THẾ GIỚI QUAN – CHIẾC LA BÀN ĐỊNH HƯỚNG CUỘC SỐNG – THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

BÙI QUANG MINH

Giới thiệu: Hành trang cuộc sống của mỗi người luôn luôn cần tới những tri thức, trí tuệ sâu sắc. Thế giới quan là thứ không thể thiếu được trong hành trang trí tuệ ấy của mỗi người. Nó là cái cần phải được từng người tự học hỏi, chăm lo, đổi mới để có thể nhìn, hiểu và làm theo những luận điểm tổng quát góp phần như một chiếc la bàn định hướng cuộc sống, làm cho cuộc sống thêm hiệu quả, hạnh phúc và thành đạt. Bài viết này làm rõ khái niệm thế giới quan, các thành phần của nó, ý nghĩa/ vai trò của nó, nguồn tư liệu để xây dựng thế giới quan và nhu cầu xây dựng một thế giới quan mới hiện đại.

Suy nghĩ triết lý và Thế giới quan là gì?

– Vượt trên việc suy nghĩ những vấn đề “ăn để sống”, “mối lợi vật chất” hằng ngày, con người còn “vươn tâm hồn mình” suy ngẫm thêm những vấn đề cuộc sống sâu sắc khác như “Ta nên sống vì cái gì?”, “thực ra hạnh phúc là gì?”, “làm sao để có được hạnh phúc lâu bền?”, “nên bắt đầu làm gì để cải thiện được cuộc sống hàng ngày tốt hơn?” hay những câu hỏi triết lý lớn như triết gia Kant đã nêu ra cho cuộc đời: “Tôi có thể biết gì? Tôi cần phải làm gì? Tôi có thể hy vọng vào cái gì? Tôi là ai?”. Những câu hỏi này hoàn toàn mang nội dung cụ thể gắn với thực tế đời sống, có giá trị cải thiện chất lượng sống. Tuy nhiên, không ít người cảm tưởng rằng những điều quan tâm triết lý đó là thừa, xa rời điều họ thường ngày quan tâm.

– Cuộc sống của mỗi người cũng như xã hội ngày một mở rộng nên hiểu biết, mối quan tâm, cảm nhận, suy nghĩ và hoạt động của họ ngày một rộng lớn hơn đòi hỏi họ cần có hiểu biết về thế giới, con người, mối quan hệ thế giới với con người, con người với thế giới như một chỉnh thể có trật tự, còn gọi là bức tranh về thế giới hay thế giới quan. Nó là một tổng hợp, suy tư hữu ích về đời sống tinh thần phong phú, sâu sắc cho con người.

Các vấn đề lớn của thế giới quan

Thế giới quan là một chỉnh thể luận điểm có trật tự, tổng hợp, có tính hệ thống, phức hợp cả nhân tố lý tính, cảm nhận, cảm xúc và thấu hiểu thế giới, con người, những luận điểm sống tích cực cho con người.

Thế giới quan bao gồm những thành phần cơ bản sau được liên kết thành một tổng thể mạch lạc, thống nhất:

– Hệ thống tri thức về thế giới. Để trả lời được thế giới quan dựa trên mọi thành tựu đạt được, được xác thực của khoa học.

+ Câu hỏi về bản thể học: Thế giới là gì? Những gì đang diễn ra trên thế giới này? Bản chất thế giới này là gì? Thế giới được hình thành và vận động ra sao? Thành phần và hình thức tồn tại của nó như thế nào?

+ Câu hỏi về giải thích nguồn gốc: Tại sao thế giới lại vận động theo cách này mà không theo cách khác? Thế giới và ta tuân theo các nguyên lý phổ quát nào?

+  Câu hỏi về Nhận thức luận: về tri thức, cảm xúc của con người về thế giới và vị trí của mình trong đó. Kiến thức là gì? Chân lý là gì? Có chân lý khách quan, tuyệt đối không? Chúng ta sẽ xây dựng hình ảnh thế giới của mình như thế nào? Một vị trí như thế nào trong thế giới thuộc về con người?, Mối quan hệ của con người với thế giới ra sao?, Con người có những lý tưởng nào?, Đặc thù của ý thức và cảm xúc của con người ở chỗ nào?

+ Câu hỏi về giá trị/ luân lý học: Quan điểm, tư tưởng thông thái về giá trị, về nguyên tắc sống, các định hướng mục đích và các chuẩn mực phối hợp của đạo đức, pháp luật và thẩm mỹ. Đó là nhân tố có ý nghĩa lớn lao trong việc giải quyết phần lớn những vấn đề và nhiệm vụ chủ yếu của đời người. Tại sao chúng ta cảm nhận thế giới theo cách này? Những giá trị và mục đích chúng ta theo đuổi là gì? Thiện/ ác là thế nào? Chúng ta đánh giá thực tế toàn cầu và vai trò của loài người ở đó như thế nào? Con người đã đặt ra cho mình những mục đích sống và các phương tiện để thực hiện mục đích như thế nào? Liệu nó có tuân theo những quy luật phát triển khách quan của thế giới, những nhu cầu, lợi ích và khả năng khách quan của họ không?

