Sự phát triển của trẻ 7 tháng tuổi & Dinh dưỡng cho trẻ | Huggies
Thời gian này có vẻ rất thú vị cho cả hai mẹ con, bởi ngay khi bạn tin rằng mình đã thành công trong việc thiết lập các thói quen sinh hoạt cho em bé của bạn, thì bé lại “giở chứng” xáo tung cả lên. Giờ giấc ngủ thay đổi, bé cứ bám dính lấy bạn, hoặc không chịu ăn những món mà bé yêu thích trước đó.
Tháng thứ 7 có thể gọi là thời kỳ chuyển tiếp khi mà em bé của bạn có nhiều thay đổi, nhưng cũng không đến mức gây ảnh hưởng xấu. Nhiều lần bé nhìn thấy món đồ chơi yêu thích nhưng không thể tự với lấy được. Điều này làm bé cảm thấy thất vọng và phản ứng lại – đây cũng là những cảm xúc thường xuyên của bé trong những năm tiếp theo. Bé 7 tháng tuổi đã cảm thấy khó chịu khi muốn lấy một thứ gì đó mà không thể với tới. Nhưng bạn đừng vội vàng giúp bé. Hãy để bé đối diện với thử thách để rèn luyện các kỹ năng vận động của mình. Mặc dù có thể bạn cảm thấy hạnh phúc khi được giúp bé, thì về lâu về dài điều này lại không tốt cho bé đâu.
Tham khảo: Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Nội Dung Chính
Chăm sóc bữa ăn và giấc ngủ của bé
Nếu em bé 7 tháng tuổi của bạn đang bú sữa mẹ, bé có thể sẽ thức dậy ít nhất 1 lần trong đêm để đòi ti sữa. Nhưng khi bắt đầu ăn dặm thì nhiều bé sẽ ngủ trọn giấc suốt đêm. Ngủ là một thói quen mang tính cá nhân hoàn toàn, mỗi bé sẽ có nhu cầu và kiểu cách riêng. Nếu bạn thấy cần phải thay đổi một vài thói quen ngủ của bé, thì bạn hãy tự xem mình có thể đáp ứng được không, và liệu bạn có cần phải luôn ở bên cạnh để ru bé ngủ không. Hãy vào trang web HUGGIES® để biết thêm thông tin cụ thể về việc sắp xếp giấc ngủ của bé.
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh, về nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bé:
Trung bình tuổi này bé trai nặng 7,4 – 9kg, bé gái nặng 6,8 – 8,6kg. Nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bé gồm:
1. Sữa mẹ hoặc CT2: 900-1000ml chia làm 8 – 10 cữ
2. Ăn dặm theo nhu cầu, tuổi này sữa vẫn là nguồn năng lượng chính. Nếu bé bú không đủ cũng sẽ dẫn đến tình trạng phân ít, bón. Vitamin D3 cần bổ sung theo nhu cầu của trẻ là 400-600ui/ ngày. Uống quá liều và kéo dài mới gây tác dụng phụ nhé.
Tham khảo: Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng
Em bé 7 tháng tuổi của bạn đã bắt đầu ăn đa dạng các loại thức ăn rồi, bé được khám phá nhiều món ăn với những vị, độ mềm, mùi thơm và cả màu sắc khác nhau. Trừ phi em bé của bạn bị dị ứng hay gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng, thì bạn nên cho bé nếm đủ loại thức ăn mới. Việc ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp cho bé rất nhiều. Nhưng với mỗi món mới, bạn nên cho bé ăn liên tục vài lần trước khi giới thiệu món khác, để cho bé kịp làm quen và chấp nhận mùi vị mới này đã. Thế nên, bạn hãy đừng nôn nóng.
Tham khảo: Chế độ ăn của trẻ sơ sinh
Bạn hãy tạo một thói quen ăn uống lành mạnh cho bé, và đừng bao giờ kiểm soát lượng thức ăn mà bé ăn mỗi bữa. Nhiệm vụ của bạn chỉ là chuẩn bị bữa ăn và đút cho bé thôi, còn chuyện bé có thích ăn hay không, hay ăn được bao nhiêu hoàn toàn là do bé quyết định.
Tham khảo: Các món cháo dinh dưỡng cho bé
Hành vi ứng xử
Ở độ tuổi này em bé 7 tháng tuổi của bạn đã biết phản kháng lại khi không chịu đi ngủ. Bé tỏ ra rất ồn ào, biểu lộ cho những người xung quanh biết là bé không hài lòng. Những lúc như vậy bạn hãy vỗ về bé bằng giọng nói dịu dàng của mình, thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt cho bé thấy bạn yêu thương và che chở cho bé. Hãy tham khảo thêm thông tin tại phần Chuyên gia về giấc ngủ trên trang web của chúng tôi.
