từ u tối tới sáng láng để hiểu biết Lời Chúa.
Để nêu lên tính siêu việt và tỏ lòng cung kinh đối với Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy nghe lại những suy tư của 10 vị thánh đáng kính mà tôi trích dẫn dưới đây như một chứng minh Thiên Chúa có Ba ngôi:
1-Thánh Âu Tinh (St.Augustine): “Được sinh ra giống hình ảnh của Thiên Chúa mà lại được Thiên Chúa Ba Ngôi ban ân sủng thì là một vui mừng tột độ thực sự và hoàn hảo, không có hân hoan nào có thể to lớn hơn và trọn vẹn bằng”.
2-Thánh Teresa thành Avila: “Dù Ba ngôi Thiên Chúa riêng biệt khác nhau. Nhưng ơn thông minh hiểu biết tuyệt vời thì là ở nơi Chúa Thánh Thần và tràn ngập sự thật hoàn hảo. Cả Ba đều thuộc về một Bản Thể, một quyền năng và một thông minh hiểu biết; và là một Thiên Chúa.”
3-Thánh Seraphim thành Sarov (St Seraphim of Sarov): “Dù chúng ta đầy dẫy tội lỗi, dù tâm hồn chúng ta bị bóng tối dày đặc bao phủ, nhưng Hồng Ân Thiên Chúa Ba Ngôi -nhờ phép Thanh Tẩy nhân danh Cha và Con và Thánh Thần- vẫn chiếu sáng tâm hồn chúng ta bằng ánh sáng vĩnh cửu không bao giờ tắt của Chúa Kito là, khi kẻ tội lỗi trở lại ăn năn thống hối thì ánh sáng sẽ nhẹ nhàng xóa bỏ mọi tỳ vết tội lỗi đã phạm, mặc cho kẻ đã từng phạm tội một cái áo mới trong trắng, có ơn Chúa Thánh Thần. Đó là sự chuộc lại, tha thứ của Chúa Thánh Thần mà tôi đã nói tới.”
4-Thánh Patrick (from St.Patrick’s Breastplate’ prayer/trích từ Lời nguyện của thánh Patrick mặc áo giáp): “Hôm nay tôi lấy sức mạnh phi thường của Ba Ngôi Thiên Chúa mà tuyên xưng với cả Ba Ngôi bằng niềm tin vào Một duy nhất mà tôi đã được tạo thành.”
5-Thánh Catherine thành Siena: “Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa! Ba Ngôi vĩnh cửu! Là tình yêu nóng như lửa, sâu thẳm như vực sâu không đáy…Ngài có cần ban Chúa Thánh Thần làm của ăn linh hồn không, trong khi Ngài không những đã ban Lời của Ngài qua ơn cứu chuộc và trong phép Thánh Thể Chúa mà còn ban cho nhân loại chính Ngài là tinh yêu trọn vẹn rồi?”
6-Thánh Thomas Aquinas: “Thiên Chúa Cha yêu mến không chỉ Chúa Con, mà còn chinh Ngài và chúng ta nữa, qua Chúa Thánh Thần.”
7-Thánh Ambrose: “Hãy thức dậy, hỡi kẻ đang ngủ mê…Hãy thức dậy và đi đến với Giáo Hội, là nơi có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
8-Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Một màu nhiệm vĩ đại! một tình yêu nhiệm mầu! một mầu nhiệm không thể xóa mờ! Đứng trước nó không ai có thể nói lên lời mà chỉ còn yên lặng vì ngỡ ngàng và thờ lạy. Đây là một màu nhiệm Thiên Chúa có liên hệ đến chúng ta và đang thách thức chúng ta, vì cuộc sống ba ngôi đã được chia sẻ cho chúng ta nhờ Hồng Ân, Nhập thế Cứu Chuộc của Lời và quà tặng của Chúa Thánh thần.”
9-Thánh Faustina: “Khi Một trong Ba Ngôi thông công với thần tính của mình, do quyền năng của một ngôi thì tự nhiên sẽ liên kết với ba ngôi và tràn đầy hạnh phúc lan chảy từ Chúa Thánh Thần, cùng một loại hạnh phúc đã nuôi dưỡng các thánh. Tính đồng hạnh phúc này -tuôn chảy từ Thiên Chúa Ba Ngôi- sẽ làm cho muôn vật được hạnh phúc. Từ suối nguồn đó, sự sống sẽ hưng phấn trở lại và phát sinh mọi sự sống có khởi nguồn từ Ngài.”
