‘Song song’: Phim remake quá nhạt nhòa dù bản gốc hấp dẫn
‘Song Song’ sẽ là một bộ phim thất bại về mặt doanh thu bởi những điểm yếu trong việc remake tác phẩm thành công của nước ngoài.
Phim “Song song” và ý tưởng “xuyên không” liệu có thắng lớn?;
Các bộ phim Việt Nam làm lại từ tác phẩm nước ngoài và thành công ở thị trường trong nước không phải là hiếm. Năm ngoái, ‘Tiệc trăng máu’ – một tác phẩm remake đã rất thành công khi thu về khoảng 180 tỷ đồng và năm trong top 5 phim Việt Nam ăn khách nhất mọi thời đại đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, để một tác phẩm remake thành công thì cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng biến những cái hay và hút khách của phim gốc thành của mình. Điều này, ‘Song song’ của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng với dàn diễn viên nổi tiếng Nhã Phương, Trương Thế Vinh, Võ Đình Hiếu, Tiến Luật, Khương Ngọc, Hoàng Phi, Mỹ Uyên… không có được.
‘Song song’ là bộ phim remake từ kịch bản gốc tác phẩm ‘Mirage’ của Tây Ban Nha từng rất thành công. Bộ phim xoay quanh chủ đề về hiệu ứng cánh bướm với các dòng thời gian tồn tại song song với nhau. Sau 5 ngày công chiếu, tác phẩm này mới đạt hơn 2 tỷ đồng doanh thu và khả năng cao sẽ lỗ vốn. Dù mới ở tuần thứ 2 kể từ khi ra mắt nhưng ‘Song song’ đã còn khá ít suất chiếu tại các rạp. Khả năng cao bộ phim này sẽ nhanh chóng bị chìm vào lãng quên bởi sắp tới sẽ có rất nhiều tác phẩm của điện ảnh nước nhà được truyền thông một cách rầm rộ ra mắt.
Kịch bản thú vị nhưng làm chưa tới
‘Song song’ kể về câu chuyện của Trang (Nhã Phương) cùng chồng (Trương Thế Vinh) và con gái chuyển về nhà mới. Đây là nơi ở của cậu bé Phong (Thuận Phát đóng vai lúc nhỏ và Võ Đình Hiếu đóng vai khi lớn lên) ở 20 năm trước. Trang phát hiện ra rằng những đồ vật mà Phong để lại trong ngôi nhà như chiếc tivi hay máy quay có thể kết nối được với cậu bé qua màn hình. Từ đây, Trang cứu mạng Phong nhưng lại vô tình rơi vào những sự kiện liên hoàn khiến cuộc sống của cô đảo lộn gần như hoàn toàn.
Có thể nói ưu điểm và cũng là nhược điểm lớn nhất của ‘Song song’ chính là ở phần kịch bản. Tác phẩm gốc ‘Mirage’ ra mắt năm 2018 rất nổi tiếng và được đón nhận trên toàn thế giới nhờ ý tưởng về hiệu ứng cánh bướm và các dòng thời gian song song vốn còn khá mơ hồ nhưng lại hút khách.
Việc lựa chọn ‘Mirage’ để remake là một quyết định khôn ngoan của ekip làm phim ‘Song song’ bởi tính lạ của câu chuyện. Đồng thời, dù nổi tiếng trên thế giới nhưng tác phẩm gốc lại ít được biết đến tại Việt Nam, đảm bảo tính mới lạ với khán giả. Không chỉ vậy, ‘Mirage’ là một tác phẩm mạnh về chủ đề và sự dẫn dắt các tình tiết còn để làm ra một tác phẩm tương tự không hề khó bởi bối cảnh đơn giản, kỹ xảo ít.
Tuy nhiên, vấn đề của ekip làm ‘Song song’ khi remake ‘Mirage’ là việc làm sao để câu chuyện phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp thì người xem sẽ thích thưởng thức những bộ phim dễ hiểu, dễ cảm nhận, hài hước nhưng phải ý nghĩa. Đây là một trong những lý do quan trọng giải thích vì sao ‘Bố già’ hay ‘Tiệc trăng máu’ thành công còn những bom tấn như ‘Tenet’ hay cả ‘Wonder Woman 1984’ thất bại. Ở điều này, ‘Song song’ làm chưa tốt khi bộ phim có vẻ như khiến khán giả khá ‘nặng đầu’ khi xem dù đã cố gắng đơn giản hóa và làm sao cho phù hợp với văn hóa người Việt nhất có thể.
‘Song song’ giữ lại gần như toàn bộ những tình tiết quan trọng nhất của kịch bản gốc và chỉ thay đổi một số phân cảnh cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng bộ phim làm tốt trong việc tạo dựng hình ảnh u ám, tĩnh mịch tạo cảm giác khá bồn chồn cho người xem dù mạch truyện không có quá nhiều tình tiết gay cấn.