Đừng bao giờ nghĩ rằng những phản kháng của bé là có chủ đích để thử thách sức chịu đựng của bố mẹ. Bé hoàn toàn chưa có khả năng cố ý tạo ra bất kỳ khó khăn gì khiến cho cuộc sống của bố mẹ phải vất vả. Bé vẫn đang trong quá trình học hỏi để hoàn thiện, và có những lúc chính bé cũng không biết mình cần gì nữa. Lúc nào bạn cảm thấy quá mệt mỏi với bé thì hãy nhờ mọi người trợ giúp. Có một câu nói của người xưa rằng cần phải có cả một ngôi làng để chăm sóc một đứa bé quả thật cũng không sai. Các ông bố, bà mẹ không cần phải nuôi dưỡng em bé một mình, chúng ta ai cũng phải cần đến sự giúp đỡ.
Trẻ 7 tháng tuổi biết làm gì?
Trẻ 7 tháng tuổi là giai đoạn thật đáng yêu của bé, với đầy ắp những tò mò và khám phá mọi thứ xung quanh. Có thể em bé của bạn vẫn chưa biết bò, nhưng bé đã hoàn toàn có khả năng điều khiển cơ thể một cách khéo léo trong mọi tư thế khi chơi đùa dưới sàn nhà. Bạn đừng đặt bé trong cũi hay xe đẩy quá lâu, bé rất cần được tự do vận động ở môi trường thoải mái bên ngoài.
Tháng này em bé của bạn có thể đang tập ngồi một mình, không cần ai đỡ. Nhưng bạn vẫn phải ở bên cạnh theo dõi bởi bé vẫn đang phải học cách giữ thăng bằng và giữ cơ thể ở một tư thế ổn định. Nếu bé không tỏ ra hứng thú tập ngồi cho lắm thì bạn cũng đừng lo lắng. Thực tế có nhiều em bé lại biết bò trước khi chịu ngồi cho vững vàng.
7 tháng tuổi, em bé của bạn đã tỏ ra gắn kết với những người chăm sóc bé thường xuyên. Bé đang phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc khi nhận ra ai là người bé có thể tin tưởng, và ai chăm sóc bé chu đáo nhất. Bạn đừng lấy làm phiền khi em bé chỉ đòi mẹ bế chứ không chịu theo ai khác, và khóc khi không trông thấy mẹ. Chính là bởi bạn đã làm rất tốt công việc của một người mẹ là bảo vệ bé và cho bé cảm giác bình yên. Vì thế nên bé yêu bạn, và muốn được ở bên cạnh bạn thôi.
Khi bé nghe thấy giọng nói quen thuộc, bé sẽ phản ứng lại ngay, quay đầu về phía có tiếng nói và sẵn sàng “hóng” chuyện. Hãy tận dụng thời gian để chơi trò ú òa với bé, và đọc sách cho bé nghe mỗi ngày.
Tăng trưởng
Bây giờ em bé của bạn có lẽ đã tăng hơn gấp đôi trọng lượng lúc mới ra đời. Bạn sẽ thấy đầu, chiều dài và hình dáng chân tay bé thay đổi và bé dường như đã trở thành một người nhỏ bé với cơ thể rắn chắc. Bạn cũng dễ bế em bé 7 tháng tuổi hơn bởi vì bé đã tự giữ được đầu và có thể tự ngồi trên đùi của bố mẹ.
Bạn có thể phải sắm loạt quần áo mới có size lớn hơn cho bé, khi nhận ra chân bé đã dài hơn. Các bé gái thường dài chân hơn bé trai ở độ tuổi này, nhưng những yếu tố di truyền cá nhân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chiều cao của riêng từng bé.
Giữ cho bé khỏe mạnh
Tháng này em bé 7 tháng tuổi của bạn không phải chích mũi chủng ngừa nào cả. Thế nên nếu bé không gặp vấn đề gì về sức khỏe thì bạn không cần phải đến gặp bác sĩ.
Mẹ nên rửa tay cho bé sạch sẽ trước khi ăn, nếu như trước đó bé đã chơi đùa dưới sàn nhà.
Vào những ngày hè nóng nực, trẻ vận động nhiều, cơ thể trẻ bài tiết nhiều mồ hôi nhưng không được mặc quần áo, tã bỉm có tác dụng thấm hút mồ hôi tốt, gây ứ đọng mồ hôi và bít tắc tuyến mồ hôi dẫn đến làn da bị viêm, và xuất hiện các mụn màu hồng nhỏ trên da – dân gian gọi là rôm sẩy.
