Sống Khiết Tịnh ở người trẻ chưa kết hôn (1)
[
Điểm đánh giá
5
/5 ]
1
người đã bình chọn
Trên bia mộ của Thánh nữ Maria Goretti- có ghi hàng chữ “Maria Goretti, Sinh ngày 16.10.1890, tạ thế ngày 6.7.1902, Vì bảo toàn bông huệ khiết trinh”. Cô bé Maria Goretti 12 tuổi được tuyên phong thánh tử đạo vì cô bé liều chết để bảo vệ sự trinh khiết của mình. Các bạn trẻ, cách riêng các bạn trẻ Công Giáo hãy xác tín: khi cố gắng giữ gìn sự trong sạch của thân xác, bạn đang trên đường trở nên con người viên mãn đích thực, nên THÁNH đó!
Các bạn trẻ có thể phản ứng: xưa rồi! Ngày nay xã hội tỏ ra “bình thường hóa” quan hệ thân xác ở các bạn trẻ chưa lập gia đình. Rõ ràng hiện tượng “góp gạo sống chung” ngày đang lan rộng trong xã hội Việt Nam cơ mà. Và rồi các bạn trẻ ca thán Giáo hội Công giáo dường như quá nghiêm khắc khi vẫn tiếp tục “điệp khúc” muôn thuở: phải giữ gìn sự trong sạch thân xác, chỉ được quan hệ thân xác sau khi kết hôn! Các bạn tự hỏi có phải Giáo Hội đang lạc lõng “cổ lỗ sĩ” giữa trào lưu sống hiện đại, Giáo hội không hiểu tâm tư nhu cầu của người trẻ?
Nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Albert Einstein đã nói: “Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng, Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng”. Tôi sẽ không “áp đặt” lên các bạn những “giáo điều” đâu, mà mời gọi các bạn cùng tôi tìm hiểu vấn đề sống khiết tịnh ở người trẻ trước hôn nhân cả về mặt đời lẫn mặt đạo để tự các bạn suy tư và chọn lựa thái độ sống đúng đắn, và rồi các bạn có thể tìm được hạnh phúc của chính mình.[1]
I. KHÁI NIỆM VỀ CON NGƯỜI
Khó có quan niệm chính xác với nhiều tôn giáo khác nhau, tuy nhiên, hầu hết các tôn giáo đều có chung khái niệm về con người như:
1. Con người là một động vật có lý trí
Vậy, bạn phải sống hợp với lý trí, lẽ phải, nếu không, nói một cách khó nghe nhưng đúng là bạn sẽ chỉ sống ngang tầm mức động vật mà thôi!
2. Con người là hồn và xác
Vậy, những gì liên quan đến thân xác là liên hệ đến toàn bộ con người các bạn.
Con người là hồn và xác, hay “một tinh thần mang thể xác”. Thân xác cần thiết cho các hành vi tinh thần, hành vi tư duy. Không thể có tư duy mà không có sự giáo dục dần dần toàn diện thân thể. Con người sinh ra yếu đuối, nhưng mang theo khi chào đời cái khả năng tăng trưởng để rồi sau đó trổi vượt trên hết các thụ tạo khác. Ở bộ não con người, có một sự dung hợp bổ sung cho nhau giữa các yếu tố di truyền bẩm sinh và các yếu tố thụ đắc từ học tập, kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhờ vậy con người phát triển không ngừng.[2]
Trong đời sống, tinh thần và thể xác gắn liền mật thiết với nhau. Sức khỏe tốt là khả năng cảm nhận sự thoải mái về hai phương diện thể xác và tinh thần.[3] Ngày nay khoa học chứng minh được rằng tinh thần và thể xác ảnh hưởng qua lại lẫn nhau một cách chặt chẽ. Các yếu tố tâm lý cảm xúc tác động mạnh mẽ đến hệ thống miễn nhiễm (cơ chế phòng chống bệnh tật chính của cơ thể). Những tình cảm tích cực như yêu thương, yên ổn, thỏa mãn trong công việc và tin tưởng dường như tăng cường khả năng chống đỡ của hệ thống miễn nhiễm, giúp cơ thể tránh được bệnh. Trái lại các tình cảm tiêu cực, âm tính như lo âu, căng thẳng, thất vọng, chán nản…có xu hướng làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm, và do đó giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.[4]
Thân xác con người truyền thông được sức mạnh thần linh, tình cảm tôn giáo. “Con mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Như thế, “Linh hồn đào tạo và giáo dục thân xác của mình để có thể tự nắm bắt bản thân nó; còn thân xác thì dùng hành động của mình giúp cho linh hồn tự nhận biết mình và diễn tả chính mình. Như vậy, linh hồn là một tinh thần ý thức về mình bằng cách xây dựng thân xác mình trong tương quan với chính mình và với thế giới”.[5]
Khi chúng ta nhìn nhận thân xác ta chính là ta đó, chúng ta sẽ nhìn thân xác của nhau một cách nghiêm túc và trân trọng. Khi chúng ta ý thức rằng các tương quan chúng ta phụ thuộc vào thân xác chúng ta, thì chúng ta cũng ý thức rằng tất cả các diễn tả của thân xác như một nụ hôn, một sờ chạm, một vòng ôm, một nụ cười, một ánh mắt, một bắt tay siết chặt…truyền thông cái chính yếu của sự khác nhau của các tương quan.
