Sự giao lưu tiếp biến văn hóa qua tín ngưỡng đại mẫu tại đình Ứng Thiên (Hà Nôi)


1. Đặt vấn đề

Tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng, góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Theo thống kê của cuộc tổng kiểm kê di tích, Hà Nội trước khi mở rộng có 588 đình, 568 chùa, 271 đền, 386 lăng mộ, từ đường, trong đó có 677 di tích được nhà nước xếp hạng (1). Trong các đình tại Hà Nội có đình Ứng Thiên xưa thuộc trại An Lãng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, nay là số 7 ngõ 151 phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Đây là ngôi đình cổ thờ nữ thần từ TK XI, hiện nay đình không chỉ mở cửa đón người dân đến lễ đình vào dịp lễ hội, ngày 15, mồng 1 âm lịch mà tại đình còn thường xuyên tổ chức thực hành tín ngưỡng đọc kinh Địa Mẫu vào các ngày Mậu trong tháng âm lịch. Đây chính là điểm khác biệt với một số ngôi đình khác. Như vậy, đình Ứng Thiên đang thờ ai và lý do nào mà lại có nhiều ngày thực hành tín ngưỡng tại đình như vậy?

2. Sự giao lưu tiếp biến văn hóa tại đình Ứng Thiên

Đình Ứng Thiên vốn có tên là đình Hậu Thổ, được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Theo sự tích tại đình, vua dẫn quân vào Chiêm Thành đến Cửa Hoàn bỗng bị mưa to gió lớn, sóng nổi dữ dội khiến thuyền bị chòng chành rất nguy hiểm. Vua đang bàng hoàng, lo lắng, chợt thấy một người con gái tuổi độ đôi mươi, mặt tươi như hoa đào, mày xanh như lá liễu, áo trắng quần hồng bước đến tâu rằng: “Tôi vốn là tinh khí của nước Nam, thác đậu vào cây ở chốn mây nước đã lâu, nay gặp minh quân đi chinh phạt lũ giặc nhiễu phương Nam, thật là thỏa nguyện. Bệ hạ đi chuyến này xin cố cho được toàn thắng. Tôi tuy là thân bồ liễu cũng xin theo để giúp sức. Đến ngày khải hoàn, tôi lại xin đợi ở đây để bái yết”. Nói rồi thần biến mất. Sáng hôm sau, vua sai người tìm khắp trên bờ dưới bãi thì nhặt được một khúc gỗ rất giống hình người trong mộng, liền đặt tên là “Hậu Thổ Phu Nhân” và sai đặt trên bàn trong thuyền ngự. Bấy giờ gió lặng, sóng yên, thuyền đi nhẹ nhàng. Đến Chiêm Thành như có thần giúp, quân ta thắng lớn. Trở về kinh đô, vua sai lập đền thờ. Tương truyền, đền rất linh thiêng, đến đời Vua Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán, vua bèn dựng đàn để cầu đảo, sau khi làm lễ, mưa lớn tức thì. Nhà vua bèn ban sắc phong cho thần là “Ứng Thiên Hậu Thổ Phu Nhân” (tư liệu tại đình).

Trải qua thăng trầm của lịch sử, đình vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật quý từ TK XIX gồm tượng Đức Thánh Mẫu, ngai rồng chầu, sập chân quỳ, hai hạc thờ, một bộ bát bửu, một tấm bia hậu, một chuông đồng đúc thời Vua Thành Thái, một cuốn thần phả và 15 đạo sắc phong của ba triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Sắc phong sớm nhất là thời Vĩnh Khánh nhị niên (1730), sắc phong sau cùng vào thời Khải Định. Từ năm 1984, đình Ứng Thiên đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử (2). Hằng năm, hội đình được dân làng tổ chức từ ngày mồng 6 đến 8 tháng 3 âm lịch.