10-Thánh Francis de Sales (Trích từ Lời Kinh tận hiến cho Thiên Chúa ba Ngôi): “Tôi thề hứa và tận hiến cho Thiên Chúa tất cả mọi sự hiện có trong tôi: Ký ức và hành động của tôi đối với Thiên Chúa Cha; Hiểu biết của tôi và lời nói của tôi đối với Thiên Chúa Con; ước vọng của tôi và mọi suy nghi của tôi đối với Thiên Chúa là Chúa Thánh linh.”
Ước mong những lời trích của các thánh như ở trên giúp chúng ta hiểu biết thêm về Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bs. Nguyễn Tiến Cảnh
BA NGÔI MỘT CHÚA
Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng Tam Vị Nhất Thể, là Thiên Chúa “ba trong một.” Trong cuốn “Theology for Beginners” – Thần Học Cho Người Mới Bắt Đầu, tác giả Frank Sheed cho biết: “Không cuốn sách nào về giáo lý dạy chúng ta nhiều như Sách Lễ, với điều kiện là bạn phải hiểu biết.”
Chúa Nhật kính trọng thể Chúa Ba Ngôi, bắt đầu với lời khuyên của Sheed, chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị tốt để tham dự lễ này, trước tiên là Lời Giới Thiệu về Tam Vị Nhất Thể trong Sách Lễ.
Chúa Cha là Đấng toàn năng và hằng sống, chúng ta luôn luôn tạ ơn Ngài mọi nơi và mọi lúc.
Chúng ta vui mừng tuyên xưng Đức Tin trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Ngài như vinh quang của Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Ba Ngôi bằng nhau về uy quyền, không phân chia sự huy hoàng, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa, được phụng thờ trong vinh quang muôn đời.
Lễ trọng này công bố Mầu Nhiệm Trung Tâm của Đức Tin: Một Chúa Ba Ngôi.
Đôi khi chúng ta, những người Kitô hữu, lại lãng quên điều đó. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu, hoặc Thánh Thể, hoặc giới răn yêu thương mới là trung tâm điểm. Chắc chắn những điều này rất quan trọng đối với Kitô giáo, nhưng Thiên Chúa mặc khải chính Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi, đó mới là quan trọng nhất.
Mặc khải Thiên Chúa Ba Ngôi cho chúng ta biết Ngài LÀ AI và LÀ GÌ. Thiên Chúa Ba Ngôi là cốt lõi của mọi niềm tin Kitô giáo, như cấu trúc Kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ hoặc Kinh Tin Kính của Công đồng Nicê đã chứng tỏ.
Khi diễn tả AI là Thiên Chúa Ba Ngôi, Lời nói đầu của Sách lễ lặp lại Kinh Tin Kính bằng cách nêu danh Một Thiên Chúa Ba Ngôi theo các mối quan hệ chứa đựng trong đó – Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Tập trung vào các mối quan hệ giữ Ba Ngôi trong Tam Vị Nhất Thể, trong Kinh Tin Kính và Lời nói đầu, đã khai mở tính hợp lý đó. Sách Giáo lý Công giáo gọi tính hợp lý này là “bí mật tận cùng” (the innermost secret) về Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Chính bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Bằng cách sai Con Một và Chúa Thánh Thần Yêu thương một cách trọn vẹn, Thiên Chúa đã mặc khải bí mật tận cùng của Ngài: Chính Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – trao đổi tình yêu hằng hữu, và Ngài tiền định chúng ta cùng chia sẻ sự trao đổi đó.” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 221)
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Patheos.com)
CHÚA BA NGÔI VÀ SỰ THÁNH HÓA GIA ĐÌNH
Khi còn là học sinh trung học, cha tôi và tôi thường tham gia vào các cuộc hội thảo thần học. Tôi là đứa trẻ ham học hỏi (lớn lên sẽ học thần học ở đại học và cao học), còn cha tôi đang học thần học theo chương trình đào tạo mục vụ giáo dân. Chính cha tôi là người đầu tiên nói với tôi về sự tương đồng giữa gia đình và Chúa Ba Ngôi.
