THE PRINTER
ĐẶC ĐIỂM ĐỘI NGŨ NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM HIỆN NAY
Có nhiều quan niệm về trí thức, theo Từ điển Triết học “Trí thức là tập đoàn người gồm những người làm nghề lao động trí óc. Giới trí thức bao gồm kỹ sư, kỹ thuật viên, thầy thuốc, luật sư, nghệ sĩ, thầy giáo và người làm công tác khoa học, một bộ phận lớn viên chức” (Từ điển triết học, 1986, tr. 598).
Định nghĩa này không chỉ xác định trí thức là những người “ làm nghề lao động trí óc” mà còn chỉ ra những nhóm nghề nghiệp khác nhau được xem là trí thức. Định nghĩa trí thức theo Chủ nghĩa cộng sản khoa học Từ điển là “Một nhóm xã hội, bao gồm những người chuyên làm nghề lao động trí óc phức tạp và có học vấn chuyên môn cần thiết cho ngành lao động đó”(1986:360). Theo các tác giả cuốn từ điển này, việc tồn tại của trí thức với tính cách là một nhóm xã hội đặc biệt, gắn liền với sự phân công lao động xã hội giữa lao động trí óc và lao đọng chân tay.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu chí đầu tiên của người trí thức là người đó phải có trình độ cử nhân “Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức” nhưng điều này chưa đủ, mà “muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”. Có nghĩa rằng, học vấn đại học mới chỉ là điều kiện cần, quan trọng là phải sử dụng có hiệu quả tri thức trong đời sống xã hội, phục vụ dân sinh.
Trong Nghị quyết số 27 – NQ/T.Ư “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng ta quan niệm rằng “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.
Đặc điểm cơ bản của trí thức là lao động trí óc và có tính sáng tạo. Đại văn hào L. Tonxtoi cho rằng “Trí thức được coi thực sự là trí thức khi đó là kết quả của sự suy nghĩ tìm tòi, chứ không phải là trí nhớ”. Đây cũng chính là đặc trưng nổi bật nhất của khái niệm trí thức. Kiểu lao động trí óc và sáng tạo ấy đòi hỏi cao về tính độc lập của người trí thức trong tư duy, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy cũng như năng lực chuyên môn nghề nghiệp. Từ quan niệm về trí thức như vậy, theo chúng tôi có thể định nghĩa nữ trí thức là những người có trình độ cử nhân trở lên, làm công việc liên quan đến hoạt động trí tuệ và có tính sáng tạo, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị cho xã hội.
Trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng là tầng lớp xã hội có trình độ học vấn cao nhất của xã hội. Họ cũng là những người có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận sớm nhất, nhiều nhất, nhanh nhất những thông tin, tri thức xã hội. Những lời nói, hành vi của một người trí thức, đôi khi có thể ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội, định hướng hành vi xã hội. Chính vì vậy, theo Hồ Chí Minh, các bậc trí thức có “ Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc”. Theo Người, những người trí thức muốn làm tròn nhiệm vụ thì phải “1. Khổ cán, 2. Hạnh cán, 3. Thực cán” (làm việc hết sức mình, làm việc chất lượng, làm việc có hiệu quả, có năng suất)(tập 4, tr.153), và “trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”(tập 7, tr. 36).
1. Đặc điểm đội ngũ nữ trí thức hiện nay
1.1. Đội ngũ nữ trí thức ngày càng phát triển
Trong khoảng mười thế kỷ trong xã hội phong kiến, kể từ năm 1076 triều đình nhà Lý mở Quốc tử giám – trường đại học đầu tiên ở nước ta – đã đào tạo được 2874 tiến sĩ nhưng đều là nam giới. Trong xã hội phong kiến, việc học hành và thi cử không có chỗ cho phụ nữ, vì quan niệm Nho giáo “nữ nhân nan hoá”. Theo GS. Trần Quốc Vượng, ở Cao Bằng người ta còn truyền tụng về bà Nguyễn Thị Duệ một bà Nghè – đỗ đầu tiến sĩ ở Cao Bằng đời nhà Mạc và sau này trở thành bà giáo trong cung đình Mạc – Lê – Trịnh, nêu một tấm gương “nhất kính chiếu tam vương” (một gương rọi chiếu ba vua). Bà được xem là “tiến sĩ Nho học duy nhất Việt Nam sống ở thế kỷ XVI –XVII, là một nhân vật lịch sử, hoàn toàn có thật” (Trần Quốc Vượng, 1993).