Có thể thấy, cùng với sự bồi đắp văn hóa, cho đến nay đình Ứng Thiên đã tạo dựng lên Hậu Thổ của người Việt nhưng vẫn không ngừng tiếp nhận văn hóa tín ngưỡng mới. Từ một số tài liệu cho thấy, gốc tích đình Ứng Thiên thờ nữ thần Chăm: Trong nghiên cứu của Nguyễn Hữu Hiếu, tác giả trích trong Việt điện U linh của Lý Tế Xuyên (1329): “Ứng Thiên hóa dục Nguyên Trung Hậu Thổ Địa Kỳ Nguyên Quân (chuyện Hậu Thổ Phu Nhân)”, đó là lịch sử đình Ứng Thiên từ chuyện Vua Lý Thái Tông Nam chinh Chiêm Thành trong giấc chiêm bao nhà vua gặp được thần trợ giúp đánh giặc, tỉnh mộng vua sai quan đi tìm thấy khúc cây và vua thấy khúc gỗ đó có hình giống đầu người, vua đã lập hương án trên ngự thuyền và phong Hậu Thổ Phu Nhân. Trận đó chiến thắng vua về kinh chọn đất làng An Lãng dựng đền thờ (3).

Tác giả đã chỉ ra: Chi tiết khúc cây có đầu giống người, hình như có dấu sơn cũ, phải chăng đây không phải là khúc cây tự nhiên mà là bộ linh vật linga – yoni, vật thờ cúng của người Chăm? Như vậy, rõ ràng thần Hậu Thổ có gốc tích từ bà Chúa Xứ Chiêm Thành. Vị nữ thần của vùng đất phía Nam Đại Việt hiện thân trong khúc cây và có thể làm mưa được, chắc hẳn không ai khác hơn ngoài Pônagar.

Để tìm hiểu rõ thêm về nguồn gốc đình Ứng Thiên, trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thanh Lợi đã chỉ ra vị Hậu Thổ thờ tại đình Ứng Thiên có nguồn gốc từ người Chăm: “Lại nữa, năm 1069 sau khi Nam chinh đánh Chiêm Thành trở về, Lý Thánh Tông đã rước vị thần vốn là “tinh của đại địa Nam quốc” (Chiêm Thành) từ vùng cửa Hoàn Hải về để thờ ở làng An Lãng (kinh thành Thăng Long) và sắc phong mỹ hiệu “Hậu Thổ Địa Kỳ Nguyên Quân”. Đó chính là nữ thần Mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm” (4). Như vậy, từ những tư liệu nêu trên thì Hậu Thổ thờ tại đình Ứng Thiên có nguồn gốc từ đất Chiêm Thành sau khi được đưa về thờ ở thành Thăng Long đã trở thành Hậu Thổ của người Việt.

Mặc dù ban đầu có vẻ khiên cưỡng vì những cuộc chinh phạt, nhưng càng về sau càng thuận lợi hơn vì có chung cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Giữa TK XI, thành Thăng Long xuất hiện cộng đồng người Chăm, đặc biệt Vua Lý Thánh Tông đã thỉnh mời vị nữ thần Pônagar (Thiên Yana từ đất Chiêm Thành về ngụ ở làng Yên Lãng, (đình Ứng Thiên ngày nay) dưới sự bảo trợ của vương triều nhà Lý. Kể từ đó nữ thần Chăm Pônagar được Việt hóa và mang tên Hậu Thổ Phu Nhân (5).

Như vậy, quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa tại đình Ứng Thiên cho đến nay đã và đang bồi đắp bởi những lớp văn hóa: Pônagar (Chăm), Hậu Thổ (Việt), Địa Mẫu (Trung Quốc).

 Việc tiếp nhận tín ngưỡng Địa Mẫu vào thờ tự không chỉ xảy ra tại đình Ứng Thiên mà trong ngôi miếu tại làng Nam Thọ thờ mẫu Thiên Yana ở Đà Nẵng: “Xưa kia, chủ miếu là ông Đồng Hỷ nổi tiếng cả Đà Nẵng và các vùng xung quanh. Riêng ông có biệt tài nhập đồng dâng mâm hoa, hương, quả, trà, rượu để lễ bà theo kiểu múa bóng. Khi cúng lễ, người thủ tự thường niệm hai bộ kinh, đó là Địa Mẫu chơn kinh Kinh nhật tụng (6). Như vậy, từ những tài liệu đã trình bày ở trên cho thấy, đình Ứng Thiên ban đầu nguồn gốc thần chủ là nữ thần của người Chăm đưa về Thăng Long được sắc phong thành Hậu Thổ và hiện nay việc tích hợp thêm tín ngưỡng Địa Mẫu là kết quả thể hiện rõ nét quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa tại đình.

