Sức mạnh của việc KHÔNG LÀM GÌ

Sức mạnh của việc KHÔNG LÀM GÌ

Trong khi chúng ta tự nhủ mình có thể đạt được nhiều hơn bằng cách lùng sục khắp mọi nơi, thực ra điều ta nên làm lại là nhắm mắt lại nằm im một chỗ. Và chờ đợi…

Một lão cá sấu già đang nổi trên bờ sông thì một chàng cá sấu trẻ hơn bơi đến cạnh:

“Tôi nghe nói ông là thợ săn lão luyện nhất ở vùng này. Ông có thể vui lòng chỉ dạy cho tôi được không?”

Bị đánh thức từ giấc ngủ trưa, lão cá sấu già liếc nhìn chàng cá sấu trẻ với đôi mắt bò sát hấp háy của mình, không nói gì rồi sau đó ngủ thiếp đi trên mặt nước.

Cảm thấy thất vọng và bị khinh thường, chàng cá sấu trẻ liền bơi ngược dòng để đuổi theo đàn cá da trơn, để lại phía sau một đợt bọt nước. “Để tôi cho ông sáng mắt ra”, anh chàng cá sấu nghĩ.

Image result for crocodile illustration

Cuối ngày hôm đó, chàng cá sấu trẻ trở lại chỗ lão cá sấu già – lúc này vẫn đang ngủ say sưa, và thao thao bất tuyệt kể về cuộc đi săn thành công của anh ta:

“Hôm nay tôi đã bắt được hai con cá da trơn ngon lành đấy. Ông có bắt được gì không? Chắc là không rồi. Hóa ra ông cũng chẳng có gì so với lời đồn nhỉ?”

Lão cá sấu già một lần nữa chỉ khẽ liếc mắt mà chẳng nói gì. Chàng cá sấu trẻ tức giận vô cùng vì không nhận được một phản ứng dù là nhỏ nhất. Anh chàng bơi ngược lên thượng nguồn để đi săn và chứng minh tài năng của mình.

Sau vài giờ đồng hồ, anh chàng mang về một con chim hạc. Ngậm chú chim trong mồm, anh chàng cười khểnh bơi về chỗ lão cá sấu nọ, kiên quyết chứng minh cho lão thấy ai mới là thợ săn thực thụ.

Khi đến gần chỗ nọ, chàng ta thấy lão cá sấu vẫn nằm im một chỗ gần bờ sông. Tuy nhiên, có điều gì đó đã thay đổi. Một chú linh dương đầu bò lớn đang uống nước cách chỗ lão cá sấu già chỉ có một gang tay.

Trong một chuyển động nhanh như chớp, lão cá sấu già lao ra khỏi mặt nước, quấn quanh hàm linh dương đầu bò và lôi tuột xuống lòng sông.

Quá sức bất ngờ, chàng cá sấu trẻ lắp bắp:

“Làm thế nào… Làm sao ông lại làm được điều đó?”

Ngon lành thưởng thức bữa ăn nặng hơn 200kg, lão cá sấu già cuối cùng cũng đáp lại:

“Tôi chẳng làm gì cả.”

 

 

BẬN RỘN VÀ BẬN RỘN “LÀM MÀU”

 

Lần đầu tiên xây dựng doanh nghiệp của mình, tôi cũng giống như chàng cá sấu trẻ – tin rằng mình luôn phải làm một cái gì đó để thành công. Hồi đó, nếu ai nói với tôi rằng tôi sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn nếu dành thời gian để “chẳng làm gì cả”, tôi sẽ chỉ đảo mắt bỏ qua và tập trung vào việc làm 16 giờ/ngày. Tôi nghĩ rằng, để thành công, tôi phải liên tục làm việc, liên tục xây dựng, liên tục phát triển thứ tiếp theo – bất kể đó là gì.

Tất cả chúng ta đều gặp vấn đề với “sự bận rộn”. Nhưng bận rộn và thành công lại không hề gắn liền với nhau.

Và, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đặt việc “chẳng làm gì” lên trở thành một ưu tiên, chúng ta sẽ bắt được nhiều linh dương hơn là đôi ba chú cá da trơn.

Bí quyết ấy đã hiệu quả với tôi, và tôi hi vọng nó cũng sẽ hiệu quả với bạn.

 

Tuy nhiên, làm ít hơn hoặc chẳng làm gì cả là một việc nói thì dễ chứ làm được lại rất khó, đặc biệt là trong một xã hội ai ai cũng đều bận rộn. Chúng ta hãy cùng xem xét kĩ hơn về nỗi ám ảnh “phải bận rộn” này.

 

 

“BỆNH” BẬN RỘN

 

Related image

Nhân loại đã phải vật lộn với sự bận rộn kể từ thuở sơ khai – hoặc ít nhất là từ năm 425 trước Công Nguyên, khi Homer dạo chơi trên Trái Đất.

Odyssey kể về câu chuyện của những người ăn hoa sen – một kẻ kì lạ lười biếng chỉ suốt ngày ăn hoa sen mà chẳng làm gì cả. Và, điều lạ lùng hơn nữa là người này hài lòng với cuộc sống ấy.

Homer đã viết rằng, sau khi một số kẻ đi cùng với Odysseus cũng bắt đầu ăn hoa sen, họ trở thành giống như những người kỳ lạ kia: bình thản, thư giãn và đôi chút thờ ơ.

Sợ hãi rằng nếu tất cả cánh đàn ông trong đoàn mình đều ăn hoa sen, họ sẽ chẳng còn động lực về nhà, Odysseus liền ra lệnh trói những người bị ảnh hưởng vào băng ghế và cho thuyền rời đi ngay lập tức.

