THAM LUẬN – NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Bảo tàng đã thực hiện 04 cuộc tọa đàm hội thảo khoa học tập trung vào các nội dung chính: “Lịch sử áo dài Việt Nam” (tháng 3/2018); “Kỹ thuật cắt may và trang trí áo dài” (tháng 7/2018); “Chất liệu truyền thống may áo dài” (tháng 3/2019); “Áo dài di sản văn hóa” (tháng 11/2020). Qua đó thu thập thêm nhiều tư liệu, kiến thức, kinh nghiệm, bổ sung cho nội dung trưng bày, thuyết minh phục vụ công chúng. Bước đầu đúc kết được phần nào về tư liệu nghề may áo dài, hướng đến mục tiêu công nhận di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Đây là những bước đi quan trọng để Bảo tàng Áo dài tự tin tiếp tục vai trò tích lũy tích nội dung, kiến thức lịch sử, về nghề may và kỹ thuật trang trí để cho thấy quá trình gắn bó của áo dài trong hoạt động đời sống văn hóa – xã hội từ xưa đến nay.
Song song hoạt động tham gia tích cực các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế về văn hóa, bảo tàng học, du lịch… Bảo tàng Áo dài còn đẩy mạnh công bố kết quả nghiên cứu qua việc soạn thảo, cộng tác sản xuất nội dung với các Tạp chí chuyên ngành uy tín như Tạp chí Thế giới Di sản, Tạp chí Bảo tàng và Nhân học, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực [1] …và các cơ quan báo chí quốc gia, từng bước ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả trong công tác trưng bày, giúp bổ sung nhận thức mới, góp phần minh định, làm sáng tỏ nhiều vấn đề mang tính “thời sự” về lịch sử – văn hóa dân tộc qua sự phát triển của áo dài.