3. Tín ngưỡng Địa Mẫu tại đình Ứng Thiên

Nhận diện Địa Mẫu

Địa Mẫu là tín ngưỡng có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, đặc điểm nhận biết hình tượng thờ đó là hình dáng người nữ đứng trên khối hình tròn tượng trưng cho trái đất, tóc búi cao một tay giơ trước ngực và một tay buông xuôi cầm một vật trải dài tượng trưng cho cái chài (chài, lưới đánh cá). Nghi thức thực hành tín ngưỡng này là thường xuyên đọc kinh Địa Mẫu vào các ngày Mậu âm lịch, ngày Địa Mẫu giáng trần được các tín đồ tổ chức vào ngày 18-10 âm lịch hằng năm.

Tín ngưỡng Địa Mẫu phát triển mạnh ở vùng Nam Bộ, trong một nghiên cứu, tác giả Văn Thị Thùy Trang đã khái quát về Hiện trạng tín ngưỡng thờ nữ thần ở Bình Dương (7), trong đó Địa Mẫu được tác giả chỉ ra là “Mẹ Đất”, là một dạng tín ngưỡng cứu thế. Hình tượng Địa Mẫu là một phụ nữ tóc búi cao, mình mặc áo đen đứng trên quả đất, giơ hai tay cứu độ. Bình Dương hiện nay có một số ngôi miếu thờ Địa Mẫu. Lễ vía bà vào ngày 15-2. Một nghiên cứu khác về Sự hội nhập nữ Thần người Hoa trong tín ngưỡng dân gian ở miền Đông Nam Bộ, tác giả Huỳnh Văn Tới và Nguyễn Thị Nguyệt đã chỉ ra Địa Mẫu trong số các vị nữ thần có khả năng bao trùm rộng rãi trong tín niệm về trời đất vũ trụ, có ảnh hưởng đời sống xã hội và tâm linh người dân Nam Bộ. Mặt khác, tác giả còn thống kê số cơ sở tín ngưỡng thờ nữ thần của người Hoa tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, trong số nữ thần đó có Địa Mẫu… Địa Mẫu được liệt kê vào nhóm nữ thần bảo hộ vùng đất, quê hương xứ sở, bảo trợ vũ trụ không gian. Diêu Trì Kim Mẫu, Địa Mẫu là những nữ thần cai quản tầng trời có chức năng ban phát sự sinh sản mà người dân tin thờ với nhiều sự phù hộ an lành cho địa bàn, khu vực sinh sống… Địa Mẫu thường được phối tự trong các miếu Quan Âm và chùa. Tục thờ Địa Mẫu là một dạng tín ngưỡng cứu thế, xuất hiện ở Trung Quốc vào TK XIX, du nhập vào nước ta khoảng hơn một thế kỷ nay và phổ biến ở Nam Bộ. Trên thực tế, có ít tài liệu nghiên cứu về Địa Mẫu, cho đến nay tác giả chưa tìm được tài liệu ghi chép Địa Mẫu truyền vào Việt Nam từ khi nào, tác giả ban đầu chỉ tìm thấy một vài cuốn Địa Mẫu chơn kinh in chữ Hán và cuốn Địa Mẫu chơn kinh trước đây in chữ Hán Việt năm 1931 tại Sài Gòn, cuốn Địa Mẫu chơn kinh in năm 1937 do Nguyên Lai dịch. Hiện nay, Địa Mẫu được thờ phổ biến ở các ngôi chùa, am, miếu, điện thờ tư gia ở Nam Bộ và trong giáo hội Minh Sư Đạo, đạo Cao Đài. Ở Bắc Bộ, những năm gần đây Địa Mẫu được thờ đa dạng tại một số cơ sở thờ tự công cộng và tư gia. Tại Hà Nội, Địa Mẫu cũng được thờ tại một số cơ sở như: đình, chùa, miếu, các điện thờ tư gia. Kinh Địa Mẫu hiện nay đang được các cơ sở thờ tự và tín đồ sử dụng là cuốn kinh đã giải nghĩa sang tiếng Việt từ quyển Địa Mẫu chơn kinh chữ Hán và có lồng ghép thêm một số bài kinh của Phật giáo. Cuốn Kinh Địa Mẫu này cũng được bán ở những cổng chùa, đình và những tiệm sách nhỏ. Kinh Địa Mẫu tại đình Ứng Thiên dày 104 trang, do dịch giả Lê Công Đồng (8) biên soạn, ngoài trang bìa có in hình tượng Địa Mẫu bên trong có một số bài khấn của đình, còn nội dung thì giữ nguyên như các quyển Kinh Địa Mẫu ở một số nơi thờ khác. Nội dung trong cuốn Kinh Địa Mẫu được cho là thơ giáng bút của Địa Mẫu tại ngôi miếu nhỏ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vào thời Vua Quang Tự. Những nghi thức đầu tiên trong cuốn Kinh Địa Mẫu là dâng hương, hoa, quả, thủy, đăng sau đó tới phần những lời răn dạy được cho là của Địa Mẫu, lời lẽ trong Kinh Địa Mẫu đơn giản, dễ hiểu tràn đầy thương cảm như lời người mẹ dạy dỗ các con đã chạm đến trái tim, tình thương của mỗi tín đồ. Do vậy mà cuốn Kinh Địa Mẫu chính là phương tiện lan tỏa nhanh nhất của tín ngưỡng này. Kinh Địa Mẫu được in rất nhiều bản để tại đình và bất cứ ai đến lễ cũng có thể xin về tham khảo.

