Sử dụng di sản các nhà khoa học Việt Nam khi dạy học về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) | meddom.org

Sử dụng di sản các nhà khoa học Việt Nam khi dạy học về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

10:57 – Thứ Sáu, 22/10/2021

tin từ MEDDOM Từ giữa thế kỷ XX, khi được hỏi về việc các trường phổ thông nên dạy lịch sử như thế nào, nhà bác học Albert Einstein khẳng định: “Khi dạy sử, nên bàn luận kỹ về những nhân vật mang lại lợi ích cho nhân loại qua sự độc lập của tính cách và phán đoán”. Các nhà nghiên cứu, giáo dục lịch sử trong và ngoài nước từ lâu đã nhận thấy tầm quan trọng của việc dạy học về các nhân vật lịch sử, nhất là danh nhân lịch sử, để làm rõ các sự kiện lịch sử và quá trình lịch sử.

Từ trước đến nay, giáo viên lịch sử quan tâm dạy học nhiều về các nhân vật chính trị, cách mạng, văn hóa mà ít nhắc tới các nhà khoa học. Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tính mở của chương trình cho phép giáo viên sử dụng phong phú nguồn học liệu và phương pháp tổ chức hoạt động để phát triển năng lực cho học sinh. Khi dạy học lịch sử có thể giới thiệu về nhiều nhân vật lịch sử nổi bật, hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực cho học sinh để khắc sâu mục tiêu cần đạt. Thông qua nội dung dạy học về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), chúng tôi phân tích nguồn học liệu từ di sản các nhà khoa học để làm rõ vấn đề này.

1. Quan niệm về di sản và di sản các nhà khoa học Việt Nam

Trong Công ước năm 1972 và năm 2003, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khẳng định: “di sản” bao gồm di sản văn hóa vật thể (tượng đài, công trình, di tích…), di sản văn hóa phi vật thể (các truyền thống, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội…) và di sản thiên nhiên.

Từ giữa thế kỷ XX, khái niệm “di sản” đã thay đổi đáng kể, xuất hiện những loại di sản mới như di sản công nghiệp, di sản kỹ thuật…, trong đó có di sản khoa học. Ở Pháp có nhiều cuộc tưởng niệm cộng đồng các nhà khoa học với hình thức đa dạng. Người ta quan tâm đến việc bảo tồn các di sản vật thể như tài liệu giấy, dụng cụ khoa học… của nhà khoa học. Họ quan niệm di sản khoa học là những sản phẩm, thành tựu khoa học hoặc dụng cụ nghiên cứu khoa học. Việc khai thác lời kể của các nhà khoa học, nhà phát minh, nhà kỹ thuật chính là để góp phần hiểu rõ nguồn di sản này.

Thông qua các bộ sưu tập di sản khoa học trong bảo tàng của một số trường đại học như Cambridge, Oxford (Anh), Pavia (Italia), Harvard (Mỹ)…, các nhà nghiên cứu nhận thấy rõ đây là một nguồn thông tin chính để hiểu về lịch sử khoa học. Hiện nay trên thế giới, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều di sản của các nhà khoa học như Albert Einstein, Marie Currie hay Thomas Edison… vẫn đang được bảo tồn, giới thiệu cho những người quan tâm.

Nguyễn Văn Huyên (người ngồi đầu tiên, bên trái) tại phòng họp của phái đoàn Việt Nam ở Fontainebleau. Ảnh: Tư liệu KMS

Ở Việt Nam, trước khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) thành lập năm 2008, di sản của nhà khoa học được hiểu là các cuốn sách, công trình của họ. TTDS mang đến một cách nhìn mới về loại di sản này. TTDS đã thu thập hàng vạn tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cùng hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình của gần 2000 nhà khoa học Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học ứng dụng, công nghệ, khoa học giáo dục…).

TTDS quan niệm di sản nhà khoa học Việt Nam gồm cả di sản vật thể và di sản phi vật thể. Di sản vật thể được hiểu là các tài liệu, hiện vật như sổ ghi chép, bản thảo bài viết, bản thảo sách, nhật ký, thư từ, ảnh tư liệu, ghi âm, ghi hình quá trình học tập, nghiên cứu, các dụng cụ thí nghiệm… của nhà khoa học hoặc liên quan đến các nhà khoa học. Đặc biệt, những câu chuyện trong ký ức của họ hoặc của bạn bè, đồng nghiệp về họ, nói cách khác là di sản phi vật thể cũng giúp ích cho việc tìm hiểu cuộc đời của nhà khoa học, rộng ra là lịch sử phát triển khoa học Việt Nam.

