Sửa đổi Luật doanh nghiệp 2014: An toàn hơn và rẻ hơn!
– Tại Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 28/11/2019, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho hay, Luật Doanh nghiệp 2014 sau 4 năm đi vào thực thi đã bộc lộ những điểm hạn chế.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo/Ảnh: Minh Trang
Chủ động sửa cho phù hợp thực tiễn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, theo chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2020. Trong quá trình thảo luận, hai dự thảo Luật nhận được sự quan tâm và thảo luận rất kỹ của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, chính vì vậy, với vai trò Cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với cơ quan thẩm tra Quốc hội là Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo để tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã được thiết kế, xây dựng và thông qua trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tạo bước đột phá cho doanh nghiệp phát triển, không giới hạn quyền kinh doanh của các doanh nghiệp trừ các giới hạn trong Luật, chính sự thông thoáng, tích cực này đã tạo ra sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước từ khi luật có hiệu lực năm 2015 đến thời điểm hiện nay.
“Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay đã xuất hiện những mô hình kinh tế mới như mô hình kinh tế chia sẻ mà Việt Nam không có khung khổ pháp lý để điều chỉnh, bên cạnh đó sự phát triển của khoa học công nghệ diễn ra nhanh chóng cũng đòi hỏi phải sửa đổi Luật để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều nội dung của Luật Doanh nghiệp hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng về thời gian, chi phí cho việc tuân thủ; một số nội dung của Luật không còn tương thích với nhiều luật mới được ban hành, cần phải bổ sung để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ biên tập dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho biết, cách tiếp cận trong soạn thảo nội dung Luật Doanh nghiệp lần này đúng như Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã nhấn mạnh, đó là chủ động sửa luật để phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn, chứ không hẳn là do Luật bất cập nên phải sửa.
Ông Hiếu nhấn mạnh llaij mục tiêu sửa Luật, đó là tiếp tục tinh thần Luật Doanh nghiệp về quyền tự do kinh doanh: đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, Chính phủ. Đặc biệt, chủ động hội nhập và tiếp cận thực tiễn, thông lệ quốc tế tốt nhất.
Không thể để 5 triệu hộ kinh doanh không được thừa nhận
Chia sẻ với đại biểu tham gia Hội thảo, ông Hiếu cho biết, rất ngạc nhiên vì nội dung này được nhiều đại biểu quốc hội, cũng như đông đảo báo chí và nhân dân quan tâm.
Ông cho biết, về vấn đề hộ kinh doanh hiện đang có 03 nhóm ý kiến:
– Nhóm ý kiến thứ nhất: đồng tình với bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật.
– Nhóm ý kiến thứ hai: đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật vì đây là Luật Doanh nghiệp; do đó, cần ban hành một nghị định hoặc Luật riêng về hộ kinh doanh.
– Nhóm ý kiến thứ ba: đề nghị nếu bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật thì phải xem xét lại tên gọi của luật.
Trước các quan điểm này, ông Hiếu khẳng định, hộ kinh doanh không phải là nội dung mới hoàn toàn của Luật Doanh nghiệp.
Khoản 2 Điều 212 Luật 2014 đã quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh có quy mô nhỏ. Dựa trên điều khoản này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có 1 chương quy định về đăng ký hộ kinh doanh.
“Xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ của hộ cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định. Tôi cho rằng, về lâu dài thì cũng có thể xem xét để xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh; nhưng trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đó cũng là lý do vì sao Dự thảo Luật quy định một chương về hộ kinh doanh (Chương VIIa).
“Nội dung này được soạn thảo trên nguyên tắc: “luật hóa”, hoàn thiện các quy định đã có về hộ kinh doanh đang được quy định tại Điều 212 Luật doanh nghiệp và Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Do đó, bổ sung thêm quy định về hộ kinh doanh không cần thiết phải thay đổi tên Luật Doanh nghiệp”, ông Hiếu chỉ rõ.