Nói đến nữ trí thức trong xã hội phong kiến, có một vài người tuy không được thi cử, đỗ đạt nhưng đã thể hiện được khả năng trí tuệ, phẩm chất xuất sắc của họ, như và Nguyễn Thị Lộ, Ngô Chi Lan, bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương. .v.v
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nữ trí thức hiếm hoi như “lá mùa thu” có thể đếm trên đầu ngón tay. Về những phụ nữ đã tốt nghiệp đại học, có thể kể ra như bà Henriette Bùi, tốt nghiệp đại học y khoa Pari (năm 1934), bà Nguyễn Thị Sương (năm 1940), bà Lê Thị Hoàng tốt nghiệp cao đẳng y khoa Hà Nội (năm 1937); bà Dương Thị Liễu (năm 1940), bà Lý Thị Nguyệt tốt nghiệp Cao đẳng, bào chế Hà Nội, bà Phan Thị Liệu tốt nghiệp Cao đẳng Canh nông Hà Nội; bà Phạm Thị Mỹ rốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (năm 1928), bà Nguyễn Thị Châu tốt nghiệp cử nhân Văn khoa ở Đại học Pari (năm 1936); bà Bùi Thị Cầm tốt nghiệp Đại học Luật khoa Pari và bà Nguyễn Minh Nguyệt tốt nghiệp trường Cao đẳng Luật khoa Hà Nội. Có người lấy bằng Tiến sĩ tại Pháp như bà Hoàng Thị Nga, người Từ Liêm, Hà Nội. Nhìn chung, trừ một số ít cam lòng làm người nội trợ, còn hầu hết đều hành nghề bằng chính ngành nghề đã được đào tạo. Tuy nhiên, trong điều kiện của một xã hội thuộc địa, họ cũng có thể bị sa thải bất cứ lúc nào và dù thuộc tầng lớp trên, họ cũng vẫn bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới. Theo quy định của năm 1918, lương của giáo viên nữ thường chỉ bằng 80% lương của giáo viên nam, đôi khi chỉ hơn 60% so với giáo viên nam (Nam phong tháng 6/1918)
Cách mạng Tháng Tám thành công, trong chế độ mới, trường đại học đã mở rộng cửa đón nhận phụ nữ. Nếu như trước đây phần lớn nữ trí thức xuất thân từ các gia đình công chức, trí thức thì ngày nay có sự đa dạng về nguồn gốc xuất thân của nữ trí thức. Theo kết quả điều tra của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (năm 1992) thì trí thức xuất thân từ gia đình công nhân, nông dân chiếm 50%, còn từ gia đình trí thức là 40% (Hội LHPN Việt Nam, 2002). Như vậy, có thể thấy nữ trí thức ngày nay xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với sự gia tăng đáng kể của số lượng nữ sinh, đội ngũ nữ giáo viên, nữ trí thức cũng ngày càng đông đảo. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 1989, số phụ nữ có trình độ cao đẳng, đại học là 246.000 người, chiếm 36,4% tổng số người có trình độ cao đẳng, đại học của cả nước (Phạm Tất Dong, 2001). Năm 1999, con số này là 58% tổng số người có trình độ cao đẳng, 33.2% số người có trình độ đại học, 29% số người có trình độ thạc sĩ, 15.4% số người có trình độ tiến sĩ và 13% số người có trình độ tiến sĩ khoa học (xem bảng 1)
Có thể nói, đội ngũ nữ trí thức ngày càng phát triển, đây là lực lượng quan trọng, là nhóm tinh hoa trong phụ nữ Việt Nam. Theo thời gian, cùng với quá trình đổi mới và phát triển đất nước, đội ngũ nữ trí thức không chỉ tăng thêm về số lượng mà còn mạnh cả về chất lượng. Bằng tài năng, nghị lực và những phẩm chất của giới nữ, đội ngũ nữ trí thức đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nhiều chị đạt được những giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do phụ nữ làm chủ nhiệm, có đề tài nghiên cứu, sáng kiến khoa học làm lợi cho đất nước nhiều tỷ đồng. Nhiều nữ trí thức được giải thưởng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, có bằng sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Ủy ban Kovalevskaia, cho biết trong 24 năm qua, Ủy ban Giải thưởng Việt Nam đã xét, chọn và trao giải thưởng cho 31 cá nhân và 15 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, nhiều giáo viên nữ đã nỗ lực phấn đấu tốt, trở thành những giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, những nhà khoa học đầu ngành, đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học, trong các cuộc thi tài năng, các giải thưởng lớn giành cho phụ nữ. Đặc biệt, đã có 11 nữ nhà giáo vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và 1.011 nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu“Nhà giáo ưu tú”. Đó là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa đầy hương sắc của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam.