Quá trình hình thành, phát triển tín ngưỡng Địa Mẫu tại đình Ứng Thiên

Vào những ngày Mậu âm lịch, tại đình Ứng Thiên có nhiều người đến đọc kinh Địa Mẫu, do các “ông Sám”, “bà Sám” chủ trì (ông, bà Sám là những người đứng đầu những nhóm người đọc kinh tại đình). Trong các ông bà Sám đó có một trưởng nhóm, trưởng nhóm được đọc kinh Địa Mẫu vào đúng 11 giờ (giờ Ngọ), còn các ông bà Sám khác vì bất đồng quan điểm hay muốn đọc kinh dâng Địa Mẫu riêng nên đã chia các khoảng thời gian đọc kinh để không trùng giờ với nhóm khác. Vì vậy, trong một ngày Mậu có tới 4 khóa lễ đọc kinh (7 giờ, 11 giờ, 14 giờ, 17 giờ). Mỗi chủ Sám đọc đều có các đệ tử, con nhang ngồi đọc kinh trong cùng khóa lễ; lễ vật mang đến dâng Địa Mẫu là nước tinh khiết đóng chai, hoa tươi, quả theo mùa, bánh kẹo, nến… nhưng cũng có một số người dâng lễ thịt, trứng, rượu. Mỗi buổi lễ đọc kinh kéo dài khoảng 90 phút.

Trong tất cả các buổi lễ của ngày Mậu, buổi lễ 11 giờ là đông người dự nhất, các tín đồ ngồi kín từ trong gian thờ ra ngoài sân. Buổi lễ đọc kinh Địa Mẫu không có điều lệ bắt buộc mà chỉ cần trang phục kín đáo, lịch sự và ai đến sớm thì ngồi trước ai đến sau thì ngồi sau, tùy ý tìm cho mình một chỗ ngồi thích hợp. Trong số người đến tham gia buổi lễ có trai, gái, trẻ, già đủ các tầng lớp và không phân biệt giàu nghèo. Mọi người cùng hòa nhập vào không gian buổi lễ và lễ dâng Mẫu, chỉ cần thành tâm, không có lễ thì chỉ cần đến đọc kinh Địa Mẫu là được Mẫu chứng.