Ngoài quần áo có chất cotton, mẹ nên mặc cho con Tã quần Huggies với thiết kế tinh chất Tràm Trà Tự nhiên, làm dịu da, chống hăm tã, rôm sẩy rất hiệu quả.
Công nghệ Bong Bóng 3D thấm hút tức thì và ngăn thấm ngược giúp trẻ thoải mái, vận động suốt cả ngày, mẹ cũng không lo con ngứa ngáy và khó chịu hoặc gây viêm da, nổi mẩn ngứa, rôm sẩy…
Sau 6 tháng đầu, đến nay lượng kháng thể tự nhiên được “tích góp” từ lúc sinh ra đã cạn dần. Mẹ cần phải cho con ăn bổ sung với chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, hợp lý. Mỗi bữa ăn của trẻ cần phải có đầy đủ 4 nhóm chất: Bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất để giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng “đủ sức” chống lại các vi khuẩn, virus tấn công và gây bệnh nguy hiểm. Hơn nữa, một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp con tránh được các bệnh thường gặp như: táo bón, tiêu chảy, cảm cúm… giúp con luôn khỏe mạnh, linh hoạt và thông minh hơn.
Tham khảo: Làm gì khi trẻ biếng ăn
Chơi đùa với bé
Bạn phát hiện ra bản thân mình cũng là một đứa trẻ khi chơi đùa với con. Em bé của bạn không hề chê bai những cố gắng của bạn trong các trò chơi, mà chỉ quan tâm tới sự thích thú mà bạn thể hiện khi chơi cùng bé. Bạn hãy cố gắng thể hiện các cử chỉ phù hợp với những từ ngữ mà bạn đang nói cho bé nghe. Bé sẽ học nói thông qua việc kết nối hành động bé nhìn thấy với âm thanh bé nghe được, sau khi trải qua hàng giờ giao tiếp với mọi người xung quanh. Bạn đừng ngăn cách bé với thế giới, hay hạn chế bé trải nghiệm cuộc sống. Bé sẽ nhận được rất nhiều điều khi tiếp xúc với các tiếng ồn, màu sắc, các trò chơi và sự vận động xung quanh, miễn là bạn giữ cho bé được an toàn và đầy tình yêu thương.
Hãy tìm cho bé món đồ chơi có thể tạo tiếng động, cũng như bé có thể tương tác với nó. Độ tuổi 7 tháng là lúc bé đang làm quen với khái niệm nguyên nhân và hệ quả, và bé sẽ rất hứng thú áp dụng lên món đồ chơi bé nhỏ của mình.
Trong lúc chơi đùa bạn hãy để ý có lúc em bé của bạn tìm kiếm món đồ mà bé vừa làm rơi. Đó là bé đang học một khái niệm quan trọng gọi là duy trì đồ vật ổn định. Bé không còn tỏ ra “xa mặt cách lòng”, quên ngay món đồ bị mất nữa. Hãy thử giấu một đồ chơi ưa thích của bé vào góc của cái chăn, và bạn sẽ thấy bé cố gắng tìm kiếm cho bằng được mới thôi.
Em bé của bạn ở thời điểm 7 tháng tuổi rất thích chơi đùa với nước. Và nếu đang là mùa hè thì bạn có thể cho bé nghịch nước mỗi ngày, đây cũng là một cách tuyệt vời cho bạn ở bên cạnh bé yêu. Hãy đặt bé vào một cái hồ tắm nhỏ, có thêm vài món đồ chơi màu sắc sặc sỡ cho bé nghịch nước. Bạn chỉ cần để ý đến sự an toàn của bé, luôn ở gần bên khi bé nghịch nước, và không bao giờ rời mắt theo dõi bé.
Bố mẹ có thể làm gì để giúp bé đạt được các cột mốc phát triển?
Một số hoạt động nho nhỏ sau sẽ giúp em bé 7 tháng tuổi của bạn phát triển tốt hơn về mặt thể chất và nhận thức.
-
Trẻ 7 tháng tuổi đã có thể học cách uống nước bằng cốc nhỏ hay cốc tập uống. Hoạt động này giúp bé phát triển kỹ năng vận động phù hợp lứa tuổi.
-
Để khuyến khích bé bò và hoạt động đa dạng hơn, mẹ có thể đặt đồ chơi ngoài tầm với của trẻ để trẻ phải vận động để lấy được vật yêu thích.
-
Ú oà là một trò chơi thông dụng và đáng yêu, giúp cả bố mẹ và bé có được khoảng thời gian tràn ngập tiếng cười cùng nhau.
