Sở hữu trí tuệ và ngành công nghiệp thời trang 2020 – ANLIS Vietnam IP Agent
Nội Dung Chính
Sở hữu trí tuệ và ngành công nghiệp thời trang 2020
Trong những năm gần đây, quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp thời trang, tạo ra thị trường giá trị hơn 2 nghìn tỉ USD. Trong sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông, quyền sở hữu trí tuệ và cách thức bảo vệ của chúng sẽ ngày càng trở nên quan trọng và được chú trọng hơn bao giờ hết trong lĩnh vực này.
Một thiết kế thời trang hay một bộ trang phục được triển khai từ bản thiết kế này thường được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả (copyright) và nhãn hiệu (trademark), ngoài ra có thể bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp (industrial design). Tuy nhiên, mỗi đối tượng bảo hộ lại có một ưu điểm và nhược điểm riêng.
Bảo hộ bản thiết kế thời trang với tư cách là đối tượng của quyền tác giả
Các bản thiết kế thời trang thường sẽ được bảo hộ quyền tác giả. Quyền tác giả sẽ được tự động phát sinh khi các ý tưởng được định hình dưới dạng vật chất nhất định (trên giấy, trên vải,…).
Tuy nhiên việc bảo hộ quyền tác giả đối với các bản thiết kế lại không thể bảo hộ toàn vẹn được tính khác biệt, tính sáng tạo của nó. Do quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức chứ không bảo hộ về nội dung, vì thế các chủ thể khác có thể khai thác nội dung của các bản thiết kế để tạo ra sản phẩm và bán trên thị trường mà không cần sự cho phép của tác giả. Vì vậy, rất khó có thể nói những nhà thiết kế “đạo ý tưởng” của nhau là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Bảo hộ thiết kế cho họa tiết trên vải với tư cách là nhãn hiệu
Nhãn hiệu gắn trên các sản phẩm để tạo ra sự phân biệt giữa các loại hàng hóa với nhau. Các thiết kế thời trang cụ thể phải được gắn trên các nhãn hiệu đã được bảo hộ thì mới có khả năng bảo hộ cho các kiểu dáng/thiết kế đó. Ví dụ các họa tiết trên vải trở thành đặc trưng để phân biệt sản phẩm và nhận diện thương hiệu của một nhà thiết kế, một hãng hay một nhãn hàng, ví dụ như của Louis Vuiton thì có thể đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu.
Ngoài ra, các chủ sở hữu thường khai thác giá trị thương mại của nhãn hiệu trong ngành công nghiệp thời trang bằng cách gắn các nhãn hiệu đã được bảo hộ lên quần áo, sản phẩm và lựa chọn những sàn biểu diễn (runway) làm nơi công bố và quảng bá sản phẩm của mình. Trên thực tế, giá trị của sản phẩm không nằm ở chất liệu của vải vóc mà nằm ở các sản phẩm trí tuệ được gắn trên quần áo, hay tên tuổi của nhà thiết kế.
Bảo hộ thiết kế thời trang với tư cách là kiểu dáng công nghiệp
Về mặt pháp lý thì bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là công cụ hữu hiệu nhất cho các chủ sở hữu bảo vệ thành quả sáng tạo của mình. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ sự bất cập của thời gian thẩm định, của việc công bố kiểu dáng công nghiệp lại tạo cơ hội cho các nhà sản xuất hàng hóa xâm phạm quyền cơ hội được biết đến kiểu dáng công nghiệp đó sớm hơn.
Ngoài ra, ngành thời trang có đặc điểm là vòng đời ngắn và thường cập nhật theo xu hướng, thậm chí theo mùa, vì vậy đến khi chủ sở hữu có được văn bằng bảo hộ trong tay thì thiết kế đó đã có thể “lỗi mốt” trên thực tế và không còn nhiều giá trị khai thác về kinh tế nữa.
Ngành công nghiệp thời trang ngày càng phát triển thì nhu cầu về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng tăng cao. Đối với mỗi nhà thiết kế, cách tốt nhất và nhanh nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình là hãy đăng ký quyền tác giả với các thiết kế quan trọng trong thời gian sớm nhất.
Để tìm hiểu thêm về cơ chế bảo hộ và vai trò của sở hữu trí tuệ đối với ngành công nghiệp thời trang, vui lòng tham khảo thêm bài viết tại tạp chí của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới).