TẦM QUAN TRỌNG CỦA THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG

TẦM QUAN TRỌNG CỦA THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG

“Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện” – Vijaya Lakshmi Pandit

    Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người càng được nâng cao, việc giáo dục và định hướng cho thế hệ trẻ càng cần được xem trọng. Môi trường học đường là nơi để học sinh rèn luyện đạo đức và tri thức, là nơi để các em trưởng thành, định hướng được tương lai mai sau của bản thân. Tuy nhiên, trường học – nơi được xem là “ngôi nhà thứ hai” của chúng ta, đang ngày một thay đổi. Mỗi năm có không biết bao nhiêu sự việc đáng tiếc về học đường gây xôn xao dư luận, như nữ sinh đánh nhau, lột đồ của bạn, nam sinh tự tử vì áp lực thi cử, giáo viên xúc phạm và hành hung học sinh, xuất hiện những hành động gian lận,… Trước kia, chúng ta thường có tâm lý chủ quan nghĩ rằng bạo lực học đường sẽ không xảy ra thường xuyên và nhà trường có thể ngăn chặn được. Thế nhưng, hiện nay chỉ cần một thao tác rất nhanh trên google ta có thể tìm thấy hàng loạt các video clip quay cảnh bạo lực của cả nữ sinh lẫn nam sinh. Nguyên nhân sâu xa của những sự việc đáng buồn này chính là người lớn đã không chú ý đến tâm lý của các em học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì – khi các em đang có những thay đổi lớn về tâm – sinh lý. Do đó, việc tham vấn tâm lý học đường giúp các em hiểu rõ giá trị của bản thân đóng vai trò rất quan trọng đối với nhà trường và toàn xã hội.

   1. THAM VẤN TÂM LÝ LÀ GÌ?

   Có lẽ đây là câu hỏi thường gặp ở các bậc phụ huynh và học sinh, nhưng đâu đó một bộ phận người vẫn chưa hiểu rõ khái niệm này. Tham vấn hay tham vấn tâm lý có tên tiếng anh là “Couselling”, là một hình thức trợ giúp tâm lý phổ biến và có lịch sử lâu đời tại châu Âu (khoảng những năm 40 của thế kỷ XX). Tại Việt Nam khái niệm tham vấn vẫn còn khá mới mẻ và ít được sử dụng, song lại đang được quan tâm khá nhiều trong thời gian gần đây.

   Tham vấn giúp kiến tạo một mối quan hệ giữa nhà tham vấn và thân chủ của mình. Đó là một quá trình tương tác nhằm giúp đỡ thân chủ cải thiện cuộc sống bằng cách khai thác, nhận thức và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ, thông qua hệ thống chat của trang web hoặc trò chuyện qua điện thoại mà không cần phải gặp trực tiếp. Khái niệm tham vấn này cũng được nhiều nhà tâm lý định nghĩa ngắn gọn: “tham vấn là xây dựng mối quan hệ giữa nhà tham vấn và thân chủ. Trong đó, nhà tham vấn đóng vai trò là người lắng nghe, sẻ chia, thông cảm và hỗ trợ thân chủ trong việc kiểm soát cảm xúc và tự định hướng cho các vấn đề của mình”. Một số chủ đề chính mà các nhà tham vấn tâm lý thường tập trung vào bao gồm vấn đề về tài chính và sức khỏe, môi trường tương giao cá nhân, giáo dục và phát triển hướng nghiệp, các tương giao ngắn hạn và tập trung vào tính toàn thể của nhân cách.