3. Con người là một hữu thể xã hội và hữu thể tính dục
Con người sống trong thế giới với các mối tương quan trách nhiệm với chính mình, với gia đình, làng xóm, cộng đồng xã hội, trong tư cách là người nam hay người nữ. Con người không thể tự do làm mọi điều mình thích, mà phải nhận định xem hành vi chọn lựa của cá nhân tác động tích cực hay tiêu cực như thế nào trên chính bản thân, gia đình, người thân, và xã hội.
II. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ KHIẾT TỊNH
Khiết tịnh là sức mạnh nội tâm giúp con người kiểm soát những đòi hỏi tình dục. Khiết tịnh đòi hỏi sự tiết dục trên bình diện thể lý, nhưng cũng đòi buộc trên bình diện ý chí và tưởng tượng. Khiết tịnh phải căn bản là một đời sống tinh thần, từ khước các tư tưởng và hành động không phù hợp với nguyên tắc luân lý và giáo huấn tôn giáo về tính dục. Tiết dục chỉ là bước bên ngoài của khiết tịnh, cần được hoàn bị và hướng dẫn bởi thái độ nội tâm trong sạch bên trong. Như vậy trên quan điểm nhân học, khiết tịnh bao hàm : sự trong sạch của thân xác, sự liêm chính của trí tuệ và sự khả ái của tinh thần.
Sống khiết tịnh là tôn trọng thân xác. Một điều cụ thể cho các bạn thanh thiếu niên: tôn trọng thân xác là không quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngoài hôn nhân. Chúng ta sẽ giải thích lý do ở các phần sau.
III. HIỂU BIẾT Y HỌC VÀ XÃ HỘI VỀ THÂN THỂ CON NGƯỜI
1. Phân biệt giới tính bình thường trên phương diện y khoa
Xin tham khảo thêm phần này trong bài “Chuyển giới tính: Một nhận định trên phương diện khoa học và luân lý Công Giáo”, Hiệp Thông số 99 (tháng 3 và 4 năm 2017).
Một cách khái quát, giới tính bao gồm năm khía cạnh: bộ nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục bên trong, bộ phận sinh dục ngoài, nội tiết tố (hormone) giới tính, và tâm lý giới tính. Ngoài ra, có thể kể thêm đặc tính phụ của giới tính. Ở một con người bình thường, năm khía cạnh này cùng với đặc tính phụ giới tính phải thống nhất và hài hòa.
Nguồn gốc con người với hai giới tính khác nhau và bổ túc cho nhau, cũng đồng thời là ơn gọi tự nhiên của chúng ta sống yêu thương, hiệp thông với nhau và hướng đến sự sống viên mãn.
2. Sự thay đổi của cơ thể trong thời kỳ dậy thì
“Nữ thập tam, nam thập lục” là một câu nói thời xưa muốn ám chỉ về độ tuổi dậy thì ở nam và nữ, nhưng ngày nay, tuổi dậy thì có thể bắt đầu sớm hơn do yếu tố môi trường, ngoại cảnh tác động trên tâm trí và thể lý các em. Một giai đoạn khiến trẻ thay đổi cả về tâm lý, sinh lý và ngoại hình, biến những cô bé thành những thiếu nữ xinh đẹp, thân mình uyển chuyển, những cậu trai nhỏ trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn, nam tính hơn…
Nội tiết tố có thể xem như là các sứ giả hóa học thông tin cho các mô (tissues) trong cơ thể để mang lại các sự thay đổi chuyển hóa khác nhau. Ở người nữ, nội tiết tố sinh dục là oestrogen và progesterone. Dấu hiệu rõ nét đánh dấu thời kỳ dậy thì ở người nữ là hiện tượng kinh nguyệt. Bắt đầu từ khi ấy, người nữ có thể thụ thai nếu quan hệ thân xác.