Tất nhiên nó khác xa so với sự tương tự hoàn hảo, vì nhiều lý do. Đó chỉ là một minh họa cho một số khía cạnh của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi – Tam Vị Nhất Thể.
CỘNG ĐỒNG GIA ĐÌNH
Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, có ba Ngôi Vị, nhưng chỉ có một bản tính duy nhất – thần tính. Trong một gia đình loài người, dù có bao nhiêu người, họ vẫn không có chung bản chất con người. Có sự khác biệt và thiếu sự hiệp nhất giữa các thành viên của một gia đình nhân loại mà đơn giản là không thể có trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mặc dù gia đình là một cộng đồng gồm những con người, nhưng nó thường là một cộng đồng lộn xộn! Có những ý kiến khác nhau giữa vợ chồng và anh chị em. Những bất đồng nhỏ xảy ra hằng ngày ngay cả trong những gia đình tốt nhất. Đó là cuộc đấu tranh hằng ngày để loại bỏ ý riêng sang một bên vì ý muốn của người khác.
Tất cả rất thường xuyên, gia đình chúng ta bị tàn phá bởi những ảnh hưởng Tội Nguyên Tổ. Các thành viên có thể vận dụng hoặc thậm chí lạm dụng các thành viên khác. Có sự ích kỷ. Có sự bất hòa. Có những buổi sáng gắt gỏng và những đêm mất ngủ. Nhưng gia đình luôn muốn noi gương sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Gia đình bây giờ không giống như trước, khi Ađam và Êva phạm tội. Nhưng chúng ta không cần phải vung những cánh tay chung của mình, tuyệt vọng về cuộc sống của sự thánh hóa và sự trọn vẹn mà chúng ta đã được tạo ra. Chúng ta có thể chiêm ngắm và cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi, để hiểu được gia đình của chúng ta có thể là gì, nếu chúng ta phó thác cho Thiên Chúa.
HIỆP NHẤT BA NGÔI
Sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được ám chỉ trong các Phúc Âm: Cha và tôi là một, ai thấy tôi là thấy Cha, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài… Nhưng động lực của mối quan hệ là gì?
Thần học Công giáo cho chúng ta biết rằng Chúa Cha vĩnh viễn nhìn vào Chúa Con, và Chúa Con nhìn Chúa Cha. Tình yêu giữa Cha và Con thật đến mức nhiệm xuất Ngôi Ba – Chúa Thánh Thần. Do đó, thần học Công giáo xác định rằng Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ cả hai Ngôi. Đó là sự đơn giản hóa học thuyết phong phú này, và cuối cùng, đó là một mầu nhiệm.
Khi Giáo Hội nói rằng chân lý của đức tin là một “mầu nhiệm” thì Giáo Hội không ngụ ý điều đó theo cách mà một người mẹ cứ khăng khăng với một đứa trẻ đang phản đối: “Đó là sự thật bởi vì mẹ đã nói như vậy!” Hơn nữa, Giáo Hội có nghĩa là có chiều sâu rộng lớn đối với sự thật đặc biệt đó – chiều sâu mà chúng ta sẽ lao xuống đời đời mà không đạt đến tận cùng.
Sự sống của Chúa Ba Ngôi không có nghĩa là một thực tại trừu tượng, xa vời. Sự trao đổi hoàn hảo và vĩnh cửu của tình yêu – đó là điều mà mỗi chúng ta đã được tạo ra để nghỉ ngơi trong trái tim mãi mãi. Nhờ ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tiền định để kết hợp vĩnh viễn với Thiên Chúa Ba Ngôi, dự phần vào sự sống Ba Ngôi. Tên của học thuyết này là “Thần Thánh Hóa” và lần đầu tiên tôi nghe thấy được trình bày rõ ràng trong một lớp thần học đại học, điều đó đã thay đổi cuộc đời tôi.