                                                   Hình 1. Nguồn ảnh: bookingcare.vn

   Tham vấn tâm lý học đường có thể hiểu một cách đơn giản giống như tham vấn tâm lý bình thường, nhưng chỉ khác biệt ở chỗ phạm vi của nó thu hẹp trong trường học. Đây là một quá trình nhằm hỗ trợ tâm lý không chỉ cho học sinh, sinh viên mà còn cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, nhưng đối tượng đặc biệt được quan tâm trên hết là học sinh. Tham vấn tâm lý học đường giúp cho học sinh có khả năng giải quyết được những vấn đề đang đối mặt như vấn đề học tập, thi cử, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, cha mẹ,… bằng cách giúp họ xác định và làm sáng tỏ vấn đề, xem xét tất cả các khả năng, và đưa ra lựa chọn tối ưu nhất cho chính họ sau khi xem xét kỹ lưỡng các quan điểm khác nhau. Từ đó giúp học sinh tự lựa chọn được hướng giải quyết tốt nhất của vấn đề, đồng thời giúp họ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, sống vui tươi, hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình.

2. TẦM QUAN TRỌNG CỦA THAM VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG

   Trước xu thế toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ gần như mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay, một đứa trẻ 6 – 10 tuổi có thể sử dụng thành thạo một điện thoại thông minh là điều rất bình thường. Vì người lớn luôn vùi mình vào công việc và ít có thời gian dành cho con nên phần lớn các bậc phụ huynh đều cho con mình tiếp xúc với thiết bị công nghệ và mạng xã hội khá sớm để chúng im lặng, không quậy phá. Bố mẹ có thể kiểm soát thời gian và hạn chế nội dung mà các em được phép xem nhưng sao có thể chắc chắn rằng trẻ sẽ không thể truy cập vào những nội dung ấy? Tính tò mò của trẻ nhỏ là rất cao đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, bạn càng cấm, chúng càng muốn khám phá. Chỉ cần tiếp xúc một thước phim ngắn hay một trò chơi có xu hướng bạo lực như bắn súng, đấu vật, thực tế ảo,… trong một thời gian ngắn cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Vì thế để trẻ không có những suy nghĩ và hành động sai lệch thì gia đình và nhà trường cần định hướng và quan tâm đến sức khỏe tinh thần, tâm lý của trẻ ngay khi còn nhỏ.

                                                    Hình 2. Nguồn ảnh: mindalife.vn

   Mặc dù đã được phổ cập từ cuối năm 2017 về việc tổ chức tham vấn tâm lý trong nhà trường nhưng hầu như các trường học đều lập Phòng tư vấn tâm lý học đường chỉ để trưng bày. Các cấp lãnh đạo nhà trường chưa nhận thấy tầm quan trọng cuả công tác tham vấn tâm lý học đường, không mời các chuyên gia tâm lý, không tuyên truyền đến các em học sinh và phụ huynh, nhiều người còn không biết có sự tồn tại của căn phòng này trong trường. Điều này khiến cho công tác tham vấn tâm lý học đường không đạt được hiệu quả như mong muốn, và tình trạng thiếu định hướng cho học sinh đang trở nên đáng báo động vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của các em nói riêng và tương lai của đất nước nói chung.

   Một thực tế mà rất nhiều phụ huynh và cả thầy cô giáo quên mất rằng các em học sinh ở độ tuổi từ 12, 13 – 17, 18 tuổi là các giai đoạn rất khó khăn. Trong giai đoạn này các em phải tiếp nhận sự thay đổi lớn về mặt cơ thể và cả trong suy nghĩ và tính cách. Đây là giai đoạn các em chưa trưởng thành nhưng cũng không còn là trẻ con. Những nhận thức và cảm xúc của các em trong giai đoạn này chưa thật sự chín chắn và có thể sai lệch nếu không có sự quan tâm và giúp đỡ từ phía gia đình và nhà trường.