Tinh hoàn ở người nam sản sinh tinh trùng và androgens là các nhóm nội tiết tố sinh dục nam. Các nội tiết tố này thiết yếu cho chức năng tình dục và sinh sản. Nội tiết tố tình dục chủ yếu của nam là testosterone, chịu trách nhiệm cho quá trình dậy thì, gây xung động tình dục và chức năng tình dục. Dấu hiệu rõ nét đánh dấu thời kỳ dậy thì ở người nam là hiện tượng “giấc mộng ướt”.[6] Khi bắt đầu có hiện tượng này, người nam có thể truyền sinh nếu quan hệ thân xác.
Tuyến yên, một tuyến nhỏ nằm trong não, kiểm soát bài tiết nội tiết tố của tinh hoàn (ở nam) và buồng trứng (ở nữ). Tuyến yên điều khiển tinh hoàn hay buồng trứng thông qua hai nội tiết tố: – Luteinising hormone (LH) và Follicle stimulating hormone (FSH) – cũng được gọi là gonadotrophins. Tuyến yên lại chịu sự kiểm soát của một tuyến lân cận cũng nằm trong não, gọi là tuyến dưới đồi. Vậy, bất cứ rối loạn nào ở tinh hoàn, buồng trứng, tuyến yên, tuyến dưới đồi đều có thể gây rối loạn sản sinh nội tiết tố nam hay nữ, và từ đó có thể ảnh hưởng tâm sinh lý giới tính. Vùng vỏ của tuyến thượng thận còn tiết ra androgen.
Cấu trúc cơ thể và nội tiết tố ảnh hưởng lên tâm lý, tình cảm, một cách tự nhiên người nam và người nữ thường thấy được hấp dẫn lẫn nhau.
Những thay đổi cảm xúc ở tuổi dậy thì: bạn nam bắt đầu kinh nghiệm thôi thúc tình dục nhiều hơn và suy nghĩ về điều này. Bạn nữ cũng có thể bắt đầu thương nhớ vu vơ. Đây cũng là một giai đoạn đầy biến động tâm trạng, “sớm nắng chiều mưa”, thời gian một phút trước có thể cảm thấy phấn chấn, và những phút sau lại tự dưng thay đổi rơi vào một tâm trạng buồn phiền.[7] “Tôi buồn mà không biết vì sao tôi buồn”. Chính vì điều này, và nếu trong hoàn cảnh gia đình ba mẹ không hạnh phúc, các bạn trẻ dễ bị lôi cuốn vào tình yêu tạm bợ, lẫn trốn nỗi cô đơn buồn phiền trong các quan hệ thân xác.
Vài thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt người nữ
Giai đoạn rụng trứng ở giữa chu kỳ kinh nguyệt, lúc mà người nữ thấy nhiều chất nhầy như lòng trắng trứng xuất tiết ở âm đạo. Đó là lúc thường người nữ có thể cảm thấy những ước muốn đòi hỏi của xác thịt. Lúc có kinh nguyệt, tức là bắt đầu một chu kỳ kinh mới, người nữ thường cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối hơn, muốn nghỉ ngơi và cần được nghỉ ngơi, muốn được yêu thương chăm sóc hơn.
Vài đặc điểm sinh lý của người nam
Dương vật (penis) có thể trở nên cương cứng một cách tự động khi người nam trong trạng thái ngủ say. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên bình thường. Điều này có thể xảy ra dù người đó có đang mơ hay không, và dù giấc mơ có hay không có liên quan đến tình dục. Vậy không nên xấu hổ. Đôi khi dương vật có thể cương lên (ngoài sự kiểm soát của ý chí) khi bị sờ chạm.
3. Cảm giác (Sensuality)
Cơ thể có sự vui thú từ cảm giác nhận từ năm giác quan.