+ Câu hỏi về dự đoán tương lai: Tương lai nào mở ra cho mỗi người và cả loài người? Chúng ta sẽ chọn các tương lai có thể bằng các tiêu chí nào? Bằng cách nào họ thể hiện được sự thống nhất giữa con người và thế giới, đã hiểu được những triển vọng của mình, tin tưởng vào bản thân mình, vào tương lai của nhân loại?

+ Câu hỏi về hành động: Chúng ta sẽ phải hành động như thế nào? Theo các cách khác nhau chúng ta có thể ảnh hướng tới thế giới và biến đổi nó như thế nào? Chúng ta nên sắp xếp các hành động của mình theo nguyên tắc nào?

Vai trò của thế giới quan

Thế giới quan đóng vai trò nhân tố sống động của ý thức cá nhân, giữ vai trò chỉ dẫn cách thức tư duy và hành động của cá nhân. Nó đồng thời cũng thể hiện lý luận và khái quát hóa các quan điểm và hoạt động của nhóm xã hội. Mỗi cá nhân cũng luôn mong muốn tiếp nhận những thế giới quan khác, làm phong phú thế giới quan cho mình, góp phần điều chỉnh định hướng cuộc sống.

Xuất phát từ lập trường, biện giải thế giới quan đúng đắn, con người có thể có được những cách giải quyết vấn đề đúng đắn do cuộc sống đặt ra. Ngược lại, xuất phát từ lập trường sai lầm, con người khó có thể tránh khỏi hành động sai lầm.

Khi giải quyết những vấn đề cụ thể của thực tiễn, sớm muộn người ta vấp phải những vấn đề chung, cần đến sự đóng góp của thế giới quan làm cơ sở định hướng giải quyết vấn đề cụ thể. “Một tập hợp những sự kiện mới càng rối rắm bao nhiêu, các tư tưởng mới càng nhiều hình nhiều vẻ bao nhiêu thì nhu cầu phải có một thế giới quan liên kết lại càng cảm thấy trở nên bức thiết bấy nhiêu” (M. Plank)

Ban đầu, mỗi cá nhân phát triển tinh thần đến một mức độ nào đó đều tìm cách trả lời các câu hỏi triết lý riêng của mình một cách tự phát, nghiệp dư. Đó là dấu hiệu “triết gia” ở mức độ nào đó (thậm chí họ không biết cả đến từ “triết học” hay “thế giới quan”). Dần dần, do động chạm đến những vấn đề quan tâm nhất của con người, xã hội, nhân loại mà xuất hiện nhiều người có phẩm chất vĩ đại, say mê sáng tạo những học thuyết và hệ thống thế giới quan đồ sộ, sâu sắc, độc đáo và phổ quát một cách thức hết sức chuyên nghiệp. Họ được gọi là triết gia hay là những người theo đuổi sự khôn ngoan. Họ là những người để lại những quan điểm mang dấu ấn lớn, đánh thức sợi dây tâm hồn của nhiều thế hệ tiếp theo.

Tuy nhiên, việc chuyên môn hóa xây dựng thế giới quan cũng có nhược điểm. Nó làm gia tăng khoảng cách giữa nhà chuyên môn – triết gia với người bình thường. Do vậy, do sự biến đổi nhanh và thay đổi mặt bằng triết lý chung, công chúng đã bị cách triết gia gạt khỏi đối tượng truyền đạt dẫn tới có sự xa cách, khó hiểu cho đại chúng. Vì vậy, xã hội và mỗi người cần quan tâm xây dựng và phổ biến một thế giới quan đúng đắn. Điều này sẽ mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp cho mỗi người trở thành thực thể tự do và sáng tạo thực sự, nhân văn thực sự.

Nguồn tư liệu phục vụ xây dựng thế giới quan

Việc xây dựng thế giới quan được coi là nỗ lực chung xem xét đến tối đa tất cả các khía cạnh kinh nghiệm, hiểu biết thường ngày của tất cả mọi người. Theo thời gian, xã hội loài người đã xây dựng được cho mình các hệ thống tinh thần phong phú, khác biệt nhau nhưng bổ trợ lẫn nhau, đóng vai trò làm “suối nguồn” cung cấp những câu trả lời thế giới quan. Các hệ thống tinh thần ấy là:

– Triết học phương Tây: thiên hướng duy lý, sử dụng luận cứ và tư biện của lý trí, kể cả việc phê phán lý trí ấy. Đối tượng của nó rất rộng, thường hướng ngoại, tách biệt đối tượng để đi sâu nhằm hiểu biết bản chất từ tự nhiên đến xã hội, tư duy để nhận thức cho khách quan… Luận điểm triết học được thể hiện qua các khái niệm, mệnh đề, biểu thức logic để đối tượng, bản chất được mô tả rõ ràng, thống nhất nhau và ngày càng phong phú, chi tiết hơn.

