‘Song song’ – bộ phim nhạt nhòa của Nhã Phương
Song song của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng là phim Việt đầu tiên ra rạp trong tháng 4. Cũng như nhiều dự án khác, tác phẩm từng dự kiến chiếu từ 2020, nhưng phải hoãn nhiều lần vì đại dịch Covid-19. Đây là bản remake của Mirage – bộ phim Tây Ban Nha được đánh giá cao và hiện chiếu trên Netflix.
Năm 1999, trong cơn bão, cậu bé Phong (Thuận Phát) ở nhà một mình, đang ghi hình video ca hát thì nghe tiếng la hét từ hàng xóm. Cậu chạy sang ngôi nhà, phát hiện một vụ án rồi hoảng hốt chạy ra đường, thiệt mạng vì đụng xe. Vụ tai nạn giao thông dần rơi vào quên lãng và nhiều người khác đến sống tại khu vực này.
Năm 2019, Trang (Nhã Phương) đang sống hạnh phúc với người chồng bảnh bao, thành đạt tên Quân (Trương Thế Vinh) và con gái (Bảo Tiên) ở nhà mới. Cô phát hiện chiếc tivi và máy quay cũ, có thể giúp mình giao tiếp với cậu bé Phong qua màn hình. Đã nghe kể về bi kịch, Trang can thiệp để cứu Phong thoát chết. Điều đó tạo ra chuỗi sự kiện liên hoàn khiến thế giới của chính cô thay đổi.
Nhã Phương và Trương Thế Vinh đóng vai vợ chồng trong phim.
Trang tỉnh dậy trong thực tại mới mà cô không còn gia đình như trước. Chẳng ai tin câu chuyện phi lý của một người phụ nữ đi tìm đứa con không tồn tại. Niềm hy vọng của cô dồn hết vào việc tìm kiếm Phong – người duy nhất biết về cuộc liên lạc.
Khai thác đề tài hiệu ứng cánh bướm
Có thể nói, nhà sản xuất đã khôn ngoan khi chọn Mirage để làm lại. Quy mô tác phẩm Tây Ban Nha vừa vặn với khả năng điện ảnh Việt, trong khi câu chuyện đủ sức hấp dẫn nhờ yếu tố phá án và xuyên không. Đạo diễn Oriol Paulo của bản gốc nổi tiếng với những phim ly kỳ không đòi hỏi kinh phí cao, nhưng vẫn thành công lớn, như The Invisible Guest hay The Body. Một điểm thuận lợi khác của Song song là có nhiều khán giả đại chúng chưa biết đến Mirage, nên vẫn có thể gây bất ngờ.
Cũng như bản gốc, Song song tràn ngập những cú twist trên con đường Trang tìm lại cuộc sống hoàn hảo của mình. Phim khai thác ý tưởng về hiệu ứng cánh bướm, khi một hành động có thể gây ra hệ quả liên hoàn đến nhiều thứ khác.
Trong thực tại phát sinh, nhân vật chính tập làm quen với số phận mới của những người cô từng quen biết. Trên hành trình tìm lời giải, Trang liên tiếp phát hiện các bí mật và thay đổi góc nhìn của bản thân về những gì cô từng yêu quý. Tiền đề thú vị gợi tò mò cho khán giả đặt ra suy đoán của riêng mình.
Nhã Phương xinh đẹp, nhưng biểu cảm chưa đủ mạnh cho vai diễn nặng ký.
Bên dưới lớp vỏ bí ẩn, ly kỳ, câu chuyện để lại một số tình thế để ngẫm nghĩ. Liệu thực tại của những lời nói thật có hạnh phúc hơn của dối trá? Nếu muốn tìm lại cuộc sống cũ, phải chăng Trang phải để cậu bé chết như trước? Trả lời những băn khoăn này, tác phẩm mang đến cái kết hợp lý với luật nhân quả.
