Sự lựa chọn của giáo sư Trần Đông A
Sức khỏe hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi đã ổn định.
Những ngày qua, dư luận trong nước rất phấn khởi, tự hào về sự kiện Bệnh viện Nhi đồng T.P Hồ Chí Minh mổ tách thành công cặp song sinh bị dính liền vùng bụng chậu Trúc Nhi – Diệu Nhi. Ca mổ phức tạp này gây sự chú ý và ngưỡng mộ của các nhà y khoa thế giới.
Cách đây 32 năm, năm 1988, Ngành Y Việt Nam đã từng gây xôn xao dư luận quốc tế khi mổ tách thành công hai bé song sinh Việt-Đức. Việt-Đức sinh năm 1981, năm đó hai bé đã bảy tuổi, một bé bị liệt não, nếu không phẫu thuật tách thì đe dọa mạng sống cho cả hai. Trước đó, hai bé đã đi điều trị ở Nhật Bản nhưng không thành công. Ca phẫu thuật được tiến hành ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, lại đang bị bao vây, cấm vận đã khiến bạn bè quốc tế vô cùng nể phục. Nhờ đó, cái tên Việt Nam tạo thêm những ấn tượng tốt đẹp, cánh cửa hội nhập được mở ra rộng hơn.
Có một cái tên được nhắc đến nhiều nhất, trong hai ca phẫu thuật lịch sử cách nhau 32 năm nói trên, đó là GS, TS, BS Trần Đông A. Năm 1988, ông là kíp trưởng, bác sĩ phẫu thuật chính cho cặp song sinh Việt-Đức. Còn năm nay, đã ở tuổi 80, nhưng GS Trần Đông A được mời làm cố vấn cho ca mổ; sự có mặt của ông giúp các thầy thuốc ở Bệnh viện Nhi đồng T.P Hồ Chí Minh thêm vững tin vào thành công của ca mổ lịch sử.
Cuộc đời, sự nghiệp của GS Trần Đông A tiêu biểu cho thành công của sự nghiệp hòa hợp dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khẳng định người trí thức chân chính luôn có môi trường để phát triển trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
GS Trần Đông A sinh năm 1941 trong một gia đình công giáo, quê ở Nam Định, theo gia đình vào Nam sinh sống sau Hiệp định Geneva năm 1954. Vì thế mà ông trở thành bác sĩ quân y trong quân đội Sài Gòn. Năm 1975, ông đã không bỏ chạy mà chấp nhận ở lại, đi học tập cải tạo gần hai năm, sau đó trở lại công tác trong Ngành Y của đất nước thống nhất. Những năm tháng sau đó, trong tình cảnh vô cùng gian khó của đất nước, nhiều trí thức ở miền Nam tìm cách vượt biên đi tìm cuộc sống giàu sang ở xứ người; ông không phải là không có cơ hội vượt biên, hay ra nước ngoài sinh sống hợp pháp, nhưng ông đều từ chối vì “Trẻ em Việt Nam cần tôi”. Niềm tin vào chính nghĩa, lòng yêu nước và yêu thương trẻ em đã giúp ông vượt qua muôn vàn trở lực để giúp ích cho đời, cho đất nước.
Ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng T.P Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ quản lý, ông vẫn say mê nghiên cứu khoa học, thực hành nghề y không vụ lợi, đào tạo các thế hệ học trò.
Từ một sĩ quan ngụy trở thành đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; từ một người của chế độ cũ phải đi học tập cải tạo trở thành nhà lãnh đạo, quản lý và cao hơn hết, GS Trần Đông A là một bác sĩ thành công, tên tuổi và sự nghiệp y học của ông vang xa trên trường quốc tế. Tài năng của ông được khẳng định và càng đặc biệt hơn khi tài năng đó được nảy nở, phát triển trong điều kiện vô cùng khó khăn của ngành y và đất nước.
Người ta nói rằng, tài năng có thể là do bẩm sinh còn lương thiện là sự lựa chọn, vì lẽ đó, lương thiện khó hơn tài năng rất nhiều.
GS Trần Đông A đã chọn con đường ở lại đất nước sau ngày 30-4-1975, ông đã chọn lương thiện và tài năng của ông cũng hình thành từ sự lựa chọn đó.
Khi viết về GS Trần Đông A, không hiểu sao tôi lại nhớ đến Thiếu tướng, GS. Trần Đại Nghĩa. Từ một trí thức đang sống giàu sang, phú quý ở Pháp, ông đã chọn con đường đi theo Bác Hồ, trở về Tổ quốc, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ vô cùng gian khổ. Ngày 30-4-1975, ông đã ghi vào nhật ký của mình: “Hoàn thành nhiệm vụ”.
Nhiệm vụ ấy của GS Trần Đại Nghĩa cũng là một sự lựa chọn, lựa chọn chính nghĩa, lựa chọn lương thiện dù biết con đường ấy vô cùng gian lao, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng.
GS Trần Đông A là hậu bối, ông ở trong một hoàn cảnh khác, sự lựa chọn của ông cũng ở trong điều kiện khác và đương nhiên, ông cũng không bao giờ so mình với bậc tiền bối kiệt xuất, nhưng điểm giống nhau trong sự chọn đó là lựa chọn con đường khó, con đường khổ nhưng cống hiến được nhiều hơn cho đất nước, dân tộc.
Sự lựa chọn của GS Trần Đông A xứng đáng được ngưỡng mộ, tôn vinh cũng vì lẽ ấy.
Thùy Dương