Sức hút của sách nghiên cứu lịch sử
Sách nghiên cứu có giá trị được xuất bản dưới hình thức đặc biệt, số lượng ít để bám sát thị trường. Đây là hướng đi mới cho dòng sách phục vụ nhóm bạn đọc chuyên biệt.
Sách nghiên cứu là một dòng có nhiều giá trị với sự đa dạng trong đề tài. Những năm gần đây, thị trường sách nghiên cứu nở rộ, nhiều ấn phẩm công phu ra mắt, được đón nhận nồng nhiệt.
Hồi ức kinh thành Huế bản bìa sơn mài hộp giấy. Ảnh: Thái Hà Books.
Sức hút của sách nghiên cứu lịch sử
Từ khoa học, lịch sử tới nghệ thuật, văn hóa, mỗi dòng sách nghiên cứu đều tìm được đối tượng độc giả riêng. Theo bà Phạm Thủy, Giám đốc Truyền thông Công ty sách Thái Hà, độc giả sách nghiên cứu thường chia làm hai đối tượng: đối tượng đọc để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và đối tượng sưu tầm sách.
Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Omega+ (một đơn vị xuất bản nhiều đầu sách nghiên cứu), lại nhận định rằng nhóm sách lịch sử, cụ thể là lịch sử thế giới từ các góc nhìn khác nhau (sinh học tiến hóa, kinh tế, chính trị, thương mại…) vẫn là nhóm sách bán chạy nhất của công ty sách này.
Trong đó, các cuốn sách về lịch sử nhân loại từ một viễn cảnh dài rộng, phân tích các quy luật biến thiên của lịch sử và rút ra những bài học, hay đặt ra những câu hỏi lớn về sự tồn tại và tương lai tiếp theo của loài người là những cuốn thực sự được đón nhận. Các tác phẩm nghiên cứu lịch sử công phu ấy không chỉ “bán chạy” mà còn khơi gợi được các cuộc thảo luận, các suy tư từ người đọc.
Bà Phương cho biết đó cũng chính là điều đội ngũ Omega+ mong muốn. Thông qua các cuốn sách đó, đặt ra các vấn đề để người đọc có thể suy nghĩ, từ đó tác động đến chính xã hội chúng ta đang sống.
Nổi bật trong số các nghiên cứu lịch sử bán chạy, Sapiens: Lược sử loài người của tác giả Yuval Noah Harari là một tác phẩm mà theo bà Phương là “chưa cuốn nào vượt qua được”.
“Cuốn này là một hiện tượng xuất bản trên thế giới, trước khi trở thành cuốn sách nổi bật ở Việt Nam và sách bán chạy nhất của Omega+ kể cả hiện nay. Con số trăm nghìn bản có thể không phải quá xuất sắc với nhiều thể loại sách khác, nhưng với sách khoa học ở Việt Nam, đó là cả một câu chuyện”, bà Phương tiết lộ.
Ngoài ra, các cuốn sách giá trị như Súng, vi trùng và thép, Biến động, Sụp đổ của Jared Diamond, hay Sự giàu và nghèo của các dân tộc của David Landes đều gây được tiếng vang trong và ngoài cộng đồng đọc sách.
Bà Phạm Thị Thủy cũng chia sẻ gần đây Công ty Thái Hà có cho ra mắt cuốn Hồi ức kinh thành Huế bản bìa sơn mài hộp giấy với giá bán 1.390.000 đồng. Dù giá cao như vậy, tác phẩm nghiên cứu văn hóa – lịch sử này vẫn tìm được đối tượng độc giả đón nhận.
Bên cạnh đó, cuốn Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế được làm với phiên bản trúc chỉ để đấu giá chính là một ví dụ cho loại hình xuất bản phẩm đặc biệt hiện nay.
Bà Thủy cho biết dòng sách nghiên cứu có giá trị cao đã mở ra một hướng đi mới, đó là xuất bản dưới hình thức đặc biệt, số lượng ít, bám sát nhu cầu thị trường.
“Thái Hà Books sẽ làm song song hai phiên bản: sách phổ thông để lan tỏa giá trị đến đông đảo bạn đọc và sách bản đặc biệt với chất liệu dựa vào nội dung của sách phục vụ cho đối tượng độc giả thích sưu tầm”, bà Thủy nói.
Sách nghiên cứu của phương Tây vẫn chiếm ưu thế
Theo bà Trần Hoài Phương sách của các học giả phương Tây vẫn chiếm ưu thế rõ rệt. Bà cho rằng đây là điều dễ thấy và dễ hiểu, khi mà phương Tây đã có cả một truyền thống làm sách phổ biến khoa học, do các tác giả vốn là nhà khoa học chuyên sâu soạn nên.
Vốn kiến thức nền rộng, sự chuyên nghiệp trong cách tiếp cận công chúng, lối viết hấp dẫn, gần gũi, hóm hỉnh mà vẫn rất thuyết phục về khoa học chính là những yếu tố giúp sách nghiên cứu phương Tây tiếp cận được nhiều độc giả.
“Các ekip của các đơn vị xuất bản phương Tây cũng rất chuyên nghiệp, thành thục trong việc tìm kiếm và phát triển tác giả như vậy, họ xây dựng team hỗ trợ, đặt các đề tài và đi cùng tác giả trong quá trình tổ chức bản thảo”, Giám đốc Omega+ nhận định. Đồng thời bà Phương cho rằng ở Việt Nam, sách nghiên cứu chưa được đón nhận nhiều như châu Âu, châu Mỹ.
“Đó là chưa tính đến các nguyên nhân sâu xa hơn như so sánh giữa sự phát triển của khoa học trong nước với các nước phát triển, hay ở cả nền tảng đọc của độc giả”, bà Phương nói thêm.
Sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử (GS Văn Tạo, GS Furuta Moto chủ biên). Ảnh: Omega+.
Tuy vậy, tùy vào từng lĩnh vực cụ thể, các tác giả cụ thể, tác giả người Việt vẫn có thể chiếm ưu thế tiếp cận hơn so với học giả nước ngoài. Ví dụ điển hình là các nghiên cứu Hán Nôm, hay một số lĩnh vực thuộc ngành Việt Nam học, dân tộc học.
Đặc biệt, sách nghiên cứu lịch sử cũng là một điểm mạnh của các tác giả Việt Nam, khi các tác phẩm nghiên cứu lịch sử nước nhà công phu như Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử (GS Văn Tạo, GS Furuta Moto chủ biên) hay các đầu sách nghiên cứu của Trần Trọng Kim vẫn nhận được sự quan tâm nhất định từ độc giả.