Điều thú vị là, phản ứng của Odysseus đối với việc “Không làm gì” này tương tự như của những vị CEO, những ông chủ doanh nghiệp, những bậc quản lý… – những người nghiện làm việc nặng nhọc và khinh miệt tất cả những gì có thể gợi nhắc đến cảm giác nghỉ ngơi.

Mặc dù, tất nhiên đó chỉ là đỉnh của một tảng băng xã hội lớn hơn nhiều, nơi con người bị đóng băng bởi cảm giác sợ hãi việc “không làm gì”. Cả thế giới hiện nay đều đo lường giá trị về mặt bận rộn so với chất lượng công việc, và trở thành hẳn một “biểu tượng” trên mạng xã hội: biểu tượng “bận rộn”.

Đã bao nhiêu lần bạn phải nghe những cuộc hội thoại như thế này:

– Gần đây cậu thế nào, Mark?

– Ôi bận không ngóc đầu lên được bạn tôi ơi!

– Tốt đấy, tiếp tục công việc đi anh bạn.

Trong vô thức, chúng ta gán cho người khác giá trị dựa trên số giờ họ làm việc, số tiền họ có, những gì họ sở hữu, và mặc kệ họ có phải phải ngược xuôi vất vả hay không.

Trong cuốn sách “4-Hour Work Week” của Tim Ferriss, tác giả đã châm biếm một cách đầy hài hước về thực trạng này, rằng nếu bạn muốn thăng tiến, bạn cần phải xuất hiện càng bận rộn càng tốt, làm việc hàng giờ liền, tối mắt tối mũi lên và liên tục trả lời e-mail.

Nhưng không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều sẽ đặt ra câu hỏi rằng: “Sứ mệnh của chúng ta là gì?”. Là bận rộn hết mức có thể hay tạo nên những ảnh hưởng đến cuộc đời này?

Và điều thú vị là khi chúng ta nhìn lại thành tựu của những bộ óc vĩ đại nhất, ta luôn thấy họ dành thời gian quý báu của mình để “không làm gì cả”.

 

 

SỨC MẠNH CỦA VIỆC “KHÔNG LÀM GÌ”

 

Dành một khoảng thời gian nhất định trong tuần để “Không làm gì” quả là một thử thách, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta liên tục bị khủng bố bởi những cuộc hẹn, thông báo, buổi họp và những nhiệm vụ ngày một chất chồng.

 

Nhưng chính những người điều hành bận rộn nhất lại là những người tiên phong trong việc triển khai “Think Weeks” – họ chẳng làm gì, chỉ đọc, suy nghĩ, đọc, suy nghĩ trong khi thế giới ngoài kia vẫn không ngừng quay cuồng: Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg, Tim Ferriss,…

Related image

Trong nhiều năm qua, Bill Gates liên tục có “Think Weeks” trong lịch trình làm việc của mình, không phải kỳ nghỉ, mà chính xác là khoảng thời gian “không làm gì”. Gates rất nguyên tắc về các “Think Weeks” này và hầu như không liên hệ gì với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Và cũng theo lời ông, hầu hết những thành công của Microsoft đến từ những ý tưởng ông tình cờ gặp được trong khi “không làm gì cả”.

 

 

CÁCH ĐỂ “KHÔNG LÀM GÌ”

 

Bạn không nhất thiết phải tự cô lập khỏi gia đình và bạn bè mới có thể bắt đầu “Think Weeks”.

Bạn có thể chỉ đơn giản là dành một tuần nghỉ mỗi năm để về quê , phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng. Tất cả những suy nghĩ về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát, tỷ giá ngoại tệ sẽ biến mất khi bạn cuốc đất trồng rau. Đó là thiền định và tĩnh tâm.

Tôi biết rằng, cuốc đất trồng rau sẽ chẳng giúp tôi (hay bạn) lên đến đỉnh cao của thị trường chứng khoán hay bất động sản, nhưng đó cũng chỉ là những thước đo thành công cá nhân mà thôi. Và biết đâu đấy, một ý tưởng đại tài hay một quyết định sáng suốt sẽ chợt nảy ra khi tôi đang tưới phân!

Related image

Đối với những người không thể nghỉ cả tuần dài mỗi năm chỉ để “Không làm gì”, bạn có thể tiến hành theo một cách khác: từ bỏ mọi công nghệ.

Vào thứ bảy hoặc chủ nhật, hãy ép mình rời xa mọi hình thức công nghệ. Tắt điện thoại, máy tính đi, giấu nó vào một ngăn tủ rồi khóa chặt. Hãy làm thế với mọi thiết bị công nghệ của bạn, thậm chí là cả truyền hình kĩ thuật số.

Hãy cho não bạn có một không gian để suy nghĩ bằng cách bước ra khỏi guồng xoáy hằng ngày và “Không làm gì cả”. Tâm trí của bạn sẽ có thời gian để chạm đến những ý tưởng mới và tìm ra cách phát triển những ý tưởng cũ. Thành quả sẽ đến với bạn như đã đến với lão cá sấu già.

 

Trong khi chúng ta tự nhủ mình có thể đạt được nhiều hơn bằng cách lùng sục khắp mọi nơi, thực ra điều ta nên làm lại là nhắm mắt lại và nằm im một chỗ.

Và chờ đợi, cho đến khi con linh dương đầu tiên xuất hiện…


Phanh.

Trạm Đọc.

Theo Medium.