Như vậy, di sản nhà khoa học Việt Nam là di sản quý không chỉ về những con người cụ thể đóng góp cho đất nước mà còn để hiểu về lịch sử khoa học, văn hóa, truyền thống của Việt Nam.

2. Ý nghĩa của việc sử dụng di sản các nhà khoa học Việt Nam khi dạy học về Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954)

Cách đây gần 20 năm, trong hội thảo quốc tế “Các phương pháp sử dụng tiểu sử danh nhân phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các nước châu Á”, các nhà khoa học, giáo dục đã khẳng định cần nghiên cứu về các nhà khoa học để giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Giáo sư Băng Tâm (Trung tâm Tự học) nhấn mạnh: “Khi nói lịch sử người ta chỉ quen lịch sử chính trị, quân sự mà quên mất lịch sử văn hóa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật” (Băng Tâm 2003, 236). Từ đó, bà nhấn mạnh việc cần thiết phải nghiên cứu về lịch sử khoa học kỹ thuật của Việt Nam để giáo dục lòng tự hào dân tộc không chỉ về mặt chính trị, quân sự, văn học nghệ thuật mà cả về khoa học kỹ thuật, nhất là trong tình hình khoa học kỹ thuật của thế giới ngày càng phát triển.

Thực tế, trong dòng chảy lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam có nhiều phát minh, sáng chế đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Di sản vật thể và phi vật thể của họ để lại, có thể coi là nguồn tư liệu vô giá.

Cũng trong năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra hướng dẫn sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông. Điều đó cho thấy, di sản văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nhà trường. Việc sử dụng di sản của các nhà khoa học vào giáo dục học sinh, nhất là trong dạy học lịch sử sẽ có tác dụng trên nhiều phương diện:

Về mặt nhận thức, việc dạy học qua di sản nhà khoa học sẽ giúp học sinh nắm bắt các câu chuyện lịch sử từ những tài liệu, hiện vật có thật, của những con người cụ thể. Điều này không những giúp học sinh tiệm cận được sự thật lịch sử như đã từng diễn ra mà còn tạo cho học sinh tư duy lịch sử một cách cụ thể, không đại khái chung chung.

Về ý thức, thái độ, qua những tài liệu, hiện vật hoặc câu chuyện cụ thể, học sinh được tiếp cận với những tấm gương học tập, lao động quên mình, sáng tạo và cống hiến sức lực, trí tuệ của các nhà khoa học cho đất nước. Từ đó, giúp các em bồi dưỡng lòng say mê khoa học, chắp cánh ước mơ chiếm lĩnh tri thức mới và khám phá khoa học. Đồng thời bồi đắp cho học sinh niềm tự hào, yêu quê hương đất nước, yêu những con người Việt Nam đã học tập và cống hiến cho Tổ quốc.

Về kĩ năng, định hướng phát triển năng lực, từ bài học về con đường đi đến thành công của nhà khoa học Việt Nam, học sinh có thể phát triển khả năng tư duy khoa học, năng lực khám phá thực tiễn phục vụ nghiên cứu khoa học; góp phần bổ sung, hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu, cách tổ chức thành công các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai các dự án nghiên cứu khoa học nhỏ trong thực tiễn. 

Trong lịch sử Việt Nam, có hàng trăm trí thức, nhà khoa học tham gia hoạt động sôi nổi và đóng góp tích cực trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Có thể kể đến rất nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực khoa học khác nhau như: GS Trần Đại Nghĩa, KS Lê Tâm (ngành Khoa học quân sự); GS Bùi Huy Đáp, GS Lê Duy Thước (ngành Nông nghiệp); GS Phạm Ngọc Thạch, GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Ngữ, GS Hồ Đắc Di, GS Đỗ Xuân Hợp, GS Trần Hữu Tước (ngành Y Dược học); GS Nguyễn Văn Huyên, GS Nguyễn Khánh Toàn (ngành Giáo dục), GS Đào Duy Anh, GS Trần Văn Giàu (ngành Sử học); GS Đặng Thai Mai (ngành Văn học); GS Nguyễn Thúc Hào, GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy (ngành Toán học); GS Ngụy Như Kontum (ngành Vật lý), GS Nguyễn Văn Chiển (ngành Địa chất)…

Nước ta hiện nay có một số Trung tâm lưu trữ hoặc bảo tàng, phòng lưu niệm giới thiệu di sản các nhà khoa học: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Hà Nội); Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Hòa Bình); Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), khu lưu niệm GS Trần Đại Nghĩa (Vĩnh Long)… Tại các cơ sở này, các tài liệu, hiện vật của nhiều nhà khoa học đang được bảo quản và giới thiệu với công chúng. Bên cạnh đó, các sách báo giới thiệu về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được phát hành rộng rãi. Đó là những chất liệu quý mà giáo viên có thể sử dụng để bài học lịch sử thêm phong phú, sinh động.