1.2.Về trình độ học vấn, chuyên môn và nhóm tuổi
Về cơ cấu theo độ tuổi của đội ngũ nữ trí thức theo trình độ chuyên môn kỹ thuật như sau
Bảng 2 cho thấy, đa số nữ trí thức ở đang ở độ tuổi 25 đến 40. Đây là độ tuổi đang sung sức và có nhiều ước mơ, sự say mê cùng với sự trải nghiệm cuộc sống, họ thuộc nhóm trí thức trẻ và là nòng cốt của đội ngũ nữ trí thức nước ta hiện nay. Có cơ sở để tin rằng, về cơ cấu độ tuổi của đội ngũ nữ trí thức sau mười năm 1999-2009 ngày càng tăng về số lượng, trẻ hoá về độ tuổi và với chất lượng chuyên môn cao hơn trước. Nhìn vào độ tuổi có thể thấy, nữ trí thức Việt Nam phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới đất nước. Điều này minh chứng cho sự ưu việt về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển trí thức nói chung, nữ trí thức nói riêng.
Số liệu từ bảng 2 cũng cho thấy, sự kế thừa nữ trí thức qua các thế hệ, với đặc điểm thế hệ sau phát triển hơn thế hệ trước.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng, trong nữ trí thức, số lượng có trình độ sau đại học còn ít, mà đa phần có trình độ cao đẳng, đại học. Đây cũng là một thách thức đối với sự phát triển đội ngũ nữ trí thức với trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
1.3. Sự khác biệt về vùng miền, dân tộc
Độ ngũ nữ trí thức phân bố không đều theo vùng, miền. Phần lớn nữ trí thức (và trí thức ở nước ta nói chung) tập trung ở các vùng đồng bằng, nơi có nhiều thành phố, đô thị lớn. Hầu hết nữ trí thức sinh sống và làm việc ở các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng đông Bắc, bắc Trung bộ và đông Nam bộ. Xét theo khu vực nông thôn và đô thị, cũng có một tình trạng tượng tự: hầu hết nữ trí thức ở các vùng đô thị, còn các vùng nông thôn nơi hiện có 70% dân số cả nước, nhưng lại có rất ít nữ trí thức (xem Phụ lục 1 và 2 ). Nữ trí thức ở các vùng nông thôn có trình độ cử nhân chỉ chiếm tỷ lệ 20% đến 25% so với đô thị, với nhóm có trình độ sau đại học, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.
Điều này dẫn đến một nghịch lý: các vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa có nhu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng cao thì lại thiếu vắng, trong khi ở các vùng đô thị, đồng bằng dân trí cao thì lại tập trung nhiều nữ trí thức, các nhà khoa học. Chính sự phân bổ bất cân xứng về nguồn lực trí thức như vậy, là một yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền ở nước ta hiện nay
Một điểm đáng lưu ý trong đội ngũ nữ trí thức, đó là tỷ lệ nữ trí thức là người các dân tộc thiểu số chiếm một tỷ lệ rất thấp. Đa số nữ trí thức là người Kinh, Tày, Thái, Hoa, Nùng, Mường. Một vài dân tộc thiểu số, nữ trí thức đếm trên đầu ngón tay, chỉ có 1-2 người có bằng cao đẳng, đại học trên hàng vạn dân, như các dân tộc: Mạ, Xtiêng, Tà ôi. Nhiều dân tộc chưa có nữ tốt nghiệp cao đẳng, đại học như: Kháng, La hủ, Lự, Lô lô, Mảng, Pu Péo, Brâu, Ơ đu, Rơ măm (xem Phụ lục 3). Những dân tộc này, sau mười năm qua hai cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 1989 đến 1999, tình hình nữ trí thức vẫn không có gì thay đổi.
Những số liệu phân tích nữ trí thức theo cơ cấu vùng miền, dân tộc trên đây cho thấy, có sự mất cân đối và chưa hợp lý về việc phân bố đội ngũ nữ trí thức ở nước ta. Nông thôn và miền núi còn thiếu nhiều nữ trí thức, cán bộ khoa học và công nghệ. Đây cũng là thực trạng chung về đội ngũ khoa học công nghệ của cả nước, chứ không riêng với nữ trí thức.