Sờ chạm: toàn cơ thể nhạy cảm với sờ chạm và lực ép. Cảm giác chúng ta cũng liên quan đến nhu cầu được ôm ấp, thèm ôm, thèm hôn, thèm vuốt ve và được vuốt ve, gọi là “cơn đói của da thịt” (skin hunger). Theo kinh nghiệm của nhiều nhà thiêng liêng, bàn tay của người nam là một dụng cụ chinh phục mà ít phụ nữ nào thắng được. Bàn tay của người nam rất tham lam. Nếu được chấp nhận, các vuốt ve có đặc tính đi tới, tăng “cường độ” sau mỗi lần gặp gỡ, đi từ vuốt ve ngoài áo đến vuốt ve trong áo, và cuối cùng thì ngay cả áo quần cũng không còn. Thường những động tác này đi trước khởi hứng hành vi giao hợp. Ban đầu có thể người nữ phản kháng, và ray rức lương tâm. Nhưng sau khi chịu rồi thì không còn sức phản kháng. Đặc tính của thân xác là có “bộ nhớ” trên da thịt. Rồi thì sau đó chính người nữ muốn như thế, bị nô lệ cho nhu cầu cảm xúc thân xác.
Ngửi: có những mùi hương gây kích thích, thèm muốn tình dục. Từ xưa đến nay người ta luôn tìm bào chế hương liệu dùng trên thân thể, giúp thân thể thêm sức quyến rũ.
Nhìn: thường là khởi đầu của sự thèm muốn. Những ưa thích đặc biệt về hình ảnh có thể thay đổi từ người này sang người khác. Não bộ có khả năng tưởng tượng, phóng đại về các cử chỉ tình dục tuy người đó không thực hành. Xem phim ảnh khiêu dâm rất nguy hại vì các hình ảnh tác động trên trí tưởng tượng. Nhiều người không kiềm chế được bản thân khi xem các phim ảnh trụy lạc. Dù tác hại nhẹ, có người cần thời gian lâu mới xóa bỏ được những hình ảnh dâm dục của phim ảnh trong đầu óc của mình.
Hình ảnh về chính cơ thể chúng ta cũng là một phần cảm nhận của chúng ta. Chúng ta cảm thấy mình hấp dẫn hay tự hào về cơ thể chúng ta ảnh hưởng trên nhiều phương diện của đời sống chúng ta. Các bạn trẻ chú ý cách ăn mặc, vì áo quần cũng nói lên được một nét tâm hồn. Ông bà chúng ta thường nói “cái nết đánh chết cái đẹp”. Cái đẹp tâm hồn mới nối kết con người với nhau thật sự và bền lâu.
Nếm: Trong các nơi ăn chơi, có các loại thuốc kích thích. Rượu bia thường làm cho con người dễ mất lý trí và không còn khả năng kiềm chế. Đã có một vài bạn nữ mất đời trinh trắng vì tin lầm bạn trai mới quen, bị cho uống thuốc ngủ trong buổi gặp gỡ hẹn hò.
Nghe: vài loại thơ, nhạc, cũng có thể gây kích thích. Phụ nữ thèm muốn bằng lỗ tai, thích nghe những lời âu yếm mật ngọt, lời khen tặng. Từ ngữ cũng có sức nặng đáng kể. Tâm hồn con người có thể được nâng cao nếu nghe bài hát tâm tình thánh thiện, hoặc ngược lại thân xác thấy rạo rực thèm muốn nếu nghe nhạc gợi dục.
Sự thân thiết và tương quan (intimacy & relationship) : khả năng yêu thương, tin cậy, chăm sóc cho người khác dựa trên mức độ thân thiết của chúng ta. Chúng ta học thân thiết từ các tương quan quanh ta, đặc biệt trong gia đình. Để có sự thân thiết thực sự với người khác, cần phải cởi mở, chia sẻ cảm giác và những thông tin cá nhân. Như vậy, khi làm điều này, chúng ta nên nhìn trước khả năng của sự thân thiết có thể xảy ra.