Thay mặt Tổ biên tập dự thảo Luật, ông Hiếu cho biết, nội dung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng.
“Việc bổ sung quy định về hộ không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp”, ông Hiếu khẳng định. Ngược lại, ông cho biết, các quy định về Hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính hộ kinh doanh và bên có liên quan; thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế; đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo/ Ảnh: Minh Trang
Định danh đầy đủ hơn về DNNN
Một nội dung khác cũng đang được đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm đó là về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp có sở hữu nhà nước. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, việc lựa chọn tiêu chí “sở hữu trên 50% phần vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết” là không hợp lý; đề nghị nâng tiêu chí này lên mức “sở hữu trên 75% phần vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết”; một số ý kiến, đề nghị coi doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% phần vốn góp; còn doanh nghiệp khác thì coi là doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Về nội dung này, ông Hiếu lý giải vì sao đưa ra đề xuất tiêu chí DNNN là sở hữu trên 50%. Đó là do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu trên 50% phần vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ đảm bảo Nhà nước chủ động trong việc ban hành đa số quyết định thông thường của doanh nghiệp.
Đồng thời, tỷ lệ sở hữu này cũng vẫn đảm bảo quyền “chi phối” việc ra quyết định quan trọng khác. Nói cách khác, thông qua quyết định quan trọng của doanh nghiệp sẽ đòi hỏi phải có sự đồng ý của cổ đông là nhà nước.
Thứ hai, đây là phương án có một điểm tích cực hơn hẳn so với các phương án khác là tính tương thích với hệ thống quy định pháp luật hiện hành. Bởi vì các quy định về giám sát, quản lý doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước đã và đang phân loại, tiếp cận đối với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước theo tiêu chí tương tự: dưới 50%, trên 50% và 100%. Đồng thời, tỷ lệ 50% phù hợp với cách phân loại doanh nghiệp nhà nước theo hiệp định thương mại, đầu tư mà nước ta đã tham gia, ví dụ như Hiệp định CPTPP, EVFTA.
Đặc biệt, Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi quy định về khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” trong 2 Luật có liên quan là Luật Ngân sách nhà nước và luật Thủy lợi nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Dẫn Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII, ông Hiếu cho biết, về cơ bản quy định về của Luật doanh nghiệp 2014 so với tinh thần của Nghị quyết trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thì đã phản ánh và thể hiện ĐÚNG; tuy nhiên, có thể CHƯA ĐẦY ĐỦ, cần hoàn thiện thêm.
Song, theo Phó Giám đốc Ban quản lý KCN, KCX Hà Nội, mặc dù việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp để đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư là tất yếu, nhưng nên để khái niệm 100% vốn nhà nước, “còn việc quản lý như thế nào thì thiết kế nghị định, thông tư”, vị đại biểu này phát biểu.
Luật không bỏ con dấu của doanh nghiệp
Tại Hội thảo, ông Trần Thanh Chương, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái nhấn mạnh rằng, việc chủ động sửa đổi Luật để phù hợp với kinh tế thị trường là cần thiết. Ở Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần có nội dung doanh nghiệp phải có con dấu để thể hiện pháp nhân.
Liên quan đến việc quản lý con dấu của doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, cho biết, có một sự hiểu lầm khá phổ biến là dự thảo Luật mới “bỏ con dấu của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thực chất dự thảo Luật chỉ bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Sửa đổi này không phải là bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng dấu của doanh nghiệp mà chỉ khẳng định quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc có hoặc không có con dấu, quyết định sử dụng con dấu hay sử dụng phương tiện điện tử khác thay thế (chẳng hạn chữ ký điện tử)”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các ý kiến đều đồng tình với việc bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu. Đây không chỉ có ý nghĩa trong việc cắt giảm những chi phí không cần thiết, mà còn giúp doanh nghiệp ý thức rõ ràng hơn trong việc sử dụng con dấu, gia tăng độ an toàn trong giao dịch kinh doanh./.