-
Để phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ 7 tháng tuổi, mẹ có thể hát, đọc truyện cho bé nghe thường xuyên hơn.
-
Khi gặp người thân hay người lạ, mẹ hãy tập cho bé vẫy tay thay lời tạm biệt nhằm tăng kỹ năng giao tiếp xã hội của bé.
Về người mẹ
Thời điểm này có lẽ bạn đã được đền đáp một chút cho những vất vả mà bạn đã phải gánh chịu. Em bé 7 tháng tuổi có thể mang đến cho bạn nhiều niềm vui, hạnh phúc, và mặc dù bạn vẫn còn cảm thấy mệt mỏi, thì quả thật sự chịu đựng gần như kiệt sức của những tháng đầu tiên đã giảm đi. Bé yêu của bạn đã trở nên dễ chịu hơn, thói quen ăn, ngủ cũng trở nên đều đặn hơn, và bé cũng đủ cứng cáp để bế dễ dàng. Điều này có nghĩa là bạn có cơ hội đi ra ngoài, dành thời gian cho bản thân khi mà em bé của bạn không cần quá nhiều sự chăm sóc của bạn.
Nếu như bạn đã quên mất thói quen chăm sóc vẻ bề ngoài của mình từ ngày sinh em bé, thì bây giờ hãy sửa soạn làm tóc, hay chăm sóc sắc đẹp lại là vừa. Hãy chia sẻ mối quan tâm về em bé với một người bạn, và tận hưởng cảm giác được chăm sóc, thay vì đã liên tục là người chăm sóc. Một khoảng thời gian dành riêng cho bản thân sẽ thực sự diệu kỳ khi giúp bạn lấy lại phong độ vốn có của mình.
Cảm xúc của bạn
Nếu bạn cảm thấy tinh thần mình không ổn định, hãy dành nhiều thời gian hơn để ngủ. Tuy nhiên nếu bạn vẫn không cảm nhận niềm hạnh phúc được làm mẹ như đáng lẽ ra phải có thì nên tham khảo ý kiến của một bác sĩ chuyên khoa. Việc thiếu hụt nội tiết tố vào những tháng đầu sau sinh có thể là nguyên nhân của hiên tượng này, nhưng khi đã ở tháng thứ 7 thì cảm xúc của bạn đã ổn định hơn nhiều rồi.
Hãy nghĩ xem bạn cảm nhận về em bé của bạn như thế nào, bạn có gắn bó sâu sắc với bé như bạn thực sự mong muốn hay không. Không phải bà mẹ nào cũng yêu thương con mình ngay từ giây phút đầu nhìn thấy bé, phải có một khoảng thời gian để làm quen. Và 7 tháng thực sự đã quá đủ để nảy nở tình yêu và sự gắn kết sâu đậm giữa người mẹ và em bé của mình.
Giấc ngủ của bạn
Có thể bạn đang nhìn lại quãng thời gian từ khi em bé chào đời và tự hỏi tại sao mình lại có thể ngủ ít đến như vậy. Nếu bạn vẫn mệt mỏi vào buổi trưa thì hãy tự cho mình quyền được nghỉ ngơi. Hãy đảm bảo bạn ăn uống đầy đủ trong các bữa chính và không ăn vặt. Chính chế độ dinh dưỡng hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn có đủ năng lượng cho cuộc sống bận rộn của mình hay không. Nếu bạn không ăn đủ chất, đủ lượng, bạn sẽ không thể giữ cho bản thân mình khỏe mạnh suốt cả ngày.
Các mối quan hệ của bạn
Đừng khư khư giữ em bé cho riêng mình, mà ngược lại, hãy chia sẻ niềm hạnh phúc này với cả gia đình bạn. Trẻ em thường được xem là sợi dây tình cảm kết nối các thành viên trong nhà, vốn dễ dàng tách khỏi nhau vì nhiều lý do. Mặc dù không phải lúc nào các bà, các dì cũng đưa ra được những lời khuyên chăm sóc em bé hợp ý bạn, thì bạn cũng hãy tiếp nhận tất cả với một thái độ hòa nhã, lễ phép. Nếu bố mẹ bạn hay bố mẹ chồng quan tâm chăm sóc em bé, bạn đừng cảm thấy khó chịu mà hãy nghĩ đến hòa khí trong gia đình, khi mà các thành viên đều được vui vẻ. Đôi khi chính đứa con bé bỏng lại dạy cho bạn cách sống mềm dẻo, khéo léo đấy.
Tìm hiểu thêm:
Chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi
Sự phát triển của trẻ qua từng tháng