Đạo diễn của ‘Song song’ cũng đưa ra các tình tiết về khoa học như như cỗ máy thời gian, sóng từ trường… để tăng thêm tính chất khám phá, ly kỳ của tác phẩm. Đến gần cuối, phim lại có một chút gì đó ngôn tình với câu chuyện tình yêu xuyên thời gian của Trang và Phong. Vì vậy, nếu nhận xét khách quan có thể nói đây là một bộ phim xem được và có thứ để tìm hiểu.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa một bộ phim xem được và một bộ phim hay là rất xa. Song song với một chủ đề khá kén người xem và khó kéo khán giả ra rạp ở thời điểm hiện nay thực sự không xuất sắc để chạm đến cảm xúc và cũng không đủ mạnh để tạo ra những kịch tính đủ mạnh. Điều này được thể hiện ở vụ án chủ đề trong phim do nhân vật phản diện (Tiến Luật) tạo ra chưa được xử lý một cách kỹ càng. Nó khiến người xem không cảm nhận được tâm lý nhân vật và không cảm thấy hồi hộp, ghê rợn với tội ác. Các chi tiết có sự xuất hiện của Tiến Luật cũng chưa đủ ‘nặng’ để kéo theo sự sợ hãi với sự xuất hiện của anh.
Khi tội ác xuyên suốt câu chuyện được làm không đủ tốt thì các nhân vật chính cũng ít có ‘đất’ để thể hiện tâm lý hơn. Vai của Nhã Phương dù xuất hiện từ đầu đến cuối nhưng thực sự có cảm giác các tình tiết khá rối loạn và cũng không đủ kịch tính. Nhiều thời điểm trong phim có vẻ như chính các nhân vật cũng cảm thấy mơ hồ với vai diễn của mình.
Điều này khiến cho các nút thắt của bộ phim không đủ thuyết phục và không chạm tới đỉnh điểm của cảm xúc. Chúng dường như chỉ xuất hiện để câu chuyện thêm logic và được miêu tả một cách khá hời hợt. Cú twist quan trọng nhất ở cuối phim được làm chưa khéo léo khiến người xem cảm giác như mọi chuyện đã được sắp đặt trước chứ không tạo nên bất ngờ.
Nhìn chung, ‘Song song’ sở hữu một kịch bản khá lạ với khán giả Việt Nam. Bộ phim tưởng như dễ remake nhưng lại là thử thách thực sự với những người thực hiện bởi việc làm sao chuyển tải được hết ý nghĩa của câu chuyện gốc sang tác phẩm mới là điều không dễ dàng. Điều này ekip thực hiện tác phẩm làm không tốt và đó là lý do chính khiến bộ phim thất bại ở doanh thu phòng vé.
Diễn xuất nhạt nhòa của dàn diễn viên nổi tiếng
Trong tháng 4, Nhã Phương xuất hiện trong 2 phim điện ảnh là ‘Song song’ và ‘1990’ và đều vào vai những người mẹ. Chưa biết diễn xuất trong ‘1990’ (dự kiến khởi chiếu vào 21/4) sẽ như thế nào nhưng màn thể hiện của cô trong ‘Song song’ có thể nói là không đạt.
Trong bộ phim về thế giới song song mà Nhã Phương xuất hiện từ đầu đến cuối, là tâm điểm của mọi sự chú ý thì cô lại diễn không tốt. Ở ‘Song song’, người xem cần ở Nhã Phương là hình ảnh một người mẹ thương con với những cảm xúc rất phức tạp, khi bị rơi vào hoàn cảnh éo le, bất ngờ thì phải có cử chỉ từ gương mặt đến ánh mắt rất toàn diện. Tuy nhiên, thứ mà nữ diễn viên để lại là những biểu cảm na ná nhau và đặc biệt yếu trong những thời điểm cần chuyển biến tâm lý nhanh và phức tạp. Đồng thời, cách Nhã Phương thể hiện sự bất ngờ trong những khi rơi vào dòng thời gian khác là một màu và khá đáng thất vọng.
Trương Thế Vinh và Võ Đình Hiếu là 2 nam chính của bộ phim. Trong đó, Trương Thế Vinh xuất hiện nhiều ở nửa đầu tác phẩm, diễn xuất ở mức tròn vai, không thực sự nổi bật và nhiều thời điểm cho thấy biểu cảm một màu. Võ Đình Hiếu xuất hiện nhiều ở cuối phim và phần thể hiện của anh là thực sự đáng thất vọng. Cảm xúc nhân vật do Võ Đình Hiếu đảm nhận cần phải được làm kỹ hơn, đa dạng hơn chứ không phải theo kiểu ‘nhân vật chính mà diễn như nhân vật phụ’.
Tiến Luật trong lần nỗ lực làm mới hình ảnh khi xuất hiện với vai phản diện trong một bộ phim có pha chút kinh dị thể hiện ở mức tròn vai. Tuy nhiên, vai của anh có khá ít đất diễn và cảm xúc cũng rất nhạt nhòa nên có thể Tiến Luật chưa thể hiện hết được tài năng của mình.
Nói chung, để làm được một bộ phim về hiệu ứng cánh bướm với các dòng thời gian song song thì đòi hỏi các nhân vật phải có cảm xúc và diễn biến tâm lý cực kỳ ‘dày’. Kịch bản của ‘Mirage’ sau khi được Việt hóa đã không còn giữ được chiều sâu nội tâm của các nhân vật ở nửa sau tác phẩm. Điều này khiến các diễn viên cũng khó có thể thể hiện được hết năng lực của bản thân.
Kết
‘Song song’ là một bộ phim có chủ đề lạ nhưng khi Việt hóa thì đã không còn giữ được những điểm ưu tú nhất của tác phẩm gốc. Bộ phim chưa mang đến cho khán giả những cảm xúc gay cấn, kịch tính nhất và thất bại doanh thu là điều dễ hiểu.
Phim đang được chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc!
T.T