3. Định hướng việc sử dụng di sản các nhà khoa học Việt Nam khi dạy học về Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

3.1 Sử dụng trong giờ học nội khóa

Di sản các nhà khoa học có thể được sử dụng như một nguồn tư liệu để học sinh khám phá kiến thức mới hoặc củng cố bài học.

Ví dụ, giáo viên sử dụng sưu tập tài liệu của GS Nguyễn Văn Huyên với tư cách là thành viên trong phái đoàn ngoại giao Việt Nam đi dự hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau để phân tích những nỗ lực cứu vãn hòa bình của Chính phủ Việt Nam. Học sinh sẽ hiểu hơn về sự kiện lịch sử này thông qua việc tiếp cận bản ghi chép cuộc họp ngày 13-5-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các thành viên đã đi dự hội nghị Đà Lạt hay bức ảnh phái đoàn ngồi nghỉ chân trong sân lâu đài Fontainebleau. Khi dạy về chiến dịch Điện Biên Phủ, giáo viên có thể trích đoạn nhật ký của GS Tôn Thất Tùng để học sinh hiểu những khó khăn của các chiến sĩ Điện Biên: “Ruồi vàng ngày cắn càng nhiều, sau đốt, ngứa, mọc một chấm đen và sưng lên, không kể bọ chó. 3 khổ sở của Tây Bắc: Gió Lào (gió Than Uyên), bọ chó và ruồi vàng!”.

Bên cạnh đó, để làm rõ nhân tố thắng lợi của cuộc kháng chiến nhờ tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và sẵn sàng hi sinh vì đất nước, giáo viên có thể sử dụng những câu chuyện về các nhà khoa học Việt Nam kết hợp với trao đổi đàm thoại.

Ví dụ, đề cập đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được các lực lượng yêu nước chống Pháp, có thể kể chuyện GS Trần Đại Nghĩa bỏ nước Pháp phồn hoa với mức lương tháng hơn 20 lạng vàng để về Việt Nam theo lời mời của Bác. Hòa mình trong cuộc kháng chiến gian khổ, ông đã chế tạo thành công súng không giật, súng bazôka giúp cho bộ đội từng bước giành chiến thắng. Cũng trên chuyến tàu về nước năm 1946 cùng GS Trần Đại Nghĩa, KS Võ Quí Huân dù đã có vợ và con nhỏ mới 2 tuổi ở Pháp nhưng ông bỏ lại tất cả để về nước. Chỉ với hai bàn tay trắng, ông không chỉ tập hợp đào tạo đội ngũ cán bộ mà còn cùng anh em thực hiện luyện gang, luyện thép, gây dựng ngành luyện kim ở Việt Nam.

3.2. Sử dụng trong chương trình, hoạt động ngoại khóa

Nếu coi di sản các nhà khoa học là chất liệu sinh động để giáo dục lịch sử, giáo viên có thể tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa kết hợp giữa nhà trường và các điểm tham quan học tập, trải nghiệm lịch sử. Tùy vào điều kiện của mỗi nhà trường và địa phương, có thể tổ chức những hoạt động như:

– Xây dựng chủ đề dạy học dự án “Những con người làm nên trang sử kháng chiến chống Pháp”, hoặc “Những nhà khoa học góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ” nhằm phát triển năng lực nghiên cứu và khả năng sáng tạo của học sinh. Thông qua việc tìm kiếm, đọc các thông tin về các nhà khoa học Việt Nam từ nhiều nguồn khác nhau, học sinh có thể tạo ra các sản phẩm như bài thuyết trình giới thiệu về những con người cụ thể làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến.

– Tham quan, học tập trải nghiệm tại các bảo tàng về các nhà khoa học như Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam,… để mục sở thị các tài liệu, hiện vật liên quan. Thông qua những bức ảnh hay kỷ vật cụ thể, học sinh sẽ hình dung bối cảnh của cuộc chiến, tinh thần lao động, học tập… của người đương thời.