Từ phía chính sách xã hội, cần quan tâm, ưu tiên đào tạo đội ngũ trí thức dân tộc ít người, bên cạnh đó, có chính sách hậu đãi trí thức nói chung và đặc biệt nữ trí thức làm việc ở miền núi, vùng xa, khó khăn. Có như vậy, mới giảm bớt sự mất cân đối về đội ngũ trí thức ở các vùng miền.
1.4. Phân bổ theo ngành nghề, thành phần kinh tế
Bảng 3 cho thấy, 43,3% nữ trí thức làm việc trong thành phần kinh tế nhà nước, tiếp đó là kinh tế cá thể 32%; kinh tế hỗn hợp và kinh tế tập thể. Riêng với thành phần kinh tế nước ngoài thì nữ trí thức chiếm tỷ lệ nhiều hơn nam, với 53%. Nơi làm việc đa dạng về thành phần kinh tế cho thấy sự đổi mới quan niệm về nơi làm việc của nữ trí thức hiện nay so với trước kia.
Theo lĩnh vực ngành nghề, chúng ta thấy sự phân bố đội ngũ nữ trí thức khá đa dạng, ở hầu khắp các lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội
Bảng 4 cho thấy, với hơn 500.000 nữ trí thức chiếm 42% tổng số trí thức của cả nước. Phần lớn nữ trí thức làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (64%), khoa học xã hội, nhân văn (58%), khoa học sự sống (55%), báo chí thông tin và chế tạo, chế biến (46%). Nữ trí thức ít làm việc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, an ninh, quốc phòng (3,0%), vận tải (10,4%), mỏ và khai thác (10,6%), xây dựng và kiến trúc (12%). Sự khác biệt này phản ánh quan niệm của xã hội về loại hình nghề nghiệp phù hợp với phụ nữ, về sự phân công lao động theo giới trong xã hội, cùng với luật pháp và chính sách xã hội cũng góp phần chi phối sự khác biệt này.
1.5. Đội ngũ nữ trí thức: nhiều cử nhân, ít tiến sĩ, giáo sư.
Một đặc điểm nữa, so với nam giới thì nữ trí thức có thể sánh vai về số người có trình độ cao đẳng, đại học nhưng lại thua kém về số lượng có bằng cấp sau đại học. Nhất là ở trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và học hàm phó giáo sư, giáo sư. Năm 1994, về học vị, học hàm nữ trí thức như sau: TS: 12,3%; TSKH: 4,9%; PGS: 4,9% và GS: 3,9%. Đến năm 1996, các số liệu tương ứng là: TS:14,2%; TSKH:4,5%; PGS:7,8% và GS: 4%. Trong đợt phong chức danh năm 2009, trong số 641 PGS có 133 nữ (chiếm 20,7%) và trong số 65 giáo sư có 7 nữ giáo sư (chiếm 10,7%). (http://www.hdcdgsnn.gov.vn/)
Thực trạng về sự khác biệt học vị, học hàm trên đây cho thấy, đối với phụ nữ việc chinh phục các học vị sau đại học còn nhiều vấn đề đặt ra, có thể do ý chí tiến thủ, nghị lực phấn đấu, hoặc do những khó khăn về vai trò giới, và cả những rào cản về quan niệm của nam giới/xã hội về nữ giới không cần học vấn cao. Dù thế nào, điều này cũng là một thách thức đối với sự phát triển đội ngũ nữ trí thức ở nước ta hiện nay.
1.6. Nữ trí thức: hiếm người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.
Tương tự như học vị, học hàm, nữ trí thức nói riêng và phụ nữ nói chung tỷ lệ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp. Mặc dù Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận như một điểm sáng về bình đẳng giới, số nữ trí thức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của Đảng và Nhà nước những năm gần đây đều tăng, nhưng cần nhận thấy rằng tỷ lệ nữ trí thức tham gia lãnh đạo, quản lý vẫn chưa tương xứng với đội ngũ nữ trí thức hiện có. Có thể nói, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhằm thu hẹp sự cách biệt giữa nam và nữ trong tham gia quản lý, lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ nam và nữ nắm giữ các vị trí ra quyết định vẫn còn rất mất cân đối. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XI đạt 27,3% với vị trí đứng thứ hai trong khu vực Châu Á- Thái Bình dương về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội sau New Zealand (29,2%), nhưng đến khoá XII thì tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội giảm xuống còn 25,7%, đứng thứ ba trong khu vực Châu Á – Thái Bình dương, sau New Zealand (32,2%) và Afganistan (27,3%) (Hoàng Bá Thịnh, 2008).