Từ thống kê số liệu của chúng tôi, với 100 phiếu khảo sát vào ngày 15-10-2019 (âm lịch) tại đình Ứng Thiên cho thấy tỷ lệ nam giới đi lễ chiếm 60%, nữ giới là 40% và 100 phiếu khảo sát ngày 15-1-2022 (âm lịch) cho tỷ lệ nam 66% còn nữ 34%. Như vậy, ở đây số nam giới đi lễ tại đình đông hơn nữ giới, thể hiện chênh lệch giới tính người đi lễ tại đình mà dường như trước đây khi đi lễ đình, chùa, miếu, phủ thì chủ yếu là nữ giới. Bên cạnh đó thống kê độ tuổi cũng thể hiện rõ trong năm 2019 độ tuổi từ 35 đến 54 tuổi chiếm 59% và năm 2022 độ tuổi 35 đến 54 chiếm 58%. Như vậy, ở độ tuổi này là những người trưởng thành tới độ chín chắn và có thể khẳng định đây là độ tuổi trụ cột về kinh tế, sức khỏe trong gia đình.

Ngoài những ngày đọc kinh Địa Mẫu, tại đình Ứng Thiên còn tổ chức một ngày đại lễ vào 18-10 âm lịch hằng năm, đây là ngày Địa Mẫu giáng sinh, các tín đồ tổ chức rất long trọng và người tham dự không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh khác. Lễ dâng Địa Mẫu trong gian thờ chính vẫn là mâm trầu cau, mâm ngũ quả, bánh sinh nhật, hoa tươi, sáu ngọn nến, sáu chén nước, được dâng trong chính điện của nhóm bà Sám đọc Kinh Địa Mẫu lúc 11 giờ. Còn ở bên ngoài sân các tín đồ dâng lễ kín những chiếc bàn như: sữa, hoa quả, bánh kẹo, bánh sinh nhật… Bên dưới sân, các tín đồ cúng đồ phóng sinh như: chim, ốc, cá, lươn. Các tín đồ đến lễ tại đình mỗi người một tâm trạng khác nhau, nhưng cử chỉ của họ rất thành kính và trân trọng buổi lễ, họ cùng nhau đọc hết quyển Kinh Địa Mẫu, rồi cùng nhau hạ lễ ngồi thành những nhóm cùng thụ lộc.

Theo kể lại, khởi nguồn của các buổi lễ và việc đọc kinh Địa Mẫu được bắt đầu vào khoảng những năm sau 1986 do một người phụ nữ thường xuyên đi lễ tại đình. Bà đã mua cuốn Kinh Địa Mẫu ở chùa Quán Sứ và mang về đây đọc. Từ đó, dần dần có nhiều người đọc theo và hiện nay trở thành một phần nghi lễ thực hành tại đình. Đọc Kinh Địa Mẫu còn được diễn ra cả trong những ngày lễ hội của đình, từ sáng sớm, ngày đầu tiên các cụ ông trong làng làm lễ mộc dục, sau đó là lễ dâng hương tiếp theo là đọc kinh Địa Mẫu do các cụ bà đảm nhiệm. Các ngày lễ hội tiếp theo là các đội tế nam, các đoàn đến dâng hương và buổi chiều thường biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian đấu cờ, chọi gà…

Tại đình Ứng Thiên, ông Từ cho biết: “Đình này trước kia chỉ là ngôi miếu nhỏ, là cái khám thờ trong cùng nơi mà đặt tượng Mẫu bây giờ, qua thời gian được xây dựng lại to đẹp hơn. Khi đình được thành phố Hà Nội xếp hạng vào di tích lịch sử thì càng ngày càng đông người đến lễ bái hơn. Từ khắp nơi Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa… các tín đồ đến lễ bái vì ở đây chính là gốc thờ Địa Mẫu. Như thờ mẫu Thoải (nước) thì lại về vùng biển, mẫu Thượng Ngàn thờ ở trên rừng mặc dù nhiều nơi thờ nhưng Mẫu của vùng miền nào thì thờ chính vẫn ở vùng đó”. Các ngày đọc kinh Địa Mẫu lượng người đến tham dự lên tới hàng nghìn người, ra vào tấp nập. Các tín đồ đến đọc kinh Địa Mẫu với nhiều lý do khác nhau, có người kinh doanh bất động sản, có người đến đọc kinh mong Địa Mẫu che chở bảo vệ cho những đứa con đang ở phương xa, có những người đến để cầu con, xin khỏi bệnh tật, sinh viên thì xin thi cử, xin cho người thân ở thế giới bên kia được siêu thoát… Chính vì vậy, đình Ứng Thiên đã trở thành tâm điểm cầu cúng về đất đai tại thủ đô Hà Nội, họ cho rằng Hậu Thổ là Địa Mẫu và là Mẹ đất nếu đến cúng lễ nơi đây sẽ rất thuận về đất đai. Điều này cho thấy tín ngưỡng Địa Mẫu đang phát triển đa phần dựa vào thời buổi kinh tế thị trường, đặc biệt về nhu cầu bất động sản.

