Sôi động thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp

Thu Giang

  –  

Chủ nhật, 09/10/2022 06:00 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn vốn đầu tư sẽ tiếp tục rót vào thị trường Việt Nam những tháng cuối năm 2022 khi hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang chủ yếu tập trung vào lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, thương mại điện tử, logistics, thực phẩm và năng lượng.

Liên kết nguồn lực tài chính 

Cụ thể, lĩnh vực bất động sản đang ghi nhận có khoảng 20 thương vụ M&A nổi bật. Đáng chú ý nhất là giao dịch của Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã mua 57,82 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex; Công ty cổ phần phát triển Sunshine Homes đã quyết định nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Sao Ánh Dương…

Nhận xét về chiều hướng nêu trên, TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cao cấp Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam – cho rằng, trong bối cảnh các quy định về tín dụng cho ngành bất động sản có nhiều thay đổi thì việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A được các nhà đầu tư tin tưởng.

   Giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp nội địa vẫn chiếm ưu thế.            Ảnh: DN

Đặc biệt, xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam đang là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp trong nước. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau sẽ giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực để phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới. 

Không chỉ riêng lĩnh vực bất động sản, ở lĩnh vực bán lẻ cũng có khoảng 10 giao dịch, trong đó nổi bật là thương vụ Tập đoàn Masan đã chi 110 triệu USD (tương đương 2.500 tỉ đồng) để mua thêm 31% cổ phần và trở thành công ty mẹ của chuỗi trà sữa Phúc Long.

Lĩnh vực thực phẩm có khoảng 7 giao dịch nổi bật như giao dịch M&A giữa Nova Consumer và Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods), Liên doanh giữa Hoàng Anh Gia Lai và Công ty dược phẩm Đông Á để thành lập Công ty Bapi, Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ liên doanh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam hợp tác phát triển chăn nuôi lợn, Tập đoàn PAN đã chi hơn 524 tỉ đồng mua thâu tóm cổ phiếu Bibica…

Giao dịch M&A nội địa vẫn chiếm ưu thế 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 9 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 1.355 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu so với các dự án được đầu tư qua hình thức góp vốn là 2.697 lượt thì con số này đã gần gấp đôi. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vốn đăng ký mới vẫn chiếm áp đảo với 7,12 tỉ USD trong khi đầu tư theo hình thức M&A chỉ đạt 3,28 tỉ USD.

TS Trần Du Lịch – Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, việc mua doanh nghiệp nước ngoài ở nước ngoài, ở những ngành có liên quan thông qua M&A để mở rộng thương hiệu đó là cách làm sẽ đóng góp rất lớn trong vấn đề xây dựng đội ngũ doanh nhân và thương hiệu Việt.

Đặc bệt, khi tỉ lệ lạm phát cao kỷ lục trên thế giới, sự mất giá của nhiều đồng tiền so với USD đã khiến các nhà đầu tư có phần thận trọng hơn, kéo thị trường mua sáp nhập toàn cầu giảm 18% về thương vụ và 27% về giá trị và so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kết quả mua bán sáp nhập vẫn diễn ra khả quan, các doanh nghiệp đang có nhiều điều kiện và lựa chọn hơn trong việc mở rộng các thương vụ mua bán sáp nhập. 

Ông Andrea Guerzoni – Phó chủ tịch hãng dịch vụ kiểm toán EY toàn cầu cũng đưa ra cảnh báo, tại Việt Nam, dù tăng trưởng mạnh mẽ nhưng hoạt động M&A có thể sẽ giảm nhiệt tháng cuối năm 2022 do các nhà đầu tư thận trọng hơn trước các xu hướng vĩ mô có tác động đến nền kinh tế.

Dù có nhiều lợi thế, Việt Nam cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát tăng cao. Đây là những yếu tố quan trọng làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.