So sánh tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt ở Trung ương và tỉnh thành từ năm 1997 tới năm 2003 cho thấy: Bộ trưởng và tương đương từ 7,9% tăng lên 11,9%; Thứ trưởng và tương đương từ 9,1% giảm xuống 8,1%; Chủ tịch UBND tỉnh thành từ 3,3% và giảm xuống còn 1,6%; Phó chủ tịch UBND tỉnh thành từ 10,1% và tăng lên 11,7%. Như vậy, qua hơn 6 năm, chỉ có tỷ lệ nữ Bộ trưởng và tương đương là tăng lên rõ rệt, song vẫn còn thấp. Riêng tỷ lệ nữ Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đã giảm đáng kể và chiếm tỷ lệ quá thấp so với nam giới. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Ban lãnh đạo các đoàn thể hiện nay chưa cao, song đã có bước chuyển biến, cụ thể: ở Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có 25 nữ/134 (chiếm 18,65%); ở Hội Nông dân Việt Nam có 15 nữ/86 (chiếm 17,2%); ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 34 nữ/198 (chiếm 17%); ở Hội chữ thập đỏ có 28 nữ/105 (chiếm 26,6%) (Báo cáo CEDAW lần 5&6)
2. Một số trở ngại/khó khăn đối với nữ trí thức
Những trở ngại với nữ trí thức có thể khác nhau tuỳ thuộc vào ngành nghề, môi trường làm việc, địa bàn sinh sống, hoàn cảnh gia đình. Nhưng họ có thể gặp những khó khăn giống nhau ở mấy điểm quan trọng sau đây.
2.1. Nữ trí thức và khó khăn về việc làm
Không có việc làm/thất nghiệp là hiện tượng phổ biến ở tất cả các quốc gia trên thế giới, với mức độ nhiều, ít khác nhau. Dù có học vấn cao, được đào tạo bài bản nhưng trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng cũng không thoát khỏi sự khắc nghiệt về sự cạnh tranh trong thị trường lao động. Do đó, một bộ phận nữ trí thức thất nghiệp là điều không ngạc nhiên. Báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam năm 2009 cho thấy, 10,5% nữ trí thức thất nghiệp so với 9,7% nam trí thức (bảng 5).
Ở trình độ đại học thất nghiệp nhiều hơn trình độ cao đẳng và thạc sĩ trở lên, nữ trí thức thất nghiệp nhiều hơn nam giới, nữ trí thức ở nông thôn thất nghiệp nhiều hơn nữ trí thức ở đô thị.
Khu vực đô thị tập trung nhiều trí thức đã tạo nên sự cạnh tranh về việc làm, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp của trí thức (bảng 6)
2.2. Về định kiến giới
Bên cạnh những phẩm chất đặc trưng của nữ trí thức Việt Nam là thông minh, trung thực, sâu sắc, tình cảm, cần cù, chịu khó. Với những phẩm chất ưu việt của phụ nữ, họ có nhiều lợi thế trong hoạt động chuyên môn mà nam giới không thể có; thì có thể nói rằng tâm lý giới cũng là một rào cản đối với một bộ phận nữ trí thức. Sự tự ty, mặc cảm, hoặc đức tính nhường nhịn, hy sinh, thậm chí cam chịu,..v.v. chính là những vật cản vô hình đối với sự phát triển đội ngũ nữ trí thức. Một bộ phận nữ trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có tính nhạy cảm về chính trị, thiếu tính phản biện xã hội.