4. Phân biệt từ ngữ và khái niệm về tình dục (sex) và tính dục (sexuality)
Tình dục và tính dục liên quan mật thiết với nhau nhưng là hai thực tại khác nhau. “Tình dục” chỉ đến những phương diện sinh học-thể lý của người nam hoặc nữ, hoặc những hành vi thể lý, đặc biệt hành vi sinh dục đưa đến thỏa mãn khoái lạc, vui thú thể lý. “Tính dục” tuy có bao gồm tình dục, nhưng chỉ ra chiều hướng chủ yếu, nhân vị của toàn thể con người, mà qua đó chúng ta, là nam hoặc nữ, dấn thân vào các mối tương quan với chính chúng ta, với người khác, với thế giới và ngay cả với Thiên Chúa. Như vậy, khái niệm tính dục rộng và sâu hơn tình dục.[8]
5. Phương diện xung động tình dục của giới tính
Tình dục đôi khi là một thúc bách sinh lý mạnh mẽ. Cần chú ý rằng tình dục là một năng lực bao gồm các quá trình kích động như chọn lựa quyết định, cảm xúc, và mọi hình thức giác quan của hành động, tự biểu lộ như tình yêu và ước muốn. Tình yêu có thể được bộc lộ mà không cần tình dục, và các biểu thị thúc bách của tình dục không phải luôn gắn liền với tình yêu. Một số người nữ sai lầm khi thấy có người nam đòi hỏi tình dục nơi mình, lại tưởng rằng vì người ấy yêu mình. Đặc điểm của xác thịt khi đã đụng đến rồi thì khó mà thoát khỏi, vì thân xác lúc ấy được khơi dậy, đòi hỏi. Người ấy lúc đó nhớ xác thịt mà lại ngộ nhận là tình yêu.
Thông thường, các vùng nhạy cảm là những vùng liên quan đến bộ phận sinh dục ngoài, tai, cổ…Tuy nhiên, cơ thể mỗi người mang các vùng nhạy cảm, khoái cảm đặc biệt khác nhau, tùy lịch sử và cơ thể cá nhân mỗi người. Một cử chỉ có thể bình thường đối với người này lại có thể mang một lực khoái cảm mạnh cho người khác. Vậy nên, sự dè dặt thận trọng thật là quan trọng khi ta không biết lịch sử người kia.
Mặc dù thường được tin rằng người nam có xung động tình dục mạnh hơn người nữ, thực sự điều này thay đổi tùy người. Cả nam nữ đều có thể có xung động tình dục cường độ mạnh yếu khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Là điều lành mạnh và bình thường cho người nam người nữ có ước muốn tình dục và diễn tả chúng, nhưng cả nam nữ đều không cần có tình dục để duy trì sức khỏe. Là điều lành mạnh cho người nam người nữ có ước muốn tình dục và diễn tả chúng, nhưng điều quan trọng là quan hệ tình dục chỉ có thể xảy ra trong bối cảnh hôn nhân- TẠI SAO?? Các bạn trẻ hãy quan sát vài sự kiện khoa học và xã hội.
(còn tiếp)
BS. Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 101 (Tháng 7 & 8 năm 2017)
Nguồn: hdgmvietnam.com
—————————————-
[1] Xin chân thành cáo lỗi với bạn đọc vì vài tư tưởng của vài tác giả được sử dụng trong bài này, nhưng vì lý do khách quan chưa tìm lại được nguồn chính.
[2] X. Hoành Sơn, Nhìn từ Phương đông và hôm nay: Con Người Văn Hóa và Xã Hội ngôn ngữ, Ngoại tác và nội tâm, (Nhà Xuất bản Văn Hóa Thông tin, Tp HCM, 2005), tr. 24-25.
[3] Nguyễn thị Hải Phượng biên soạn, Giảm Stress, (Nhà Xuất bản Tổng hợp Tp Hồ chí Minh, 2005), 4.
[4] Bác Sĩ Anthony J. Suttilaro, Living Well Naturally (Houghton Mifflin com. Boston, 1986), bản dịch tiếng việt.
[5] Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Bình Tĩnh, Dịch giả, Quan Niệm Kitô Giáo về Con Người, (Đại Chủng Viện Huế, Lưu Hành nội bộ, 1997), 69. Nguyên bản tiếng Pháp Jean Mouroux, Sens Chrétien de L’Homme.
[6] Hiện tượng phóng tinh, có thể tự nhiên xảy ra trong giấc ngủ.
[7] X. Trần Thị Giồng, “Giáo dục giới tính”, 2004, Lưu hành nội bộ.
[8] Các Giám Mục Hoa-Kỳ, Tài liệu về tính dục con người, 1991.