Sứ mệnh kinh doanh của doanh nghiệp: định nghĩa và bản chất

Sứ mệnh kinh doanh (mission) được ví như trái tim của doanh nghiệp. Sứ mệnh kinh doanh xác định các mục đích chính của doanh nghiệp, các nguyên tắc cơ bản để định hướng cho hành động của nhân viên, đối tác và hoạt động quản trị; xác định lý do ra đời và căn cứ tồn tại, phát triển của mình. Sứ mệnh kinh doanh của công ty chính là bản tuyên ngôn của công ty đối với xã hội, tạo lợi nhuận bằng cách phụng sự xã hội. Sứ mệnh kinh doanh thường được thể hiện dưới dạng bản tuyên bố về sứ mệnh của doanh nghiệp. Các kế hoạch kinh doanh cần phải thống nhất với bảng tuyên bố sứ mệnh, và sử dụng bảng tuyên bố sứ mệnh như một điểm tựa trong mỗi bước của quá trình lập kế hoạch.

Một bảng tuyên bố sứ mệnh tốt phải được xây dựng trên cơ sở định hướng khách hàng, cho thấy ý nghĩa, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của công ty đối với khách hàng. Xây dựng bản tuyên bố sứ mạng kinh doanh được tiến hành theo ba bước:

Bước 1: Xác định ngành nghề kinh doanh

Để xác định ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi: Sản phẩm hay dịch vụ chính của công ty là gì? Ai là đối tượng khách hàng của công ty?

Áp dụng mô hình 3C của Kenichi Ohmae (1991) hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác định ngành nghề kinh doanh trên cơ sở các yếu tố cần thiết đảm bảo thành công. Các chủ thể mà doanh nghiệp cần phải cân nhắc khi xác định ngành nghề, lĩnh vực gồm:

  • Khách hàng (Customers): Xác định khách hàng trực tiếp và khách hàng tiềm năng mà doanh nghiệp muốn khai thác cũng như những giá trị công ty mong muốn mang đến nhằm thỏa mãn những đối tượng khách hàng này
  • Đối thủ cạnh tranh (Competitors): Xác định đâu là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đâu là đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn. Đồng thời đánh giá được vị trí của các đối thủ trên thị trường, làm cách nào để có thể cạnh tranh với những đối thủ này…
  • Bản thân doanh nghiệp (Corporations): Các nguồn lực và thế mạnh mà tổ chức có thể huy động vào quá trình hoạt động lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, thỏa mãn được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng và cạnh tranh có hiệu quả với các đối thủ trong ngành.

Mô hình 3C giúp doanh nghiệp xác định được giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ sẽ cung cấp và sự khác biệt hóa so với đối thủ cạnh tranh để tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.

Bước 2: Vạch rõ mục tiêu chính

Doanh nghiệp cần hài hòa 3 mục tiêu chính khi xác định sứ mạng kinh doanh nhằm đảm bảo phát triển bền vững, gồm: (1) Doanh nghiệp – tối đa hóa lợi nhuận; (2) Khách hàng – thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng; (3) Xã hội – phúc lợi công cộng.

Bước 3: Xác định triết lý chủ đạo của công ty

Triết lý chủ đạo của doanh nghiệp phản ánh các niềm tin, các giá trị, các nguyện vọng cơ bản và những tư tưởng chủ đạo mà nhà quản trị chiến lược theo đuổi. Xác định triết lý chủ đạo của công ty dựa trên việc trả lời câu hỏi “Đâu là niềm tin cơ bản, giá trị, nguyện vọng và triết lý của công ty?”. Ví dụ, sứ mệnh kinh doanh của Vinamilk là “Vinamilk cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng tốt nhất, chất lượng nhất bằng chính sự chân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội”. Đối với Google, công bố tôn chỉ hoạt động của mình: tôn chỉ hàng đầu là “Tập trung vào người dùng” (“Focus on the user”). Điều rất “dễ nói” này được thể hiện nhất quán: giao diện đơn giản, tốc độ đáp ứng nhanh và thứ tự các địa chỉ mạng trong kết quả tìm kiếm hoàn toàn dựa trên giải thuật xếp hạng khách quan. Thứ tự ấy không thể được điều chỉnh bằng tiền. Từ tôn chỉ này, mọi nhân viên Google đều biết một tôn chỉ khác của công ty: “Không cần thủ đoạn” (“Don’t be evil”).

 

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 88 – 89.