– Tổ chức đọc một số sách chân dung về nhà khoa học dành cho thiếu nhi như “Đường vào khoa học của tôi, “Bác sĩ Đặng Văn Ngữ – người trí thức yêu nước”, “Nguyễn Văn Huyên – Hoài bão suốt đời” … Thông qua đó, học sinh vừa rèn kỹ năng đọc sách, vừa suy ngẫm cuộc đời từ những con người cụ thể làm khoa học.

– Sân khấu hóa về các nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: từ câu chuyện của nhà khoa học, giáo viên có thể xây dựng thành kịch bản, hoạt cảnh lịch sử cho học sinh tập luyện, diễn xuất kết hợp với clip hình ảnh để tái hiện lại lịch sử. Ví dụ, chuyện GS Đặng Văn Ngữ nghiên cứu nấm peniciline để cứu chữa thương bệnh binh, chuyện KS Võ Quí Huân từ tay trắng chế ra những mẻ gang đầu tiên cho đất nước… Học sinh trường THCS Nguyễn Văn Huyên (Hoài Đức, Hà Nội), cách đây mấy niên khóa đã tự xây dựng kịch bản và diễn vở kịch xúc động về “Hoài bão của nhà khoa học Nguyễn Văn Huyên”.

– Xem phim tư liệu lịch sử nói về đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Giáo viên có thể dành thời lượng nhất định trong giờ học để chiếu những đoạn phim hoặc bộ phim ngắn về những tấm gương yêu nước, tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận, đàm luận về những bài học, giá trị rút ra từ câu chuyện của các nhà khoa học Việt Nam. Chẳng hạn, phim “Ông Phật làm súng” về GS Trần Đại Nghĩa, clip “Tiếng gọi quê hương” nói về câu chuyện trở về nước của ba nhà khoa học (GS Trần Đại Nghĩa, KS Võ Quí Huân và GS Trần Hữu Tước)…

Những hoạt động đa dạng được lồng ghép trong các bài học lịch sử sẽ giúp học sinh tái hiệu quá khứ sinh động, qua đó góp phần phát triển năng lực và phẩm chất công dân.

Việc dạy học về các nhân vật lịch sử nói chung và các nhà khoa học nói riêng không phải mới, vấn đề có tính thách thức là làm sao phát huy tối đa năng lực và bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh khi vận hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nguồn tư liệu về các nhà khoa học, các nhân vật lịch sử rất đa dạng, phong phú, cần được nghiên cứu, sưu tầm và chọn lọc để đưa vào sử dụng giảng dạy lịch sử trong nhà trường. Việc sử dụng nguồn tư liệu này sẽ mang đến nhiều lợi ích đáng kể giúp học sinh khám phá lịch sử và mở mang kiến thức nhiều hơn thông qua những con người, câu chuyện cụ thể, sinh động.

Nguyễn Mạnh Hưởng – Trần Bích Hạnh

—————

Tài liệu tham khảo

1. Hàm Châu (2014), Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại – Một số chân dung, Nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Thị Côi (2011), Rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ sư phạm môn Lịch sử, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội.
3. Trần Bích Hạnh (2021), Dạy học về danh nhân lịch sử – một cách giáo dục thâm thúy, Báo Giáo dục và thời đại, số thứ hai, ngày 12-4, tr.28-29.
4. Nguyễn Thanh Hóa (2019), Trí thức Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
5. Hà Thị Thu Huyền (2020), Sử dụng hồ sơ nhân vật được mang tên đường phố, trường học tại địa phương trong dạy học lịch sử ở trường THCS quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Luận văn Thạc sỹ, Thư viện ĐHSP Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Thanh Hóa (2021), Vài ý tưởng xây dựng Bảo tàng về khoa học và các nhà khoa học Việt Nam, Báo cáo khoa học Hội thảo toàn quốc lần 3, Nxb Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội.
7. Nguyễn Mạnh Hưởng, Lê Thị Thúy An, Trần Tấn Hải… (2021), Giáo dục học sinh ghi nhớ vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939 – 1945), Tạp chí Thiết bị Giáo dục, số 242, tr.60-62; 90.
8. Băng Tâm (2003), Trung tâm tiểu sử quốc tế và vấn đề xây dựng Trung tâm tiểu sử quốc gia, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Các phương pháp sử dụng tiểu sử danh nhân phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các nước châu Á, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
9. Phạm Hồng Tung (chủ biên) (2019), Hướng dẫn dạy học môn Lịch sử chương trình giáo dục phổ thông mới, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội.
10. Walter Isaacson (2020), Einstein: Cuộc đời và vũ trụ, Nxb. Thế giới, Hà Nội.