Quan niệm về phân biệt giới vẫn còn ảnh hưởng ở một bộ phận các tầng lớp xã hội, việc “trọng nam, khinh nữ” không chỉ có ở các vùng nông thôn mà cả ở đô thị, không chỉ trong dân thường mà cả trong cán bộ, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có trình độ học vấn, địa vị cao. Nữ trí thức còn gặp trở ngại từ phía nam đồng nghiệp và từ nữ đồng nghiệp. Chính ảnh hưởng của tư tưởng coi thường phụ nữ trong xã hội đã khiến cho nhiều người thiếu sự tin tưởng ở phụ nữ, coi thường năng lực của người phụ nữ, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. Điều này không chỉ hạn chế các em gái tiếp cận giáo dục bậc cao, mà còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, sử dụng nữ trí thức, kìm hãm sự thăng tiến, phát triển của không ít nữ trí thức.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách còn mang tính bình quân, chưa chú ý đến đặc điểm giới để đề ra những chính sách phù hợp, nhằm vừa tạo điều kiện cho nữ trí thức hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa làm tròn thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, như văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đã nhấn mạnh “Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”. Thậm chí, mặc dù Luật bình đẳng giới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, nhưng tháng 9 năm 2009 ngay tại thủ đô Hà Nội vẫn có cơ quan đào tạo ban hành văn bản phạm luật Bình đẳng giới và vi phạm Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27/4/2007 (Hoàng Bá Thịnh, 2009)
Chuyên gia Martha Nussbaum, tác giả cuốn Giới tính và công bằng xã hội (Sex and social justice), cho rằng tại hầu hết các quốc gia, phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với sự thiên vị nam nữ trong giáo dục, không công bằng trong cơ hội việc làm, thậm chí có cả sự bất bình đẳng về giới trong chính trị
Nói đến định kiến giới, cần lưu ý rằng đây không chỉ là định kiến của gia đình, xã hội, của giới nam đối với giới nữ mà còn là sự mặc cảm, tự ti của bản thân phụ nữ về năng lực của chính mình hoặc sự thiếu tin tưởng của phụ nữ về năng lực của người cùng giới. Điều này dẫn đến tâm lý an phận, triệt tiêu ý thức phấn đấu của nữ trí thức. Đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua những rào cản từ chính bản thân mình.
2.3. Vai trò giới và trách nhiệm gia đình
So với nam giới, nữ trí thức gặp nhiều khó khăn hơn trên con đường sự nghiệp. Khó khăn này liên quan đến sự phân công lao động theo giới, do quan niệm về vai trò giới trong gia đình và ngoài xã hội (Hoàng Bá Thịnh, 2008). Có thể kể ra mấy nét chính sau đây:
Gánh nặng vai trò giới trong gia đình: cơ chế thị trường và sự phát triển xã hội đang làm tăng thêm gánh nặng trách nhiệm của người phụ nữ trong vai trò người công dân, người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên của con cái. Quỹ thời gian của người phụ nữ bị phân tán vào công việc nội trợ gia đình, chăm sóc gia đình khiến nhiều phụ nữ ít có điều kiện để tiếp cận với những cơ hội để phát triển bản thân. Gánh nặng gia đình bao giờ cũng dồn lên trách nhiệm của người phụ nữ; bởi vậy, nó tỷ lệ nghịch đối với sự phát triển vươn lên vị trí lãnh đạo, quản lý của phụ nữ. Đây là một thách thức đặt ra đối với hầu hết phụ nữ và tác động không nhỏ tới cơ hội thăng tiến của phụ nữ.
Nữ trí thức thiếu thời gian tham gia dành cho công tác chuyên môn, đây là hệ quả của vai trò làm mẹ, làm vợ. Gánh nặng đa vai trò khiến cho phụ nữ cũng phải đương đầu với những khó khăn về thời gian để cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc. Khác với nam giới, nữ trí thức phải mang thai, sinh đẻ, phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha già mẹ yếu. Đặc biệt với nữ trí thức trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với nữ trí thức lớn tuổi. Chính vì vậy, nhiều chị em bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin. Một khi, công việc gia đình nếu thiếu sự chia sẻ của người chồng/nam giới thì sẽ là gánh nặng đối với phụ nữ, sẽ làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên của họ, tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu và không còn hăng hái tham gia các hoạt động chuyên môn.
Trên thực tế đã có sự thay đổi đáng kể về vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, từ chỗ người chồng gia trưởng, chỉ huy chuyển dần sang mô hình gia đình cả hai vợ chồng cùng bàn bạc quyết định và chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc con cái. Mặc dù xã hội Việt Nam có sự nhận thức về bình đẳng giới tiến bộ như trên, nhưng chúng ta vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn các quan niệm lệch lạc về vai trò của phụ nữ và nam giới. Ở ngoài xã hội, đó là biểu hiện định kiến, coi thường phụ nữ, cho rằng phụ nữ không thể đảm nhiệm các trọng trách. Trong gia đình, phụ nữ ít nhiều bị ràng buộc bởi các tập tục truyền thống và gia phong, mất nhiều thời gian và công sức cho công việc nội trợ, chăm sóc người già và trẻ em, sức khoẻ cũng ít được quan tâm. Thực trạng đó đòi hỏi việc giáo dục nhận thức giới cho mọi thành viên gia đình và xã hội cần phải tiến hành rộng rãi và liên tục hơn nữa.
