Sức khỏe của bạn: Khám sức khoẻ cho nhân viên nhà hàng
–
Thứ sáu, 25/11/2016 18:16 (GMT+7)
– Em về hưu đang tính chuyện mở quán ăn cho có đồng ra đồng vào và cho vui. Nhiều người bảo được đấy nhưng cũng có người khuyên phải tính kỹ vì thủ tục không đơn giản. Em chỉ mở quán cóc bán bún buổi sáng buổi trưa, em tự nấu và nhờ người nhà hay thuê vài cháu giúp việc, đơn giản gọn nhẹ nhưng lại thấy phải có giấy khám sức khỏe của y tế thì nhiêu khê quá.
– Đấy là cô mở quán ăn ở ta chứ chỉ cần sang mở ở Singapore hay ở Mỹ thì cô phải dẹp ngay ý định vì yêu cầu đầu bếp phải có bằng, chứng chỉ về nấu ăn chính quy do trường cao đẳng dạy nghề cấp; còn chứng chỉ sức khỏe (cao hơn và đầy đủ hơn giấy khám sức khỏe của ta) là cái bắt buộc cho mọi nhân viên làm việc trong quán.
– Bác làm như em là doanh nhân mở một doanh nghiệp to tát, chỉ là cái quán cóc bán bún, khắp chợ cùng quê đâu chả thấy bán có chết ai đâu mà phức tạp thế.
– Cô nghĩ thế là chưa bắt kịp với hiện tại, trước đây trong làng mở quán cả xóm biết nhau, người ăn cũng hàng xóm láng giềng họ hàng với nhau, quan hệ của chủ quán và khách hàng hoàn toàn theo lề thói hương ước, lấy cái tình ra mà đối xử. Ngày nay, dù là quán nhỏ nhưng quan hệ giữa chủ và khách hàng hoàn toàn phải xử sự bằng lý bằng luật nên mọi việc phải theo đúng luật lệ hiện hành. Nói riêng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, về sức khỏe của nhân viên nhà hàng và của khách ăn lại càng phải làm cho đúng. Mình bán hàng ăn mà để khách bị ngộ độc thức ăn thì phải tội. Quy định khám sức khỏe định kỳ từ xa xưa đã có và thực hiện rất nghiêm ngặt nhưng vì lúc đó chỉ có các cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh việc thực hiện có nền nếp. Bây giờ đi đâu cũng có nhà hàng quán ăn quán cóc các kiểu nở rộ hơn nấm sau mưa, chả chính quyền nào lo xuể. Người bán người ăn vẫn theo nếp hàng ăn đường phố bình dân nên bệnh tật, suy giảm sức khỏe không có cách nào kiểm soát đề phòng.
Nêu vấn đề như thế này thì ai cũng dễ đồng thuận: Nếu chẳng may có một người bị bệnh lao không được phát hiện mà nấu ăn hay chạy bàn thì nguy cơ lây nhiễm cho bao nhiêu khách ăn; đến lượt họ lại không biết, lại lây nhiễm cho bao nhiêu người thân trong nhà và cho cả các đồng nghiệp cùng làm. Phát hiện ra người bệnh thường chỉ do ngẫu nhiên hoặc khi đã phát bệnh thì đã muộn vì không biết bao người đã mắc mà không biết để khám chữa bệnh. Chỉ thí dụ một bệnh lao còn trong thực tế nhiều bệnh lây lan khác khi tiếp xúc, khi ăn uống có thể lây truyền mầm bệnh như viêm gan A, vi khuẩn các loại, ký sinh trùng đường ruột, virus cúm, virus quai bị…
Vì vậy, việc khám sức khỏe cho người khởi nghiệp ngành ăn uống dù là quán nhỏ ngõ nhỏ hay nhà hàng cao cấp đều phải làm nghiêm túc. Khi tuyển nhân viên, nhất là nhân viên bếp, bàn, quầy bar phải có khám sức khỏe riêng cho ngành ăn uống chứ không chỉ giấy khám sức khỏe chung thường dùng trong hồ sơ tuyển người. Bản thân người chủ quán, chủ doanh nghiệp phải ý thức được nguyên tắc khám sức khỏe thật sự (không phải làm kiểu hình thức, đối phó) nếu muốn làm ăn đứng đắn, có được chữ tín và thương hiệu lâu dài.