4. Thay lời kết

Đình Ứng Thiên một ngôi đình thờ nữ thần, chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Mặc dù nữ thần thờ tại đình có nguồn gốc từ Chiêm Thành nhưng khi về thành Thăng Long đã được Việt hóa thành vị Hậu Thổ của người Việt. Hiện nay, tại đình du nhập tín ngưỡng Địa Mẫu, thể hiện quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa luôn được bồi đắp tự nguyện. Việc tiếp nhận thêm tín ngưỡng Địa Mẫu tại đình Ứng Thiên đã thể hiện rõ hơn về sự hỗn dung tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, nội hàm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa rộng lớn hơn nhiều, nó chỉ ra một quy luật trong sự vận động và phát triển văn hóa của các dân tộc. Giao lưu văn hóa tạo nên sự dung hợp giữa các yếu tố nội sinh với yếu tố ngoại sinh tạo nên sự phát triển văn hóa phong phú đa dạng và tiến bộ hơn. Giao lưu và tiếp biến văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa bên ngoài bởi một cộng đồng chủ thể.

Việc thực hành tín ngưỡng thờ Địa Mẫu được kết tập vào đình Ứng Thiên đã đáp ứng mong cầu của người dân, trong đó mong cầu sức khỏe và kinh doanh bất động sản được đặt lên hàng đầu.

Nữ thần Hậu Thổ được các tín đồ coi là Địa Mẫu, là mẹ đất, là nữ thần cai quản đất đai và phù trợ cả đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần của con người. Vì vậy, họ dễ dàng chấp nhận theo những nghi thức thực hành tại đình. Họ không chú ý đến trong đình thờ những vị nào và nguồn gốc Địa Mẫu ở đâu, họ đi lễ theo bạn bè, người thân, theo nhu cầu của cuộc sống mà họ đang cảm thấy bất an. Cuộc sống ở thời đại nào cũng vậy, con người dù có tiếp cận với công nghệ hiện đại và có thể đi vòng quanh trái đất bằng phương tiện hiện đại nhất nhưng không khỏi lo toan, mưu sinh cuộc sống và đối mặt những bất an, hiểm họa, dịch bệnh luôn rình rập. Vì vậy, họ đã trông chờ và đặt niềm tin vào thế giới siêu nhiên ban cho họ chút may mắn, niềm tin để họ vững tâm hơn trong cuộc sống, và họ tin rằng thế lực trong thế giới siêu nhiên không những phù trợ, độ cho người sống mà còn che chở cho cả những người đã khuất.

_____________

1. Văn Quảng, Văn hóa tâm linh Thăng Long Hà Nội, Nxb Lao Động, 2009, tr.44.

2. Tuyết Mai, Đình Ứng Thiên – Di tích văn hóa của thủ đô, hanoitv.vn, 10-3-2019.

3. Nguyễn Hữu Hiếu, Tục thờ Thần qua Am Miếu Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.51-52.

4. Nguyễn Thanh Lợi, Tín ngưỡng thờ Thủy thần ở Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, 2015, tr.241.

5. Nguyễn Quang Lê, Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2017.

6. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2012, tr.291.

7. Văn Thị Thùy Trang, Hiện trạng tín ngưỡng thờ nữ thần ở Bình Dương, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr.126.

8. Lê Công Đồng (dịch giả), Địa Mẫu chơn Kinh, Nxb Tôn giáo, 2013.

NGUYỄN THỊ HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022