‘Song song’: Bản remake nhạt nhòa của ‘Mirage’
Gợi tò mò nhờ ý tưởng “Hiệu ứng cánh bướm”
Song song là bộ phim được “remake” (làm lại) từ kịch bản gốc Tây Ban Nha mang tên Mirage. Bản gốc vốn gây chú ý nhờ phong vị lạ, lấy ý tưởng từ hiệu ứng cánh bướm và các dòng thời gian tồn tại song song. “Hiệu ứng cánh bướm” là giả thuyết miêu tả một tác động nhỏ ban đầu có thể dẫn đến hệ quả lớn không thể lường trước. Bộ phim cũng đánh dấu màn tái xuất của nữ diễn viên Nhã Phương trên màn ảnh rộng sau thời gian dài lui về hậu phương để sinh con và chăm sóc gia đình. Bên cạnh Nhã Phương, phim còn có sự tham gia của Trương Thế Vinh, Tiến Luật, Khương Ngọc, Hoàng Phi, Mỹ Uyên…
Nhã Phương cảm ơn Trường Giang đã chịu cô đơn 1 tháng trời vì phim ‘Song Song’
Song song kể câu chuyện về Trang (Nhã Phương), một nữ y tá tài năng có cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người chồng tên Quân (Trương Thế Vinh) cùng con gái Cún (Bảo Tiên). Tuy nhiên khi chuyển về căn nhà mới, Nhã Phương tình cờ kết nối được với cậu bé Phong, chủ cũ của căn nhà trong quá khứ qua chiếc ti-vi cũ bị bỏ lại. Cô vô tình can thiệp vào một sự việc động trời có liên quan đến vụ án mạng ở nhà hàng xóm, từ đó làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống ở hiện tại. Bỗng nhiên mất tất cả, Trang buộc phải tìm cách xoay chuyển mọi thứ trở về với thực tại ban đầu. Nhưng càng dấn thân, Trang càng phát hiện ra nhiều bí mật kinh khủng.
Nhã Phương trong vai nữ chính Trang và Trương Thế Vinh trong vai Quân
ẢNH: ĐPCC
Triển khai bộ phim dựa trên một kịch bản ăn khách có sẵn vừa là thế mạnh, vừa là “yếu huyệt” của Song song. Nhờ có một cốt truyện ly kỳ, hội tụ đủ các yếu tố từ kỳ ảo, trinh thám, kinh dị cho đến tình cảm mà Song song mang được đến cho khán giả sự tò mò, lôi cuốn ở những phút ban đầu. Bên cạnh đó, việc đặt bối cảnh quay ở Đà Lạt năm 1999 là một bước Việt hóa khôn ngoan và thuyết phục của ê-kíp. Sự trầm lặng, tĩnh mịch của thành phố sương mù trong mùa giông bão khoác lên cho bộ phim màu sắc vô cùng kỳ bí và hồi hộp. Những cú máy “follow” theo chân nhân vật trong căn nhà tờ mờ ánh sáng mang lại cảm giác rợn người của những bộ phim kinh dị kiểu Nhật được nhiều khán giả yêu thích.
Tiết tấu, màu sắc phim ở hồi 1 mang đến sự rùng rợn của các bộ phim kinh dị kiểu Nhật Bản
ẢNH: ĐPCC
Phần kỹ xảo của Song song được thực hiện rất tốt
ẢNH: ĐPCC
Đối với những ai chưa từng xem qua bản gốc Mirage, Song song có thể là một sự lựa chọn thú vị. Bởi xuyên suốt bộ phim được cài cắm nhiều chi tiết bí hiểm và những cú “twist” lần lượt được lật giở. Phim kích thích được những suy tư, trăn trở và sẽ khiến cho người xem phải “đoán già đoán non”. Một điểm sáng nữa của Song song nằm ở phần kỹ xảo. Phần hiệu ứng hình ảnh thể hiện sự giao thoa của hai thế giới , quay ngược thời gian, sự co giãn tỉ lệ khung hình có ý đồ được thực hiện khá khéo léo, mãn nhãn. Các cảnh bão bùng, sấm chớp đều rất chân thật. Qua đây có thể thấy, điện ảnh Việt đã hoàn toàn sẵn sàng cho những bộ phim mang tính kỳ ảo, có yếu tố bẻ cong thực tại, không gian, thời gian…
Chưa đủ thuyết phục do “hụt” cảm xúc
Dù khá kích thích ở phần mở đầu nhưng Song song lại có một tổng thể khá khiên cưỡng và thiếu hụt đi cảm xúc. Về mặt thẩm mỹ , phim gây cảm giác khá khó chịu ở hồi 2 khi màu sắc trở nên quá tăm tối. Trong khi đó, những cảnh quay ở quá khứ khi nữ chính gợi nhớ lại quãng đời sinh viên lại trở nên mơ mộng, lãng mạng một cách thái quá như một bộ phim ngôn tình tuổi thanh xuân. Việc “lệch pha” trong màu sắc, nhịp điệu lại vô tình khiến cho khán giả bị rơi ra khỏi mạch cảm xúc và khiến phim đánh mất âm hưởng “thriller” (rùng rợn) chủ đạo cần được duy trì. Bên cạnh đó, phim cũng mắc phải lỗi chèn hiệu ứng âm thanh, hình ảnh thừa thải. Một số trường đoạn áp dụng kỹ thuật quay phim “whip pan” (lia máy nhanh) được “trình diễn” một cách không cần thiết. Điển hình như phân cảnh nhân vật Trang và thanh tra Phong (Vũ Đình Hiếu) trò chuyện tại đồn cảnh sát. Hai nhân vật thoại bị chậm nhịp, nội dung cũng không có gì quá kịch tích để phải áp dụng hiệu ứng hình ảnh này.