Ở phim đầu tay Ống kính sát nhân, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng từng gây chú ý bởi lối sử dụng hình ảnh tương phản mạnh, nhiều khung hình có ý đồ dàn cảnh. Tuy nhiên, tác phẩm này thất bại bởi kịch bản lỏng lẻo, vụ án xương sống trong câu chuyện thiếu sự kịch tính.
Khi thực hiện một câu chuyện tốt như Mirage, nhà làm phim trẻ loại được điểm yếu kịch bản và cho thấy dấu ấn nhất định về mặt hình ảnh. Nhiều trích đoạn bộc lộ được chất ly kỳ, bí ẩn cần có trên màn ảnh.
Phân cảnh cậu bé ngồi đàn hát trước ống kính gợi cảm giác bất an trước khi chuyện không hay xảy ra. Một cảnh giữa phim – khi kẻ phản diện tìm thấy cậu bé – gây kịch tính nhờ cách dàn cảnh, chuyển động bất ngờ và canh thời gian tốt.
Song song là tác phẩm cho thấy tiềm năng và gu hình ảnh của đạo diễn ở thể loại này, dù đáng tiếc là vẫn đuổi sức ở đoạn cuối do nhịp dựng, diễn xuất và lối kể sến.
Một đoạn dựng phim để kể chuyện quan trọng hoàn toàn thiếu hụt cảm xúc do đôi diễn viên chính không tương tác tốt, những cảnh nối tiếp nhau chưa đắt giá và tên thương hiệu làm phân tán tập trung. Lối xử lý ở phân cảnh cuối chưa tạo được dư âm như bản gốc. Trước đó, cách phim chạy dòng chữ để giải thích hiệu ứng cánh bướm lại quá trực diện, giống như “thuyết minh” cho người xem.
Nhã Phương nhạt nhòa trong vai chính
Trở lại đóng chính điện ảnh sau hai năm, Nhã Phương chưa thể hiện phong độ tốt nhất. Nhân vật chính là một người bình thường bị đặt vào hoàn cảnh dị thường, đòi hỏi nhiều cảm xúc, từ bất ngờ, hoảng hốt, bối rối đến đau khổ.
Nữ diễn viên không đủ sức diễn đạt số lượng lớn cung bậc đó trong gần hai giờ thời lượng. Cô làm tương đối tốt ở những cảnh tình mẹ hay sợ hãi, nhưng đuối sức khi vai chính biến chuyển tâm lý phức tạp khi về cuối, chưa thể hiện rõ sự quyết đoán trong hành động.
Trên thực tế, nếu so với Mirage, Song song cũng đã cắt bớt một số cảnh nội tâm của nhân vật như những đoạn hồi tưởng về con gái. Bộ phim Việt không xây dựng quá nhiều tình tiết về cuộc sống hiện tại của Trang như tác phẩm Tây Ban Nha. Do đó, màn trở lại của Nhã Phương trên màn ảnh rộng còn để lại nhiều nuối tiếc.
Tiến Luật trong vai nhân vật nguy hiểm, khác hình tượng quen thuộc của anh.
Sau vai hài duyên trong Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử, Tiến Luật có nỗ lực làm mới bản thân trong vai người đàn ông lầm lì, bí hiểm, và là nguồn cơn bi kịch câu chuyện.
Trái lại, Võ Đình Hiếu gây thất vọng khi được giao vai quan trọng. Biểu cảm đều đều của anh khiến nhân vật nhạt nhòa, chưa tạo hiệu ứng cảm xúc cần thiết. Tương tác giữa anh và Nhã Phương cũng không tốt, dù cả hai từng ăn ý khi đóng cặp trong phim ngắn Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò gây sốt nhiều năm trước.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
(Theo Zing)
Nhã Phương: ‘Trường Giang chê tôi diễn cảnh hôn xấu’
‘Sau khi có con gái, vợ chồng Phương yêu nhau nhiều hơn. Anh Giang đồng hành với Phương về mọi mặt” – Nhã Phương chia sẻ.