– Minh triết phương Đông: thiên hướng sử dụng trực giác, tổng thể, hướng nội để đi thẳng vào trả lời những vấn đề về nhân sinh quan, lối sống: xã hội, chính trị, đạo đức, quan hệ người người, tâm linh… Luận điểm minh triết được thể hiện qua hình ảnh nghệ thuật, giàu tính ẩn dụ, liên tưởng, hình ảnh, ngụ ngôn đa nghĩa nhưng rất dễ gây nhập nhằng.

– Thành tựu khoa học: hệ thống tri thức có hệ thống, sử dụng ngôn ngữ đặc thù, chặt chẽ, đa số được kiểm chứng, phát triển dựa trên những thành tựu không ngừng của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.Thành tựu khoa học giúp cho chúng ta có thế giới quan một cách tin cậy, vững chắc hơn. Tuy nhiên, do sự phân chia liên tục lĩnh vực nghiên cứu mà tri thức khoa học ngày một xa rời những câu hỏi mang tính tổng hợp về số mệnh tiền định của cá nhân, nhân loại, về những giá trị cao cả của nhân loại.

– Tôn giáo học: dựa trên niềm tin về uy quyền tôn giáo (siêu việt) đối với vật chất và tinh thần. Mọi sự lý giải thế giới quan đều có can dự bởi quan hệ tới Chúa và sự sáng tạo tối cao của Chúa.

Triết học – hạt nhân quan trọng của thế giới quan

Triết học là dạng thức quan trọng nhất đóng vai trò trung tâm cho thế giới quan. Những vấn đề triết học là những vấn đề có mối liên hệ cao nhất, thường hằng của lý tính nhân loại, đó là những vấn đề về số mệnh, tiền định của nhân loại, về chính lý tính và những giá trị cao cả của con người. Sống vì cái gì và sống ra sao? Làm thế nào để cuộc sống thực sự trở nên sáng suốt và hạnh phúc, cũng như làm thế nào để sống cho ra sống?

Những vấn đề đó không thể giải quyết được một cách triệt để bởi vì mỗi thời đại chúng lại được đặt ra trước con người một cách mới mẻ. Mỗi bước tiến của lịch sử nhân loại, mỗi thành quả của kinh nghiệm xã hội, mỗi mốc đánh dấu sự tiến bộ trong lịch sử khoa học đều mở ra trước lý tính triết học những giới hạn hiện thực mà trước đó chưa được biết tới, tạo ra khả năng phát hiện ngày càng nhiều luận cứ quan trọng trong tranh biện triết học. Bởi vậy, Thế giới quan triết học có thể đồng nghĩa với sự phản tư văn hóa của một dân tộc, một thời đại.

Nhu cầu một thế giới quan mới hiện đại

Mỗi khi xã hội, thời đại có những bước chuyển biến lớn (cùng một lúc chúng ta có nhiều bước chuyển: công nghiệp hóa-hiện đại hóa, tin học hóa, tư hữu hóa, dân chủ hóa, toàn cầu hóa, nhân đạo hóa…) thì thế giới quan lại thể hiện tầm vóc lớn lao của nó. Chúng ta cần 1 thế giới quan đúng đắn, khoa học và cách mạng, phù hợp hơn với bối cảnh mới, bám sát hiện thực mới, bám sát con người hiện đại.

Thế giới quan của mới sẽ phải mang những đặc điểm:

– Bám sát nhiều lĩnh vực thực tiễn mới, tích hợp nhiều nguồn tư liệu phục vụ thế giới quan, tri thức khoa học công nghệ. Đảm bảo đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu và tránh lẫn lộn, mâu thuẫn

– Kế thừa, phát huy những tinh hoa của thế giới quan duy vật. Khoa học hệ thống và điều khiển học lớn mạnh và trở thành trung tâm của nền khoa học và dẫn dắt thành tựu khoa học, công nghệ và trở thành nền tảng của văn hóa nhân loại. Khoa học hệ thống – điều khiển học là lựa chọn tốt làm công cụ hữu hiệu cung cấp phương thức tư duy mới – tư duy hệ thống hợp nhất kiến thức khoa học, nghệ thuật đa ngành với nhau.

– Cung cấp những câu trả lời tốt nhất về những vấn đề cơ bản của thế giới quan.

– Phù hợp sự đa dạng, phức tạp, tính mở, sự tiến hóa, tương tác và thông tin giữa các hệ thống

SOURCE: Hanoi Software Jsc.

Trích dẫn từ:

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam/The_gioi_quan-chiec_la_ban_dinh_huong_cuoc_song/

Like this:

Like

Loading…