Lộ diện chàng trai dám ‘khóa môi’ Nhã Phương trước mặt Trường Giang
Về mặt nội dung, Song song dù không thay đổi nhiều các tình tiết so với kịch bản gốc của Tây Ban Nha nhưng vẫn tồn tại nhiều hạt sạn. Cách dựng phim có lúc quá chậm rãi, có khi lại quá hấp tấp dễ khiến người xem bị hoang mang. Những đoạn đinh cao trào ở cuối thực tại thứ 2 lại bị đẩy quá nhanh và đưa nhân vật đến những hành động, quyết định vô cùng chóng vánh. Càng về sau, Song song càng “đuối” và đánh mất yếu tố hồi hộp. Mối quan hệ giữa nữ chính Trang, cậu bé Lê Phong và nhân vật nhà khoa học dị biệt do Khương Ngọc đảm nhận bị xây dựng rời rạc, thiếu thuyết phục. Trong khi đó, bộ ba nhân vật này trong bản gốc Mirage lại có sự liên đới rất vững chắc.
Bên cạnh yếu tố kinh dị, phim có đưa vào yếu tố tình yêu, tình cảm gia đình nhưng chưa đủ đậm đà
ẢNH: ĐPCC
Nhiều chi tiết thuộc khâu thiết kế bối cảnh được dàn dựng khá hời hợt. Như cách cánh cửa nhà thanh tra Phong lại có chốt khóa nằm ở bên ngoài ban công. Các lý thuyết vật lý được minh họa bằng hình vẽ trong phòng nghiên cứu của vị giáo sư cũng thiếu thuyết phục vì mang hình thù của tranh vẽ thiếu nhi. Ngoài ra, phim tồn tại nhiều câu thoại hết sức ngô nghê, dù được thốt ra trong bối cảnh nghiêm túc, căng thẳng nhưng lại khiến khán giả phải phì cười.
Cuối cùng, nhược điểm lớn nhất của Song song vẫn nằm ở phần xây dựng tâm lý nhân vật và diễn xuất của diễn viên. Ở hồi cuối của phim, nhân vật chính Trang do Nhã Phương thủ vai có phản ứng rất hấp tấp, không phù hợp với bản tính thận trọng, thông minh mà cô gái này đã luôn thể hiện ngay từ đầu. Nhân vật của Tiến Luật có tâm lý rất thú vị nhưng bị khai thác khá nông và ít đất diễn. Với thực lực diễn xuất của Tiến Luật, anh hoàn toàn có thể mang đến cho phim một vai phản diện chất lượng hơn, để lại sự ám ảnh trong lòng khán giả.
Nhân vật của Tiến Luật sẽ rất ấn tượng nếu được trao thêm đất diễn
ẢNH: Facebook phim
Ở lần trở lại với điện ảnh này, thật tiếc khi Nhã Phương vẫn chưa thể đem đến phong độ diễn xuất đột phá như người hâm mộ kỳ vọng. Dù đã biết tiết chế nước mắt và những cú chau mày nhưng Nhã Phương vẫn bị đuối khi đảm nhận một vai nặng tâm lý như vai y tá Trang. Những dằn vặt, phẫn nộ và hoang mang của nhân vật đều được cô thể hiện một màu. Đó cũng là lý do mạch cảm xúc trong phim chỉ đạt đến mức trung bình, thiếu bùng nổ. Khán giả xem để biết những gì diễn ra tiếp theo chứ không thật sự hiểu và yêu thương nhân vật. Đài từ và cách nhấn nhá thoại có lẽ cũng là một yếu tố Nhã Phương cần phải cải thiện nhiều trong tương lai vì cô thường xuyên thoại bị nuốt chữ cuối của câu.
Nhã Phương vẫn còn bị đóng khung trong nét diễn ủy mị
ẢNH: ĐPCC
Đứng ở vị trí một phim điện ảnh độc lập, Song song có khả năng kéo khán giả ra rạp nhờ chủ đề lạ. Tuy nhiên, khi bị thiếu hụt về mặt cảm xúc, Song song sẽ khó lòng thoát khỏi tình cảnh bị so sánh với bản gốc Mirage vốn đã quá thành công trước đây. Bộ phim đang bị rơi vào trạng thái lưng chừng. Song song chưa đủ ly kỳ, rùng rợn để thu hút những “mọt phim” kinh dị. Và cũng chưa khai thác được triệt để các khía cạnh cảm xúc để trở thành một bộ phim tâm lý để lại dư âm trong lòng khán giả. Hơn nữa, việc ra rạp gần thời gian với bom tấn Godzilla vs Kong thuần tính giải trí hay Minari và Promising Young Woman mang đậm sắc thái nghệ thuật cũng sẽ là một thử thách lớn dành cho bộ phim.