Thánh Athanasiô có câu nói nổi tiếng: “Thiên Chúa trở thành con người để con người có thể trở thành Thiên Chúa.” Thực tế này là những gì ngài đề cập – không phải là chúng ta sẽ trở nên thần thánh, mà là chúng ta sẽ bị cuốn hút vào sự kết hợp yêu thương sâu sắc tới mức chúng ta sẽ được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên Sự Nhập Thể đã biến điều đó thành hiện thực. Bởi vì Sự Nhập Thể, và Sự Thăng thiên của Đức Kitô – với tư cách là con người và Thiên Chúa, bản chất con người giờ đây nghỉ ngơi trong Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu Kitô không trút bỏ bản tính con người khi trở về với Chúa Cha. Bởi vì sự kết hiệp xảy ra trong Ngài – bản tính Thiên Chúa của Ngài kết hiệp với bản tính con người – Ngài đã mang bản tính con người đến nơi mà nó không thể vượt qua được bằng cách khác.
VẬN MỆNH GIA ĐÌNH
Sự sống của Chúa Ba Ngôi là tình yêu vị tha, được tuôn đổ không ngừng cho nhau. Tình yêu này không phải là cảm giác hạnh phúc, mà là niềm vui sâu sắc hơn – loại niềm vui chỉ có thể có được khi tất cả đã được trao cho người mình yêu. Trong các gia đình không hoàn hảo của chúng ta, đó cũng là loại tình yêu mà chúng ta được kêu gọi. Làm sao có thể thấy điều đó trong các gia đình tan vỡ hoặc không hoàn hảo?
Ý nghĩa thần học sâu xa hơn không có nghĩa là chúng ta nên gạt bỏ những hành vi kém cỏi của người khác sang một bên. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chịu đựng sự lạm dụng từ vợ hoặc chồng, cha mẹ hoặc con cái. Đúng hơn, dù xứng đáng hay không, nó có nghĩa là cuối cùng chúng ta được mời gọi đến một nơi có niềm khao khát thánh hóa người khác.
Trong một số gia đình, điều này ít phức tạp hơn. Mỗi người tương đối khỏe mạnh về thể lý và tinh thần, tất cả đều khá tốt. Tuy nhiên, ngay cả trong một gia đình như vậy cũng vẫn có những thử thách – một đứa con xa rời Giáo Hội khi trưởng thành, một người anh chị em có lối sống khác với lối sống mà họ đã được nuôi dạy, v.v… Bất cứ cách khuyến khích nào cũng phải được thực hiện với tình yêu của Chúa Ba Ngôi trong tâm trí. Bất đồng quan điểm không phải là để thắng trong một cuộc tranh cãi, mà là để giành lấy trái tim. Điều này không có nghĩa là các gia đình sẽ luôn đồng ý. Nhưng nếu các gia đình hoạt động từ nơi tình yêu được rập khuôn theo sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, quay trở lại với Ngài trong sự yếu đuối của họ, đó là một chặng đường dài.
Đáng buồn thay, có những gia đình mà bức tranh còn phức tạp hơn. Ví dụ, nếu có sự lạm dụng, tình yêu không đòi hỏi bạn phải ở lại. Tuy nhiên, tình yêu không chỉ đòi hỏi lòng thương xót, mà còn đòi hỏi sự công bằng. Cuối cùng công lý là của Thiên Chúa, nhưng một phần của quá trình đó đang tách rời khỏi thành viên lạm dụng của gia đình – không chỉ vì sự chữa lành và an toàn của nạn nhân mà còn vì trách nhiệm và sự chữa lành của người lạm dụng. Một số trong các mối quan hệ này có thể không bao giờ được hàn gắn, nhưng có thể cần thời gian và không gian để hàn gắn ở đời này.
Những người không có gia đình thì sao? Họ cũng được kêu gọi để nghỉ ngơi trong Chúa Ba Ngôi. Có lẽ không ai khác có thể nhận ra sự cần thiết của điều đó hơn những người có gia đình.
Quá dễ dàng để biến gia đình – hình ảnh Chúa Ba Ngôi – trở thành lý tưởng cao cả hơn mà thực tế nó muốn phản ánh. Gia đình không phải là mục đích cuối cùng. Nó chỉ có ý nghĩa là một phần trong hành trình tới Thiên Đàng, nơi tất cả sẽ được hiệp nhất trong Nhiệm Thể Chúa Kitô và sự sống của Chúa Ba Ngôi – mối liên kết bền chặt hơn bất kỳ mối liên kết nào của con người trên trái đất này.