Theo nhóm nghiên cứu của các giáo sư Mỹ ở đại học Wisconsin-Madison, có 4 yếu tố khiến phụ nữ khó theo đuổi đến cùng sự nghiệp của mình. Đó là: 1) ít được động viên, khuyến khích theo đuổi một số lĩnh vực, nhất là khoa học tự nhiên; 2) gặp phải sự không ủng hộ trong không khí làm việc từ các đồng nghiệp; 3) có sự “phân biệt trong tiềm thức” đối với phụ nữ; và 4) phụ nữ phải gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình khiến cho họ khó tiến xa trong sự nghiệp. Nói về điều này, Giáo sư Jo Handelsman và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu của bà tin rằng “Vẫn còn nhiều sự đối địch công khai và ngấm ngầm ở đại học Mỹ. Một số là hành vi phạm pháp rõ rệt, nhưng đa số lại kín đáo…”.
3. Dự báo về sự phát triển đội ngũ nữ trí thức
Như đã nói ở trên, số lượng nữ trí thức ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng (xem bảng 1). Thống kê tỷ lệ nữ trong tổng số nam nữ theo các trình độ được đào tạo nói chung cho thấy tỷ lệ nữ đạt cao nhất ở trình độ cao đẳng. Có kết quả đó, ngoài quy luật trên đây còn do có đặc điểm là trình độ cao đẳng thường tập trung chủ yếu ở ngành khoa học giáo dục và đào tạo (chiếm 78,7% trong tổng số có trình độ cao đẳng), mà với ngành này nữ lại là chủ yếu (tỷ lệ nữ chiếm 64% trong tổng số). Thêm nữa, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực được quan niệm là thích hợp với phụ nữ, không chỉ trên phương diện nghề nghiệp mà cả trong việc thực hiện các vai trò gia đình. Mặt khác, trình độ cao đẳng thời gian đào tạo ngắn hơn so với đại học, đây cũng là một yếu tố thu hút nữ giới lựa chọn bậc học này.
Có cơ sở để tin rằng, trong một thập kỷ tới, đội ngũ nữ trí thức sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bởi lẽ, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cùng với sự thay đổi nhận thức trong xã hội sẽ làm tăng thêm đội ngũ trí thức và vai trò của trí thức trong đời sống xã hội. Những con số thống kê về sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở nước ta trong các niên học thuộc giai đoạn 1999 -2000 đến 2006 – 2007 là một minh chứng (xem bảng 7)
Bảng 7 cho thấy, cả ở cấp bậc cao đẳng và đại học, số lượng nữ sinh viên có xu hướng tăng dần theo thời gian. Và năm học 2006- 2007, số lượng nữ sinh đã nhiều hơn nam sinh, với 53,8% trong các trường cao đẳng và 55% trong các trường đại học. Đây là một chỉ báo tích cực về xu hướng bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục bậc cao ở Việt Nam. Xu hướng này, theo chúng tôi sẽ còn được duy trì trong những năm tiếp theo, khi mà các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, nhất là các Luật giáo dục, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
4. Kết luận
Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Trong bối cảnh Đổi mới đất nước, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh đất nước trong chiến lược phát triển. Nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, ngày 18-5-1963, Hồ Chí Minh căn dặn “Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X (8-2008) nêu quan điểm chỉ đạo “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Với nữ giới cần “Có chính sách và kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ”.
Những lời căn dặn của Hồ Chí Minh gần nửa thế kỷ trước đây, cùng với quan điểm Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy, khoá X về vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển đất nước, chính là niềm tự hào, trách nhiệm và là động lực để nữ trí thức cống hiến cho đất nước. Với bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất chịu thương, chịu khó, các chị đã có nhiều sáng tạo được áp dụng có hiệu quả vào cuộc sống. Trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa – xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân đến đối ngoại… dù ở cương vị nào, các chị đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm rạng rỡ phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam “năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”
Với quan điểm chỉ đạo“Đầu tư cho đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”, để tạo điều kiện thuận lợi cho nữ trí thức phát triển và cống hiến, theo chúng tôi, cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây:
4.1. Ngày nay khoa học công nghệ nói chung và khoa học xã hội nói riêng mang tính quyết định đối với sự phát triển đất nước. Nữ trí thức Việt Nam tham gia nghiên cứu, giảng dạy, làm việc ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do vậy, lực lượng này luôn cần được quan tâm/chăm sóc và phát triển. Quan tâm: cần có chính sách cụ thể, với sự nhạy cảm giới, có quan điểm giới rõ ràng, với sự định hướng “Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới”. Phát triển: cần lắng nghe ý kiến của nữ trí thức, cần thực hiện và sử dụng những ý kiến khoa học của họ một cách nghiêm túc.