   Có thể thấy trong độ tuổi từ 13 – 17 tuổi, các em rất nhạy cảm với việc bị bố mẹ la mắng hay trách móc đặc biệt là trước sự xuất hiện của người thứ 3, các em dễ nổi nóng, bốc đồng và thiếu suy nghĩ trong lời nói và hành động… Ngoài ra các em trong độ tuổi này cũng rất thích chứng tỏ bản thân, tập làm “người lớn” và thích khám phá mọi thứ xung quanh mình. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng đa số những người đàn ông nghiện thuốc lá vì họ đã tập hút nó từ lúc còn đi học bằng cách này hoặc cách khác. Cùng với đó, việc sử dụng bạo lực ở độ tuổi này không chỉ là cách giúp các em cảm thấy dễ chịu, giải tỏa những áp lực từ gia đình (sự kì vọng quá mức từ bố mẹ), áp lực học tập, thi cử hay áp lực về tương lai (giàu có, thành đạt) mà còn giúp các bạn khẳng định vị trí của mình với mọi người, chứng tỏ bản lĩnh với những đứa trẻ đồng trang lứa. Vì thế đã khiến bạo lực học đường diễn ra mạnh mẽ và rầm rộ hơn. Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Cũng theo thống kê của Bộ GDĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau… Cứ thế, bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.

   Ngoài ra, trong độ tuổi này, trẻ có thể xuất hiện những tình cảm đặc biệt với các bạn khác giới và chưa kể đến cơ thể của các em đang phát triển một cách toàn diện. Nếu gia đình và nhà trường không quan tâm và giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ lúc này thì chúng dễ phát sinh quan hệ với các bạn khác giới dễ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục và nghiêm trọng hơn là mang thai ngoài ý muốn. Vì theo ước tính có trên 10% nữ giới chưa kết hôn trong độ tuổi từ 15-24 đã từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn. Tình trạng mang thai ngoài ý muốn không chỉ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như phá thai (cả an toàn và không an toàn), bỏ học sớm, bị gia đình và xã hội xa lánh, hoặc nghèo đói. Vì thế việc tham vấn tâm lý tình yêu học đường và giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm là rất quan trọng.

                                   Hình 3: Tầm quan trọng của tham vấn tâm lý học đường

   Bên cạnh đó, trong một khảo sát về giới tính ở độ tuổi học đường cho thấy có đến hơn 20% những em tự nhận mình là giới tính thứ ba. Trong đó, vì nhiều sở thích đặc biệt như cắt tóc ngắn, thích chơi thể thao, có cá tính mạnh mẽ hoặc thấy nhiều bạn xung quanh là những người đồng tính mà các em bắt chước và tự cho mình thuộc giới tính thứ ba nhưng về mặt sinh lý lại không phải như vậy. Trẻ em trong giai đoạn tuổi mới lớn gặp khó khăn trong việc nhận biết giới tính và trở ngại về xu hướng giới tính hay không, chủ yếu liên quan đến cách giáo dục giới tính của môi trường xung quanh đối với trẻ khi còn nhỏ.

   Trong bối cảnh xã hội đang ngày càng phát triển, hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn tương lai con mình sẽ thành đạt, giỏi giang. Tuy nhiên, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, nhiều em vẫn không biết bản thân thích gì? Không biết nên chọn ngành gì? Hay ngành mình chọn sẽ học cái gì? Thực tế cho thấy lượng sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp hoặc không làm đúng ngành nghề hay thậm chí là từ bỏ con đường đại học vì họ không thật sự thích ngành nghề đó hay cảm thấy bản thân không phù hợp với nghề này. Có thể chính việc thiếu định hướng từ đầu là một phần nguyên nhân tạo nên một bộ phận người trẻ thất bại, chán nản và thiếu phương hướng như hiện tại.

   Qua đây có thể thấy việc thực hiện tham vấn tâm lý học đường là rất cần thiết và nên được đẩy mạnh cho trẻ ngay từ khi chúng còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt chú ý tới giai đoạn trẻ dậy thì, có những thay đổi về thể chất và tâm lý. Việc tham vấn tâm lý học đường không chỉ giải quyết được những vấn đề học sinh đang mắc phải mà còn giúp cải thiện mối quan hệ giữa học trò – thầy cô, con cái – cha mẹ, bạn bè – bạn bè,… Tham vấn tâm lý sẽ giúp học sinh tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong học tập, cuộc sống. Họ sẽ cảm thấy bình tâm, giảm bớt áp lực, mệt mỏi và từ đó giúp việc học tập hiệu quả hơn, cuộc sống vui vẻ hơn.

Anh Tuyết