Với niềm hy vọng, chúng ta hãy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi, tin tưởng rằng Ngài sẽ dẫn dắt tất cả chúng ta đến sự kết hiệp sâu sắc hơn với nhau và với Ngài.
MICHELE CHRONISTER
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
BÀI HỌC YÊU THƯƠNG
Chúa Giêsu chưa bao giờ dùng từ ngữ “Ba Ngôi,” nhưng cách mô tả của Ngài khiến chúng ta tin nhận Thiên Chúa có Ba Ngôi.
Chính Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16:12-15)
Đó là lời tuyên bố hấp dẫn của Chúa Giêsu. Điều đó cho thấy rằng trong khi Ngài vẫn còn ở với các tông đồ, khả năng họ chưa hiểu được tất cả những gì Ngài làm. Ngay cả khi Ngài đã giải thích mọi điều sắp xảy ra vào đêm Tiệc Ly một cách chi tiết, họ cũng không hiểu hết. Thay vào đó, Ngài nói với họ rằng, trong tương lai họ sẽ nhận được sự giúp đỡ mà họ cần để tiếp thu sự thật về cuộc đời và công việc của Ngài. Sự trợ giúp đó sẽ đến trong Ngôi Thánh Thần, Đấng có ngự xuống trên các tông đồ vào Lễ Ngũ Tuần. Do trình tự thời gian của những sự kiện này, và có lẽ, thậm chí do cách Chúa Giêsu nói, chúng ta có thể có ấn tượng rằng Chúa Thánh Thần có công việc riêng biệt với Chúa Giêsu mà chỉ có thể bắt đầu sau khi Chúa Giêsu về trời với Chúa Cha. Bây giờ chúng ta tìm hiểu tại sao điều đó không hoàn toàn đúng.
Khi Chúa Thánh Thần được sai đến với các tông đồ, Chúa Giêsu nói với họ: “Ngài sẽ nói những gì Ngài nghe… Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Ta và công bố với anh em.” Ở đây chúng ta thấy rằng công việc của Chúa Thánh Thần thực sự bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Ngài không làm việc độc lập mà hoàn toàn phục tùng Chúa Giêsu. Cũng vậy, Chúa Giêsu làm việc trong sự phục tùng hoàn toàn đối với Chúa Cha, bởi vì “mọi sự Cha có” đều là của Ngài. Đó là sự hiệp thông sống động của các Ngôi Vị được đề cập rất rõ trong Tin Mừng.
Khi các tín nhân thời các thế kỷ đầu của Giáo Hội đọc những đoạn như thế này trong Kinh Thánh, họ bắt đầu tìm ra tín điều mà sau này được gọi là Chúa Ba Ngôi. Rõ ràng là có một Chúa Cha, một Chúa Con và một Chúa Thánh Thần, cũng rõ ràng là các Ngôi Vị hoạt động như Một mặc dù có khác nhau. Sự hiệp thông mà Chúa Giêsu mô tả ở đây được đánh động bởi tình yêu – sẵn lòng phục tùng và sự chia sẻ. Điều này rất quan trọng đối với chúng ta nếu chúng ta hiểu được mình và sống tốt cuộc đời mình. Bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải sống với những người khác giống như chúng ta, và cuộc sống của chúng ta cần được đặc trưng bởi cả sự sẵn lòng phục tùng và chia sẻ.
Tín điều Chúa Ba Ngôi Chí Thánh không chỉ là chân lý thần học, mà còn có thể được coi là cách sửa chữa khi chúng ta làm cho cuộc sống của mình trở nên nhỏ bé (và thường là khổ sở) bởi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và tính kiêu hãnh. Trong cộng đồng nhân loại, các mối quan hệ của chúng ta có thể được đánh động bởi cùng một loại tình yêu khả dĩ cảm nhận mà chúng ta thấy trong vài từ ngữ về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong Phúc Âm. Điều này không dễ dàng! Thật tốt khi chúng ta có Đấng Cứu Độ đã đến để biến điều đó thành hiện thực.
GAYLE SOMERS
TRẦM THIÊN THU (trích dịch từ CatholicExchange.com)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.