TÊN DOANH NGHIỆP, CẦN CHÚ Ý GÌ KHI ĐẶT TÊN?

Từ khi sinh ra, vạn vật đã có riêng cho mình một cái tên để phân biệt và để được nhớ đến. Doanh nghiệp cũng vậy, cái tên là thứ gây ấn tượng và cũng thể hiện loại hình doanh nghiệp, tên riêng, ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, một cái tên hay là chưa đủ, đặt tên doanh nghiệp cũng cần tuân theo những quy định Luật Doanh nghiệp đưa ra. Vậy những điều cần lưu ý là gì?

 

1. Cách đặt tên

 

Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

 

“1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

 

a) Loại hình doanh nghiệp;

 

b) Tên riêng.

 

2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

 

3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.”

 

Như vậy, tên doanh nghiệp cơ bản phải thể hiện được 2 yếu tố: loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Hướng Dương. Trong đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Công ty TNHH MTV) là loại hình doanh nghiệp, Hoa Hướng Dương là tên riêng.

 

– Đối với doanh nghiệp đặt tên nước ngoài:

 

Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

 

1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

 

2. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

 

3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

 

– Đối với tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh (điều 40):

 

+ Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

 

+ Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

 

+ Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.

 

2. Những điều cấm khi đặt tên

 

Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

 

1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.

 

Điều 41. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn

 

1. Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.

 

2. Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:

 

a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

 

b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

 

c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

 

d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

 

đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

 

e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

 

g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

 

h)Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

 

3. Các trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này không áp dụng đối với công ty con của công ty đã đăng ký.

 

4. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chứcxã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

 

5. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

 

 

Để tránh việc đặt tên trùng, doanh nghiệp có thể truy cập để biết tên mình định đặt đã có doanh nghiệp nào đăng ký sử dụng chưa. Tên doanh nghiệp có thể đặt một cách sáng tạo nhưng nên tránh những cái tên gây phản cảm, sai điển cố điển tích,… VD: Công ty TNHH Sơn Tinh- Thánh Gióng.

 

Vấn đề đặt tên gây nhầm lẫn cũng đã có nhiều doanh nghiệp vô tình hay cố ý thực hiện. Một vài doanh nghiệp lực chọn đặt tên na ná những thương hiệu lớn khiến cho người tiêu dung, khách hàng nhầm lẫn do không để ý và lựa chọn. Tuy nhiên, nếu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp không đủ tốt thì sẽ ngày càng tụt lùi và mãi mãi là cái bóng của thương hiệu đó. Vậy nên hãy tự tạo riêng cho mình một cái tên, có thể đơn giản nhưng là chính mình.

 

Các trường hợp được coi là trùng, gây nhầm lẫn được quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020.

 

3. Tư vấn cách đặt tên

 

– Đặt theo tên riêng của chủ doanh nghiệp. Cách này tuy đơn giản nhưng lại mang dấu ấn riêng. Thực tế cũng có rất nhiều các thương hiệu lớn trên thế giới sử dụng cách đặt tên này. Ví dụ như thương hiệu giày Adidas, giày Puma, cửa hàng đồ ăn nhanh Mc Donald,…

 

Doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn đặt tên theo tên ghé của các thành viên sáng lập, tên vợ- chồng,..

 

– Đặt tên theo ngành nghề kinh doanh

 

Ví dụ: Công ty cổ phần sữa Ba Vì

 

– Đặt tên bằng số: sử dụng những con số cũng là cách khiến tên doanh nghiệp của bạn trở nên ấn tượng và dễ nhớ. Có thể đặt tên theo số địa chỉ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hay một con số nào đó có ý nghĩa đối với bản thân.

 

– Tránh đặt những cái tên gợi đến sự xui xẻo, không may mắn hay phản cảm.

 

Có rất nhiều cách để tạo nên một cái tên hay cho doanh nghiệp của bạn. Việc đặt tên sẽ là bước khởi đầu của doanh nghiệp trên thị trường đầy cạnh tranh, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng chọn một cái tên vừa đảm bảo hợp pháp nhưng cũng không kém phần ấn tượng cho doanh nghiệp của mình.

Đánh giá bài viết