4.2. Có chính sách ưu tiên và thực hiện nghiêm các văn bản luật pháp, chính sách ưu tiên đối với phụ nữ trong giáo dục và đào tạo. Trong kế hoạch đào tạo đội ngũ nữ trí thức nói chung, đặc biệt nữ trí thức trẻ, cần tạo điều kiện cho những chị em có năng lực chuyên môn giỏi đạt được học vị sau đại học trước khi họ có gia đình hoặc chưa có con nhỏ. Đồng thời, cần quan niệm việc thực hiện chức năng sinh con và nuôi dạy con không phải là việc riêng của gia đình, mà đó phải là một công việc xã hội. Bởi vì, việc duy trì dân số và nuôi dạy con cái tốt hay không sẽ tạo nên những hệ quả tương ứng đối với sự phát triển của xã hội.
4.3. Quan tâm và ưu đãi phụ nữ các dân tộc thiểu số, phụ nữ miền núi, vùng sâu vùng xa. Làm tốt điều này, chính là thực hiện tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh với cán bộ phụ nữ cần “có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ”. Và như vậy, không chỉ tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các vùng khó khăn, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng xã hội và phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, dân tộc.
4.4. Thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, để nam giới và xã hội nhận thức được việc đầu tư giáo dục cho phụ nữ có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển quốc gia (Hoàng Bá Thịnh, 2008). Bên cạnh đó, cần nhanh chóng làm thế nào đưa Luật giáo dục đặc biệt là Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình vào cuộc sống. Cho đến nay, nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo ở địa phương vẫn chưa biết đến hai luật được ban hành năm 2006 và 2007.
4.5. Xoá bỏ tâm lý giới (tự ty mặc cảm trước nam giới), sự hẹp hòi “níu áo nhau” trong phụ nữ là điều cần thiết. Quan trọng hơn, phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng cần nỗ lực, cố gắng vươn lên, không ỷ lại, phụ thuộc, trông chờ sự giúp đỡ của Chính phủ, của nam giới.
4.6. Cần nghiên cứu xúc tiến thành lập Hội nữ trí thức Việt Nam, như một tổ chức xã hội tập hợp lực lượng nữ trí thức, kể cả đội ngũ nữ trí thức sinh sống và làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện cho nữ trí thức không chỉ chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong công việc, hoạt động xã hội mà còn là tổ chức bảo vệ quyền lợi và phát triển cho nữ trí thức. Đồng thời, việc huy động các nguồn lực xã hội để hình thành Quỹ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nữ, đào tạo nữ trí thức trẻ là rất cần thiết.
Có như vậy, mới phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức. Và như vậy, nữ trí thức mới làm tốt được sứ mệnh trong nền kinh tế trí thức và trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2004): Báo cáo quốc gia lần thứ 5 và 6 – Về tình hình thực hiện công ước Liên hợp quốc xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)
-
Bộ Lao động, thương binh và xã hội – ILO (2009): Xu hướng việc làm Việt Nam 2009
-
Đảng Cộng sản Việt Nam (2008): Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2008
-
Đảng Cộng sản Việt Nam (2007): Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
-
Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội , 2006
-
Phạm Tất Dong (chủ biên, 2001): Định hướng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
-
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1995
-
Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1995
-
Hoàng Bá Thịnh (2009): Một văn bản vi phạm Luật bình đẳng giới, báo Tuổi trẻ, ngày 3/11/2009
-
Hoàng Bá Thịnh (2008): Giáo trình Xã hội học về Giới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
-
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2002): Phụ nữ Việt Nam bước vào thế kỷ XXI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
-
Tổng cục Thống kê (2001): Tổng điều tra Dân số và nhà ở Việt Nam 1999 – Kết quả điều tra toàn bộ; Nxb Thống kê, Hà Nội.
-
Trần Quốc Vượng (1993): Về một vài phụ nữ Việt Nam nổi tiếng ở thế kỷ XVI-XVII; Tạp chí Khoa học về Phụ nữ, số 3.
-
Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ – Nxb Sự Thật, 1986
-
A.M. Ru-mi-an-txép (chủ biên) (1986): Chủ nghĩa Cộng sản khoa học Từ điển, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va – Nxb Sự Thật Hà nội
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Công tác xã hội, Chủ nhiệm Bộ môn Giới và Gia đình – Trường Đại học KHXH và NV- ĐHGQHN
Emai: [email protected]
Vì chưa có kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, nên những số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 1999, theo chúng tôi là số liệu có độ tin cậy và giá trị trên phạm vi quốc gia.